26/12/2018 10:57 GMT+7

70 năm Tây Tiến - kỳ 1: 'Tây Tiến người đi không hẹn ước'

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTO - Thoắt đó đã tròn 70 năm bài thơ bi tráng Tây Tiến để đời. Và cũng đã 73 năm đội quân Việt Minh thuở ngược lên Tây Bắc...

70 năm Tây Tiến - kỳ 1: Tây Tiến người đi không hẹn ước - Ảnh 1.

Địa bàn hành quân và chiến đấu của trung đoàn Tây Tiến 1945 - 1948 - Ảnh: QUỐC VIỆT

Tại Hà Nội, tôi ngồi nghe những người lính hồi tưởng chuyện chiến chinh. Nhiều năm đã trôi qua nhưng chưa ai quên năm tháng máu lửa trên cung đường hành quân ngược miền Tây Bắc sang đất Thượng Lào.

Nhiệm vụ bảo vệ biên cương phía Tây của chúng ta là quan trọng đến chừng nào

Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP

Lá thư của tướng Giáp

Con đường cực kỳ gian nguy nhưng cũng đầy hào hùng, lãng mạn để nhà thơ - chiến sĩ Quang Dũng viết thành tuyệt tác Tây Tiến:

"Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm...
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
...".

Và lá thư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp ngày 1-2-1947 đã mở đầu cuộc quân hành đặc biệt này:

"Kính gửi: Các chiến sĩ trong bộ đội Tây Tiến

Các đồng chí, hôm nay các đồng chí lên đường lãnh nhiệm vụ tiến về hướng Tây, theo gót một số đã sớm tiến trên các mạn Điện Biên Phủ, Sơn La, Mộc Châu, Sầm Nưa hay miền lân cận Xiêng Khoảng, Sê Pôn.

Tôi viết thư này cho tất cả đồng chí, người hiện đã ở tiền tuyến miền Tây cũng như người vừa nhận được lệnh lên đường, mong vạch rõ được nhiệm vụ nặng nề thiêng liêng mà nước nhà đã giao phó; tôi lại muốn kêu gọi các đồng chí chuẩn bị tinh thần cho đầy đủ để ứng phó với tất cả khó khăn hiểm nghèo đang chờ đợi các đồng chí ở nơi chiến địa.

Miền Việt Tây đối với nước ta có một vị trí chiến lược rất quan trọng. Hùng cứ được vùng đó, không những quân địch ở vào cái thế cứ cao lâm hạ có thể uy hiếp hậu phương chúng ta, mà chúng lại mong thực hiện cái âm mưu ác độc dĩ Việt chế Việt chia rẽ các anh em thiểu số, lập bộ đội thiểu số người Việt để tiến đánh chúng ta.

Cái âm mưu chính trị lẫn quân sự ấy chúng đã thực hiện ở miền Nam bằng cách chiếm cứ cao nguyên Trung Bộ và lợi dụng anh em dân tộc thiểu số ở đó...

Ở miền Bắc Việt Nam, thực dân Pháp cũng sẵn ý định khống chế các vùng dân tộc thiểu số từ Lai Châu đến Thanh, Nghệ để tiến đánh Hòa Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An và mong dùng chính sách lừa gạt, đàn áp để lập nên xứ Thái "tự trị" dưới gót sắt của chúng.

...Nhiệm vụ bảo vệ biên cương phía Tây của chúng ta là quan trọng đến chừng nào. Mỗi tấc đất miền Tây là một tấc đất của Tổ quốc Việt Nam, chúng ta không thể để cho địch dễ dàng giẫm lên được.

Mỗi một đồng bào miền Tây là một người dân nước Việt, chúng ta không thể không bảo vệ quyền lợi của đồng bào, không thể để đồng bào ta bị địch giày xéo hay lung lạc.

Hơn nữa, bảo vệ được lãnh thổ và nhân dân miền Tây tức là gián tiếp bảo vệ được đại hậu phương miền Tây chúng ta, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng.

Trên con đường về miền Tây, các đồng chí sẽ phải lặn lội nơi rừng xanh suối bạc, ở những địa phương hàng nửa ngày đường không thấy một bóng người, thủy thổ không quen thuộc, vật chất thiếu thốn, ngôn ngữ bất đồng, nước độc ma thiêng.

Chỉ một việc cất chân lên đường tiến về hướng Tây là đủ tỏ cái chí hi sinh, cái lòng kiên nghị của các đồng chí.

Các đồng chí biết rằng trên mặt trận này phải đương đầu với nhiều hiểm nghèo, khổ sở. Nhưng sự hiểm nghèo, khổ sở có bao giờ chinh phục được lòng anh dũng của những thanh niên hăng hái, có bao giờ chinh phục được chí hướng của một dân tộc...".

70 năm Tây Tiến - kỳ 1: Tây Tiến người đi không hẹn ước - Ảnh 3.

Hoàng Sâm (trái) và Văn Tiến Dũng thời Tây Tiến gian khổ - Ảnh: Ban liên lạc Tây Tiến

300 khẩu súng từ cuộc đấu rượu

Tuy nhiên, trước khi lá thư khích lệ tinh thần Tây Tiến được tướng Giáp viết, một đội võ trang trinh sát miền Tây đã hành quân theo cung đường sơn cước này ngay trong mùa thu 1945.

"Tôi vẫn nhớ đội trinh sát khoảng 160 người, chủ yếu sinh viên Hà Nội, khi hành quân mang theo cả đàn phong cầm (accordion), mandolin và kèn harmonica. Họ chẳng biết phía trước gian nguy là gì mà vẫn tình nguyện lên đường.

Những con người bị sốt rét, ghẻ lở hành hạ đến mức máu mủ bết chặt vào quần áo, gương mặt như chỉ còn mỗi hai hốc mắt vẫn kiêu hùng làm thơ, đàn hát" - người cựu chiến binh Tây Tiến Nguyễn Xuân Sâm tuổi 90 vẫn chưa quên ngày tháng đầu hành quân trên con đường máu lửa dù 73 mùa thu đã trôi qua.

Nhắc nhớ một thời "Tây Tiến người đi không hẹn ước", cựu chiến binh Trần Quang Thường cho biết tháng 9-1945 ông đang là chính trị viên đại đội Bắc Sơn đi Nam tiến, nhưng vừa đến Ninh Bình thì có thư Võ Nguyên Giáp gọi quay lại.

Về đến Bắc Bộ phủ, ông Thường và Hoàng Sâm, Phan Mỹ được ông Võ Nguyên Giáp cho xem tấm bản đồ hành chính Đông Dương. Sau đó, họ nghe thông báo tình hình quân Pháp ở Vân Nam tái chiếm Lai Châu. Chiến sĩ phải lên Tây Bắc, ngăn chặn Pháp tràn xuống đồng bằng.

Trên đường hành quân đến Hòa Bình, ông Thường lại gặp khu trưởng Hoàng Sâm (tức thiếu tướng Trần Văn Kỳ) và thành chứng nhân cuộc lấy súng kỳ lạ.

Thực tế thời điểm ấy, quân Việt Minh rất thiếu vũ khí trong khi quân Lư Hán, Tưởng Giới Thạch lại giữ nhiều vũ khí giải giáp từ phát xít Nhật. Biết liên trưởng Hán quân đóng ở Hòa Bình mê rượu, ông Hoàng Sâm chủ động mời.

Đợi gã ngà ngà bốc lên, Hoàng Sâm khôn khéo thách uống. Nếu ông ta say trước, phải giao lại vũ khí giải giáp cho Việt Minh. Nếu Hoàng Sâm thua, Việt Minh sẽ nộp thuốc lá cho họ.

Cuộc đấu rượu gần đến sáng, liên trưởng Hán quân đổ gục tại bàn. Hoàng Giáp, nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 523, sư đoàn 304 tham chiến Điện Biên Phủ, kể lại: "Tối ấy còn có tôi và anh Tạ Đình Đề. Mọi người nhìn anh Hoàng Sâm uống rượu bằng bát mà lo.

Chỉ huy Hán quân cao to, gốc người vùng Thập Vạn Đại Sơn Vân Nam giỏi rượu. Tuy nhiên, Hoàng Sâm uống rất chì. Anh điềm tĩnh, uống không hề đổ rượu ra ngoài. Còn tay kia hùng hổ nhưng chừng hơn nửa đêm ngấm say rồi gục hẳn xuống bàn, bát rượu rơi vỡ tan dưới đất".

Sau đó Hoàng Sâm đã nhận được 300 khẩu súng trường của Nhật ngay buổi đầu Tây Tiến...

nhà-thơ-quang-dũng

Nhà thơ Quang Dũng - Ảnh tư liệu

Quang Dũng (1921 - 1988) quê ở Hà Tây. Ông tham gia kháng chiến từ năm 1945. Năm 1947 ông tham gia trung đoàn 52 - Tây Tiến, hành quân đợt 2 lên núi rừng Tây Bắc sang Thượng Lào.

Bài Tây Tiến được Quang Dũng sáng tác năm 1948 với 34 câu thơ thất ngôn, kể lại cuộc hành quân Tây Tiến.

________

Kỳ tới: Con đường hành quân

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên