01/04/2010 05:04 GMT+7

Giá trị sống đang bị chao đảo

HOÀNG HƯƠNG thực hiện
HOÀNG HƯƠNG thực hiện

TT - Bạo lực học đường tràn lan, “bệnh” vô cảm ngày càng phổ biến, thú vui “đốt tiền” ở vũ trường lan rộng... Có phải giá trị sống của các bạn trẻ đang thay đổi? Chúng tôi xin kết thúc diễn đàn bằng cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thị Bích Hồng (khoa tâm lý giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM).

TS Hồng phân tích:

- Như mọi người đã nói trong các số báo trước, trẻ em thường học theo hành động của người lớn. Chẳng phải đã có những người lớn thờ ơ chứng kiến cảnh người khác bị cướp giật hoặc đánh nhau đến bật máu mà không hề giúp đỡ, can ngăn, ngay cả khi nạn nhân gào thét kêu cứu?

Sống trong gia đình, nhiều đứa con thấy cha mẹ dửng dưng trước tiếng gào khóc, rên la khác lạ của nhà hàng xóm, thậm chí họ còn căn dặn con đừng để ý.

Có học sinh đã từng “méc” để thầy cô xử phạt các bạn gây hấn với mình. Nhưng có em đã bị cô mắng: “Nhiều chuyện quá, vậy cũng méc”. Từ đó các em mới rút ra kinh nghiệm “tự xử” tốt hơn là nói cho người lớn biết! Điều đau xót nhất và nan giải nhất là trẻ em không tin vào sự bảo vệ công bằng của người lớn.

Chuyện ăn chơi cũng thế, ở nhiều gia đình bản thân cha mẹ cũng là những “fan” của vũ trường, có thể con em họ “đốt tiền” 1 nhưng họ “đốt” 10 thì đương nhiên sẽ còn tồn tại những cô, cậu ấm vung tiền. Vung tiền để khẳng định mình. Một khi các em không có “nội lực” thì phải sử dụng “ngoại lực” để thể hiện bản thân. Vấn đề ở đây: không phải các em không có nội lực mà vì các nhà giáo dục, phụ huynh, giáo viên không giúp các em nhìn ra nội lực và tạo cơ hội cho các em thể hiện.

* Những điều ấy đã nói lên rằng: giá trị sống của giới trẻ đang thay đổi?

- Không chỉ giới trẻ mà giá trị sống của cả xã hội đang thay đổi. Trước đây, giá trị sống hình thành theo một nhóm đồng bộ với nhau. Ví dụ: những người ưa chuộng tư cách đạo đức sẽ sống lương thiện, tử tế, đàng hoàng, học hành đến nơi đến chốn và có thu nhập cao. Tuy nhiên, bây giờ những người sống tử tế thì thu nhập lại không cao, những người có đạo đức lại thiếu cơ hội tiến thân... Dạy con bây giờ thật khó. Khuyên con nên sống tử tế thì sợ con gặp khó khăn trong cuộc sống, khuyên con nên khôn ngoan hơn lại sợ con sa ngã.

Đương nhiên trong xã hội vẫn có người sống đàng hoàng, sống tốt. Nhưng một số người ấy vẫn chưa đủ để chứng minh người ta tin rằng cứ ở hiền thì gặp lành. Đất nước ta đang trong giai đoạn giao thời, các giá trị sống (bao gồm cả cũ và mới) đang bị chao đảo. Ngay cả nhiều người lớn cũng chưa khẳng định được là mình cần hướng đến cái gì. Tóm lại, cần phải có thời gian để nhìn lại và khẳng định lại thang bậc giá trị sống.

Phải đi từ gốc

* Theo bà, những giá trị truyền thống có đứng được ở bậc thang cao nhất không? Trong thời kỳ mở cửa, làm sao để giới trẻ có đủ nội lực để phân biệt cái xấu và cái tốt?

- Trong giai đoạn mà những giá trị cũ và mới đan xen nhau, sắp đặt ở những thang bậc không rõ ràng thì nhiều người trẻ không thể định hướng và dễ nhiễm thói xấu. Cần nhìn nhận rằng VN thay đổi quá nhanh, ta bị ảnh hưởng của lối sống phương Tây quá nhiều.

Trong quá trình mở cửa và phát triển đất nước, các quốc gia đều chịu ảnh hưởng của quy luật chung: đón nhận cái mới từ những nền văn hóa khác. Nhưng sự thay đổi nhiều hay ít, tích cực hay tiêu cực còn phải phụ thuộc nội lực của quốc gia đó. Những quốc gia có cấu trúc xã hội ưu việt hơn, pháp luật được thực thi chặt chẽ hơn, truyền thống văn hóa bảo tồn tốt hơn sẽ hạn chế du nhập những cái xấu.

Dạy con bây giờ thật khó. Khuyên con nên sống tử tế thì sợ con gặp khó khăn trong cuộc sống, khuyên con nên khôn ngoan hơn lại sợ con sa ngã.

Một ví dụ dễ thấy: ở các nước phát triển vẫn có tình trạng con em quan chức ăn chơi, vi phạm pháp luật. Thường thì họ bị xử lý tới nơi tới chốn, ở ta nhiều người lại được bao che. Một khi hệ thống pháp luật còn lỏng lẻo, chắc chắn giới trẻ sẽ còn nhiễm nhiều thói hư, tật xấu...

Theo tôi, sau một thời gian nữa, các giá trị sống sẽ được phân định rõ ràng và một số giá trị truyền thống vẫn đứng ở thang bậc cao như: sự bình yên, hạnh phúc, “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”...

* Giải pháp nào để hạn chế hàng loạt tật xấu của giới trẻ như đã nêu trên?

- Chúng ta, những người lớn, hãy tự nhìn lại một cách nghiêm túc từ cấp vĩ mô đến vi mô nếu muốn giải quyết rốt ráo vấn đề. Về phía xã hội: cần có cơ chế triển khai và thực thi pháp luật một cách cụ thể. Bây giờ nhiều người dân khi gặp chuyện không hay, gọi công an nhưng lâu lắm mới thấy công an xuống. Công an là lực lượng giữ gìn an ninh - trật tự xã hội mà khi xã hội rối ren lại chần chừ thì còn ai tin nữa?

Chính cái “gốc” này dẫn đến sự thờ ơ, vô cảm của người dân nói chung và giới trẻ nói riêng trước sự bất công, trước cái xấu, cái ác trong xã hội. Họ thờ ơ vì sợ liên lụy đến mình, sợ bị trả thù... Hãy lấy lại niềm tin nơi người dân: người tốt phải được bảo vệ thì mới xuất hiện nhiều người tốt.

Thứ hai, nhà trường hãy cố gắng thực hiện đúng tiêu chí “môi trường học thân thiện” để xây dựng và lấy lại niềm tin nơi học sinh. Các thầy cô hãy quan tâm sâu sát hơn đến học sinh, mỗi thầy cô phải là một tấm gương sáng với học sinh... Nhưng để làm được điều này phải có sự hỗ trợ của gia đình và xã hội.

Các bậc phụ huynh hãy giữ gìn uy tín, giữ những hình ảnh tốt đẹp về thầy cô (mặc dù có điểm chưa hài lòng nhưng phụ huynh hoàn toàn có thể góp ý với giáo viên) để giáo dục con em mình.

* Cảm ơn bà.

Bộ trưởng yêu cầu xem xét trách nhiệm của ngành

Sáng 31-3, phát biểu tại hội nghị giao ban các sở giáo dục - đào tạo năm thành phố trực thuộc trung ương (TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) tổ chức tại TP.HCM, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh câu chuyện bạo lực học đường.

Ông nói: “Mỗi địa phương hãy xem xét lại trách nhiệm của ngành giáo dục đến đâu. Quan trọng không phải chữa bệnh mà là ngừa bệnh. Cần đi trở lại cái “gốc” chứ không phải chỉ làm phần “ngọn”. Bạo lực học đường có liên quan đến những trò chơi điện tử mang tính bạo lực không? Có trường nào có học sinh mê chơi game mà bỏ học không? Hãy cho học sinh thảo luận về những điều các em quan tâm. Quá mê game các em rất dễ đánh mất nhân cách. Vì thế hậu quả của những trò chơi này còn lớn hơn hậu quả của việc đánh nhau”.

___________________

Đánh hội đồng tại Trường Lê Lai: không phải lần đầu

* Điều tra vụ thầy giáo bị đâm

U93LEFYp.jpgPhóng to
Chiều 31-3, học sinh V.T.T.T. vẫn còn được chăm sóc tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - Ảnh: H.L.

Lại đánh bạn đến ngất xỉu chì vì... "nhìn thấy ghét"!

Đến chiều 31-3, V.T.T.T. (học sinh lớp 8A3 Trường THCS Lê Lai, Q.8, TP.HCM) vẫn còn nằm điều trị tại khoa ngoại thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy. T. còn yếu, đi không vững, bị bầm một số chỗ trên mặt và cơ thể, kêu đau đầu, ngực và lưng.

“Giờ ra chơi ngày 30-3, hai học sinh T.T.T. và C.T.A.T. cùng học lớp 8A3 đã đánh V.T.T.T. đến ngất xỉu. Nguyên nhân do hai HS đánh bạn cho rằng “V.T.T.T. ỷ học giỏi nên chảnh”. Ở tiết học trước đó, ba học sinh này đã có những mảnh giấy trao đổi trong lớp. Trong đó V.T.T.T. van xin hai bạn đừng đánh mình nữa, nhưng hai học sinh trên không chấp nhận mà còn chửi tục và báo rằng sẽ đánh V.T.T.T. vào giờ ra chơi”.

Đó là nội dung bản báo cáo của ban giám hiệu Trường THCS Lê Lai gửi các cơ quan chức năng về vụ đánh nhau của HS nữ ngay tại lớp vào chiều 30-3. Trước đó một ngày, V.T.T.T. và một bạn nữa đã bị hai học sinh trên đánh ở hành lang nhưng bị giáo viên trong trường phát hiện.

Thầy Nguyễn Văn Toại, hiệu phó nhà trường, cho biết: “Với hai em T.T.T. và C.T.A.T. thì đây không phải sai phạm lần đầu. Hai em đều cá biệt, học lực yếu, đặc biệt em T.T.T. gia cảnh rất thương tâm, bố mẹ đều chết trong tù, hiện em sống với bà và được miễn toàn bộ học phí”.

* Theo Công an P.2, Q.10 (TP.HCM), đơn vị này đang lấy lời khai vụ việc thầy Trần Hoài Trung (giảng viên kiêm bí thư đoàn trường, sinh năm 1983) bị một thanh niên đâm trọng thương khi đang làm nhiệm vụ tại hội trại Thanh niên vì ngày mai do Trường cao đẳng Kinh tế TP.HCM tổ chức.

HOÀNG HƯƠNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên