18/01/2014 10:37 GMT+7

13 ngày nữa đến Tết, nín thở chờ sức mua

TRẦN VŨ NGHI - DŨNG TUẤN
TRẦN VŨ NGHI - DŨNG TUẤN

TT - Thị trường tết đang vào cao điểm. Thế nhưng, giới sản xuất cũng như hộ kinh doanh bán lẻ vẫn đang hồi hộp chờ đợi hi vọng diễn biến bất ngờ của thị trường, đặc biệt là nhóm mặt hàng bánh kẹo, thời trang...

YiHcixUi.jpgPhóng to
Người tiêu dùng đã có thói quen chọn bánh kẹo nội để làm quà tết - Ảnh: Thanh Đạm

Tình hình mua sắm ở nhiều ngành hàng cũng rất trái chiều, nơi nhộn nhịp, nơi đìu hiu.

Hồi hộp...

Mới 8g sáng, chạy ra chợ Bà Hoa (Q.Tân Bình, TP.HCM) tìm mua mấy hộp bánh kẹo để biếu tết, chị Lê Thị Hà phải đi mấy sạp mới mua được hộp bánh ưng ý.

“Đi đâu cũng thấy tiểu thương bán bánh hộp, năm nay thấy bánh trái ê hề, được cái mẫu mã hàng trong nước dễ thương, bắt mắt lắm nên thoải mái lựa chọn” - chị Hà hồ hởi khoe.

Bước vào sạp tạp hóa ở chợ nào bây giờ cũng dễ dàng nhận ra màu đỏ, xanh của các loại bánh kẹo, giỏ quà đầy sạp.

Chủ tiệm tạp hóa Thủy Hồng (đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.Tân Bình) cho biết: “Năm nay bánh kẹo trong nước bán được nhiều lắm, mẫu mã nhìn sang đẹp, giá lại vừa phải nên hàng ngoại “khó sống” hơn”.

"Thời điểm này chúng tôi tập trung hết sức vào việc bán hàng, đặc biệt tại thị trường TP.HCM. Mặt hàng thực phẩm có đặc thù riêng nên phải đến phút chót (hai ngày trước tết) khi chúng tôi thực hiện khuyến mãi, giảm giá mạnh cho người tiêu dùng mới biết là “thắng” hay không"

Ông Văn Đức Mười(tổng giám đốc Công ty Vissan)

Mặc dù tại nhiều điểm bán lẻ tình hình mua bán có nhích lên, một số mặt hàng hút khách, hụt hàng, tuy nhiên các đại lý phân phối lại cho biết năm nay vẫn kém so với năm ngoái.

Chị Thư - đại lý phân phối bánh kẹo Nguyễn Phước (đường Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) - cho hay năm nay nhập khoảng 3.000 thùng bánh kẹo về bán tết từ hồi giữa tháng 10.

“Sức mua cho đến thời điểm này nhìn chung vẫn không bằng năm ngoái, khá nhất là bánh hộp nhưng vẫn thua xa năm trước” - chị Thư tâm sự.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp bánh kẹo lại thở phào khi đã đẩy được gần hết số hàng ra thị trường, đặc biệt ở dòng sản phẩm đóng hộp, phân khúc cao cấp.

Công ty Kinh Đô khẳng định đã đạt kế hoạch sản lượng tiêu thụ 4.500 tấn sản phẩm. Về mức độ tiêu thụ, dòng sản phẩm cao cấp Korento có mức tăng trưởng mạnh, được tiêu thụ khá tốt nhờ lợi thế về chất lượng, mẫu mã và có mức giá cạnh tranh so với hàng ngoại.

Trong khi đó đến hết ngày 16-1, Công ty Bibica đã ước đạt mức 105% kế hoạch tết 2014, trong đó sản phẩm Goody - bánh hộp thiếc cao cấp - đạt mức 250% sản lượng dự kiến.

Ông Trương Phú Chiến - tổng giám đốc Bibica - cho biết dòng sản phẩm bánh hộp thiếc Goody cao cấp (chất lượng tương đương các sản phẩm ngoại nhưng giá thấp hơn 10-15%) với bao bì thiết kế độc đáo, “sốt hàng” liên tục. Dù đã chạy hết tối đa công suất của dây chuyền Goody, sản lượng cung cấp cho thị trường tết vẫn bị hụt khoảng 20% so với nhu cầu.

Mười ngày cuối cùng trước tết, mặc dù tình hình kinh doanh của các đơn vị là khác nhau nhưng nhiều doanh nghiệp đều khẳng định: mười ngày này là mười ngày “nín thở”...

Sở dĩ như vậy vì tình hình sức mua đến thời điểm này vẫn chưa thật sự bật hẳn lên, mọi sự chuẩn bị dường như đã hoàn tất chỉ chờ đợi người tiêu dùng vung tiền mua sắm.

Chờ đợi...

Tương tự bánh kẹo, sức mua đối với hàng thời trang, giày dép đã bắt đầu nhộn nhịp từ vài ngày qua. Ông Trần Hữu Thành - chủ cơ sở giày Long Thành (Q.6), doanh nghiệp chuyên sản xuất giày dép thương hiệu “Long Thành” vốn được thị trường các tỉnh và người Sài Gòn sinh sống lâu năm ưa chuộng - nói giọng chắc nịch: “Nếu đến hết 20 tháng chạp mà tui thấy tình hình vẫn êm êm như bây giờ thì chính thức đóng máy, không sản xuất nữa”.

Có ba cửa hàng chính thức ở TP.HCM và nhiều mối lấy hàng ở khắp các tỉnh khu vực phía Nam, ông Thành nói so với năm ngoái, sức mua năm nay chậm hơn 20-30%.

Trái ngược với sự bi quan của ông Thành, hệ thống giày T&T của DNTN dịch vụ thương mại Đức Triều đã tiêu thụ được 80% lượng giày trong tổng số khoảng 100.000 đôi giày tung ra bán tết.

Ông Trần Đức Tiều - giám đốc T&T - cho biết dù phân khúc sản phẩm công ty ông ở mức cao cấp, khoảng 1-2 triệu đồng/đôi giày nữ, 1,5-3 triệu đồng/đôi giày nam nhưng lượng mua có dấu hiệu tăng từ đầu tháng 12 vừa qua.

Ngành hàng may mặc cũng đang chạy nước rút cho tuần mua sắm quyết định khi sức mua ở ngành hàng này đều được các doanh nghiệp trong ngành nhận định đang có dấu hiệu cải thiện hết sức tích cực.

Bà Trần Ngọc Tuyết Thu - phó giám đốc marketing hệ thống Vinatexmart (thuộc Tập đoàn Dệt may VN) - cho biết lượng sản phẩm may mặc tiêu thụ trong toàn hệ thống đã đạt trên 90% so với kế hoạch đặt ra. Mức giá sản phẩm bán chạy nhất hiện tập trung ở phân khúc 180.000-250.000 đồng/sản phẩm (dành cho nam), 150.000-250.000 đồng/sản phẩm (dành cho nữ).

Riêng các sản phẩm dành cho trẻ em có mức giá khá mềm, khoảng 100.000-150.000 đồng/sản phẩm cũng bán rất mạnh do phù hợp với mức cầu của người thu nhập trung bình.

“Người tiêu dùng vẫn sắm tết và sắm khá muộn nên chúng tôi hi vọng sẽ tiêu thụ hết lượng hàng sản xuất ra cho mùa tết này, đặc biệt ở tuần cuối cùng” - bà Thu chia sẻ.

Giỏ quà tết bắt đầu “nóng”

Ghi nhận tại nhiều hệ thống siêu thị ở TP.HCM cho thấy sức mua giỏ quà tết Việt bắt đầu nóng lên, khi nhiều gia đình lục tục đi mua quà để biếu tặng. Tại các siêu thị trung tâm như Co.op Mart Đinh Tiên Hoàng (Q.Bình Thạnh), Nguyễn Đình Chiểu (Q.1), Phú Mỹ Hưng (Q.7)... người tiêu dùng có xu hướng ưa thích các giỏ quà có điểm nhấn là các đặc sản làng nghề, sản phẩm độc đáo địa phương như lạp xưởng bò Gia Phú Châu Giang, mứt dừa Xuân Hồng, kẹo dừa Hoàng Yến, rượu Phú Lễ, hạt dưa không màu...

Tại các siêu thị khu vực ngoại thành như Bình Triệu, xa lộ Hà Nội, Củ Chi... sức mua các giỏ quà có bánh bơ, nước ngọt, đường, cà phê và các loại thực phẩm khô lại được nhiều người dân lựa chọn hơn.

TRẦN VŨ NGHI - DŨNG TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên