21/03/2010 07:12 GMT+7

Nghị lực truyền đi, tình thương lan tỏa

T.C.
T.C.

TT - Có nhiều nước mắt và không thiếu những nụ cười, nhiều người rời bước khỏi cuộc họp mặt “Chuyện đời tự kể 2009” (sáng 20-3 tại báo Tuổi Trẻ) còn luyến tiếc vì vẫn chưa chia sẻ được hết với nhau.

rswHvOKR.jpgPhóng to
Ba tác giả đoạt giải thưởng (từ trái sang): Đinh Thanh Tâm, Đỗ Thanh Thúy, Lê Quan Hi - Ảnh: THANH ĐẠM

Bài viết cứu 2 mạng người

Sau khi Tuổi Trẻ đăng bài viết Tôi cố gắng trở thành một công tố viên giỏi của anh Đinh Thanh Tâm (kiểm sát viên ở Viện KSND thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), một luật sư cộng tác viên của Tuổi Trẻ cho biết đã không cầm được nước mắt. Bà lập tức gọi tới tòa soạn hỏi cách liên lạc với tác giả. Những bạn đọc khác cũng hỏi thăm, cho thấy sức lan tỏa của bài viết rất cao. Điều đó được khẳng định một lần nữa khi tác giả xúc động kể lại trong buổi họp mặt rằng câu chuyện của anh đã “cứu sống” hai người. Một chị ở Cần Thơ nói chị đã khóc ướt hết trang báo. Không hạnh phúc trong gia đình và có nhiều phiền muộn khác, trước đó chị đã chuẩn bị mọi thứ, gửi con lại người thân để ra đi vĩnh viễn. Sau khi đọc bài viết, nhìn lại ba đứa con chị đã bỏ ý định chọn cái chết. Một chị ở Long An bị khuyết tật vì tai nạn, có con nhỏ mới 5 tháng tuổi. Chị đã nói với anh Tâm: “Khi đọc bài viết chị nghĩ nếu mình chết đi, con chị hơn em hai tháng được sống bên mẹ (mẹ anh Tâm tự tử chết khi anh mới 3 tháng tuổi - PV), lớn lên khổ mà chưa chắc gặp được may mắn như em. Do vậy vì con, chị phải ở lại cuộc sống này”.

Hơn 50 tác giả và bạn đọc “ruột” đã đến dự cuộc họp mặt và công bố kết quả giải thưởng chuyên mục “Chuyện đời tự kể 2009” . Chị Bạch Liên, tác giả bài Bà nội tôi đăng năm 2008 đã cùng chồng đến Tuổi Trẻ lúc... 6g sáng để chờ dự họp mặt.

Nhiều tác giả ở các tỉnh xa cũng có mặt như cô giáo Huỳnh Thị Là - giáo viên Trường THCS Hùng Vương, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, bà Trình Thị Tán, anh Nguyễn Minh Sơn ở An Giang. Khách mời cao tuổi nhất, ông Trần Đức Quý - 98 tuổi, tác giả bài Đức năng thắng số - cũng có mặt và lời tự giới thiệu dí dỏm của ông làm mọi người bật cười vui vẻ.

Ấm áp tình thương yêu

Họa sĩ Lê Kinh Tài cho biết anh viết bài Hột vịt lộncủa má lúc đang ở Mỹ, vừa viết vừa khóc. Lúc đó anh vừa đọc Chuyện đời tự kể Paris Sài Gòn cách nhau 6 tiếng của chị Xuân Sương, một Việt kiều Pháp. Anh nói trong lòng anh luôn có ý nghĩ đau đáu lo sợ một ngày má rời bỏ cuộc đời này, mà bảy anh em chưa lo được cho má trọn vẹn. Khi kể lại câu chuyện, anh đã không kiềm được xúc động và phải ngưng lại để trấn tĩnh.

Cô giáo Đỗ Thanh Thúy, người đoạt giải “Câu chuyện xúc động nhất” với bài viết Những người xin xuất viện cho rằng: Hột vịt lộn của má mới là bài viết xúc động nhất, cô đã đọc đi đọc lại bao nhiêu lần đều vẫn còn nguyên cảm xúc.

Cô Thúy đã đưa “thằng Út” - một trong ba nhân vật trong bài viết - từ Long An đến dự họp mặt. Sau bài viết của cô, nhiều người đã gửi tiền, quà tặng cho gia đình Út, có người đã tìm đến tận nhà. Út kể có một chị ở tận ngoài Huế gửi thư bày bài thuốc để trị bệnh cho cha Út kèm theo 500.000 đồng. Và cái tết vừa qua đã trở thành cái tết đặc biệt nhất trong nhà Út từ trước đến nay.

Bất ngờ nhất là tin vui của anh Nguyễn Thanh Bình khi anh giới thiệu với mọi người bạn gái của anh - chị Ngô Thanh Thủy cùng đến dự họp mặt. Sau khi bài Linh hồn của mẹ đăng (mẹ anh mất vì ung thư), anh nhận được mail chia sẻ của chị Ngô Thanh Thủy, công tác ở báo Phụ Nữ TP.HCM. Từ nỗi đau riêng, chị Thủy đã xây dựng chương trình hỗ trợ bệnh nhi ung thư “Ben Smile” nên chị rất quan tâm đến những người có người thân bị ung thư. Từ những đồng cảm đó, tình yêu đã nảy sinh.

Một nơi chốn để sẻ chia

Bốn năm qua, “Chuyện đời tự kể” lúc đầu là cuộc thi, đến nay đã trở thành một chuyên mục đặc biệt chỉ có ở Tuổi Trẻ. Nói đặc biệt vì chuyên mục đã thu hút sự tham gia của đông đảo mọi người, mọi tầng lớp xã hội, từ những người giúp việc nhà đến những người thành đạt, giàu có...

Bạn đọc Phạm Hùng Long, ở Q.7, TP.HCM cho biết ông đã sưu tầm các bài Chuyện đời tự kể và dự các cuộc họp mặt nhiều lần nhưng chưa viết được bài nào. Ông nói hồi tháng 6 có viết một bài kể về mẹ nhưng đang viết thì khóc nhiều quá nên không viết tiếp được nữa.

Nhiều người đề nghị Tuổi Trẻ tiếp tục duy trì chuyên mục. Chị Xuân Sương, người đã có nhiều bài viết cộng tác với Tuổi Trẻ, nói chuyên mục sẽ là nơi phát hiện những cây bút mới cho Tuổi Trẻ.

Các bài viết được giải

1) Giải câu chuyện đặc biệt nhất: Bà già điên ấy, tác giả Lê Quan Hi (Tuổi Trẻ 17-3-2010).

2) Giải câu chuyện xúc động nhất: Những người xin xuất viện, tác giả Đỗ Thanh Thúy (Tuổi Trẻ 23-1-2010).

3) Giải câu chuyện nghị lực nhất: Tôi cố gắng trở thành một công tố viên giỏi, tác giả Đinh Thanh Tâm (Tuổi Trẻ 12-12-2009).

* 6 phần thưởng khích lệ

1) Người mẹ chung, tác giả Nguyễn Thị Tuyết Dân (Tuổi Trẻ 23-3-2009).

2) Phải chi mẹ còn nghe con nói, tác giả Bùi Kim Dung (Tuổi Trẻ 7-6-2009).

3) Con bò đi khám bệnh, tác giả Nguyễn Văn Khuynh (Tuổi Trẻ 2-8-2009).

4) Hột vịt lộn của má, tác giả Lê Kinh Tài (Tuổi Trẻ 18-10-2009).

5) Ân nhân, tác giả Trần Thị Lan (Tuổi Trẻ 19-12-2009).

6) Ngoại hứa, tác giả Trần Thị Liễu (Tuổi Trẻ 6-3-2010).

* Bạn đọc có thể tìm đọc toàn bộ Chuyện đời tự kể trên Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn).

T.C.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên