![]() |
Ông Dương Thành Truyền, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, gắn huy hiệu “Làm báo cùng Tuổi Trẻ” cho bạn Đỗ Phi sáng 2-3 - Ảnh: M.Đức |
Sáng 2-3, khi chúng tôi đến thăm sạp báo của chị Mai Thu Thủy trên đường Bà Huyện Thanh Quan (Q.3, TP.HCM), chị vẫn còn đang hì hục công việc ở tận sau nhà bếp. Hai bàn tay lấm lem và gương mặt đẫm mồ hôi.
Cuộc điện thoại trong đêm
Chị Thủy kể: “Tối hôm đó, tôi chở một người bạn bị khuyết tật đi xem mấy cây cầu mới ở thành phố. Đi đến Thủ Thiêm thấy anh Giang đang lao xuống cứu người”. Ngay khoảnh khắc đó, chị Thủy đã điện thoại đến đường dây nóng báo Tuổi Trẻ.
“Tôi cứ nghĩ anh ấy cứu người yêu gì đó chớ. Có ai ngờ một lúc thì thấy vợ con anh ở trên bờ đứng đợi. Anh ấy dũng cảm quá”. Khi bài báo về hành động dũng cảm của anh Nguyễn Vũ Trường Giang xuất hiện trên Tuổi Trẻ, (“Dũng cảm cứu người”, Tuổi Trẻ 28-2), hàng trăm bạn đọc đã thốt lời khâm phục như chị Thủy ngày hôm ấy. Nhưng đêm ấy, một cú điện thoại của chị và với niềm tin chị dành cho Tuổi Trẻ, tờ báo đã có được hình ảnh đẹp tuyệt vời về một con người cứu sống một người tuyệt vọng giữa dòng sông Sài Gòn đen ngòm trong bóng tối.
Chị Thủy hiện sống bằng nghề bán báo, bán nước mía và cả phụ bếp thuê cho một công ty. Khi báo Tuổi Trẻ trao cho chị danh hiệu “Làm báo cùng Tuổi Trẻ” và phần quà trị giá 1 triệu đồng, chị cười bẽn lẽn nói: “Tại tôi thấy hành động đó đẹp quá nên gọi cho báo thôi”. Ông Dương Thành Truyền, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, đã gửi lời đến chị: “Người tốt mới gặp được người tốt” như lời tri ân của tờ báo dành cho niềm tin của chị với cuộc điện thoại đến đường dây nóng của báo đêm hôm ấy.
![]() |
Chị Mai Thu Thủy kể lại câu chuyện mà chị chứng kiến - Ảnh: Minh Đức |
Nhiều người khác cũng mời người nghèo ăn sáng
Một câu chuyện khác về sống đẹp thu hút sự quan tâm của bạn đọc trong tháng qua là chuyện về cô công nhân cấp thoát nước tên Thủy thường mời người nghèo ăn sáng (“Giúp người nghèo một bữa no”, Tuổi Trẻ 23-2). Bạn đọc Đỗ Phi (SV lớp 09 cao đẳng báo chí 2, Trường cao đẳng Phát thanh - truyền hình 2), người viết bài báo này cũng là người hay ăn sáng cùng quán với chị Thủy, và nhiều lần bạn đã gặp chị Thủy ngỏ lời mời người già bán vé số bữa sáng.
Qua câu chuyện của chị Thủy, Phi gửi gắm nhiều tình cảm tốt đẹp mà người ta có thể dành cho nhau ngay cả khi cuộc sống rất khó khăn. Phi kể lại chuyện chị Thủy: “Chị ấy không nghĩ mình ít tiền hay nhiều tiền, chỉ là giúp một bữa ăn thôi, nhiều công nhân cấp thoát nước bạn của chị ấy cũng làm như vậy”.
Lo lắng cho lối sống giới trẻ
Trong sáng 2-3, chúng tôi cũng đã gặp Ngô Nữ Huyền Trang tại Trường ĐH Ngoại thương, nơi bạn đang theo học. Huyền Trang đã viết một bài báo gây xúc động nhiều bậc cha mẹ về “Lối sống emo”, trong loạt bài “Tiếng kêu cứu từ nỗi cô đơn” (Tuổi Trẻ Cuối Tuần 20-2), của bạn trẻ hiện nay. Huyền Trang kể về câu chuyện đau lòng của chính người bạn mình, một cô bé lớn lên với nỗi cô đơn trong gia đình mình và sự phũ phàng mà cô bé gặp phải khi lao vào những cuộc vui với bạn bè.
Ông Dương Thành Truyền nhận định: “Câu chuyện của Trang rất có chiều sâu. Khi ban biên tập đọc bài, mọi người cứ nghĩ Trang phải là một giáo viên tâm lý nào đó, không ngờ em mới chỉ là sinh viên. Em có một nội lực rất tốt, có chiều sâu để nhận diện một vấn đề lớn như vậy của người trẻ”.
Câu chuyện của Huyền Trang trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 20-2 đã kết thúc có hậu. Người bạn trong câu chuyện đã đi Mỹ, gia đình bạn đã nhận ra những gì con gái họ cần và phải thay đổi. Trang nói một cách thấu hiểu: “Đến một nơi mới, có một cuộc sống mới, thấy được việc tồn tại và phải đấu tranh để tồn tại quan trọng thế nào thì họ sẽ vượt qua nỗi đau nhanh hơn và trưởng thành hơn”.
Năm “nhà báo không thẻ” trong tháng 2 đã có năm câu chuyện với những góc nhìn mới. Khi phóng viên không thể nhìn thấy quá nhiều góc cạnh của cuộc sống, họ chính là những phóng viên rất đời, rất thực, rất chân thành và dành những góc cạnh cuộc sống đó cho trang báo Tuổi Trẻ.
Giải thưởng “Làm báo cùng Tuổi Trẻ” tháng này còn dành cho hai bạn đọc: * Chị NGUYỄN NGỌC THANH, người đã báo tin thầy Phạm Phú Quý, hiệu trưởng Trường tiểu học Cách Mạng Tháng Tám (Q.Tân Bình, TP.HCM), ra đi trong sự tiếc thương, nể trọng của học trò, đồng nghiệp (“Tiếc thương người thầy tuyệt vời”, Tuổi Trẻ 16-1). * Tác giả CÁT BỤI với bài viết “Cơ quan tôi ai cũng sợ đi tết sếp”, Tuổi Trẻ Online 6-1, sau khi Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị công bố chủ trương không biếu quà lãnh đạo. Bài viết nói lên tình thế khổ sở của một số CB-CNV mỗi khi tết đến đã thu hút sự đồng tình của nhiều bạn đọc. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận