17/12/2021 09:08 GMT+7

'3 chữ an' cho người lao động

HƯNG ĐỊNH
HƯNG ĐỊNH

TTO - Doanh nghiệp 'khát' lao động khi ngày Tết cận kề. Nhiều công nhân về quê tránh dịch đang lưỡng lự giữa đi hay ở. Cần lắm những giải pháp bền vững 'kéo' nhân lực trở lại các 'đô thị công nghiệp'.

3 chữ an cho người lao động - Ảnh 1.

Người lao động trở lại làm việc tại một cửa hàng thời trang ở quận 10 sau nhiều tháng thất nghiệp phải về Tiền Giang tránh dịch - Ảnh: NHẬT THỊNH

Chủ nhật tuần rồi, Khu công nghệ cao TP.HCM (TP Thủ Đức) lần đầu tiên tổ chức "Ngày hội việc làm", tuyển dụng nhân sự bằng hình thức trực tuyến. Người lao động chỉ cần ngồi ở quê cũng có thể truy cập và đăng ký tham gia. Tuy nhiên, số lượng tương tác cũng chỉ hơn 120 người.

Doanh nghiệp "khát" nhân công

Bà Trần Thị Tú Anh - trưởng phòng dịch vụ đào tạo và cung ứng nhân lực - chia sẻ: "Khá nhiều doanh nghiệp cùng tham gia tư vấn cho người lao động về công việc, mức lương cùng những quyền lợi khác, chứng tỏ nhu cầu tuyển dụng rất cao, cơ hội việc làm cũng nhờ vậy mà gần hơn bao giờ hết. Hoạt động này rất thiết thực trong thời điểm nhiều người cần có thu nhập để lo Tết".

Nhưng không như ngày trước. Bây giờ, tìm được công việc dường như cần nhưng chưa đủ. Người nhập cư mong chờ nhiều hơn những giải pháp bền vững. Nhu cầu tiêm vắc xin ở TP.HCM luôn được ưu tiên, không phân biệt thường trú, tạm trú. Chẳng may dương tính cũng được hưởng chế độ điều trị, cấp thuốc theo quy định. 

Chính quyền và các đơn vị sử dụng lao động đang vận dụng tất cả những chính sách đãi ngộ nhằm giữ chân và mời gọi thêm nguồn nhân công.

Sau khi phỏng vấn "online", nhiều doanh nghiệp tổ chức các chuyến xe 0 đồng về tận nơi đưa người lao động vào nơi làm việc. 

Chị công nhân ở cạnh nhà tôi được công ty tặng 500.000 đồng/tháng ngoài lương, cùng với giá thuê phòng trọ nay được bác chủ nhà giảm còn 1 triệu đồng/tháng, đồng nghĩa với doanh nghiệp "bao" một nửa tiền nhà. Khoản "phụ cấp" đột xuất ấy vô cùng ý nghĩa trong lúc nhọc nhằn. 

Đồng nghiệp của chị có con nhỏ còn được giải quyết linh hoạt, bằng cách bố trí vợ chồng làm lệch ca để luôn có người ở nhà với con.

Chủ các cơ sở kinh doanh lưu trú cũng không thể đứng ngoài cuộc. Báo Tuổi Trẻ vừa đăng một bác chủ nhà tốt bụng miễn phí bốn tháng tiền thuê phòng, lại còn tặng thêm tiền cho "khách hàng". Thay vì thu đầu tháng như thường thấy, nay nhiều chủ trọ điều chỉnh lại sau ngày nhận lương.

Sinh kế và biện pháp ứng phó

"Làn sóng" hồi hương cách đây không lâu đã cho thấy rằng trong hoàn cảnh sống chung với virus, sinh kế cho người dân phải đi kèm biện pháp ứng phó khi xảy ra giãn cách. Khá nhiều lao động ngoại tỉnh muốn quay lại thành phố sớm vì ở quê không việc làm, thu nhập lại gián đoạn. 

Tuy nhiên, một số địa phương đến bây giờ vẫn chưa hoàn thành tiêm vắc xin mũi thứ nhất, tỉ lệ người được tiêm đủ hai mũi còn khiêm tốn, khiến người dân chưa thể yên tâm trở lại công việc. Cùng với đó, số ca nhiễm tại các tỉnh thành vốn là trung tâm công nghiệp phía Nam còn ở mức khá cao, ảnh hưởng phần nào đến quyết định trở lại nơi làm việc.

Người thân của tôi làm công nhân tại TP.HCM hơn 10 năm, hiện đang "kẹt" ở miền Trung cũng vì những nguyên nhân trên, rất muốn vào lại nên chưa trả phòng trọ. Chủ nhà tốt bụng miễn phí bốn tháng đóng cửa về quê, lại còn động viên anh khi nào có thu nhập mới thu tiền. 

Tay nghề và kinh nghiệm như anh giờ muốn xin việc công ty nào cũng thuận lợi. Nhưng anh nấn ná chưa muốn trở lại cũng chủ yếu vì chưa thật sự yên tâm. Vả lại cũng muốn ăn cái Tết ở quê.

Dù sao anh còn độc thân nên cũng dễ tính toán, với nhiều cặp vợ chồng có con trong độ tuổi tiểu học trở xuống sẽ là cả một nỗi niềm. Ban ngày con cái không thể ở phòng trọ học trực tuyến một mình, nhưng một trong hai người lớn phải ở nhà với con thì suất lương duy nhất không đủ trang trải. Bài toán hai "ẩn số": việc làm cho người lớn, học hành của trẻ em thật nan giải.

Hơn bao giờ hết, cốt lõi của việc giải quyết vấn đề "việc tìm người, người cần việc" không chỉ nằm ở đồng lương. Dịch bệnh đặt ra yêu cầu đảm bảo "3 chữ an": an toàn sức khỏe, an sinh xã hội, an cư lạc nghiệp.

TP.HCM hiện thiếu 30.000 lao động, sau tết cần khoảng 75.000 lao động TP.HCM hiện thiếu 30.000 lao động, sau tết cần khoảng 75.000 lao động

TTO - Ông Nguyễn Văn Lâm - phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM - cho biết nhu cầu lao động hiện nay của TP là 30.000 lao động tập trung ở các ngành như may mặc, điện tử… Sau tết, nhu cầu lao động tăng lên khoảng 75.000 người.

HƯNG ĐỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên