Giờ học, giờ làm lệch ca: Thực hiện được không?
Phóng to |
Giờ học, giờ làm lệch ca: Không khả thi!
Giờ học, giờ làm lệch ca: Thực hiện được không? Xin thưa ngay là không làm được và không khả thi đâu. Việc làm lệch ca này trước đây đã áp dụng rồi nhưng tình trạng không có gì khá hơn, theo tôi:
1. Hệ thống giao thông hiện nay của Hà Nội và TP.HCM quá yếu kém và nhỏ bé so với số lượng dân cư, chỉ khi nào chính quyền giải được bài toán dân số hiện nay của hai thành phố lớn, khi ấy tình hình giao thông mới cơ may ổn định được mà thôi.
2. Các trường học, các công sở, các cơ quan xí nghiệp hiện nay không có xe đưa rước nhân viên nên mỗi người đi mỗi xe, các em học sinh khi đến trường phụ huynh phải đưa đón nên dù có lệch giờ học hay giờ làm việc công sở thì đường phố cũng vậy mà thôi.
3. Khi chính quyền khuyến khích người dân đi xe buýt thì phải đủ số xe buýt để phục vụ chứ không hô hào suông được, nhất là phải có đường dành riêng cho xe buýt.
Nên có chính sách giãn dân ra ngoại thành
Tại sao chúng ta cứ đi tìm lời giải cho bài toán trong vòng luẩn quẩn như vậy nhỉ? Lý do kẹt xe là do cứ tập trung vào thành phố, mọi hoạt động đời sống cứ tập trung tại trung tâm thành phố.
Tại sao ta không có chính sách giãn dân: xây dựng các khu dân cư mới ra ngoại thành + xây dựng bệnh viện + trường học + văn phòng công ty... để người dân an tâm không phải đi vào thành phố khi có việc. Nếu có chính sách như vậy VN ta luôn phát triển và ta không hao tốn bao nhiêu công sức và tiền của cho việc giải bài toán khó này.
Bố trí lệch giờ học của sinh viên ĐH
Muốn giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, trước hết chúng ta phải tìm cho ra nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc. Mà muốn tìm được nguyên nhân, phải có khảo sát, thống kê, thực nghiệm... Nói tóm lại là phải làm theo quy trình, làm cẩn thận, làm đến nơi đến chốn trước khi đưa ra quyết định chính thức, chứ đừng vội vàng mất thời gian, tốn tiền bạc mà còn gây bức xúc cho xã hội.
Tôi thấy giải pháp bố trí lệch giờ học của sinh viên các trường đại học, cao đẳng là giải pháp khả thi vì thực tế những ngày nghỉ, ngày lễ khi số sinh viên được nghỉ thì Hà Nội đường rộng thênh thang chứ đâu có tắc.
Với phương án này, không phải đầu tư, không phải tốn kém, xe vẫn nguyên số lượng, đường vẫn hẹp, vẫn chật, người vẫn nguyên số lượng - chỉ khác ở chỗ là các chuyến xe được chia đều ra trong ngày nên trở thành ít người và do đó không ùn tắc.
Phải nâng cao ý thức tham gia giao thông
Theo tôi, giải pháp hiện nay là làm sao nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, nhưng không phải chỉ bằng tuyên truyền giáo dục đơn thuần mà phải có chế tài. Xin hiến kế như sau:
- Gắn camera để giám sát phương tiện tham gia giao thông và xử lý phạt vi phạm ngay tại văn phòng giám sát của CSGT.
- Quy định chế tài phạt nặng và cho phép phạt nguội đối với chủ xe tham gia giao thông vi phạm.
- Bắt buộc chủ xe mua thẻ tín dụng tham gia giao thông (hoặc đăng ký bằng ATM hiện có), xe vi phạm sẽ phạt bằng cách trừ ngay số tiền phải nộp phạt của chủ xe từ tài khoản này. Ngân hàng được quyền trích từ tài khoản này chuyển tiền về kho bạc để nộp phạt theo giấy báo của CSGT (mà không phải gửi giấy báo về phường như trước đây là không khả thi).
- Bắt buộc duy trì số tiền tối thiểu trong thẻ tín dụng tham gia giao thông (ví dụ: 200.000 đồng). Trường hợp số tiền trong thẻ còn dưới mức tối thiểu thì ngân hàng sẽ thông báo cho CSGT và chủ xe biết để chủ xe nộp thêm tiền vào thẻ.
- Trường hợp xe tham gia giao thông mà không có thẻ tín dụng tham gia giao thông hoặc thẻ còn dưới số tiền tối thiểu cũng bị phạt (giống như phải mua bảo hiểm xe).
Phương án giảm ách tắc do xe buýt
Hiện nay, sở dĩ xe buýt gây cản trở lưu thông là vì: xe buýt đang lưu thông giữa đường thì tấp sang phải vào lề để trả/đón khách. Sau đó lại lái sang trái để tiếp tục lưu thông. Được vài trăm mét lại tấp sang phải vào lề để trả/đón khách. Tiếp đó, lại lái sang trái để tiếp tục lưu thông... Cứ thế xe buýt gây cản trở lưu thông suốt tuyến.
Nếu bạn chạy xe gắn máy ở tốc độ 40km/g, bạn sẽ gặp xe buýt chạy trờ qua trờ lại trước mặt, và bạn cứ phải né sang trái, rồi lại né sang phải. Muốn thoát, chỉ có cách rồ máy chạy thật nhanh, vượt qua mặt xe buýt. Nhưng hiện nay với tình trạng giao thông đông nghẹt, khó mà vượt được. Cho nên cuối cùng đường luôn ách tắc vì xe buýt.
Tôi đã du lịch ở Úc và thấy ở đó người ta bố trí xe buýt chạy thật hợp lý. Tôi có kiến nghị như sau:
- Đối với đường lớn hai chiều: Bố trí ốc đảo giữa đường làm trạm đón/trả khách, xe buýt đang lưu thông, đến trạm chỉ cần dừng lại, khỏi phải tấp vô tấp ra, cho khách xuống bên trái (xe phải bố trí cửa bên trái). Xong đi tiếp.
Trên mặt đường cần kẻ vạch thể hiện trạm dừng xe buýt, để các xe con khác tự biết và tránh sang bên. Những trạm này nên bố trí gần ngã tư có tín hiệu đèn giao thông, để khách tiện băng qua đường theo tín hiệu đèn.
- Đối với đường nhỏ, nên bố trí làm đường một chiều. Xe buýt cũng sẽ trả/đón khách bên lề trái. Mặt đường cũng kẻ tương tự như trường hợp trên, để các xe khác tự né qua. Đi vài trăm mét rồi lại tấp sang phải để trả khách, gây cản trở lưu thông của các xe khác, dẫn đến kẹt xe. Những ốc đảo này thường bố trí gần ngã tư để khách tiện băng qua đường theo tín hiệu đèn giao thông.
Riêng đối với đường nhỏ, nên quy hoạch thành đường một chiều, xe buýt cũng trả và đón khách ở phía bên trái, tại vị trí có vạch sơn ghi rõ là nơi đỗ của xe buýt, các xe khác sẽ phải lưu ý khi lưu thông đến gần những điểm dừng của xe buýt.
Những vấn đề cần giải quyết ngay
Chỉ cần bộ trưởng giải quyết được các vấn đề sau nhất định sẽ giảm:
1. Hoàn thiện triệt để các công trình giao thông còn dở dang: hiện tại Hà nội có nhiều công trình giao thông kéo dài từ ngày này sang tháng khác và chưa biết bao giờ xong. Nếu Hà Nội dồn toàn lực xây công trình nào, dứt điểm công trình đó thì sẽ giảm ách tắc.
2. Xử lý triệt để các công trình lấn chiếm: lấn chiếm hè phố, lòng đường quá tràn lan tại Hà Nội, không nơi nào không có.
3. Đồng bộ các cơ quan: đường làm xong hôm trước hôm sau xới lên lắp cáp, thoát nước, sửa chữa liên tục và lấp lại như cho có.
4. Dứt điểm việc phân làn: Đã không phân thì thôi, phân thì phải rõ ràng, ôtô lấn sang làn xe máy, xe máy leo lên vỉa hè, vỉa hè thì để người dân bán hàng.
5. Cắt xén gọt vỉa hè làm đường: vỉa hè dành cho người đi bộ song thực tế vỉa hè toàn để cho người dân bán hàng, trong khi lòng đường nhỏ hẹp.
6. Dứt điểm việc dời các trường đại học, cao đẳng ra ngoại thành. Các trường đại học không nhất thiết cứ phải ở nội thành, dù bất cứ lý do nào cũng phải di dời theo đúng kế hoạch.
7. Cấm taxi lưu thông vào giờ cao điểm. Giờ cao điểm taxi không cần hoạt động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận