Tỉ giá có đáng lo?

HỒ QUỐC TUẤN 01/10/2023 09:01 GMT+7

TTCT - Từ giữa tháng 8 năm nay, cùng giá xăng dầu, câu chuyện tỉ giá nóng trở lại.


Ảnh: The New York Times

Ảnh: The New York Times


Trong hầu hết bản tin phân tích chứng khoán mà tôi đọc, "sức ép tỉ giá" là thuật ngữ được lặp đi lặp lại. "Tỉ giá còn tăng nữa không?" cũng trở thành câu hỏi nhiều bạn làm xuất nhập khẩu hỏi tôi trong chuyến về ngắn ở TP.HCM hồi đầu tháng 9.

Việc tỉ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố vượt mốc 24.000 VND cho 1 USD cũng góp phần tạo tâm lý lo ngại với rủi ro tỉ giá. Thực tế vấn đề có đáng lo như vậy không?

Sức ép trên toàn cầu

Áp lực mất giá của VND không phải chuyện riêng của Việt Nam. Sau một thời gian yếu đi từ tháng 3 năm nay, đồng USD đã tăng lại mạnh mẽ vào tháng 7, và chỉ số đồng đô la Mỹ - thước đo sức mạnh tương đối của USD so với những đồng tiền mạnh khác - đã quay lại gần mức cao nhất, tương đương mức cuối tháng 2.

Có vài nguyên nhân chính.

Thứ nhất, với lãi suất USD tăng nhanh nhất kể từ đầu những năm 1980, và cao hơn đáng kể so với dự đoán hồi đầu năm, nhiều nền kinh tế lớn khác hụt hơi chạy theo. Trong bối cảnh đó, việc USD tăng giá mạnh là không khó hiểu. 

Các nhà đầu tư có thể thực hiện giao dịch hưởng chênh lệch lãi suất quốc tế đang có xu hướng chuyển đổi từ đồng tiền có lãi suất tăng chậm hơn sang USD, và tất yếu là nhu cầu USD trên thị trường quốc tế tăng.

Thứ hai, ngoài vấn đề chênh lệch lãi suất, hoạt động "chốt lời" của các quỹ đầu tư đã mua USD lúc giá còn rẻ nay bán ra để thu về lợi nhuận (và cả "cắt lỗ" với những ai đặt cược sai rằng giá USD sẽ rớt tiếp trong tháng 8 và 9) góp phần kéo giá đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới tăng nhanh trở lại. Nền kinh tế Mỹ vững mạnh và đồng USD "cứng cáp" hơn dự kiến là nguyên nhân nền tảng của các hoạt động kinh doanh ngoại hối này.

Thực tế việc tăng giá lại của USD so với nhiều đồng tiền chủ chốt từ tháng 7 năm nay chỉ là sự hồi phục của một đồng tiền đã bị bán quá nhiều (oversold) mấy tháng trước đó bởi giới đầu cơ quốc tế. Sự bật tăng trở lại này vô tình lại trùng hợp với giai đoạn lãi suất VND liên tục được cắt giảm để hỗ trợ nền kinh tế, góp phần tạo ra áp lực lên tỉ giá USD/VND.

Sức ép chênh lệch lãi suất VND và USD

Chênh lệch lãi suất của VND và USD cũng góp phần vào áp lực tăng giá USD trên thị trường nội địa. Từ giữa tháng 7, người ta đã bắt đầu chú ý đến chênh lệch lãi suất USD - VND trên thị trường liên ngân hàng.

Lấy ví dụ vào giữa tháng 7, chênh lệch lãi suất USD - VND tại các kỳ hạn chủ chốt trên thị trường liên ngân hàng đã leo lên đỉnh mới, cao nhất có lúc gần 4,7% với lãi suất qua đêm và thấp nhất là 1,18% với lãi suất kỳ hạn 3 tháng. 

Giới kinh doanh tiền tệ nhận thấy cơ hội kinh doanh chênh lệch lãi suất trong bối cảnh tỉ giá ít biến động khi đó. Chênh lệch giữa lãi suất USD và VND kích thích các định chế tài chính vay VND ngắn hạn rồi chuyển đổi sang USD để cho vay lại. 

Đây là hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất bình thường, nhưng góp phần tạo ra sức ép lên tỉ giá giao ngay, khi nhu cầu với USD trong ngắn hạn tăng lên (bán VND và mua USD, giữ để hưởng lãi suất cao).

Vậy tình hình có đáng lo không?

Về cân bằng vĩ mô của nền kinh tế, những đồn đoán về chuyện tỉ giá sẽ biến động mạnh hay phá giá thì không quá đáng lo vào thời điểm này. Đầu tiên, cán cân thanh toán cho thấy nhu cầu tổng thể của ngoại tệ sẽ ổn định.

Việt Nam vẫn đang trong trạng thái xuất siêu 8 tháng đầu năm (thặng dư thương mại tới 20 tỉ USD, chủ yếu là do tình hình xuất nhập khẩu gặp khó khăn chung và nhập khẩu suy giảm nhanh hơn xuất khẩu). Đồng thời vẫn có dòng vốn FDI giải ngân ổn định, khoảng 13 tỉ USD trong 8 tháng đầu năm, xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái.

Vì vậy không có sức ép lớn về nguồn cung USD nói chung trên cả tài khoản vãng lai và tài khoản vốn. Cộng với lượng kiều hối hằng năm luôn ổn định, bài toán cân bằng nguồn cung đô la Mỹ tổng thể cho nền kinh tế không đáng lo ngại.

Tuy nhiên, đó là cân bằng tổng thể. Những biến động ngắn hạn của dòng vốn do nhu cầu đầu tư, đầu cơ, hoặc tâm lý vẫn có thể tạo ra những cú sốc; kiểu như dù yếu tố cơ bản không đổi, nhưng nếu ai cũng đổ đi mua vàng, mua đất, mua gạo thì giá vàng, giá đất hay giá gạo vẫn có thể tăng ngoài kiểm soát, bất chấp nguồn cung không thật sự thiếu. Về mặt này thì phải nhìn tới sự hay - dở trong khả năng điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

Vì tỉ giá có thể tác động đến nhiều ngành kinh tế, đồng thời cũng có những mục tiêu về ổn định tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước, nên sẽ luôn cần những can thiệp.

Chia sẻ về phương hướng điều hành tỉ giá mấy tháng cuối năm 2023, có thể nhận ra yếu tố "ổn định tỉ giá" vẫn là mục tiêu trong tuyên bố của cơ quan điều hành "… điều hành tỉ giá phù hợp với điều kiện thị trường, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ và ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô" (Vụ Chức năng, Ngân hàng Nhà nước, VnEconomy 11-9).

Ổn định được không?

Câu trả lời là nhiều khả năng vẫn được, khi Ngân hàng Nhà nước còn nhiều công cụ tác động lên lãi suất ngắn hạn của VND, để hút tiền về, kéo lãi suất ngắn hạn của VND lên trở lại. Cụ thể ngày 21-9, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành gần 10.000 tỉ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày với lãi suất trúng thầu 0,69%/năm, cao hơn đáng kể so với lãi suất bình quân liên ngân hàng 0,15%.

Đây là tín hiệu cho thấy Ngân hàng Nhà nước đang dùng một số công cụ tiền tệ để hút bớt lượng vốn ngắn hạn đang quá dồi dào trong hệ thống về (đến nỗi lãi suất liên ngân hàng về gần 0%), nhằm thu hẹp chênh lệch lãi suất ngắn hạn USD - VND, hạn chế bớt hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất của các tổ chức tài chính, góp phần bình ổn tỉ giá.

Nhưng đó mới là ý định và hành động của cơ quan quản lý. Vẫn còn câu hỏi về tác dụng của hoạt động này - điều còn phụ thuộc vào diễn biến thị trường và tâm lý chung của giới đầu tư và đầu cơ.

Về dài hạn, Ngân hàng Nhà nước cần một chính sách tỉ giá linh hoạt hơn nữa và được phép "ít ổn định" hơn một chút, nhất là trong bối cảnh phức tạp của dòng vốn quốc tế mấy năm tới. 

Biến động địa chính trị và cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc được dự đoán sẽ khiến dòng vốn quốc tế biến động nhiều hơn, ra vào nhanh và phức tạp hơn. Trong bối cảnh đó, nếu mỗi lần biến động Ngân hàng Nhà nước đều phải can thiệp để giữ một mức dao động quá cứng nhắc thì sẽ không phù hợp.

Biên độ cần được mở rộng hơn và chấp nhận tỉ giá lên xuống như một phần của nền kinh tế, không để biến động quá đà, đến mức những đồn đoán về "phá giá" gây bất ổn kinh tế, nhưng cho phép mức biến động lớn hơn các mục tiêu "cứng" 2-3% như mấy năm qua là cần thiết trong bối cảnh mới. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận