15/09/2019 10:18 GMT+7

10 năm chống sạt, quốc lộ 91 vẫn lở

NGỌC ẨN - BỬU ĐẤU
NGỌC ẨN - BỬU ĐẤU

TTO - Từ lần đầu tiên xảy ra sạt lở vào năm 2010, đến nay tuyến quốc lộ 91 liên tục sạt lở, nhiều biện pháp xử lý đã được áp dụng nhưng không đem lại hiệu quả, thậm chí ngày càng trầm trọng hơn. Vì sao?

10 năm chống sạt, quốc lộ 91 vẫn lở - Ảnh 1.

Tuyến quốc lộ 91 dài 142km nối TP Cần Thơ đến cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang), được nâng cấp từ năm 1997 và đến năm 2015, Ban quản lý dự án 9 (Bộ GTVT) đã hoàn tất nâng cấp thành tuyến đường cấp 3. 

Đây là một trong những tuyến đường huyết mạch của An Giang và các địa phương lân cận, cũng như giao thương với Campuchia. Tuy nhiên, suốt 9 năm qua, tuyến quốc lộ này liên tục sạt lở.

Tiền mất, đường vẫn hư

Ngày 27-7-2019, trên quốc lộ 91 (đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, An Giang), cách chỗ sạt lở cũ 300m, đã xuất hiện một vết nứt dài khoảng 50m. 

Đến 0h38 ngày 1-8, vết nứt này đã sạt lở hoàn toàn xuống sông Hậu. Đến 2h23 cùng ngày, mặt đường nhựa sạt lở rộng lên 1/2 đường, dài khoảng 70m và đến 5h30, mặt đường nhựa sạt lở 1/2 đường và chiều dài 85m tăng về phía hạ lưu.

Nguyên nhân được xác định do địa hình đáy sông có lạch áp sát bờ, tác động dòng chảy tạo hàm ếch. Tại vị trí sạt cách bờ 70m có hố xoáy sâu 25m, dài 160m, rộng 30-50m. Ngoài việc đầu tư xây dựng tuyến tránh quốc lộ 91 dài 5km với kinh phí đầu tư 150 tỉ đồng (dự kiến ngày 30-9-2019 hoàn thành), các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc để xử lý. 

Trong văn bản về tình huống khẩn cấp, UBND tỉnh An Giang đã giao cho các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp xử lý như lấp cát, cải tạo mái dốc để bảo vệ đường bờ...

Trường hợp xử lý khẩn cấp với giải pháp ổn định mái dốc, sử dụng bao tải cát với định mức 23 bao/m2. Tổng lượng cát để xử lý tại vị trí sạt lở là 34.000 khối, chi phí xử lý sự cố sạt lở là 25 tỉ đồng. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh An Giang được giao làm chủ đầu tư và Công ty TNHH xây dựng thương mại dịch vụ Mỹ Luông thi công.

Tuy nhiên, khi thi công đạt 90% khối lượng, đến ngày 20-8, khu vực sạt lở này có dấu hiệu lan rộng. Mặt đường nhựa bị nước sông Hậu "nuốt" gần 100m. Vị trí sạt lở nghiêm trọng nhất ăn vào sát mép sân, nhà của người dân. 

Nhiều mảng nhựa đường lớn bị tách rời, có thể đổ ập xuống nước bất cứ lúc nào. Kiểm tra tại hiện trường, một cán bộ Bộ GTVT cho biết toàn bộ các bao cát để xử lý đoạn sạt lở đã bị nước cuốn trôi sạch. Gần 25 tỉ đồng đầu tư bị cuốn ngay trong một đêm sạt lở.

10 năm chống sạt, quốc lộ 91 vẫn lở - Ảnh 2.

Hiện trường đoạn sạt lở ở quốc lộ 91 - Ảnh: Chí Quốc

Sẽ chống sạt lở bằng bao tải cát?

Chiều 14-9, ông Nguyễn Văn Du - giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh An Giang, chủ đầu tư dự án khắc phục sạt lở quốc lộ 91 (đoạn xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú) - cho biết đến thời điểm này, việc xử lý sạt lở quốc lộ 91 vẫn phải tiếp tục chờ... 

Dù đã có kết quả quan trắc địa hình đáy sông khu vực sạt lở quốc lộ 91 nhưng theo ông Du, còn chờ đơn vị khảo sát, tư vấn mới tính toán và có phương án trình UBND tỉnh xử lý tiếp theo.

"Kết quả địa chất cũng chưa nói lên được gì mà phải chờ đơn vị tư vấn là Công ty CP Tư vấn và đầu tư phát triển An Giang (ADICO) tính toán ra thông số an toàn như thế nào rồi mới có phương án xử lý sạt lở quốc lộ 91 tiếp theo cho an toàn và đảm bảo không sạt lở nữa. Hiện tại khu vực sạt lở cũng không có diễn biến gì mới, chưa có sạt lở thêm", ông Du nói.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đỗ Tiến - giám đốc Công ty ADICO, đơn vị tư vấn khảo sát vụ sạt lở quốc lộ 91, đơn vị này đã hoàn thành xong phương án và gửi các sở, ngành tỉnh An Giang để xin ý kiến đóng góp. Theo đó vẫn thực hiện phương án tương tự cách thức triển khai khẩn cấp lần trước. Tuy nhiên sẽ không làm nhanh mà chia làm 2 giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn 1 sẽ tiến hành thả bao tải cát ổn định đường bờ nhưng chỉ thực hiện tới cao trình "dương 05" (tức là cao tới bờ của đường quốc lộ 91). Sau đó sẽ khảo sát, đánh giá lại và chờ cho đất chặt lại. Đến khi lũ rút mới tiến hành làm lại mặt đường. "Ban đầu vì muốn giữ lại nửa mặt đường quốc lộ 91 nên mới làm nhanh nhưng sắp tới sẽ phải làm chậm và từng bước", ông Tiến nói.

Cũng theo ông Tiến, nếu không có gì thay đổi, UBND tỉnh An Giang sẽ sớm thông qua phương án này sau khi các ngành đóng góp và sẽ cho đơn vị thi công làm ngay. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng dự tính làm kè kiên cố đoạn quốc lộ 91 này dài hơn 2km, với kinh phí dự kiến khoảng 160 tỉ đồng. Bởi theo đánh giá, đoạn này đang nguy hiểm, có thể sạt lở bất kỳ lúc nào.

Nên xây kè bảo vệ bờ sông

Trước đó, từ năm 2012, Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT đã lập dự án đầu tư xây dựng kiên cố hóa sạt lở quốc lộ 91 với hai phương án đầu tư. Trong đó, ngoài phương án xây dựng tuyến tránh quốc lộ 91, đơn vị này đã đề xuất phương án xây dựng các đoạn kè bờ bằng cọc bêtông.

Theo đó, giữ nguyên phần đường hiện hữu, xây dựng công trình kè bảo vệ quốc lộ 91 có tổng chiều dài 5.130m tại các đoạn sạt lở và có nguy cơ sạt lở.

Cụ thể, xây dựng đoạn kè 1 tại đoạn sạt lở 1 trên bờ phải rạch Thị Hòa dài 2.850m, xây dựng đoạn kè 2 bảo vệ trên bờ phải sông Hậu (xã Bình Mỹ) dài 2.030m và xây dựng đoạn kè 3 tại bờ phải sông Hậu (thượng lưu thị trấn Cái Dầu) dài 250m.

Để đảm bảo điều kiện ổn định tổng thể cho công trình, tùy theo địa tầng khu vực sẽ sử dụng cọc bằng bêtông cốt thép có chiều dài 22-26m và đóng mũi cọc ngập sâu vào lớp đất (dưới đáy sông) tối thiểu từ 5-7m, đủ để neo giữ chân cọc.

Ngoài ra cần xây dựng dầm dọc chân kè bằng bêtông cốt thép có tiết diện 50-60cm, để liên kết các cọc thành tuyến vững chắc...

N.Ẩn

Sử dụng bao cát chống sạt lở là không khả thi

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ của Ban quản lý dự án giao thông 7 (Bộ GTVT) cho rằng phương án sử dụng bao cát chỉ có hiệu quả ở những khu vực có dòng nước chảy nhẹ, nước dâng từ từ hoặc khu vực ao hồ.

Vì vậy, việc sử dụng bao cát chống sạt lở bên dòng sông Hậu ra rạch Thị Hòa có dòng nước chảy mạnh là không khả thi. Tại khu vực này chỉ có thể áp dụng biện pháp đóng cọc bêtông sâu xuống lòng đất dưới đáy sông và kè bờ mới đảm bảo chắc chắn không sạt lở.

Ông Nguyễn Văn Thành - cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4 - cũng cho rằng giải pháp để xử lý cần nghiên cứu tổng thể diễn biến xói lở, trong đó cần nghiên cứu so sánh giải pháp và cần được tính toán kỹ.

Đặc biệt quan tâm những con đường dọc theo bờ sông bố trí kho bãi có nguy cơ sạt lở cao để điều chỉnh quy hoạch, đồng thời kết hợp nhiều giải pháp tình thế dựa trên thực tế khảo sát đánh giá, có thể làm kè bờ bằng bêtông, thảm rọ đá tạo mái kết hợp xử lý hố xói...

N.Ẩn

Sạt lở nghiêm trọng sau lũ, nhiều nhà có nguy cơ chìm xuống sông Sạt lở nghiêm trọng sau lũ, nhiều nhà có nguy cơ chìm xuống sông

TTO - Sau đợt mưa lũ đầu tháng 9, bờ sông Gianh đoạn qua xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình đã xuất hiện hiện tượng sạt lở rất nghiêm trọng. Nhiều nhà dân đang đứng trước nguy cơ bị nhận chìm xuống sông.

NGỌC ẨN - BỬU ĐẤU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên