23/01/2010 08:13 GMT+7

Những người xin xuất viện

ĐỖ THANH THÚY (TP.HCM)
ĐỖ THANH THÚY (TP.HCM)

TT - Ba tôi nằm bệnh viện. Đi thăm nuôi ông một tuần mà tôi chứng kiến bao nhiêu câu chuyện đau lòng về những bệnh nhân vì nghèo phải xin xuất viện.

Nằm chung phòng 12, lầu 4 với ba tôi ở khoa ngoại tổng quát Bệnh viện X. có một ông cụ hơn 70 tuổi ở Long An. Tờ giấy theo dõi bệnh treo trên đầu giường ông ghi “K gan, di căn qua phổi”. Nhìn thân thể ốm yếu tiều tụy của ông cụ mà thương làm sao! Tuy vậy, ông cụ còn có niềm hạnh phúc là được bà cụ cùng con trai út chăm sóc. Nhìn cách ông bà cụ lo cho nhau, nhường nhau từng miếng cơm trong mỗi buổi ăn, không ai cầm lòng được.

Anh con trai út của họ 23 tuổi, một chàng trai vạm vỡ, ngày thường ăn hai tô cơm mới có sức ra ruộng, bây giờ vào bệnh viện nuôi cha, mỗi bữa chỉ được ăn hơn một chén cơm với bịch canh. Đến bữa anh mua hai hộp cơm hết 24.000 đồng cho cha và mẹ, mua thêm 3.000 đồng cơm trắng cho mình. Mẹ anh thường gọi anh là “thằng Út”. Vừa ăn, thằng Út vừa than trời “cơm ở đây bán mắc quá chừng chừng!”. Có một miếng thịt kho mà bà cụ và thằng Út cứ nhường qua nhường lại, đến nỗi Út phải gắt lên: “Con đã bảo là con không ăn, con ăn cơm với canh là no rồi”.

Tôi ngồi ăn hộp bánh cuốn bên ngoài hành lang mà không ăn nổi nữa, làm bộ đứng lên đi lấy hộp chà bông cho Út ăn với cơm, nhưng cũng để giấu đi những giọt nước mắt của mình, vì tôi nghe lén được Út vừa nói với mẹ: “Má ơi, giờ con còn có mấy ngàn, con mong chị lên thăm chứ không chiều nay không có tiền mua cơm ăn...”.

Tôi tò mò lắm nhưng một lúc sau mới dám hỏi và biết ông bà cụ có tám đứa con, toàn làm ruộng. Những người con của ông bà thương yêu nhau lắm, nhưng ngặt nỗi đều nghèo như nhau nên chẳng ai giúp đỡ được ai. Đến trưa, tôi gặp chị ruột và chị dâu của Út vào thăm cha. Trời ạ, tôi ngạc nhiên và thương quá vì quà thăm nuôi của họ là một bịch cơm trắng và một hũ muối tiêu, chỉ có chừng đó!

Ngẫm lại mình, tôi càng thấy rằng mình sung sướng, đầy đủ quá so với gia đình họ. Thật tình mà nói tôi không có nhiều tiền, nhưng cũng vét túi giúi vào tay Út 100.000 đồng để mong Út đừng lo chiều nay không có cơm ăn. Rồi tôi điện thoại về nhà nhỏ em gái ở Q.5, dặn mỗi ngày nấu cơm thì thêm hai bát đem vô cho thằng Út ăn với. Càng nghĩ càng thương nó là con trai mạnh cùi cụi như vậy mà ăn không đủ no.

Hằng ngày, sau khi đợi bác sĩ khám bệnh cho ba xong, chừng 8g thằng Út mới xuống bốn tầng lầu để mua cơm ăn. Xách cơm lên cho ba mẹ mà nó nói: “Con đói “gun” (run) hết trơn”. Từ đó, tôi để ý đến thằng Út dân miền Tây thật thà, chất phác và hiếu thảo với mẹ cha. Ăn gì tôi cũng kêu nó ăn cho vui, ai vô thăm ba mình tôi cũng kể chuyện của nó cho người ta nghe, để mong người ta giúp đỡ nó, nó là con trai nên mắc cỡ lắm, chẳng dám nhận tiền của người ta đưa, tôi phải lén bỏ vào túi của mẹ nó.

Mẹ Út không hề biết chồng mình bệnh ung thư, ai hỏi cũng nói “bị bệnh K” vậy thôi chứ người đàn bà lam lũ ấy không biết “K” là gì, càng không biết “di căn” thì sẽ ra sao. Có hôm bà nói với thằng Út: “Thôi kệ, con ráng chịu cực một chút, tiền nợ má con mình mượn lo cho ba, về nhà từ từ làm rồi trả cũng hết, miễn sao ba con còn sống là vui rồi”.

Bà cụ quay sang nói với tôi: “Nếu bác sĩ kêu mổ là tui quỳ xuống lạy bác sĩ liền đó cô ơi”. Tôi ngạc nhiên lắm, chẳng hiểu ý bà cụ nên thắc mắc: “Tại sao phải lạy vậy bác?”. “Trời ơi phải lạy chứ, lạy xin bác sĩ cho về liền, về liền chứ ở đây là chết, tiền đâu mà mổ!”. Tôi nghe mà lòng dạ xốn xang quá! Gia đình của những người nông dân nghèo ấy đi cấp cứu mà vẫn còn lo món nợ 160.000 đồng xe ôm từ Long An lên bệnh viện.

Bà cụ vốn chân lấm tay bùn nên đối với cụ cái bệnh viện lớn này vẫn lạ lẫm lắm. Lần duy nhất bà cụ phải xuống tầng trệt mua thuốc rồi không nhớ đường trở về phòng. Lo sợ tột cùng, sợ lạc mất ông cụ, sợ ông cụ trông đợi, bà cụ vừa đi vừa hỏi thăm đủ thứ người, cuối cùng cũng về đúng lầu 4, nhưng phòng số mấy thì bà cụ nào có biết. Người ta phải dẫn bà đi từng phòng để tìm. Đến khi nhìn thấy được ông, bà cụ thở phào nhẹ nhõm:

“Trời ơi, tưởng đâu đi lạc luôn rồi, thấy ổng nằm đây mừng quá, thôi thôi từ đây trở đi không đi đâu nữa hết, chỉ ở trong phòng hay ra ngoài hành lang này thôi”. Còn ông cụ thì mừng run khi thấy bà trở về, ông nói: “Ai đi đâu thì đi, bà phải ở đây với tui”. Cuộc sống này sẽ thanh bình lắm nếu vẫn còn có tình yêu vô bờ bến như hai ông bà cụ vậy.

Tôi thương cho họ quá, căn bệnh ung thư rồi sẽ cướp đi người yêu thương nhất của bà cụ, cái chết sẽ chia cắt tình yêu của hai cụ mất thôi, tôi không cam lòng khi nghĩ đến điều đó...

Vài ngày sau, khi tôi quay lại bệnh viện thì nghe nói gia đình họ đã xin bác sĩ xuất viện vì không còn tiền nữa. Thằng Út đi chào khắp phòng và gửi lời hỏi thăm tôi. Điều làm tôi bứt rứt nhất là đã quên không xin địa chỉ hay số điện thoại liên lạc của em, để một lúc nào đó có thể ghé thăm gia đình nghèo khó mà hạnh phúc của em ở Long An.

......................

Ý kiến bạn đọc:

* Những gì bạn Thúy viết là những sự thật ở nhiều hay nói đúng hơn là hầu hết bệnh viện trên cả nước, là BS tôi cũng chứng kiến nhiều, có một số trường hợp bệnh viện giúp đỡ cho bệnh nhân được, nhưng thật ra người nghèo quá nhiều và quỹ giúp người nghèo không là vô hạn...

Vấn đề là có cách nào giúp họ không? Bảo hiểm y tế thật ra cũng không giúp được do nhiều lý do, chỉ có con đường hoàn hảo nhất là mong cho xã hội không còn người nghèo.

Họp mặt bạn đọc chuyên mục Chuyện đời tự kể 2009

Bạn đọc thân mến, cuộc họp mặt bạn đọc chuyên mục Chuyện đời tự kể 2009 đã được quyết định tổ chức vào sáng thứ bảy 20-3-2010 (thay vì ngày 30-1 như dự kiến).

Tòa soạn sẽ tiếp tục chọn đăng những bài hay hằng tuần trên báo in và trên Tuổi Trẻ Online. Thân mời bạn đọc theo dõi.

Bên cạnh năm phần thưởng khích lệ đã được trao tặng (mỗi hai tháng/lần), ban tổ chức đã thống nhất sẽ trao thêm ba giải thưởng, mỗi giải trị giá 5 triệu đồng, gồm có: giải bài viết đặc biệt nhất, giải bài viết xúc động nhất, giải bài viết lạ nhất.

Các giải thưởng trên sẽ được công bố, trao tặng tại cuộc họp mặt

ĐỖ THANH THÚY (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên