24/09/2007 21:46 GMT+7

Nhớ người cha thân yêu

HOÀNG VĂN HIỂN
HOÀNG VĂN HIỂN

TTO - Sau chiến dịch Điện Phủ toàn thắng ngày 7 tháng 5 năm 1945, tôi và một số đồng chí thuộc E98 – F316 được cấp trên cho đi làm nhiệm vụ “đặc biệt”. Ai cũng hồi hộp. Đến khi cấp trên tuyên bố: “Các đồng chí được vinh dự lớn, bổ sung làm nhiệm vụ bảo vệ cơ quan Trung Ương và Bác Hồ” thì lòng tôi vỡ òa sung sướng...

gpxgz7hg.jpgPhóng to
TTO - Sau chiến dịch Điện Phủ toàn thắng ngày 7 tháng 5 năm 1945, tôi và một số đồng chí thuộc E98 – F316 được cấp trên cho đi làm nhiệm vụ “đặc biệt”. Ai cũng hồi hộp. Đến khi cấp trên tuyên bố: “Các đồng chí được vinh dự lớn, bổ sung làm nhiệm vụ bảo vệ cơ quan Trung Ương và Bác Hồ” thì lòng tôi vỡ òa sung sướng...

Tiếp quản Thủ đô ngày 10 tháng 10 năm 1954, ngày 11-10-1954 anh em chúng tôi trong trang phục gọn gàng, súng đạn sẵn sàng tiến quân vào Hà Nội nhận nhiệm vụ cao quí mới. Những ngày đầu, cơ quan Trung ương đóng tại nhà thương Đồn Thủy (nay là Quân y viện 108), về sau chuyển về khu Ba Đình.

Năm đó Bác rất khỏe và đi đứng nhanh nhẹn, ánh mắt Bác thật ấm áp trìu mến. Thường ngày Bác hay mặc bộ bà ba màu nâu và đi dép cao su. Lúc rảnh rỗi, Bác tập trung anh em cảnh vệ lại, bằng giọng nói rõ ràng và ấm áp, Bác chỉ bảo cho chúng tôi biết phong tục tập quán riêng của đồng bào Hà Nội, cách đi đứng và những việc thông thường rất cần thiết như vào nhà tắm, nhà vệ sinh, uốn nắn chúng tôi từng lời ăn tiếng nói…

Với tấm lòng yêu mến lãnh tụ, nhân dân trong nước và kiều bào nước ngoài thường hay tặng Bác những món quà đặc biệt quí hiếm. Một lần, có người dân chài lặn lội từ miền biển lên, biếu Bác mấy cân bong bóng cá. Bác giao cho đồng chí Cẩn mang đến tặng đơn vị chúng tôi. Bác còn cẩn thận nhờ đồng chí Cẩn, là người lo cơm nước cho Bác chế biến để anh em chúng tôi được thưởng thức đặc sản.

Một lần khác, có tiền nhuận bút từ Liên Xô (cũ) gởi về, Bác đem đến tặng đại đội chúng tôi trước lễ Quốc Khánh 2-9 khoảng hai, ba tháng. Bác dặn: “Nhiều no ít đủ, Bác không có nhiều tiền cho các chú. Số tiền này, các chú mua con giống tăng gia thêm để đến ngày Quốc Khánh các chú có đủ thịt, cá, rau mà liên hoan cùng nhau”.

Ngày lễ lớn những năm đầu tiếp quản Thủ đô, nhân dân Hà Nội và các cơ quan đoàn thể tham dự mit tinh thả bồ câu trắng tung bay rợp trời, tượng trưng cho khát vọng hòa bình. Hàng đàn bồ câu trắng ở lại quanh lễ đài, quanh nhà khách Chủ tịch và quanh nhà Bác ở. Đất lành chim đậu, Bác rất vui. Những lúc rảnh rỗi, Bác thường cho bồ câu ăn. Vậy mà có một vài đồng chí bộ đội vô ý thức bắt bồ câu làm thịt. Bác không vui, phê bình thật nhẹ nhàng, thấm thía: “Nhân dân thả bồ câu để cầu nguyện hòa bình, sao các chú nỡ giết thịt?”.

Nhớ một ngày hè, Bác dạo quanh vườn bắt gặp tổ 3 người chúng tôi là anh Hạnh, anh Thái và tôi đang trèo cây hái nhãn. Sợ quá, tưởng Bác sẽ quở trách, ai ngờ Bác vui vẻ dặn dò: “Hái nhãn ăn cũng được nhưng phải hết sức cẩn thận, kẻo ngã thì khốn”.

Những việc làm của Bác, những lời của Bác dạy bảo chúng tôi chỉ là những chuyện thông thường, rất giản dị nhưng đã làm chúng tôi nhớ mãi như những điều thiêng liêng, bởi những điều đó xuất phát từ tình thương bao la của Bác, thắm đượm tình cảm của Bác – như tình cảm một người cha dành cho những đứa con thân yêu của mình.

Những lần đại tiệc, tiếp khách nước ngoài, Bác đều dặn dò bộ phân giao tế nhớ để phần cho bộ đội bảo vệ. Những hôm có đoàn ca kịch hoặc chiếu phim, ngoài những người đang làm nhiệm vụ còn tất cả chúng tôi đều được quây quần quanh Bác cùng xem. Một lần đoàn kinh kịch của Trung Quốc biểu diễn tích xưa có vai các tướng đấu kiếm với nhau, buổi biểu diễn kết thúc, các đại sứ nước ngoài đua nhau tặng hoa cho vị tướng đóng vai thắng trận. Riêng Bác, Bác tặng hoa cho viên tướng đóng vai thua trận. Bác cười vui: “Ăn cho đều, kêu cho khắp, phải động viên họ để lần sau đánh thắng chứ”.

Có lần đoàn tuồng Ái Liên biểu diễn phục vụ cơ quan Chính phủ vở Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, diễn viên trình diễn xuất sắc làm rung động lòng người, khán giả hoan nghênh nhiệt liệt. Xong buổi diễn Bác có vẻ không được vui, Người bước lên sân khấu và đọc mấy vần thơ:

“Lương Sơn Bá – Chúc Anh ĐàiChữ tình nên trọng, chữ tài nên thươngLão già dở dở ương ương.Làm đôi anh chị dở duyên không thànhĐánh cho phong kiến tan tành,Cho trăm ngàn Sơn Bá – Anh Đài thành đôi”

Bác dạy chúng tôi những bài học thật tế nhị, trong lúc chờ phim, chúng tôi quây quần bên Bác vui văn nghệ, một cô gái xung phong hát bằng tiếng nước ngoài, Bác đề nghị: “Người mình nên hát tiếng mình thì Bác và các chú ở đây mới hiểu, mới hay chứ”. Lại một đồng chí bộ đội xung phong: “Tôi ra đây hát mừng Cụ Hồ sống lâu muôn tuổi”, Bác bảo: “Chú hát bài khác, bài này cũ lắm rồi!”.

Có một đêm chiếu phim ở Liên Xô (cũ) không có người thuyết minh chính, một cán bộ học ở Nga về có lẽ chưa quen nên dịch nghe không được rõ. Bác cười bảo để Bác thuyết minh cho. Chúng tôi lắng nghe từng đoạn, từng ý, Bác dịch thật mạch lạc, gãy gọn, dễ hiểu… Ở Bác, điều gì cũng thật giản dị, và hình như điều gì Bác cũng có thể làm được!...

HOÀNG VĂN HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên