18/10/2017 14:38 GMT+7

20 năm internet ở Việt Nam - Kỳ 3: Thời kỳ 'nửa bất hợp pháp'

THANH HÀ
THANH HÀ

TTO - Khó thể tưởng tượng được từ năm 1993-1997, Internet ở VN được coi là phân nửa (50%) bất hợp pháp. Với những người đi tiên phong mở đường đưa Internet vào VN thời điểm đó, không hề có hào quang mà chỉ có khổ sở với những công sức lặng thầm.

20 năm internet ở Việt Nam - Kỳ 3: Thời kỳ nửa bất hợp pháp - Ảnh 1.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm hệ thống server đầu tiên của Công ty Điện toán và truyền số liệu - VDC - Ảnh: T.L.

Các cậu làm thế nào thì làm, chứ nếu mở ra rồi phải đóng lại thì không biết phải ăn nói với thế giới như thế nào

Nguyên thủ tướng PHAN VĂN KHẢI

Vừa làm vừa thuyết phục

Sau 20 năm nhìn lại, ông Trần Bá Thái nói: "Internet vào VN do những yếu tố khác nhau thúc đẩy. VN đang nghèo và khó khăn, cần tìm kiếm cơ hội mở cánh cửa hội nhập".

TS Mai Liêm Trực nhớ lại khoảng thời gian mà ông và những cộng sự đang khát khao Internet "phải nghĩ ra đủ lý lẽ để thuyết phục lẫn nhau và thuyết phục cấp cao để được sự đồng thuận".

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thuyết phục và chuẩn bị để Internet vào VN, ông Vũ Hoàng Liên, chủ tịch Hội Internet VN, nguyên giám đốc Công ty Điện toán và truyền số liệu (VDC), cho biết để thuyết phục thì VDC phải demo cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành có liên quan biết Internet là gì. Thường là họ mời khách đến tầng 5 tòa nhà Bưu điện Hà Nội - số 75 Đinh Tiên Hoàng.

"Đúng ra phải demo online nhưng để đảm bảo không có sự cố bất trắc gì, các bạn kỹ thuật hay download về server offline để demo. Quan khách đều thấy Internet tốc độ nhanh, chạy mượt mà. Lúc đó thiết bị to và nhiều lại gây ấn tượng chứ không phải nhỏ gọn như bây giờ" - ông Liên nói.

Sau khi nhóm của ông Trần Bá Thái thuộc Viện Công nghệ thông tin thử hệ thống email đầu tiên, đến năm 1995 VDC đã triển khai hệ thống truyền số liệu. 

Ngoài ra, còn có hai nhóm khác cũng có những thử nghiệm thành công về mạng là nhóm VAST tại Khánh Hòa và nhóm Trí tuệ Việt Nam với mạng Intranet. 

Ông Vũ Hoàng Liên cho biết năm 1996, VDC đã bắt đầu triển khai dự án cung cấp Internet đầu tiên với số tiền đầu tư là 7 tỉ đồng. 

Đầu năm 1997, khi Internet chưa được chính thức cung cấp tại VN, VDC đã triển khai cung cấp dịch vụ cho Ủy ban về người VN ở nước ngoài.

Tết năm 1997, tạp chí Quê Hương là tờ báo đầu tiên của VN được kết nối mạng Internet toàn cầu dù bằng phương thức còn khá thủ công: các nội dung bài báo được dịch ra tiếng Anh rồi copy vào đĩa mềm, mang sang VDC để đẩy lên mạng chứ báo chưa được đưa thẳng lên.

 "Chúng tôi không thể quên được khoảnh khắc đáng nhớ đầy xúc động khi nhìn thấy những trang báo đầu tiên của tạp chí Quê Hương được online" - ông Vũ Hoàng Liên chia sẻ.

Theo ông Vũ Hoàng Liên, một trong những thuyết phục quan trọng là đảm bảo an ninh, an toàn. Từ "Firewall" luôn được dùng để thuyết phục và quan khách phần nào cũng yên tâm. 

"Xã hội hiếu kỳ và hào hứng ngay cả khi Internet chưa được cung cấp chính thức. Tạp chí Quê Hương của Ủy ban về người VN ở nước ngoài được lên mạng từ tết 1997 trước khi VN chính thức có Internet gần một năm, cũng là một tác động có tính thuyết phục đến chủ trương của Đảng và Nhà nước" - ông Liên đánh giá.

20 năm internet ở Việt Nam - Kỳ 3: Thời kỳ nửa bất hợp pháp - Ảnh 3.

FPT là một trong bốn doanh nghiệp đầu tiên được cấp phép cung cấp dịch vụ Internet tại VN - Ảnh: T.L.

Cái vỗ vai của Thủ tướng

Sau rất nhiều nỗ lực giải trình cả bằng công khai lẫn thuyết phục lãnh đạo và các bộ ngành liên quan, cuối cùng TS Mai Liêm Trực và cộng sự ở Tổng cục Bưu điện VN đã được những người đứng đầu cho phép thành lập Ban điều phối quốc gia mạng Internet ở VN, chuẩn bị cho việc chính thức mở cửa Internet vào tháng 11-1997.

Trước đó, tháng 4-1997, Chính phủ đã có một quy định tạm thời về quản lý Internet là nghị định số 21/CP. 

Trong đó, tư tưởng chỉ đạo là quản lý Internet theo phương châm "Quản lý được đến đâu mở đến đấy - TS Mai Liêm Trực, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, nhớ lại - Ban điều phối với đại diện của Bưu điện, Bộ Công an, Viện Khoa học VN cùng Tổng cục Bưu điện đã làm rất nhiều việc để đẩy nhanh tốc độ đưa Internet vào VN, từ xây dựng rất nhiều quy định, văn bản hướng dẫn liên bộ, ban hành giá dịch vụ, hướng dẫn các ISP chuẩn bị được cấp phép cung cấp dịch vụ... đến kiểm tra cổng kết nối quốc tế, tường lửa như thế nào".

Vào giờ chót, Thường vụ Bộ Chính trị và Thủ tướng đã đặt ra câu hỏi: Nếu mở Internet ra có chặn được hết những thông tin độc hại trên đó hay không? 

Ông Mai Liêm Trực hóm hỉnh kể lại: "Chúng tôi giải trình rằng đất nước đang mở cửa, hội nhập, phát triển quan hệ thương mại với thế giới. Thế giới có Internet thì mình cũng phải có để còn giao thương thì mới thu hút được doanh nghiệp nước ngoài vào. Đồng thời, có Internet sẽ tăng đáng kể thông tin đối ngoại của đất nước. Có Internet thì mình mới có thể đưa thông tin về đất nước đi khắp nơi, đến bà con Việt kiều ở Bắc Mỹ, Tây Âu.

Nhìn nhận lại thời cơ 20 năm trước, ông Mai Liêm Trực cho rằng thời điểm đó có một may mắn là sức ép về hội nhập quốc tế bắt đầu gia tăng. 

Năm 1995 VN gia nhập ASEAN và năm 1996 khối này đã đề cập đến vấn đề ASEAN điện tử, nếu còn đóng cửa với Internet thì rõ ràng VN không thể hội nhập, tham gia cuộc chơi chung của cộng đồng khu vực và quốc tế.

"Cuối cùng, chúng tôi gồm tôi, anh Nguyễn Khánh Toàn - thứ trưởng Bộ Công an, anh Chu Hảo - thứ trưởng Bộ KHCN - đến báo cáo trong cuộc họp với Thường trực Bộ Chính trị. Ông Lê Khả Phiêu hỏi rất nhiều, kỹ lưỡng, chúng tôi thay nhau trình bày. Khi Thường trực Bộ Chính trị đồng ý cho mở Internet thì chúng tôi tiếp tục sang thuyết phục Chính phủ".

Ông Trực kể các ông phải đến báo cáo Thủ tướng Phan Văn Khải tại nhà riêng. Sau mấy tiếng trao đổi, Thủ tướng vỗ vai ông dặn dò: "Các cậu làm thế nào thì làm, chứ nếu mở ra rồi phải đóng lại thì không biết phải ăn nói với thế giới như thế nào".

"Lúc đó, chính chúng tôi cũng chưa thể hình dung hết sức mạnh của Internet tạo nên sự thay đổi ở VN với mức độ và tốc độ như hiện nay. Chỉ có thể hình dung kết nối sẽ mở ra cánh cửa để phát triển kinh tế, thương mại, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, nâng cao dân trí.

Trước hết các nhà khoa học, các trường ĐH, viện nghiên cứu KHCN, các doanh nghiệp có thể tiếp cận với thông tin khắp thế giới, không giới hạn...

Nhưng tôi cũng hiểu rằng lúc đó chúng tôi có thể giải trình, thuyết phục được các "cụ" cũng là vì chúng tôi tạo được niềm tin cho các nhà lãnh đạo là việc kết nối Internet là đáng làm, và những người làm việc này là những người đáng tin cậy, vô tư trong sáng, làm thiệt, vì dân, vì nước".

Ông MAI LIÊM TRỰC (nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện)

_____________________________

Kỳ sau: Tên miền quốc gia ".vn"

THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên