Kiều hối về TP.HCM gấp 3 lần vốn FDI
Con số này được nêu ra tại buổi tọa đàm "Nắn dòng kiều hối vào hạ tầng" do báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức hôm nay, 23-4.
Có hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có khoảng 2,3 triệu người có liên hệ với TP.HCM. Do vậy kiều hối chuyển về TP.HCM luôn chiếm tỉ lệ cao trong tổng số kiều hối của cả nước.
Năm 2023 kiều hối chảy về Việt Nam ước đạt khoảng 16 tỉ USD, riêng TP.HCM là khoảng 9,46 tỉ USD, tăng 43,3% so với năm 2022 - cao gấp 3 lần so với nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Trong quý 1 năm nay, kiều hối về TP.HCM tiếp tục lập kỷ lục mới, đạt gần 2,9 tỉ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, hạ tầng của TP.HCM đang là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội, mà nguyên nhân chính là thiếu vốn. Nhiều chuyên gia cho rằng kiều hối là tiền của người dân nên việc sử dụng như thế nào là quyền của người dân, nhưng dưới góc nhìn vĩ mô, việc Nhà nước cần có chính sách để phát huy nguồn lực này là hết sức cần thiết.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho hay TP.HCM là một siêu đô thị với trên 10 triệu dân. Nhu cầu về hạ tầng, từ giao thông đến trường học, bệnh viện, nhà ở, công viên… là rất lớn và không ngừng tăng lên. Làm thế nào để đáp ứng tốt nhu cầu, nâng cao chất lượng môi trường đời sống người dân là trách nhiệm mà TP.HCM phải giải quyết.
Nguồn lực phát triển là bài toán rất lớn cho thành phố. Chính vì vậy, TP.HCM đã tích cực đề xuất và được Quốc hội thông qua nghị quyết 98, từ đó mở ra cho TP.HCM nhiều cơ chế vượt trội nhằm huy động được nhiều nguồn lực hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
"Bên cạnh tất cả các nguồn lực này, TP nhận thấy một nguồn lực rất lớn, rất ý nghĩa những năm qua luôn đổ về TP một cách bền bỉ, đó là kiều hối. Các thống kê chính thức cho thấy lượng kiều hối về thành phố cao hơn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, như năm 2023 là 9,46 tỉ USD, gấp gần 3 lần FDI", ông Cường nói.
Cần phát hành trái phiếu thu hút kiều hối vào hạ tầng
Theo ông Cường, điều đáng trân trọng là trong quá trình gặp gỡ, làm việc với lãnh đạo thành phố, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài luôn bày tỏ mong muốn được đầu tư nhiều hơn nữa cho quê hương, đặc biệt là cho TP.HCM.
Đầu năm 2023, UBND TP.HCM đã giao Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM xây dựng đề án "Chính sách thu hút và phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn thành phố".
Bà Vũ Thị Huỳnh Mai, chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, cũng thông tin thêm về đề án "Chính sách kiều hối trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2023 - 2030" mà Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM đang chủ trì tham mưu xây dựng, hoàn thiện.
Theo đó, một trong những mục tiêu chính của đề án là nắn dòng kiều hối vào hạ tầng, vào sản xuất, kinh doanh… để tạo sản phẩm cho xã hội, tạo công ăn việc làm. Cụ thể là khi đề án được triển khai, sẽ có ít nhất 5 dự án phát triển kinh tế - xã hội tại TP.HCM có sự đóng góp từ nguồn lực kiều hối.
Về đề xuất phát hành trái phiếu kiều bào, bà Vũ Thị Huỳnh Mai cho biết Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM đã tiếp thu đưa vào đề án. Một trong những sản phẩm chính của đề án là trái phiếu kiều hối.
Bên cạnh đó là 8 nhóm giải pháp để thực hiện chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối như: tăng cường thông tin tuyên truyền, hỗ trợ nâng cao tay nghề của người lao động khi ra nước ngoài làm việc…
"Qua trao đổi với cộng đồng trí thức, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở các nước Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ, Philippines, Hàn Quốc…, chúng tôi nhận thấy là nguồn lực kiều hối ở nước ta mang yếu tố giá trị tinh thần, giá trị nhân văn to lớn, thể hiện truyền thống yêu quê hương đất nước và tình cảm gia đình.
Đây chính là yếu tố mang tính bền vững và lâu dài của nguồn lực kiều hối", bà Mai nhìn nhận.
Tiềm năng còn lớn
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính - bất động sản toàn cầu, mặc dù chỉ chiếm khoảng 5% dân số người Việt và người gốc Việt trên toàn thế giới nhưng kiều bào lại là lực lượng tài chính có đóng góp rất đáng kể vào sự phát triển của Việt Nam.
Ông Hiếu ước tính với khoảng 5,5 triệu kiều bào trên thế giới, thu nhập bình quân 20.000 USD/năm, số thu nhập này của kiều bào khoảng 100 tỉ USD, bằng ¼ GDP.
Trong khi đó, trong năm 2023, kiều hối chuyển về Việt Nam chỉ khoảng 16 tỉ USD thì tiềm năng kiều hối còn lớn.
"Thời gian trước, kiều bào đổ tiền về nước thường gửi USD tại ngân hàng để lấy lãi suất. Tuy nhiên nhiều năm qua, ngân hàng trả lãi suất tiền gửi USD ở mức 0% nên kiều bào không còn mặn mà gửi về. Do đó, một kế hoạch phát hành trái phiếu cho kiều bào tại nhiều nước mà kiều bào có thu nhập cao và có khả năng đóng góp cho việc phát triển TP.HCM cần được nghiên cứu và triển khai càng sớm càng tốt", ông Hiếu nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận