15/05/2011 10:21 GMT+7

Quyền giám sát của người dân phải được đề cao

Nguyễn Minh Tâm
Nguyễn Minh Tâm

TTO - Mới gần đây, Công an Hà Nội đã xử lý nghiêm ba CSGT đeo kính đen, đứng ở vị trí hiểm để bắt lỗi và xử phạt chủ phương tiện vi phạm an toàn giao thông chỉ với video clip do dân cung cấp được đưa lên báo mạng. Thế mà Phòng CSGT Long An lại lập luận rằng không thể sử dụng video do dân cung cấp, viện vào luật không quy định.

Chẳng lẽ dân chỉ được giám sát nhân viên công quyền mà không được giám sát lẫn nhau?

Phạt 1 triệu đồng xe chạy ngược chiều trên đường cao tốc!Vụ xe chạy ngược chiều: Chỉ phạt lỗi chạy quá tốc độ!Thêm video xe chạy ngược chiều trên đường cao tốc

VohCJ1va.jpgPhóng to
Xe 64H-5638 (trái) quay đầu xe chạy ngược chiều (ảnh chụp lại từ video clip)

Cách hành xử của Phòng CSGT Long An chắc chắn sẽ gây ra hai hậu quả thuận chiều và trái chiều. Trong đó, hậu quả trái chiều sẽ ảnh hưởng xấu nhiều hơn. Hậu quả thuận chiều là các nhà làm luật, mà nói cho cùng thì chính là hai cơ quan: Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải sẽ phải bịt lỗ hổng này cũng như các lỗ hổng khác trong pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính sửa đổi, sao cho các chứng cứ do người dân cung cấp cũng được coi trọng.

Đây chắc chắn là điều phải làm để toàn dân có thể tham gia giám sát an toàn giao thông. Hậu quả trái chiều thì rất nhiều.

Thứ nhất, người điều khiển phương tiện giao thông sẽ tiếp tục nhờn luật và sẵn sàng vi phạm mỗi khi không thấy bóng dáng công an. Điều này đã xảy ra quá phổ biến.

Thứ hai là dân không tin vào sự công bằng của pháp luật và cơ quan công quyền khi xử lý vi phạm mà bỏ sót lỗi.

Thứ ba là người dân sẽ chán nản, không đồng hành cùng với lực lượng chức năng trong việc lập lại trật tự giao thông do các cơ quan chức năng không coi trọng ý kiến của họ.

Cuối cùng là sẽ xuất hiện những nghi ngờ phía sau hậu trường của vụ này. Đây là điều tệ hại nhất vì ở xứ ta có thông lệ "một mất, mười ngờ". Luật nào cũng có kẽ hở, nhưng lợi dụng kẽ hở để dung túng hoặc bỏ qua hành vi gây nguy hiểm cho xã hội là điều không thể chấp nhận được.

Rất mong Cục Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt vào cuộc để xem xét lại cách xử lý của Phòng Cảnh sát giao thông Long An đối với vụ việc này.

Bám luật quá máy móc

Những người có chức trách thích bám luật một cách máy móc hãy tự hỏi nếu hôm ấy chiếc xe chạy ngược chiều gây ra tai nạn chết người rồi bỏ chạy, có nhân chứng, có bằng chứng video thì công an cũng cho nhân chứng và bằng chứng là không có giá trị hay sao? Ở nước ngoài, chỉ cần có người chứng kiến trình báo là cảnh sát có cơ sở xử lý.

Để chấn chỉnh tình trạng bát nháo trong giao thông, tôi ủng hộ việc thành lập bộ tiếp nhận bằng chứng hình ảnh, video từ người dân về vi phạm giao thông. Trong đó người cung cấp phải chứng minh được thời điểm và địa điểm chiếc xe vi phạm, biển số của xe vi phạm phải rõ ràng. Bối cảnh trong video phải cho thấy rõ trong lúc quay video thì người quay cũng không được vi phạm Luật giao thông (chẳng hạn một tay lái một tay quay, chạy xe sai tuyến...).

Hãy làm hết trách nhiệm

Sự việc chạy ngược chiều trên đường cao tốc đã quá rõ ràng, nguy cơ xảy ra tai nạn thảm khốc là không tránh khỏi. Tuy nhiên cách xử lý của cơ quan chức năng quá thiếu linh hoạt. Dù chưa có quy định công nhận hình ảnh từ người dân cung cấp, nhưng bằng các biện pháp nghiệp vụ như lấy lời khai của tài xế vi phạm, lời tường thuật của khách trên xe... là đủ cơ sở pháp lý để xử lý vi phạm.

Việc làm thiếu tích cực của cơ quan chức năng sẽ làm giảm lòng tin của người dân vào luật pháp và những người thi hành luật, từ đây về sau còn ai mất công ghi nhận và cung cấp thông tin cho cơ quan công an nữa.

Nguyễn Minh Tâm
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên