Vì sao Mỹ không thể xóa nợ cho sinh viên?

NGUYỄN VŨ 27/09/2023 16:30 GMT+7

TTCT - Câu chuyện Chính phủ Mỹ tìm mọi cách để xóa bớt nợ cho sinh viên trong khi các tiểu bang và Tòa án tối cao nước này phản bác cung cấp nhiều bài học về những tác động không mong muốn của một chính sách tưởng đâu là tích cực.

Minh họa: Isabella Lee/Daily Bruin

Minh họa: Isabella Lee/Daily Bruin

Học phí đại học ở Mỹ rất cao nên đa số sinh viên Mỹ phải vay nợ để trang trải chi phí học tập, chờ khi ra trường sẽ trả dần từ lương. Trong 13 năm qua, tổng nợ của sinh viên tăng gấp ba lần; hiện 44 triệu người đang mắc nợ lên đến 1.600 tỉ đô la Mỹ, còn cao hơn tổng nợ vay mua xe hơi hay nợ thẻ tín dụng của toàn bộ dân Mỹ. 

Đa số nợ dưới 30.000 đô la nhưng có chừng 7% nợ mỗi người trên 100.000 đô la; bế tắc nhất là những sinh viên bỏ học nửa chừng, tỉ lệ không trả được nợ cao gấp ba lần những sinh viên học cho đến khi tốt nghiệp.

Nợ và xóa nợ

Gánh nặng nợ của sinh viên đã trở thành một trong những đề tài tranh cử. Các chính khách thuộc Đảng Dân chủ như thượng nghị sĩ Elizabeth Warren khi ra tranh cử tổng thống Mỹ vào năm 2020 đã tuyên bố sẽ xóa hết nợ cho sinh viên ngay ngày đầu tiên nhậm chức nếu đắc cử. Ông Joe Biden có kiềm chế hơn, chỉ đưa ra lời hứa sẽ giảm chừng 10.000 đô la tiền nợ cho mọi sinh viên.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chính quyền ông Donald Trump đã tạm thời cho phép sinh viên ngưng trả nợ như một trong những biện pháp hỗ trợ, và khi ông Biden lên làm tổng thống, một trong những việc đầu tiên ông làm là kéo dài thời gian hoãn trả nợ này đến tháng 10-2021 và sau đó gia hạn nhiều lần đến tháng 10-2023.

Song song với việc cho hoãn trả nợ, Tổng thống Biden sử dụng quyền hành pháp ban hành một chỉ thị giảm nợ cho sinh viên, đa số sẽ được xóa bớt 10.000 đô la tiền nợ nếu thu nhập dưới 125.000 đô la mỗi năm. Với những sinh viên có nhận học bổng Pell sẽ được xóa bớt 20.000 đô la tiền nợ. Kế hoạch này dự kiến giúp 40 triệu người vay nợ xóa bớt 441 tỉ đô la tiền nợ, một nửa trong số họ coi như sạch nợ luôn.

Ảnh: NBC News

Ảnh: NBC News

Thông thường ngân sách Chính phủ Mỹ do Quốc hội Mỹ quyết định nên một khoản chi lớn như thế mà không thông qua Quốc hội là không ổn về mặt nguyên tắc. Chính phủ ông Biden viện dẫn một đạo luật từ năm 2003 ra đời sau vụ khủng bố 11-9 nhằm cho phép bộ trưởng Giáo dục có quyền miễn trả nợ hay xóa nợ sinh viên do ảnh hưởng của "chiến tranh hay các trường hợp khẩn cấp quốc gia khác".

Họ lập luận xóa bớt nợ cho sinh viên mà không cần thông qua Quốc hội là do Covid-19 - một tình huống được xem là trường hợp khẩn cấp. Ngay sau đó sáu bang gồm Nebraska, Missouri, Arkansas, Iowa, Kansas và South Carolina cùng hai cá nhân là nghiên cứu sinh sau đại học đã nộp đơn kiện Chính phủ Mỹ ra tòa, cho rằng lệnh hành pháp xóa nợ của ông Biden là vi hiến.

Cuối cùng vụ kiện lên đến Tòa án tối cao Mỹ và trong một phán quyết vào tháng 6-2023, tòa này cho rằng chính phủ ông Biden đã vượt quá thẩm quyền khi quyết định xóa bớt nợ cho sinh viên; xem như dập tắt hy vọng của hơn 26 triệu người đã nộp hồ sơ xin xóa nợ.

Vì sao chính sách tích cực không được ủng hộ?

Tưởng đâu việc xóa bớt nợ cho sinh viên, được nhiều người dân Mỹ đồng tình, sẽ dễ dàng thực thi. Vì sao các bang và một số cá nhân kiện chính sách này, và vì sao Tòa án tối cao Mỹ đồng tình với họ?

Dễ thấy nhất là sự không công bằng - các sinh viên xoay xở làm thêm kiếm tiền để học mà không đi vay tiền của nhà nước sẽ thấy bất công, tự nhiên người đi vay được hưởng đến 20.000 đô la còn họ thì không. Những người ra trường, cày cục làm việc để nhanh chóng trả hết nợ cũng sẽ thấy nỗ lực của họ là công cốc. Quyết định xóa bớt nợ như thế khác nào khuyến khích sinh viên cứ vay tiền chi tiêu, sau này biết đâu sẽ được xóa nợ.

Mở rộng ra, dân Mỹ nếu được trợ cấp COVID-19 cùng lắm là vài ngàn đô la mỗi người; nay một tỉ lệ nhỏ được cấp đến 10.000 hay 20.000 đô la, như thế là không công bằng với mọi người dân. Một chính khách thuộc Đảng Cộng hòa viết trên Twitter: "87% dân Mỹ không mắc nợ sinh viên nay sẽ không phải gánh nợ bớt cho 13% người đi vay"; ý ông ta nói tiền xóa nợ là từ tiền thuế của dân, chia đều cho mọi người phải gánh trong khi hưởng thụ chỉ là một số nhỏ.

Trong thời gian tranh luận xung quanh việc xóa nợ, nhiều người lên tiếng trên báo chí rằng vì sao không xóa nợ cho nông dân vay tiền mua máy cày; xóa nợ cho doanh nghiệp nhỏ vay nợ để mở rộng sản xuất? Nợ sinh viên lớn nhất thường là những người vay để ra trường làm bác sĩ hay luật sư vì chi phí các ngành này thường cao hơn cả. 

Xóa bớt nợ cho các bác sĩ hay luật sư đang hưởng thu nhập cao là một hình ảnh khó chấp nhận, được nhiều người dẫn chứng. Thượng nghị sĩ Mitch McConnell nói xóa nợ như thế là cái tát lên mặt những gia đình dành dụm nhiều năm, hy sinh nhiều khoản chi để tiền cho con đi học.

Vì sao Mỹ không thể xóa nợ cho sinh viên? - Ảnh 3.

Khó thấy hơn là tác động lâu dài lên mức học phí. Các trường đại học thấy dù học phí có tăng, sinh viên vẫn có thể vay tiền của nhà nước để trang trải. Nay tiền vay được cắt giảm, họ sẽ có động lực tăng học phí tiếp; có gì nhà nước sẽ lo chuyện nợ nần của sinh viên. 

Học phí bình quân tại các trường đại học tư nhân Mỹ hiện đã lên mức 50.000 đô la mỗi năm; bốn năm mất đứt 200.000 đô la. Hãng J. P. Morgan dự báo đến năm 2035 chi phí học bốn năm đại học tại một trường tư ở Mỹ sẽ lên đến 487.000 đô la!

Ngay chính Bộ Giáo dục Mỹ cũng ước tính đến một phần ba khoản nợ sinh viên sẽ không bao giờ thu hồi được. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng nước Mỹ cần ngồi lại để tìm giải pháp cho chi phí học đại học ngày càng tăng cao so với các nước châu Âu trong khi xóa nợ chỉ là biện pháp chữa cháy tạm thời, không giải quyết được gốc rễ vấn đề.

Với các tiểu bang và Tòa án tối cao, phản bác chính sách xóa nợ là để khẳng định sự phân chia quyền lực không thể vượt rào: các quyết định có tác động lớn lên nền kinh tế, lên cân đối ngân sách phải do Quốc hội nước này thông qua. Tổng thống không có quyền ký lệnh hành pháp để thực hiện một cam kết khi tranh cử.

Hiện nay chính quyền ông Biden vẫn cố gắng tìm con đường khác để giảm nợ sinh viên; một trong những cách đó là thay đổi phương thức trả nợ, một chuyện nằm trong thẩm quyền của Bộ Giáo dục, nơi đang quản lý các chương trình cho sinh viên vay nợ. Theo kế hoạch mới, người vay nợ học đại học sẽ được giảm một nửa số tiền phải trả hằng tháng, dư nợ sau 10 hay 20 năm sẽ được xóa, tùy theo mức thu nhập của người vay.

Chính phủ Mỹ tính toán cho rằng người vay sẽ trả 0,71 đô la trên mỗi đô la vay nợ. Chưa biết rồi sẽ có những phản đối nào đối với kế hoạch này hay không vì mặc dù về mặt pháp lý có thể chặt chẽ hơn nhưng về mặt thực dụng, chưa giải quyết được gánh nặng chung cho người dân nộp thuế và vấn đề học phí ngày càng tăng.

Số sinh viên Mỹ ngày càng giảm

Như một hệ lụy của học phí ngày càng cao, số sinh viên Mỹ theo học bốn năm đại học ngày càng giảm. Năm 2010, tổng cộng các trường đại học khắp nước Mỹ thu nhận hơn 18 triệu sinh viên Mỹ vào học.

Con số này giảm dần, xuống còn 15,5 triệu vào năm 2021. Nếu như vào năm 2016, đến 70% học sinh tốt nghiệp phổ thông học tiếp đại học thì nay tỉ lệ này giảm còn 62%. Học phí bình quân ở các đại học tư nhân Mỹ hiện ở mức 58.000 đô la/năm; học phí bình quân ở các đại học công thấp hơn, vào khoảng 19.000 đô la/năm.

Nên nhớ tỉ lệ sinh viên theo học đại học ở các nước phương Tây khác thì đang tăng chứ không giảm như ở Mỹ. Số sinh viên ở Anh từ năm 2016 đến nay tăng 12%. Ở Canada, 67% những người trong độ tuổi 25 đến 34 đã tốt nghiệp đại học, cao hơn 12 điểm phần trăm so với Mỹ.

Ở các nước này, học phí vẫn còn tương đối thấp, như ở Canada và Nhật, học phí đại học công bình quân chỉ 5.000 đô la/năm; ở Ý, Tây Ban Nha và Israel, học phí còn thấp hơn, chừng 2.000 đô la/năm. Sinh viên hầu như không phải trả học phí ở các nước như Đức, Pháp, Đan Mạch.

Một trong những lý do làm số sinh viên ở Mỹ giảm là do chênh lệch giữa "tài sản" (chứ không phải thu nhập) giữa người có bằng đại học và người không có đang ngày càng thu hẹp lại. Nếu tính về thu nhập, người có bằng đại học hưởng mức thu nhập cao hơn khoảng 65% so với người không có bằng đại học.

Nhưng tính theo tài sản ròng, tức tính cả tài sản lẫn nợ nần, thì lợi thế do tấm bằng đại học mang lại hầu như rất nhỏ, nhất là với những người sinh ra vào thập niên 1980. Học đại học cũng là một cách đầu tư - đầu tư nhưng không sinh lợi bao nhiêu, ắt nhiều người sẽ chọn cách khác. Chẳng lạ gì, theo một khảo sát của Gallup, tỉ lệ giới trẻ cho rằng một tấm bằng đại học là rất quan trọng đã sụt giảm, từ 74% cách đây chừng 10 năm xuống còn 41% hiện nay.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận