Tư thế ngồi toilet của trẻ: 2 chân phải được chạm trên mặt phẳng, vì nếu 2 chân "chơi vơi" thì trẻ không thể "mắc cầu", ống hậu môn khi ngồi như vậy sẽ bị "gập khúc, và đương nhiên "phân" không dễ dàng đi ra
Hầu hết (95%) trường hợp táo bón ở trẻ không phải do nguyên nhân bệnh lý, và thường có thể điều trị bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, tập thói quen đi tiêu tốt, đôi khi cần có thuốc hỗ trợ.
Tuy nhiên, nếu táo bón không được điều trị đúng thì có thể dẫn đến tình trạng táo bón mạn tính, bé có xu hướng "nhịn", sợ đi tiêu vì đau, làm cho táo bón càng trầm trọng hơn.
Để táo bón không còn là nỗi "ám ảnh" của bé và gia đình, ba mẹ hãy nên lưu ý các vấn đề sau đây:
1. Nước
Ba mẹ thường cố gắng ép con uống thật nhiều nước nhưng không dễ dàng vì trẻ thường không hợp tác. Thực tế, trẻ không cần phải uống quá nhiều nước mà là cần "đủ nước".
Nước có trong rất nhiều loại thức ăn hoặc thức uống chứ không chỉ là nước lọc. Ba mẹ nên khuyến khích và trao đổi với con, miễn sao trẻ được nạp vào đủ nước.
Ví dụ: trẻ trên 1 tuổi cần khoảng 960ml nước và các thức uống khác không phải sữa trong 1 ngày.
2. Nước trái cây
Bằng chứng khoa học cho thấy rằng nước trái cây nguyên chất có tác dụng với táo bón là nước táo, nước mận (prune) và nước lê, vì những loại nước trái cây này có chứa loại đường kém hấp thu, giúp giữ nước trong lòng ruột, giúp làm mềm phân.
Nhưng không nên cho trẻ uống nhiều hơn 180 ml mỗi ngày đối với trẻ từ một đến sáu tuổi; đối với trẻ trên bảy tuổi có thể uống 240 ml mỗi ngày.
3. Sữa và các sản phẩm từ sữa
Sữa tuy có chứa nước nhưng sữa cũng chứa nhiều canxi. Dung nạp lượng canxi quá nhiều cũng làm táo bón nhiều hơn. Tùy theo độ tuổi sẽ có nhu cầu canxi khác nhau.
Trẻ trên 1 tuổi chỉ cần khoảng 500ml sữa/ngày. Hoặc một số trẻ bị táo bón vì không dung nạp được protein của sữa bò thì phải tạm ngưng uống sữa và bổ sung canxi và vitamin D bằng nguồn khác.
4. Chất xơ
Ba mẹ nên cho trẻ ăn một chế độ ăn uống cân bằng đủ các nhóm thực phẩm, các nguồn chất xơ phổ biến nhất là các loại ngũ cốc và bánh mì nguyên hạt, các loại đậu và các loại hạt, trái cây và rau quả.
Ba mẹ nên khen ngợi trẻ ăn các loại thực phẩm này và khuyến khích ăn thường xuyên, nhưng không ép nếu trẻ không muốn, nên kiên trì tập cho trẻ ăn từ 8 đến 10 lần trước khi bỏ cuộc.
Một số chất bổ sung chất xơ có thể được khuyến cáo sử dụng cho trẻ em và cần được hướng dẫn bởi bác sĩ.
5. Tập thói quen đi tiêu
"Tập đi tiêu" để trẻ hình thành thói quen, để không "nhịn". Thời điểm phù hợp để tập là khoảng 30 phút sau bữa ăn, thời gian ngồi toilet là 5 -10 phút, 2-3 lần/ngày (dù trẻ chưa đi tiêu được).
Nếu khi tập trẻ bị táo bón nặng hơn thì tạm ngưng 2-3 tháng.
Chú ý tư thế ngồi toilet của trẻ: 2 chân phải được chạm trên mặt phẳng, vì nếu 2 chân "chơi vơi" thì trẻ không thể "mắc cầu", ống hậu môn khi ngồi như vậy sẽ bị "gập khúc, và đương nhiên "phân" không dễ dàng đi ra.
6. Thuốc làm mềm phân
Mục tiêu dùng thuốc là giúp trẻ đi tiêu ra được phân mềm, không gây đau hậu môn, vì một khi bé đi tiêu thấy đau thì bé sẽ có xu hướng "nhịn", càng làm táo bón trầm trọng thêm.
Thuốc không phải để điều trị hết táo bón. Điều trị táo bón là cần tìm và giải quyết nguyên nhân. Thuốc là hỗ trợ trong quá trình điều trị nguyên nhân, nên cần uống đều đặn và thậm chí trong thời gian dài (tính bằng tháng), ba mẹ nên kiên trì theo hướng dẫn của bác sĩ và tránh việc tự ngưng thuốc đột ngột.
Khi nào ba mẹ cần đưa con đi gặp bác sĩ?
- Khi đã thực hiện những lưu ý trên sau 24 giờ mà trẻ vẫn chưa đi tiêu được;
- Trẻ nhỏ hơn 4 tháng tuổi bị táo bón;
- Trẻ biếng ăn và sụt cân vì táo bón;
- Có máu trong phân hoặc dính tã;
- Táo bón tái đi tái lại nhiều lần;
- Trẻ than đau khi đi tiêu, có biểu hiện sợ đi tiêu;
- Cần đi khám ngay (bất kể ngày hay đêm) nếu trẻ bị đau bụng dữ dội, nôn ói hoặc khóc quá mức (đặc biệt ở trẻ nhỏ).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận