30/08/2011 05:31 GMT+7

Vì sao giao các trung tâm y tế cho quận huyện quản lý?

NGỌC HÀ - XUÂN LONG
NGỌC HÀ - XUÂN LONG

TT - Từ tháng 3 năm nay, UBND TP Hà Nội đã ra quyết định giao quyền quản lý các trung tâm y tế quận huyện, thị xã (gồm cả phòng khám đa khoa, nhà hộ sinh, trạm y tế) cho quận huyện thay vì Sở Y tế TP quản lý như trước đây.

Quyết định này vấp phải sự phản đối từ những người làm việc trong ngành y tế nên đến nay vẫn dùng dằng chưa bàn giao.

Liên tục thay đổi

Không đồng tình với quyết định trên, ông Trần Minh Sơn, giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ (Hà Nội), đặt câu hỏi: “Vì sao công tác phòng dịch đang rất cần sự giám sát, chỉ đạo chuyên môn “có nghề” từ những giáo sư, bác sĩ đầu ngành của Sở Y tế lại chuyển sang cho quận huyện quản lý, trong khi phòng y tế của quận huyện quá mỏng, người có chuyên môn ít?”.

Theo ông Sơn, huyện Phúc Thọ có 15 trạm y tế trong khi phòng y tế huyện chỉ có hai bác sĩ nên việc chỉ đạo chuyên môn có thể sẽ rơi vào tình trạng quá sức. Đại diện công đoàn Trung tâm Y tế huyện Ba Vì - huyện có đến 35 trạm y tế - cũng lo lắng công tác phòng chống dịch bệnh sẽ gặp khó khăn, chậm trễ khi giao các trạm y tế cho huyện quản lý.

Thật ra đây không phải lần đầu tiên UBND TP Hà Nội thay đổi quyền quản lý đối với các trung tâm y tế. Năm 2008, UBND TP Hà Nội từng quy định quận huyện quản lý các trung tâm y tế nhưng đến tháng 7-2009 TP lại giao các trung tâm y tế cho Sở Y tế TP quản lý. Và bây giờ TP lại giao các trung tâm y tế cho quận huyện quản lý như năm 2008.

Ngay sau khi quyết định nói trên được ban hành, ông Nguyễn Văn Dung - phó giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội - đã có văn bản cho rằng việc phân cấp quản lý mới của TP còn thiếu nhiều căn cứ và “khác với phân cấp quản lý hiện hành” được quy định trong một số nghị định của Chính phủ, các văn bản của Bộ Y tế cũng như khác hẳn với thông tư liên tịch số 03/2008 của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ. Tất cả những văn bản này đều yêu cầu “tổ chức sắp xếp hệ thống y tế công, đặc biệt y tế cơ sở tạo mô hình hợp lý, ổn định dựa trên quản lý theo ngành đối với y tế địa phương” và xác định rõ phân cấp quản lý các trung tâm y tế thuộc Sở Y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã có công văn đề nghị TP Hà Nội cân nhắc, xem xét lại việc phân cấp quản lý y tế để ổn định hoạt động ngành y tế thủ đô. Theo Bộ Y tế, nên để Sở Y tế TP chịu trách nhiệm quản lý các cơ quan y tế trên địa bàn, trong đó có các trung tâm y tế. Tuy nhiên, cả kiến nghị của sở và Bộ Y tế đều không được TP chấp thuận.

Theo các chuyên gia dịch tễ, từ khoảng tháng 8 đến cuối năm, miền Bắc sẽ đối diện với hàng loạt dịch bệnh theo quy luật chu kỳ như dịch sốt xuất huyết, dịch cúm mùa... rất nguy hiểm. Nhưng đến nay khi thời điểm này đã tới, sự phân cấp quản lý các đơn vị y tế dự phòng vẫn còn dùng dằng chưa bàn giao khiến người làm chuyên môn hoang mang, lo lắng. Trong khi đó theo đại diện một trung tâm y tế, mỗi lần thay đổi đơn vị quản lý sẽ mất một vài tháng chuyển đổi, ổn định, sắp xếp con dấu.

Luật quy định thì phải thực hiện

Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, TP đã nhận được phản hồi từ Bộ Y tế, Sở Y tế TP như nói trên nhưng do Luật tổ chức HĐND và UBND quy định quận huyện quản lý các trung tâm y tế, trạm y tế nên HĐND và UBND TP mới quyết định phân cấp việc quản lý về cho quận huyện.

Bà Ngọc cũng cho rằng khi phân cấp các trung tâm y tế, trạm y tế về tuyến quận huyện quản lý, chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, thậm chí có cả bất cập trong công tác chỉ đạo và hoạt động về chuyên môn. Tuy nhiên, bà Ngọc cho biết trước mắt TP vẫn chỉ đạo các đơn vị thực hiện bàn giao các trung tâm, trạm y tế về cho quận huyện quản lý và báo cáo TP kết quả bàn giao trước ngày 15-9. “Trong quá trình thực hiện, nếu việc phân cấp này làm cho các trung tâm, trạm y tế yếu đi thì HĐND TP sẽ cho ý kiến và kiến nghị. Còn hiện nay luật quy định thì phải thực hiện” - bà Ngọc nói.

4 năm thay đổi đơn vị quản lý đến 3 lần

Theo Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), ngoài Hà Nội trên cả nước còn có bốn tỉnh, thành phố giao UBND quận huyện quản lý các trung tâm y tế là Thái Bình, Bình Phước, Gia Lai và TP.HCM. Tuy nhiên, các địa phương này đều phân cấp ổn định trong một thời gian dài, không có sự xáo trộn vội vàng. Chẳng hạn, TP.HCM giao quận huyện quản lý các trung tâm y tế từ năm 1998 đến nay, Thái Bình từ năm 2005, Bình Phước và Gia Lai từ năm 2008 mà không thay đổi gì. Chỉ có Hà Nội thay đổi liên tục, bốn năm thay đến ba lần phân cấp quản lý là không ổn (từ Sở Y tế TP qua quận huyện rồi từ quận huyện qua Sở Y tế và nay lại từ Sở Y tế qua quận huyện).

NGỌC HÀ - XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên