06/05/2013 14:03 GMT+7

30% biên chế bị dọa cắt: cắt bằng thước đo nào?

hungthuat
hungthuat

TTO - Câu nói của Trưởng Ban Nội chính trung ương Nguyễn Bá Thanh "cần phải cắt giảm 30% biên chế ở các cơ quan hành chính, nhằm tăng năng suất lao động và tăng thu nhập cho những người còn lại" tiếp tục thu hút ý kiến tham gia của bạn đọc.

uEECyEVg.jpgPhóng to
Cần chặt chẽ ở “đầu vào” để tuyển chọn được công chức có năng lực. Trong ảnh: thi tuyển công chức ở TP.HCM năm 2012 - Ảnh tư liệu

Nghĩ về 30% biên chế bị dọa cắt

Cần quy hoạch vị trí công việc trước

Bạn đọc dinhtoanctho@... đánh giá: "Việc xác định có 30% công chức đang ngồi không lãnh lương là có cơ sở. Tuy nhiên, việc cắt 30% này không phải dễ. Vì hiện nay tình trạng thất nghiệp đã nhiều do suy thoái kinh tế, nếu họ bị cắt đi rồi bản thân và gia đình họ như thế nào. Trong khi họ cũng cống hiến được một thời gian dài và đã nằm trong biên chế rồi. Việc buộc họ nghỉ việc là không dễ. Nếu để cho bộ máy không phình to và để có tiền trả lương cho những công chức còn lại thì Chính phủ không cho tăng biên chế nữa, năm hay mười năm nữa không tổ chức thi công chức thì số lượng biên chế không tăng mà còn tận dụng các công chức đang ngồi không này vào vị trí cụ thể. Không phải 30% công chức này không có năng lực nhưng vì công việc tại bộ phận cơ quan không nhiều nên việc ngồi không là chuyện bình thường.

Bạn đọc thaithinh1383@... cũng cho rằng: "Việc giảm biên chế dư thừa và thiếu năng lực là điều cần thiết. Song muốn làm được điều đó không hề đơn giản. Việc xác định biên chế dư thừa hay năng lực yếu cần những người lãnh đạo giỏi và thực sự công tâm. Nhưng cái khó ở chỗ cái tình mà người dân mình vẫn hay bàn. Tình thân, tình bạn, tình... rồi nể nang lãnh đạo cấp trên là những trở ngại mà việc tinh giảm biên chế phải vượt qua. Suy cho cùng giảm biên chế là để tăng mức thu nhập cho đại bộ phận cán bộ còn lại và là để có sự phấn đấu làm việc ở từng cá nhân ở từng bộ phận. Nhưng theo tôi để làm được vấn đề này thì trước nhất cần thay đổi cơ chế tuyển dụng, từ tuyển dụng đầu vào đến quy hoạch cán bộ lãnh đạo. Đừng để rơi vào tình trạng tuyển dụng, quy hoạch cân nhắc vị trí bị yếu tố "đồng tiền, quen biết đứng trước; năng lực đứng sau" điều khiển thì xem ra không ổn tý nào...

Phân tích thêm về ý kiến của ông Nguyễn Bá Thanh, bạn đọc dpsn62@ viết: "Tôi thấy trong thực tế, việc bố trí và tuyển dụng công chức hết sức tùy tiện do nhiều nguyên nhân “rất chủ quan”. Có những trường hợp chuyện bố trí sai chuyên môn đối với vị trí việc làm đã gây ra nhiều hậu quả xấu trong cơ quan, chuyện này rất phổ biến. Chuyện công chức “rảnh” theo thiển ý của tôi có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng tựu trưng phần lớn do người sử dụng không biết khai thác hoặc không muốn khai thác năng lực của công chức mà thôi."

Bạn đọc dspn62@ đề nghị: cơ quan nội vụ các cấp cần rà soát cụ thể đối với từng cơ quan, theo nhiệm vụ, chức năng của nó đối với từng vị trí việc làm để xây dựng kế hoạch bố trí cụ thể, khi đó chắc chắn việc sử dụng công chức sẽ hiệu quả hơn.

Bạn đọc Nguyễn Trung Chính (ntrungchinh@...) lý giải thêm: Xã hội ta hiện nay có quá nhiều những việc không đáng làm, không nên làm, không được làm mà vẫn cứ tồn tại, vẫn cứ được làm, vẫn cứ phải làm... Điều này đã gây ra biết bao những hệ lụy, biết bao nhiêu chuyện dở khóc dở cười, bao nhiêu là nghịch lý... Phần lớn đều do những quy định bất cập, chồng chéo trong quản lý xã hội...

Bạn đọc Trung Chính nhận định: "Thiết nghĩ, trước hết cần phải có sự minh bạch, sau nữa là nghiêm túc thực hiện phản biện xã hội, đề cao nền hành chính phục vụ hơn là nền hành chính chỉ để quản lý . Từ đó sẽ loại bỏ được hàng ngàn, hàng vạn đầu việc "hành dân", tự nhiên xã hội ta sẽ được tự động cắt giảm biên chế không cần thực hiện theo mệnh lệnh hành chính!

Việc cắt, giảm có làm phát sinh tiêu cực?

Bạn đọc lytran24@... bày tỏ e ngại: "sợ rằng 30% công chức cắt giảm lại không rơi vào các công chức "cắp ô" mà có khi tạo điều kiện cho cán bộ, công chức lãnh đạo có công cụ "triệt" những công chức "giỏi" nhưng lại không "ngoan"!

Bạn đọc phongquang@... đánh giá: "Mới nghe qua, giảm biên chế là chuyện tốt và rất tốt. Nhưng đi sâu vào mới thấy đó là cả một vấn đề mà chắc chắn phát sinh ra những hậu quả khôn lường mà có thể ít người nghĩ tới. 1. Phát sinh ra nhiều người thất nghiệp. 2. Không có cơ hội để nhận thêm người mới, một bộ máy quá cũ kỹ, xộc xệch dứt khoát là không có chỗ cho các vấn đề đổi mới. 3. Ai sẽ ở lại, và ai sẽ bị đưa ra khỏi bộ máy? Người bị đưa ra khỏi bộ máy sẽ là những người không có quan hệ mật thiết với các cán bộ lãnh đạo. Những người ở lại sẽ là con ông cháu cha mà theo lệ thường, đây là những người không giỏi. Một bộ máy toàn những người không giỏi, hệ lụy sẽ khôn cùng.

"Lấy thước đo nào xác định và cắt giảm?" - đó là câu hỏi đi thẳng vào vấn đề của bạn đọc duongdinhtien1981@.... Bạn đọc này phân tích: Việc này nếu thực hiện không cẩn thận thì sẽ mang lại hậu quả khôn lường vì sẽ tạo điều kiện cho những kẻ không có năng lực thực sự nhưng có tiền và có ô dù vẫn tồn tại trong các cơ quan nhà nước. Chưa kể, nếu tồn tại quan tham, việc này mặt khác thúc đẩy mạnh hơn nạn tham nhũng, đưa và nhận hối lộ vì nếu không muốn mất việc thì phải chạy trọt, nhờ vả, đút lót....

BẠN ĐỌC TUỔI TRẺ ONLINE

Theo bạn đâu là nguyên nhân dẫn đến việc phải "cắt giảm 30% biên chế"? Những giải pháp nào theo bạn nên thực hiện để có thể nâng cao thu nhập cho người lao động, bên cạnh việc "cắt, bỏ" những vị trí công việc thừa thãi...?

Hãy chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online qua email tto@tuoitre.com.vn hoặc phần Phản hồi ý kiến ngay bên dưới bài viết.

hungthuat
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên