Quản trị nhà nước ở Trung Quốc: Nhìn từ lĩnh vực tài chính

NGUYỄN THÀNH TRUNG 29/10/2023 11:12 GMT+7

TTCT - Trung Quốc đang siết chặt quản lý với lĩnh vực tài chính bằng cách lập thêm các cơ quan mới và tăng cường sự giám sát trực tiếp của Đảng Cộng sản.

Ảnh: AP

Ảnh: AP

Tháng 8 vừa rồi, một anh bạn Trung Quốc đang dạy tại một đại học ở tỉnh Phúc Kiến ngỏ ý hỏi tôi về dự tính mua căn hộ nhằm mục đích đầu tư ở khu vực Thủ Đức, TP.HCM. Anh tâm sự thị trường bất động sản Trung Quốc hiện đang bão hòa, và các nhà đầu tư địa ốc không bán được căn hộ đã hoàn thành. 

Mua đi bán lại căn hộ để kiếm lời không còn là phương thức đầu tư khả thi ở Trung Quốc nữa. Anh tin thị trường bất động sản ở Việt Nam vẫn còn tiềm năng cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ như anh.

Những nhà đầu tư, dù nhỏ hay lớn, sơ cấp hay thứ cấp, đang dần bỏ thị trường bất động sản Trung Quốc, và tác động đang lan ra khắp nền kinh tế, bao gồm cả lĩnh vực... thể thao. Ít ai ngờ chỉ trong 5 năm, câu lạc bộ bóng đá Guangzhou Evergrande của Công ty bất động sản Evergrande đã thay đổi như vậy. 

Năm 2016, họ chỉ là một câu lạc bộ bóng đá Trung Quốc trình độ trung bình, nhưng nổi tiếng gần như sau một đêm khi chi ra gần nửa tỉ đô la cho các vụ chuyển nhượng, trở thành một trong năm đội bóng chi tiền mua cầu thủ nhiều nhất thế giới năm đó. Còn bây giờ, họ đang trên bờ vực phá sản sau khi xuống hạng vào năm 2022.

Chuyện này là dễ hiểu khi công ty mẹ của họ, Evergande, đang lâm cảnh "ốc không lo nổi mình ốc", lấy gì mà nuôi bóng banh nữa. Tập đoàn địa ốc từng có thời là nhất nhì Trung Quốc này vừa nộp đơn xin phá sản ở Mỹ để cơ cấu lại các khoản nợ đến hạn không thanh toán được, ước tính lên tới hơn 30 tỉ USD.

Đối thủ của họ, Country Garden - nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, tháng 8 vừa rồi đã thông báo khoản lỗ lên tới 7,6 tỉ USD chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023. Giá cổ phiếu công ty lao dốc khi giới đầu tư lo ngại nguy cơ vỡ nợ ngày càng hiện hữu.

Liên tiếp lập cơ quan mới

Không phải chính quyền Trung Quốc không thấy được vấn đề khi thị trường bất động sản có nguy cơ trở thành bong bóng từ lâu rồi. 

Năm 2017, Ủy ban Phát triển và ổn định tài chính (FSDC) trực thuộc Quốc vụ viện, dưới quyền thủ tướng lúc bấy giờ Lý Khắc Cường, được thành lập khi hệ thống tài chính quốc gia đối mặt rủi ro ngày càng lớn từ nợ chính quyền địa phương, hoạt động ngân hàng ngầm liều lĩnh và thị trường bất động sản quá nóng.

Nhưng điều đó không giúp Evergrande và Country Garden, hai tập đoàn phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, tránh được vỡ nợ. Bất động sản là một trong những trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc, đóng góp khoảng 30% GDP, khoảng 80% tài sản của người dân cũng nằm trong bất động sản. 

Khi thị trường này hắt hơi cảm lạnh, ngành ngân hàng và nền kinh tế nói chung cũng lập tức lâm bệnh. Rắc rối trong lĩnh vực ngân hàng thường bắt nguồn từ các dự án bất động sản không còn khả năng trả nợ.

Chính quyền Trung Quốc vì vậy quyết tâm thực hiện những bước đi mạnh mẽ hơn để giám sát lĩnh vực đầy rủi ro này.

Một trong những cải cách then chốt diễn ra vào tháng 3-2023, dù ít được biết tới bên ngoài Trung Quốc. Ủy ban Tài chính trung ương (CFC) được thành lập, đặt dưới quyền kiểm soát trực tiếp của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, tiếp quản công việc của FSDC. 

Kế hoạch cải cách nói CFC sẽ "tăng cường sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đối với công tác tài chính". Cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm thiết kế, điều phối và giám sát cấp cao nhất trong lĩnh vực tài chính, cũng như nghiên cứu và xem xét các chính sách và vấn đề quan trọng trong lĩnh vực này.

Việc thay thế FSDC nằm dưới Quốc vụ viện bằng CFC, cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc coi trọng việc giám sát lĩnh vực này ra sao. Chưa hết, ngoài CFC, còn phải nhắc tới Ủy ban Công tác tài chính trung ương (CFWC) với trách nhiệm chính là chỉ đạo xây dựng tư tưởng, tổ chức và chính trị trong lĩnh vực tài chính. 

Nói cách khác, ủy ban này sẽ đóng vai trò chính ủy, chịu trách nhiệm xây dựng đảng, giữ cho hệ thống tài chính phù hợp với các mục tiêu chính trị, lý luận, đạo đức và kỷ luật của đảng.

Mặc dù tên hai ủy ban hơi khác nhau, trên thực tế, đây là hai bộ phận của cùng một tổ chức, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây còn là một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giải quyết việc thiếu cơ chế phối hợp tài chính rõ ràng ở địa phương khiến nợ công ở một số tỉnh thành tăng mạnh những năm qua. 

Kinh tế gia trưởng Ming Ming, người đứng đầu nhóm phân tích của Ngân hàng đầu tư Citic Securities, viết trong một báo cáo hồi tháng 3 rằng CFC và CFWC có thể giúp điều phối quy định tài chính của Trung Quốc ở cấp trung ương và địa phương.

Đầu tháng 10, tờ South China Morning Post ở Hong Kong tiết lộ CFC đã bắt đầu hoạt động hằng ngày từ cuối tháng 9, báo hiệu mức độ nghiêm trọng mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt, khi cuộc khủng hoảng bất động sản và những tác động lan tỏa tiềm tàng của nó với hệ thống tài chính do nhà nước kiểm soát bắt đầu bộc lộ ngày một rõ.

Ảnh: scmp.com

Ảnh: scmp.com

Đả hổ lĩnh vực tài chính

Tất nhiên phải có người chịu trách nhiệm. Tân Hoa xã 27-9 cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ trì một cuộc họp của Bộ Chính trị trong đó ông tuyên bố kết thúc đợt thanh tra tài chính hiện tại, nhưng nói sẽ còn nhiều đợt thanh tra nữa, tức có khả năng Trung Quốc sẽ chọn tập trung vào tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, cùng lúc với việc tái cơ cấu hệ thống quản lý điều hành.

Thời gian qua, các cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI) và Ủy ban Giám sát quốc gia (NSC) đã tăng cường điều tra lĩnh vực tài chính, với 2.500 cuộc thanh tra các tổ chức ngân hàng trên cả nước trong năm nay và 800 cuộc thanh tra các tổ chức tài chính phi ngân hàng. Từ tháng 1 đến đầu tháng 9, đã có ít nhất 80 nhân viên cấp cao tại các tổ chức tài chính bị điều tra.

Ngày 7-10 vừa qua, con hổ lớn đầu tiên trong năm 2023 của ngành tài chính Trung Quốc đã sa lưới. Lưu Liên Khả, cựu chủ tịch Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) - một trong bốn ngân hàng quốc doanh lớn nhất nước, bị khai trừ đảng và bị cáo buộc có các hoạt động bất hợp pháp, cũng như nhận hối lộ. 

CCDI cho biết trong một thông báo trên trang web của họ rằng Lưu Liên Khả bị cáo buộc cho vay bất hợp pháp và gây ra rủi ro tài chính nghiêm trọng. Ngày 16-10, Lưu Liên Khả chính thức bị bắt giam và có lẽ không phải là người cuối cùng trong danh sách bị cáo buộc tội hình sự trong ngành tài chính.

Những năm qua, quy mô của ngành ngân hàng Trung Quốc ngày càng lớn, tạo ra một lĩnh vực béo bở cho lạm dụng quyền lực, tham nhũng và hối lộ. 

Đến cuối năm 2022, các ngân hàng Trung Quốc hiện có tổng tài sản lên tới 379,4 nghìn tỉ nhân dân tệ (55.000 tỉ USD), tức hơn gấp đôi tổng tài sản của các ngân hàng Mỹ. Bắc Kinh rõ ràng đã nhìn nhận đây đang trở thành một lĩnh vực "quá lớn không thể kiểm soát". Sự tham gia của các cơ quan đảng mới, vì vậy, là có thể hiểu được.■

Lưỡng ủy nhất bộ

Ngoài hai trụ cột CFC và CFWC (hai ủy ban), còn có Cơ quan Quản lý tài chính nhà nước (SAFR) cấp bộ thuộc Quốc vụ viện, cũng mới thành lập vào tháng 5-2023 để duy trì sự ổn định hệ thống tài chính, giám sát hành vi thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.

Nhiệm vụ của SAFR là giám sát việc thực thi các luật và quy định tài chính của gần như tất cả các bộ phận của ngành tài chính, ngoài chứng khoán. Lãnh đạo SAFR là ông Lý Vân Trạch, người có thâm niên dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng và từng làm phó tỉnh trưởng Tứ Xuyên.

Phần lớn việc tổ chức lại các cơ quan giám sát tài chính của Chính phủ Trung Quốc được thông qua sau kỳ họp lưỡng hội tháng 3-2023 nhằm tăng cường hơn nữa sự kiểm soát trực tiếp của đảng với nhà nước và các hoạt động kinh tế.

Xu hướng này được Trung Quốc gọi là "dĩ đảng đại chính" (以党代政, lấy đảng thay cho chính quyền), với hy vọng giải quyết được những vấn đề trong ngành tài chính quốc gia.

Tuy nhiên, trong bài phỏng vấn với tạp chí Time đầu tháng 10-2023, giáo sư Chong Ja Ian, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Singapore, nói rằng vấn đề tài chính hiện nay của Trung Quốc đã thôi thúc giới lãnh đạo tìm giải pháp bằng cách siết chặt kiểm soát.

Ông nói: "Điều đó có thể hiệu quả với hệ thống nhà nước theo mô hình Lênin và các cá nhân trong một tổ chức, nhưng không hoàn toàn áp dụng được cho kinh tế thị trường".

Dựa trên kinh nghiệm thời kỳ Mao Trạch Đông, việc tái tập trung quyền lực vào tay đảng có thể sẽ dẫn đến một chính phủ kém hiệu quả hơn, dù có thể thống nhất hơn trong giám sát và ban hành chính sách. Thời gian sẽ trả lời cho hiệu quả hoạt động của mô hình "lưỡng ủy nhất bộ" này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận