27/03/2008 08:43 GMT+7

Bà nội tôi

BẠCH LIÊN (TP.HCM)
BẠCH LIÊN (TP.HCM)

TT - Khi tôi bảy, tám tuổi, bắt đầu có trí khôn thì người tôi yêu thương nhất là nội tôi. Nội tôi cao cao, gầy gầy, gương mặt hiền từ, phúc hậu. Lúc đó tôi còn nhỏ quá chưa hiểu gì về cuộc đời của nội, về những hi sinh mà nội đã làm vì gia đình tôi, tôi chỉ biết thương nội vì nội thương tôi, thế thôi.

Tôi vui nhất là những lần được theo nội vào tiệm Huỳnh Mai, nơi nội đang giúp việc nhà, uốn tóc. Tôi được nhìn thấy mình trong gương, được cô thợ quàng chiếc khăn choàng màu trắng tinh vào cổ và được có "cái đầu mới" mang về... Nhưng niềm vui đó thường chẳng được mấy chốc, khi anh tư tôi nhìn thấy, ảnh vỗ tay la lớn: "Trời ơi, cái mặt nó giống Marốc quá” và cười hô hố, còn tôi thì nước mắt đầm đìa... Nội tôi nạt ảnh rồi vuốt tóc tôi nói: "Nín đi con, anh tư giỡn thôi mà, ối, xấu mặt thì lâu chớ xấu đầu thì mấy lát..." chỉ cần nội nói vài câu như vậy là tôi yên tâm, nín khóc ngay.

Một hôm tôi đi học, bạn tôi thì thầm: "Nè, trời sắp sập rồi đó”. Tôi hỏi: "Sao mày biết?". Nó nghiêm mặt nói: "Hôm qua tao nghe ba tao nói với mẹ tao: đánh nhau hoài, sập trời chết hết cho rồi...". Thế là đi học về, tôi quăng cặp ngồi khóc, nội lật đật lại gần tôi hỏi: "Sao khóc vậy con, đứa nào đánh con hả?". Tôi nức nở nói: "Nội ơi, bạn con nói trời sắp sập rồi, trời sập thì chết hết, con sợ lắm...". Nội bật cười, kéo tôi vào lòng nói: "Đứa nào nói bậy vậy, trời làm sao mà sập được, có nội đây con không sợ gì hết nghe...". Nói chung, những thắc mắc ngây thơ của tôi thường được nội tôi hóa giải hết và tôi luôn cảm thấy an lòng.

Mười năm sau, tôi tốt nghiệp cấp III và trở thành cô công nhân nhà máy dệt, nội tôi khi ấy đã ngoài sáu mươi, nội không còn ở với gia đình tôi mà về ở chung với chú út để giữ con cho chú thím. Qua lời kể của mẹ và chị tôi, tôi đã hiểu hơn cuộc đời gian nan của nội. Quê nội ở huyện Bình Đại, Bến Tre, nội lấy chồng rất sớm và sinh được ba người con trai, ba tôi là con đầu lòng. Ông nội suốt ngày say sưa chẳng giúp gì được cho bà, ông chết trẻ, chưa qua tuổi bốn mươi. Khi ba tôi mười bảy tuổi, nội cưới dâu về, mẹ tôi sinh anh hai thì ba theo kháng chiến. Thỉnh thoảng ba lén về thăm nhà, mẹ tôi lại sinh chị ba, anh tư và tôi...

Nội tôi lúc ấy còn trẻ, góa chồng, buôn bán với ghe bầu, cung cấp cá mắm rồi mua lại vải vóc, thuốc men (để tiếp tế cho ba tôi). Nội làm ăn lớn dù không biết chữ nào. Khi nội giao dịch, buôn bán tiền đựng trong bao cối mẹ đếm mà ngủ gục, rồi tiền bị ướt mẹ phải trải ra nia phơi rồi ngồi canh chừng...

Nhưng gia sản đồ sộ của nội đã theo chân ba tôi mà đến các trại giam. Mỗi khi ba bị bắt dù miền Đông hay miền Tây nội đều lặn lội đi thăm, mang theo tiền của lạy lục, đút lót để ba tôi không bị đánh đập nhiều. Lần cuối cùng ba tôi bị giam ở khám Chí Hòa, nội bán hết số gia sản còn lại (nhà lớn thì đã bán lâu rồi) mang mẹ con tôi lên quận 4 (Sài Gòn) đường Tôn Đản mướn nhà ở để tiện thăm nuôi ba tôi. Mẹ tôi buôn bán ngoài chợ, anh chị tôi bán cóc ổi, mía ghim, nội thì làm công cho tiệm Huỳnh Mai như tôi đã nói. Tòa Sài Gòn kêu án ba tôi năm năm khổ sai ngoài Côn Đảo, mười năm biệt xứ, lúc ấy nội mới đành bó tay vì không còn gì để bán và cũng không thể dọn nhà ra đảo theo ba tôi được...

Cuộc đời của nội đã hi sinh hết cho con, cháu. Từ một gia sản đồ sộ, đất đai, ruộng vườn nội đã bán hết để giữ lấy mạng sống cho ba. Cuối cùng phải tha phương cầu thực, làm người giúp việc nhà để nuôi đàn cháu thơ ngây. Tôi nghĩ mình thật hạnh phúc đã được sống với nội một khoảng thời gian dài, được nội thương yêu và chăm sóc. Giờ nội tôi đã qua đời, tôi đã hơn năm mươi tuổi nhưng những kỷ niệm thời thơ ấu thỉnh thoảng vẫn đến với tôi trong những giấc mơ. Tôi thấy nội bình thường, khỏe mạnh, xoa đầu tôi và mỉm cười với tôi.

Bài Chuyện đời tự kể dưới đây được gửi tới Tuổi Trẻ với cái tên Bạch Liên vỏn vẹn, không địa chỉ. Chỉ có một dòng nhắn gửi: "Nếu bài viết này được đăng, xin giữ lại tiền nhuận bút, tôi sẽ liên lạc với báo sau". Suýt nữa bài đã bị liệt vào dạng "bài phạm qui" cho tới khi ban tổ chức nhận được lá thư cảm động sau đây:

Kính gửi báo Tuổi Trẻ

Sau khi gửi bài viết Bà nội tôi cho mục Chuyện đời tự kể tôi thấy băn khoăn hoài, muốn tâm sự đôi lời cùng Tuổi Trẻ. Tôi là một độc giả muộn màng của báo. Hơn mười năm trước, tôi đọc ké báo Tuổi Trẻ với ba tôi (lúc đó lương hưu ít lắm, ba tôi cũng trích một phần để mua báo). Năm 1994 ba tôi qua đời, tôi không có điều kiện để mua báo đọc... Bây giờ cuộc sống ổn định, tôi có điều kiện đọc báo liên tục, điều đó làm tôi rất vui nhưng tôi cũng thấy buồn vì dân mình còn nghèo quá, qua báo tôi thấy cuộc mưu sinh thật lắm nhọc nhằn.

Tôi thấy xót xa cho những mảnh đời bất hạnh nhưng "lực bất tòng tâm", tôi chỉ là một phụ nữ bình thường, cơm ngày hai bữa chẳng giúp gì được cho ai... Mồng 6 tết vừa rồi tôi có mang lên quí báo một số tiền nhỏ (coi như bỏ vài hạt muối vào biển đời mênh mông...), đó là số tiền tôi buôn bán trong ba ngày tết không nghỉ + tiền con cháu "lì xì” cho tôi gọi là chút lòng thành.

Tôi hay đọc Chuyện đời tự kể, thấy gia đình tôi cũng có nhiều điều để kể từ khi ba tôi thoát ly gia đình thì số phận những thành viên trong nhà thật lắm gian nan. Hôm nay tôi kể chuyện nội tôi, còn mẹ tôi, anh chị tôi và nhiều chuyện khác nữa mà tôi rất muốn kể để mọi người cùng chia sẻ, để tôi có dịp tâm sự lúc về già. Và nếu bài viết được đăng báo, tôi xin tặng nhuận bút cho ban công tác xã hội để báo Tuổi Trẻ tùy nghi giúp đỡ người nghèo.

Chúc Tuổi Trẻ ngày thêm phát triển và quan tâm đặc biệt đến người nghèo.

Phước Bình ngày 19-3-2008

BẠCH LIÊN (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên