UNGA 78: Một năm buồn tẻ

SÁNG ÁNH 01/10/2023 09:11 GMT+7

TTCT - Cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA) thường niên là dịp náo loạn thành phố New York khi một số lớn nguyên thủ quốc gia trong 193 thành viên của tổ chức đến dự và đăng ký lên phát biểu ở diễn đàn thế giới này.

Ông Gaddafi từng có lần phát biểu một tiếng rưỡi ở UNGA. Ảnh: AFP

Ông Gaddafi từng có lần phát biểu một tiếng rưỡi ở UNGA. Ảnh: AFP

Có thể kể ra đây vài vụ việc đáng nói là hy hữu.

Đụng độ ở UNGA

Năm 1960, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô là Nikita Khrushchev cởi giày ra đập bàn để phản đối diễn văn của đại sứ Philippines Lorenzo Sumulong là một sự cố đáng nhớ. Tuy Khrushchev nhận là có cởi giày và Phó thủ tướng thứ nhất Alexei Kosygin có làm chứng, nhưng tấm ảnh nổi tiếng ông giơ giày ra là ảnh chế biến sau đó để minh họa sự việc.

Năm 1964, khi Che Guevara đại diện cho Cuba đang đăng đàn diễn thuyết thì phe chống đối cách mạng bắn 1 trái SKZ 89mm từ bên kia sông hướng vào tòa nhà LHQ, nhưng trái phá này bay được 200m thì nổ tung, rơi xuống sông và chẳng chết ai.

 Cùng lúc, nhưng không được nhịp nhàng, 3 người toan xâm nhập trụ sở để ám sát Che. Khi được biết chuyện này, Che nói "bị phụ nữ đâm bằng dao còn hơn là bị đàn ông bắn bằng súng", và ông tha lỗi cho nữ hung thủ.

Năm 1971, Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan) phải cuốn cờ ra đi nhường chỗ cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) tại LHQ. Kết quả nghị quyết 2758 này của Đại hội đồng là 76 thuận, 35 chống, và 17 phiếu trắng. 

Một số nước vắng mặt, trong đó có Oman và UAE mới vừa gia nhập LHQ tháng trước. Đúng ra hai quốc gia này ủng hộ Đài Loan, nhưng hai vị tân đại sứ vừa nhậm chức được Liên Xô đưa đi mua sắm ở ngoại thành xa nên không về kịp và dù sao cũng không thay đổi được kết quả.

Năm 2009, cố lãnh đạo Libya Gaddafi đến dự Đại hội đồng nhưng muốn ở trong lều ông mang theo. New York tấc đất tấc vàng, ông không dựng lều ở đâu được, nên một tỉ phú Mỹ bảo đến nhà tôi ở Bedford mà dựng lều nếu trả nhiều tiền. 

Tỉ phú này là Donald Trump. Gaddafi mang lều đến nhà Trump dựng nhưng thị xã Bedford bắt phải gỡ đi. Năm đó thay vì diễn thuyết 15 phút ở Đại hội đồng theo quy định, ông Gaddafi chiếm diễn đàn một tiếng rưỡi đồng hồ nói đủ thứ chuyện, gồm chuyện ông đi máy bay mất ngủ.

Nhân năm đảo chánh ở Phi châu

Trở lại UNGA lần thứ 78 tức là năm 2023 đây, sau cuộc đảo chánh tháng 7 vừa qua ở Niger, LHQ vẫn phân vân chưa biết phe nào sẽ đại diện quốc gia này ở Đại hội đồng. Có lẽ là dưới áp lực của Pháp, LHQ vẫn công nhận tổng thống Mohamed Bazoum và còn mong ông ta được phục hồi.

Tại Guinea láng giềng thì mọi việc đã xong xuôi. Năm 2021, đại tá Doumbouya (41 tuổi) lật đổ tổng thống Alpha Condé (83 tuổi). Ông Condé là chủ tịch Liên hiệp châu Phi (African Union, AU) và bạn chí thân của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres. 

Họ thân đến nỗi được gọi là "cặp song sinh người Xiêm". Có lẽ nhờ vậy nên Condé sau khi bị lật đổ được thả ra và đang đi chữa bệnh ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng ghế Guinea ở LHQ vẫn về tay tổng thống lâm thời Doumbouya.

Năm nay trước Đại hội đồng, Doumbouya là người phát biểu nặng lời. Ông bảo là đã hết thời châu Phi của cụ thân sinh rồi, phải ngưng coi người châu Phi như trẻ con. 

"Mô hình dân chủ phương Tây trên hết đã góp phần duy trì một hệ thống khai thác và cướp bóc tài nguyên của chúng tôi bởi những ngoại nhân. Tham nhũng trở thành chuyện đương nhiên trong giới tinh hoa chúng tôi. Lãnh đạo quốc gia thường là những người được (phương Tây) cấp giấy chứng nhận dân chủ, dựa trên sự ngoan ngoãn hoặc khả năng bán rẻ tài nguyên và tài sản của quốc gia của họ".

Căn nguyên các vụ đảo chánh theo ông là các chế độ phục vụ quyền lợi của Tây phương đã lỗi thời. Ông cũng phủ nhận các nhãn mác: "Chúng tôi không ủng hộ hay chống Mỹ... Không ủng hộ cũng không chống Trung Quốc, không ủng hộ hay chống Pháp, cũng không ủng hộ hay chống Nga. Chúng tôi chỉ đơn giản là những người ủng hộ Phi châu".

Tuy đại tá Doumbouya rất cao lớn (hơn 2m), cái áo cách mạng của các lãnh đạo châu Phi đi trước ông như Jerry Rawlings hay Thomas Sankara với Doumbouya có lẽ vẫn hơi rộng. 

Ông xuất thân là hạ sĩ quan lê dương Pháp, sau đó về nước học sĩ quan và huấn luyện biệt kích bởi Mỹ, Đức, Israel, với kinh nghiệm phục vụ trên nhiều chiến trường quốc tế. Từ đại úy ông được tổng thống Condé thăng 3 cấp trong 2 năm và giao cho Lực lượng Đặc biệt.

Sang đến nhiệm kỳ thứ 3 sau 11 năm tại chức, tổng thống Condé cũng có chút ưu tư với thành phần quân đội. Các tướng lãnh nguy hiểm được cho đi làm đại sứ ở xa, nhưng ông hẳn không ngờ người lật ông lại là một đại tá trẻ dạng "con nuôi" trong nhà. Anh con nuôi này theo các tờ trình của mật vụ chỉ thấy than phiền về chất lượng rượu vang nhập khẩu và cả nước Guinea không có bán rượu nào uống được ra hồn.

Cho nên anh được coi là vô hại, cho đến một sáng năm 2021, anh mang lực lượng đặc biệt 500 người về thủ đô và tấn công tiểu đoàn an ninh phủ tổng thống. Đại tá chỉ huy trưởng an ninh cùng 20 binh sĩ thiệt mạng và tổng thống bị bắt sống. 

Condé bị còng tay và bị hăm "nhúc nhích là bắn", rồi sau mấy tháng được thả về nhà. Cũng tại UNGA năm nay, các lãnh đạo trẻ khác của châu Phi như đại tá Assimi Goita (Mali, 40 tuổi) hay đại úy Ibrahim Traore (Burkina Faso, 35) không thấy đích thân xuất hiện.

Bản thân người viết có một chuyện riêng nhớ đời với một vị tướng lãnh châu Phi liên quan tới các hội nghị UNGA này. Vào một dịp Đại hội đồng, khi đi ngang sảnh khách sạn Plaza nơi ông ngụ, vị tướng bị một người khách ngoắc lại. Vì ông lên quân phục đại lễ vàng chói nên khách tưởng ông là phục vụ khách sạn và nhờ ông gọi hộ xe. ■

Sự kiện náo nhiệt nhất của UNGA 78 năm nay chắc là phải nói tới đại sứ Israel Gilad Erdan. Trong khi Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đang phát biểu thì đại sứ Erdan rời chỗ đi lang thang giơ bảng đòi "Tự do cho phụ nữ Iran! Ngay lập tức!". Ông bèn bị an ninh LHQ tạm giữ và trục xuất, khiến ông cho đây là "một mức mới của LHQ về thấp hèn" khi đuổi ông và lại cho phép "tên sát nhân hèn hạ và tên đồ tể Tehran" Raisi phát biểu tại Đại hội đồng.

Phải nói là trong suốt lịch sử LHQ, Israel là nước vô địch về việc bị lãnh nghị quyết lên án. Năm 2022, LHQ có 28 nghị quyết lên án thì 15 dành cho Israel. Năm 2021 là 14/19. Năm 2020: 17/23. Giai đoạn 2006-2022, Israel bị LHQ lên án tổng cộng 99 lần. Nếu đi vào chi tiết, các nghị quyết lên án Israel được tuyệt đại đa số các quốc gia trên thế giới thông qua, bên chống lại thường chỉ có dăm ba phiếu là Mỹ và Israel, Canada và thỉnh thoảng là các đồng minh như quần đảo Marshall (dân số 62.000), Micronesia (105.000) hay Nauru (10.000).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận