23/09/2012 14:48 GMT+7

1Q84 - câu chuyện "hiện thực hóa cái ảo"

(http://bookvoed.livejournal.com/56502.html)
(http://bookvoed.livejournal.com/56502.html)

TTCT - Sau nhiều chờ đợi, tập 1 bản dịch tác phẩm 1Q84 của nhà văn Nhật Haruki Murakami vừa đến với độc giả VN tuần qua (*).

X60igD8R.jpgPhóng to
Dịch giả Dmitry Kovalenin - Ảnh: bookvoed.livejournal.com

Con người cần những câu chuyện hay

* Có mối liên hệ nào giữa nhà văn và dịch giả? Không phải những điều hiển nhiên kiểu như “am hiểu ngôn ngữ, quan tâm tới sáng tác của tác giả nên tôi dịch”, mà những mối liên hệ sâu hơn, có thể, có tính trừu tượng? Nói cách khác, tại sao có những dịch giả tạo ra những dịch phẩm tốt, nhưng cũng có những người để lại các bản dịch siêu hạng?

- Có Sách. Cần phải viết sách cho trẻ em của chúng ta. Là nhà văn hay là dịch giả không quan trọng. Hiện giờ, cũng như mọi khi, cần phải nắm tay đứa bé và dắt nó tới nơi cần tới. Các đoạn văn mà chúng ta đọc đấy không được dối lừa. Đấy là vấn đề của chúng ta. Bởi người ta hay lừa dối. Lừa dối chính họ nữa. Đó là điều ta cần đấu tranh.

Dịch giả Dmitry Kovalenin (**) nói: Trong quyển sách này (1Q84) có một chủ đề thú vị. Như mọi người hay nói - "thực tế ảo"..., nhưng ở đây là một cách trình bày khác hoàn toàn. Một trong những nhân vật chính muốn viết tiểu thuyết. Anh ta thích viết, thử viết, đánh vật với nó, và rồi đột nhiên được đề nghị viết lại tiểu thuyết của một cô bé viết khá cẩu thả nhưng ý tưởng thì tuyệt vời.

Anh lao vào thực hiện, sáng tạo một món hàng giả nhưng rồi hàng giả lại trở thành sách best-seller. Và một thời gian sau nhân vật bắt đầu nhận ra những gì anh ta viết trong sách lại xuất hiện trong đời thật. Tức là giải cái ảo hóa hiện thực, hay nói cách khác thực hóa cái ảo...

Murakami không dưới một lần đã nói trong các trả lời phỏng vấn rằng con người cần những câu chuyện hay. Những câu chuyện hay được kể có thể khiến người ta ra đi và thay đổi thế giới theo cách được viết trong các câu chuyện này... Tức là đang diễn ra cuộc chiến không phải giữa người tốt với người xấu, mà giữa những câu chuyện hay với những câu chuyện dở!

* Có cơ hội nào để 1Q84 đoạt giải Nobel không?

- Đầu tiên (tác phẩm) cần phải thấm vào công chúng đã, muốn vậy người ta cần phải đọc được chúng, dẫu bằng tiếng Anh... Dịch (1Q84) sớm nhất là ở Hàn Quốc, không phải vì ở Hàn Quốc có nhiều người học tiếng Nhật, mà vì tiếng Hàn và tiếng Nhật gần như có cùng trật tự cú pháp. Còn tôi gần như phải lộn ngược tất cả các câu từ chân lên đầu vì người Nhật luôn đặt động từ ở cuối câu, còn tiếng Nga thì (động từ) lại nằm đâu đó ở đầu câu. Còn để dịch đúng giọng điệu sao cho khôi hài hay buồn bã như ý tác giả thì phải xây dựng câu chữ lại lần nữa...

Bản dịch hai tập đầu 1Q84 sang tiếng Anh và Nga diễn ra gần như song hành, tháng 10-2011. Vâng, người Ukraine dịch hai tập đầu sớm hơn chúng ta, nhưng ở đây có vai trò của việc hiện có nhiều người Nhật ở Ukraine. Họ không có cuộc tranh cãi (với Ukraine) về lãnh thổ. Ngay từ khi Ukraine tách khỏi Liên Xô, người Nhật đã gửi sang đây giáo viên tiếng Nhật, tài trợ cho các trường đại học, trao đổi chuyên gia... Nhưng một số thuật ngữ trong tiểu thuyết được dịch sang tiếng Ukraine không giống như lẽ ra phải thế.

* Không phải lúc nào ông cũng hài lòng với những bản dịch Murakami của những người khác?

- Đây là vấn đề nhạy cảm - đánh giá các đồng nghiệp của mình. Nhưng tôi cho rằng, cũng như Murakami từng nói, (cần dịch) sao cho giữ được giọng điệu, nó còn quan trọng hơn cả ý nghĩa. Tôi xin trích dẫn cũng từ 1Q84, khi nhân vật chính ở bệnh viện và được khuyên nên nói chuyện với người bệnh. Người bệnh đang hôn mê. Nhân vật hỏi: "Liệu ông ấy có nghe thấy tôi không?".

Cô y tá đáp: "Hồi tôi đi học, người ta giảng một điều quan trọng: những lời tươi đẹp làm màng nhĩ rung lên những cộng hưởng tốt, bởi những lời ấy có âm hưởng tích cực. Kể cả khi người bệnh không hiểu ta đang nói gì với họ thì tai của họ cũng tiếp nhận những xung lực sống động này. Vì vậy chúng tôi được dạy cần nói to, bằng ngữ điệu vui vẻ với người bệnh, bất kể họ có hiểu hay không. Ngữ điệu quan trọng hơn ý nghĩa, nó hữu ích hơn".

Murakami cũng có một thủ pháp rất quan trọng mà những người yêu thích văn ông có thể dõi thấy: nhiều điều đúng đắn, hợp lý lại do các nhân vật phản diện nói ra... Đây là một diễn biến tâm lý: chính vì nó hay và dễ hiểu nên bạn muốn phản đối. Ngay lập tức bản năng buộc bạn phải tìm kiếm những luận cứ chống đối, làm bạn phải suy nghĩ, khiến điều vừa được nói ra nhập tâm bạn mạnh hơn. Điều đó rất gần với tu tập của Thiền tông.

bmWuS3PI.jpgPhóng to
Nhà văn Haruki Murakami - Ảnh: wordpress.com

Vì sao Sakhalin và chekhov?

* Thiền tông sao?

- Murakami thừa hưởng điều đó từ cha và ông mình, những người tu tập Thiền tông... Một điều thú vị là trong những quyển sách của mình ông không thích nói về việc cha và ông mình là các phật tử. Tôi biết được điều đó trong lần phỏng vấn đầu tiên Murakami năm 2002, dù ông không nói lời nào về Phật giáo...

Thú vị nhất là khi 17 dịch giả Murakami từ 12 nước quy tụ về Nhật. Đó là trường hợp đầu tiên và duy nhất, khi tại một đại hội với đại diện từng ấy nước mà ngôn ngữ duy nhất được trao đổi là tiếng Nhật. Rất vui, chúng tôi tụ tập, kết bạn, thậm chí còn tổ chức ứng tấu, bởi cứ hai dịch giả thì có một người chơi một nhạc cụ nào đó. Trong phát biểu của mình tôi có nói cha và ông của Murakami là các tu sĩ Thiền tông. Sau đó một đại diện nhà xuất bản Nhật tới bắt tay tôi, cảm ơn vì "những điều ông nói đã giải thích cho chúng tôi tất cả".

Tôi hơi sợ, lo mình nói điều gì đó không phải, nhưng ông ấy bảo tất nhiên rồi, vì ở Nhật Murakami không nói cho ai biết tổ tiên của ông là những phật tử. Vâng, Murakami muốn thoát khỏi một hình ảnh có tính giáo huấn. Bởi con đường sống của ông xây dựng trên những nền tảng hoàn toàn khác. Ông là người nghiện phim ảnh, chủ quán rượu, một kẻ đam mê âm nhạc và một người nấu ăn tuyệt vời...

cYpjoGbQ.jpgPhóng to
Bìa 1Q84 bản tiếng Việt

* Ông quen biết Murakami, từng đi cùng ông ấy tới Sakhalin năm 2003. Ðiều đó xảy ra thế nào?

- Tôi quen Murakami khi tới Nhật phỏng vấn ông ấy. Từ đó, chúng tôi duy trì liên hệ qua email, thảo luận về những sắc thái trong dịch thuật... Về sau, khi tôi tới Tokyo thực tập, văn phòng của ông ấy mời tôi tới gặp. Họ đề nghị tôi vào vai kiểu như phiên dịch và hướng dẫn viên du lịch (cho chuyến đi của Murakami tới Sakhalin), dù ở đó đã có phiên dịch rất giỏi. (Vì trong cuộc phỏng vấn tôi nói ở trên, tôi đã quảng bá Sakhalin cho Murakami, kiểu như: Ông có định tới thăm nước Nga không?

Ông ấy đáp: Tôi cũng muốn nhưng không có thời gian, mà ông khuyên tôi nên tới đâu? Là người Sakhalin, tôi khuyên ông ấy tới Sakhalin). Thế là ngay tại văn phòng ông ấy, tôi tìm số điện thoại lãnh sự quán Nhật ở Sakhalin, gọi hỏi và được họ tư vấn cho một công ty du lịch tốt nhất ở đó. Chỉ khi đó tôi mới phát hiện công ty này do người Hàn Quốc điều hành và một trong những phiên dịch giỏi nhất ở đó là một cụ ông người Hàn, tuổi đã 70 nhưng vẫn rất cứng cỏi.

Thử tưởng tượng xem ông ấy, một người Hàn Quốc ở Sakhalin 70 tuổi, đã trải qua những gì? Bằng tiếng Nhật được đào tạo trong trường phổ thông thời chiến (hay có thể là trước chiến tranh nữa), ông ấy kể cho chúng tôi về lịch sử đường sắt Nhật ở Sakhalin... Tại bảo tàng vùng, ông kể cho Murakami nghe về người Nivkh - Gilyak (***).

Rồi thời gian qua đi, và trong 1Q84 người Gilyak đã xuất hiện như một trong những chủ đề. Còn suốt dọc đường đi là những trích dẫn từ "Đảo Sakhalin" của Chekhov: suốt thời gian rảnh của chuyến du lịch, Murakami đọc "Đảo Sakhalin" bằng tiếng Nhật. Và những đoạn về người Gilyak ông rút ra từ đó để đưa vào tiểu thuyết... Ai, khi nào, vì sao và chúng được trích dẫn để làm gì, đó lại là một trong những chủ đề của tiểu thuyết, được ông sử dụng như một gam màu trên nền tranh vẽ của mình, tạo ra một sự pha trộn thú vị.

DUY VĂN trích lược (từ Novaya Gazeta và bookvoed.livejournal)

____________

(*) Ba tập của 1Q84 được in ở Nhật năm 2009-2010, ngay lập tức gây chấn động với đợt sách đầu tiên bán hết sạch ngay trong ngày phát hành, và số phát hành tăng vọt lên 1 triệu bản trong vòng một tháng. Tập 1 và 2 bản tiếng Anh do Jay Rubin dịch, tập 3 do Philip Gabriel dịch, được phát hành ở Bắc Mỹ và Anh tháng 10-2011. Ở VN, bản dịch của Lục Hương (từ bản tiếng Trung) do Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn phát hành tháng 9-2012.(**) Dmitry Kovalenin: nhà văn Nga, nhà phương Ðông học và dịch giả. Ông nổi tiếng ở Nga như người dịch chuẩn nhất các tác phẩm của Murakami, trong đó bản dịch Nhảy, nhảy, nhảy đã đoạt giải thưởng văn học "Strannik" năm 2002. Ngoài Murakami, ông còn dịch nhiều tác giả Nhật khác, riêng ông là tác giả của hai đầu sách, trong đó có một viết về Murakami.(***): Những thổ dân sống ở Sakhalin rất lâu trước khi người Nga tới.

(http://bookvoed.livejournal.com/56502.html)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên