Thái Lan: Khi quân hay bảo hoàng

HỮU NGHỊ 23/07/2023 09:38 GMT+7

TTCT - Chính trường Thái Lan đang rơi vào tình trạng gần như bế tắc sau một cuộc bầu cử không có ai chiếm được đa số áp đảo, phản ánh những giằng co quen thuộc với quốc gia này xoay quanh chế độ quân chủ đã rất lâu đời.

Đảng Tiến bước của ông Pita đã về nhất trong cuộc bầu cử ở Thái Lan. Ảnh: Foreign Policy

Đảng Tiến bước của ông Pita đã về nhất trong cuộc bầu cử ở Thái Lan. Ảnh: Foreign Policy

Dân chủ là một quá trình chuyển hóa lâu dài, có khi hàng thế kỷ. 91 năm trước, một cuộc cách mạng không đổ máu năm 1932 đã lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế ở Thái Lan. Kể từ đó, Thái Lan đã trải qua 13 cuộc đảo chính thành công và khoảng chục cuộc thất bại. Giờ đây, bầu cử đã xong lâu rồi, song lại vẫn đang bế tắc ghế thủ tướng.

Đài tưởng niệm Dân chủ giữa thủ đô Bangkok hôm thứ hai 15-5 chật kín người khi dân chúng tụ tập ăn mừng chiến thắng của Đảng Tiến bước (MFP) của ông Pita Limjaroenrat trong cuộc bầu cử hôm chủ nhật. Ủy ban Bầu cử (EC), sau khi kiểm phiếu hoàn tất, tuyên bố thắng lợi thuộc về MFP. Hai tháng sau, ông này vẫn chưa nhậm chức được.

Pita hay không Pita?

Hôm thứ hai 17-7, 8 đảng trong liên minh của ông Pita tái khẳng định ông là ứng cử viên duy nhất cho chức thủ tướng, nhưng rồi ông lại bị quốc hội Thái Lan đình chỉ tư cách này vào ngày 20-7, khiến cho tương lai chính trường nước này được dự báo sẽ còn nhiều bất trắc. 

Nhiều cuộc họp được tổ chức sau khi nỗ lực đầu tiên đưa ông lên ghế đó hôm 13-7 bị cản trở do không hội đủ số phiếu bầu trong quốc hội, dù ông được lãnh đạo Đảng Pheu Thai là Cholnan Srikaew chọn làm ứng cử viên duy nhất. 

Trong cuộc bầu cử hôm 14-5, Pheu Thai về nhì với 141 ghế Hạ viện. MFP về nhất có 152 ghế, song trong cuộc đề cử ở hai viện quốc hội Thái Lan (Hạ viện 500 thành viên và Thượng viện 250 thành viên), ông Pita được 324 phiếu, chưa hội đủ 375 phiếu đa số cần thiết để lên làm thủ tướng.

Tình hình thêm nghiêm trọng khi tòa án Hiến pháp chấp nhận thụ lý một vụ kiện chống lại MFP với cáo buộc đảng này đang tìm cách lật đổ hệ thống chính phủ dân chủ hiện thời do Nhà vua làm nguyên thủ quốc gia, qua việc sửa đổi điều 112 Bộ luật Hình sự, vốn phạt tù tới 15 năm tội xúc phạm hoàng gia.

Thật ra, không chỉ mỗi MFP mới nhắm đến hủy bỏ các điều khoản khắc nghiệt trên. Đầu năm nay, hai nhân vật Tantawan "Tawan" Tuatulanon và Orawan "Bam" Phupong, vốn đang phải đối mặt cáo buộc phỉ báng hoàng gia, đã bất ngờ xuất hiện tại các cuộc mít tinh vận động tranh cử để gây áp lực buộc các đảng chính trị nêu rõ quan điểm về điều 112 Bộ luật Hình sự. 

Hai nhân vật trên còn yêu cầu rút lại bảo lãnh tại ngoại cho họ và tổ chức tuyệt thực 52 ngày nhằm thúc đẩy cải cách tư pháp, trả tự do cho tù nhân chính trị và bãi bỏ điều 112 và điều 116. 

Họ đã gây huyên náo đúng vào lúc ở Thái Lan, số lượng người phải đối mặt các cáo buộc và truy tố về tội khi quân tăng một cách báo động kể từ các phong trào do thanh niên lãnh đạo kêu gọi cải cách hoàng gia bắt đầu vào năm 2020.

Những nỗ lực của Tawan và Bam đã thành công khi các đảng chính trị trên toàn quốc buộc phải công bố lập trường về điều 112. Đảng Pheu Thai nhấn mạnh rằng các cuộc tranh luận tại quốc hội là cần thiết để giải quyết vấn đề gây chia rẽ này một cách hòa bình. 

Nhà lãnh đạo trên thực tế của đảng đang lưu vong Thaksin Shinawatra coi vấn đề chủ yếu bắt nguồn từ việc thực thi luật pháp không thích đáng hơn là bản thân luật pháp. MFP, vốn từng đề xuất sửa đổi điều 112, thì đưa ra thêm nhiều đòi hỏi bảo vệ những chỉ trích chính đáng và trung thực nhắm vào hoàng gia, giảm án tù liên quan đến điều 112 và hạn chế sử dụng điều khoản này bằng cách chỉ định Cục Hoàng gia với tư cách người khiếu kiện duy nhất.

Luật về tội khi quân hiện tại của Thái Lan đã có từ năm 1908, nhưng từ sau Thế chiến II, Thái Lan là chế độ quân chủ lập hiến duy nhất củng cố luật khi quân. Việc thực thi nó được mô tả là "vì lợi ích của hoàng cung", đến năm 1957 thì luật hình sự hóa hành vi được cho là xúc phạm. 

Điều gây tranh cãi là việc giải thích luật không chỉ phản ánh địa vị bất khả xâm phạm của nhà vua - giống như trong chế độ quân chủ chuyên chế - mà còn áp dụng cho bất kỳ ai khác trong hoàng gia và cả hội đồng cơ mật. 

Ngay cả những nhận xét mỉa mai về thú cưng của nhà vua cũng có thể bị truy tố là khi quân! Thủ tục tố tụng còn nặng nề hơn nữa khi bất kỳ ai cũng có thể nộp đơn khiếu kiện về tội khi quân, và cảnh sát chính thức điều tra tất cả những người đó. 

Có những vụ tạm giam trước khi xét xử kéo dài nhiều tháng và tòa án thường từ chối cho người bị buộc tội được bảo lãnh tại ngoại. Nhận tội, sau đó xin hoàng gia ân xá, được coi là con đường nhanh nhất dẫn đến tự do cho bất kỳ bị cáo nào.

Tính đến tháng 11-2021, đã có hơn 150 người bị trừng phạt vì tội khi quân kể trong một thời kỳ hai năm, AP 20-10-2021 cho biết. Các nhà phê bình cho rằng việc sử dụng ngày càng nhiều luật khi quân, với mức án tối đa là 15 năm tù, là một cách để kiểm duyệt mọi chỉ trích đối với chính phủ.

Cơ hội cho Pheu Thai?

Có thể thấy trong thế đối kháng rõ ràng giữa MFP và phe bảo hoàng, Đảng Pheu Thai giữ một thái độ kín đáo, tuy trong quá khứ đảng này từng bất cộng đái thiên với phe bảo hoàng. 

Cao điểm của sự đối kháng này là vào đầu thập niên 2010, trong cuộc chiến tranh lạnh giữa các lực lượng đứng sau chế độ quân chủ và những người ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin và một nền chính trị dân cử rộng rãi hơn (chính phủ Pheu Thai bấy giờ do em gái ông Thaksin, Yingluk Shinawatra, lãnh đạo).

Còn nhớ những năm đầu thế kỷ 21, thủ tướng Thaksin bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự năm 2006, sau khi bị cáo buộc tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Các đồng minh của ông đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2007, nhưng những dàn xếp dích dắc trong Quốc hội Thái đã đưa Đảng Dân chủ đối thủ lên nắm quyền vào năm 2008. 

Việc ông Thaksin bị phế truất đã gây ra xung đột bạo lực giữa những người ủng hộ và những người phản đối ông, mà đỉnh cao là làn sóng biểu tình năm 2010 kêu gọi Thủ tướng Abhisit Vejajiva của Đảng Dân chủ từ chức.

Hậu quả của mấy tháng chiếm đóng Bangkok, kể cả phi trường quốc tế ở thủ đô, là 91 người thiệt mạng và cả ngàn người bị thương. 24 thủ lĩnh phe "áo đo"̉ ủng hộ ông Thaksin bị truy tố vì tội danh khủng bố. 

9 năm sau, Tòa hình sự Bangkok tháng 8-2019 đã phán quyết cuộc biểu tình kéo dài hai tháng của phe "áo đỏ" ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin là "một cuộc chiến chính trị, không phải khủng bố". Các bị cáo được tha bổng với tất cả các cáo buộc.

Trên phương diện cá nhân, ông Thaksin và hoàng gia va chạm nhau lần cuối và cạn tàu ráo máng nhất là hôm 30-3-2019, khi ông này bị Quốc vương Maha Vajiralongkorn tước mọi huân, huy chương hoàng gia đã dành cho ông này trước đó, Al Jazeera 30-9-2019 loan tin và chú thích rằng động thái này được loan báo không đầy một tuần sau khi Thái Lan tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên kể từ sau cú đảo chánh năm 2014. 

Nói vậy để thấy Pheu Thai vẫn là lực lượng chính trị nhất nhì ở Thái Lan và họ có những tính toán riêng, không loại trừ ý đồ chờ ông Pita sẩy chân để đứng ra "tiếp quản" ghế thủ tướng. Họ đã kín miệng về hoàng gia cho tới giờ của họ là có lý của nó.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận