21/05/2011 10:03 GMT+7

Tình đồng bào giữa biển khơi

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Khi ốm đau hay tai nạn bất ngờ trong những chuyến đi biển dài ngày, các bác sĩ trong màu áo lính trên biển chính là chỗ trông cậy cứu chữa, gửi gắm niềm tin cuộc sống của ngư dân...

nCKeaUbG.jpgPhóng to

Ca sinh mổ trên đảo Trường Sa được nối cầu truyền hình với Bệnh viện 175 tại TP.HCM - Ảnh: NGUYỄN HÀ NGỌC

Tháng 4, mùa biển êm, tàu cá ra khơi nhiều, cũng là thời gian các bác sĩ quân y ở quần đảo Trường Sa bận rộn công việc cứu chữa ngư dân. Hôm tàu chúng tôi cập đảo Trường Sa, bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc đang tất bật kiểm tra số thuốc men và trang thiết bị y tế của trạm xá. Rất nhiều ngư dân thường xuyên ghé đảo xin khám chữa bệnh, kể cả cấp cứu, nên quân y ở đảo phải luôn trong tình trạng sẵn sàng.

Những ca cứu người khó tin

Bác sĩ Ngọc kể vừa rồi anh mới cấp cứu cho Trung, một ngư dân trẻ tuổi từ Phú Yên ra đánh bắt cá ngừ ở vùng biển này. Trong lúc vận hành máy xay đá để ướp cá, Trung vô ý bị máy cuốn giập bàn tay phải, làm gần đứt lìa mấy ngón tay và các mạch máu quan trọng. Đây là tai nạn rất nghiêm trọng khiến Trung có thể phải cắt bỏ cả bàn tay, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Nếu tàu quay mũi, phải mất mấy ngày mới vào được bệnh viện trong đất liền. Rất may thuyền trưởng đã từng được quân y Trường Sa khám chữa bệnh, nên ông quyết định không vào đất liền mà thẳng hướng tàu tới đảo Trường Sa. Hải trình chưa tới một phần ba vào bờ. Thời gian là quyết định mất còn với bàn tay anh ngư dân trẻ tuổi.

Trò chuyện với chúng tôi, ngư dân các huyện Bình Sơn và Lý Sơn, Quảng Ngãi chia sẻ mỗi chuyến đi biển, đánh bắt xa bờ thường kéo dài một vài tháng. Trong điều kiện sóng gió khắc nghiệt, ngư dân rất khó tránh được ốm đau, tai nạn bất ngờ. Khi đó đường về bệnh viện đất liền quá xa, mất nhiều thời gian, có thể nguy hiểm tính mạng và thiệt hại đến cả chi phí hàng trăm triệu đồng cho chuyến đánh bắt. Vì thế, lựa chọn số một là cầu cứu bác sĩ các trạm xá quân y trên quần đảo Trường Sa. Anh em rất nhiệt tình cứu chữa đồng bào, nhưng nếu có thêm bệnh viện và nhiều thiết bị, bác sĩ hơn thì ngư dân sẽ càng yên tâm đi biển.

“Trung mất quá nhiều máu, người nhợt nhạt, lịm đi...” - bác sĩ Ngọc nhớ quân y phải tức tốc khiêng Trung từ cầu cảng vào trạm xá Trường Sa. Trung nửa mê nửa tỉnh. Ca cấp cứu hôm đó kéo dài suốt mấy giờ. Các bác sĩ phải cố gắng nối lại các ngón tay và mạch máu cho Trung. Mọi trang bị đều thiếu thốn, kể cả êkip mổ, nhưng tất cả vẫn quyết tâm cao độ. Họ nói với nhau: “Bó tay là đầu hàng. Đó là điều không thể chấp nhận với bác sĩ mặc áo quân đội”.

Cuối cùng ca mổ thành công. Bàn tay của Trung được phục hồi nguyên trạng. Sau đó, anh được nằm lại trạm xá ở đảo nửa tháng để phục hồi hoàn toàn. Hôm chia tay, Trung rơm rớm nước mắt xúc động: “Nếu không có bác sĩ ở đảo Trường Sa chắc tôi không còn tay lao động để đi biển nuôi gia đình!”. Rồi anh dùng chính bàn tay được cứu chữa bắt tay cảm ơn các bác sĩ quân y.

Trong cuốn sổ ghi chép ở trạm xá đảo Trường Sa chi chít các ca khám chữa bệnh cho ngư dân và người dân trên đảo. Chỉ riêng năm 2010 đã có đến 240 ca với gần 20 trường hợp phải phẫu thuật. Trong đó có đến bảy ca phải đại phẫu. Bác sĩ Ngọc tâm sự anh có thể nhớ chi tiết từng ca, vì trạm xá chỉ có vài bác sĩ và y tá nên tất cả đều phải nỗ lực cao độ.

Gần đây cũng chính các bác sĩ quân y này đã cứu được sinh mạng ngư dân Trần Giáp ở Quảng Ngãi ra đánh bắt xa bờ. Trong lúc làm việc ban đêm, anh bị móc cẩu lưới cá đập vào đầu gây chấn thương sọ não. Anh Giáp được chuyển vào đảo Trường Sa trong tình trạng hôn mê, giãn đồng tử.

Trường hợp cấp cứu này rất nghiêm trọng lẽ ra phải chuyển vào bệnh viện trong đất liền để xử lý, nhưng thời gian không cho phép nên các bác sĩ ở đảo quyết tâm cứu chữa tại chỗ. Vừa điện thoại tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa trong đất liền, các bác sĩ quân y đảo vừa tự thân nỗ lực với điều kiện tại chỗ. Mấy ngày sau, ngư dân này hồi phục dần rồi khỏe hẳn. Không chỉ anh Giáp xúc động mà các bác sĩ quân y cũng mừng vui.

Chỗ dựa của ngư dân

Hôm tôi ghé đảo Trường Sa, ngoài các bác sĩ quân y Ngọc, Quyền của bệnh xá, còn có bác sĩ khoa sản Hồ Xuân Lãng ở Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa ra hỗ trợ để lo chuyện sinh nở cho ba sản phụ ở đảo. Vừa rồi, một thiên thần bé thơ đã chào đời bình yên trên đảo, các sản phụ khác cũng đang chuẩn bị hạ sinh. Trước đó, họ mới phẫu thuật ruột thừa tốt đẹp cho bé Hồng 7 tuổi sống ở đảo.

Hiện nay, không chỉ trạm xá quân y ở những đảo lớn như Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa, Nam Yết, mà các bác sĩ, y tá trên đảo nhỏ, đảo chìm cũng thường xuyên khám chữa bệnh, cấp cứu cho ngư dân trên biển. Thường mỗi khi ra khơi ngư dân chỉ mang theo vài viên thuốc hạ sốt, đau bụng, nên khi có bệnh tật hay tai nạn bất ngờ, họ gửi gắm tất cả niềm tin yêu, trông cậy vào các trạm quân y trên quần đảo Trường Sa.

Buổi sáng, tôi ghé đảo đá Cô Lin trên vùng biển từng ghi dấu ấn lịch sử hùng tráng của hải quân VN, trung úy, y tá Lê Quang Vũ đang bận rộn khám chữa bệnh cho ngư dân. Anh phải mở sổ mới biết chính xác số lượng bao nhiêu bệnh nhân, vì hầu như tháng nào cũng có nhiều ngư dân xin được vào đảo để khám chữa bệnh. Thiếu úy, y sĩ Phạm Hồng Quân tâm sự các ca cấp cứu ngư dân mà anh thường gặp là tai nạn té ngã trên tàu và lặn sâu xảy ra trong quá trình đánh bắt hải sản.

Ở đảo Đá Tây, trung úy, bác sĩ Nguyễn Văn Hậu tâm sự anh đã trực tiếp mổ cho hàng chục ngư dân bị tai nạn trên biển. Có người trượt sàn tàu té gãy xương sườn, có người bị chấn thương gan, nhẹ nhất là bị san hô cứa đứt chân tay gây nhiễm trùng, sốt. Đảo đá chật hẹp, chỗ ăn ở cho lính hạn chế, nhưng chiến sĩ vẫn nhường những chỗ nằm khô ráo, thoáng đãng cho đồng bào bị nạn giữa biển. Họ còn san sẻ từng chén cơm, lát thịt hộp, bát canh rau xanh quý hiếm trên đảo nhỏ cho đồng bào phục hồi sức khỏe. Khi chia tay, cả hai bên đều bịn rịn xúc động, rồi điện thoại, thư từ liên lạc với nhau như anh em ruột thịt trong nhà...

Xúc động nhất là những mong mỏi, ước mơ cháy bỏng được phục vụ tốt hơn, nhiều hơn cho chiến sĩ và đồng bào mình. Các bác sĩ Quyền, Hậu, Ngọc, y tá Vũ... khi tâm sự đều mong muốn đầu tư nâng cấp bệnh xá lớn hơn, đầy đủ nhân lực và trang thiết bị y tế trên quần đảo này để không chỉ phục vụ quân đội mà còn cho cả đồng bào mình.

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên