Nước Nhật buồn và đẹp của Tawada Yoko

AN NHIÊN (TỪ NHẬT BẢN) 30/08/2023 06:59 GMT+7

TTCT - Kawabata, với một nước Nhật đẹp và buồn, phảng phất trong tác phẩm của Tawada Yoko. Nhưng nước Nhật buồn và đẹp của Tawada Yoko là một câu chuyện khác.

Sinh năm 1960, Tawada Yoko đoạt nhiều giải thưởng văn học của Nhật, Mỹ và của Đức (nơi bà định cư). Bà viết văn bằng cả tiếng Nhật và tiếng Đức. Giải thưởng văn học đầu tiên mà Tawada Yoko đạt được là giải Văn học Gunzo dành cho tác giả mới năm 1991 với tác phẩm Kakato wo nakushite (Đánh mất gót chân). 

Hai năm sau, Inu muko iri (Chú rể là con chó) đoạt giải Akutagawa Ryunosuke. Năm 1996, bà đoạt giải Văn học của Đức, giải Adelbert-von-Chamisso-Preis, sau 14 năm di cư sang Đức. 

Đều đặn từ đó đến nay, bà giành các giải thưởng văn học của Nhật và nước ngoài, nổi bật nhất là tác phẩm Hiến đăng sứ (Kentoshi) với giải Sách quốc gia của Mỹ năm 2018, hạng mục Sách văn học dịch.

Nước nhật buồn và đẹp của tawada yoko - Ảnh 1.

Hiến đăng sứ (bản tiếng Việt ra mắt vào tháng 8-2023) được viết bằng tiếng Nhật, với các truyện "Hiến đăng sứ", "Vi đà hộ pháp ở bất kỳ đâu", "Đảo bất tử", "Bên kia bờ hạnh phúc (Bỉ ngạn)" và "Tháp Babel của các loài vật".

Truyện đầu dài nhất, "Hiến đăng sứ", kể về ông Yoshiro và đứa cháu cố Mumei cùng những người thân xung quanh họ như bà cố của Mumei, thầy giáo, bạn học hay người hàng xóm, ông chủ tiệm bánh mì, người bán dao… 

Từng người, họ xuất hiện rải rác trong vài trang nhưng kết nối với nhau qua một sứ mệnh: tìm kiếm sứ giả xứng đáng "hiến thân" cho nền khoa học thế giới như một "ngọn đèn". Nhưng trước khi nhận ra họ có mối liên hệ với nhau, bạn chỉ thấy một nước Nhật thật buồn và đáng lo khi một thế hệ đầu bạc, hàng ông cố ngoại, vẫn phải chăm lo cho một thế hệ trẻ nhỏ ốm yếu về thể chất, chân yếu tay mềm, răng rụng lả tả theo đúng nghĩa đen. 

Đến "Đảo bất tử" hay "Bên kia bờ hạnh phúc", bạn lại thấy một nước Nhật "bị bỏ lại phía sau", buồn đến nao lòng.

Thế hệ đầu bạc đặt hết kỳ vọng vào thế hệ trẻ, ra sức chăm bẵm từ miếng nước cam đến bộ đồ mặc đi học, âm thầm tìm kiếm đứa trẻ xuất sắc để đại diện nước Nhật, ra nước ngoài, nghiên cứu về sức khỏe của chính thế hệ chúng. Trường chuyên, lớp chọn, chuyển giới, tin đồn, trào lưu chăm sóc sức khỏe kiểu "bác sĩ Gúc", báo chí với những bài viết nay A mai B khiến độc giả sớm xếp xó và còn nhiều vấn đề xã hội khác nữa… đều được tác giả đưa vào, khiến tác phẩm ngồn ngộn thông tin. 

Nước Nhật hiện ra theo cách mà người đọc ít mong đợi nhất. Và rốt cuộc, như thể đấy không phải là chuyện của mình nước Nhật, Tawada ở Đức kể chuyện nước Nhật để nói về hiện trạng của cả thế giới đang già đi không thể cưỡng lại nổi và cùng chung một ưu tư về tương lai.

Hiến đăng sứ trong tiếng Nhật đồng âm với "khiển Đường sứ (đi sứ Trung Quốc)", đọc là "kentoshi". Những "khiển Đường sứ" được chọn đi Trung Quốc khi xưa là để học tập văn minh Trung Hoa. Còn "hiến đăng sứ" của Tawada Yoko là sự chọn lựa tốt đẹp nhất, đáng kỳ vọng nhất trong thời đại mà Nhật Bản tự cắt đứt với thế giới bên ngoài để tìm kiếm một hi vọng trong nghiên cứu sức khỏe của loài người.

"...Ba người họ vui sướng, lòng như pháo nổ, nhảy cẫng như những chú thỏ đầu xuân. Trong nhà, nồi lẩu nóng hổi bốc hơi nghi ngút chờ cả nhà. Marika tìm được chỗ để an tọa rồi ngồi như mọc rễ ở đó. Hai ông cháu Yoshiro và Mumei bên kia làn hơi của nồi lẩu trông như hai ông tiên trong mây. Mumei cười ha hả, nhiều lần chọc đũa vào nồi nước lẩu sôi sùng sục nhưng không gắp được gì. May là đôi đũa bên cạnh gắp giùm cho nên bát của Mumei luôn đầy những ân huệ của đại dương và núi rừng. Khi gắp phải tôm hay nấm khiêu vũ là những thứ họ thường không ăn, Yoshiro và Marika rũ bỏ những ký ức bất hạnh về ô nhiễm, dùng lưới vớt những kỷ niệm vui vẻ, dù những kỷ niệm ấy như miếng đậu hũ non vỡ vụn giữa những chiếc đũa mà rơi xuống, họ vẫn nhẫn nại múc lên, cho vào bát, thưởng thức từng mảnh vỡ nóng hổi như không chịu từ bỏ. Thời gian không làm đồng minh của ba người, cứ lạnh lùng trôi đi, khi miếng cải thảo còn sót dưới đáy nồi đã rục rã thì chiếc đồng hồ treo tường gõ vang.

"Ôi, tôi phải về thôi".

Marika đứng dậy, gắng xỏ tay vào ống tay áo bị xoắn, trời không lạnh mà bà vẫn gài hết nút từ dưới lên đến cổ, không sót nút nào, xỏ chân vào đôi giày đã trở nên chật chội chỉ trong khoảng thời gian ngắn.

"Chào nhé, lần tới nhé. Bà muốn tới nữa lắm nhưng mà, nếu được là bà tới ngay, muốn tới lắm, mà thôi bà sẽ tranh thủ".

Những lời nói thốt ra, những lời không nói ra được, bao nhiêu từ ngữ cứ nảy ra, xé cơ thể như mảnh giấy viết ghi chú tại đó, bà bước đi như thể vò nát miếng giấy vứt đi. Khuôn mặt đẫm nước mắt dúm dó, giọng nói khô khốc từ trước khi cất lời.

"Để tôi tiễn bà" - Yoshiro hét gọi từ phía sau. Marika hướng về Yoshiro đang định bế Mumei lên yên xe đạp, giơ hai tay như chặn lại:

"Không cần đâu, tôi muốn về một mình" - Bà nói với giọng như đang hát một bài nhạc thịnh hành, tuyệt chiêu vừa nghĩ ra trong tích tắc để giấu đi giọng nói nghẹn ngào. Bước chân cứ thế nhanh dần, chẳng mấy chốc thành chạy bước nhỏ, chẳng phải hội thao mà hai khuỷu tay cứ nhịp nhàng đưa lên hạ xuống, răng nghiến chặt, cằm cứ đưa về phía trước, chạy, chạy và chạy. Khi bỏ chạy khỏi đám cháy có lẽ như thế này. Ở đâu đó đang bốc cháy, nên ở đâu đó đau đớn vô cùng. Từ xưa, bà đã không thích những cuộc chia ly, càng có tuổi, bà càng không thích. Nếu là nỗi đau như chạm vào vết thương chưa kín miệng phải gỡ miếng dán ra thì thà cứ để mặc miếng băng dán bẩn đen, dinh dính, lên mủ cùng với lớp da thịt còn hơn, bà nghĩ, như một đứa trẻ.

Nước nhật buồn và đẹp của tawada yoko - Ảnh 3.

Nước nhật buồn và đẹp của tawada yoko - Ảnh 4.

Gương mặt của đứa chắt không thể nào rời khỏi võng mạc của bà, dù lắc lư trên tàu điện hay vật vờ trên xe buýt. Dù quay về với núi công việc bận rộn và bị chúng tấn công như núi lở, bà vẫn nghe được tiếng cười của Mumei giữa những hơi thở của chính mình. 

Hơn tất cả, bà sợ nhất là tình yêu mà lẽ ra mình nên chia đều cho bọn trẻ trong viện trở nên nhạt đi và chỉ dành trọn nó cho Mumei.

Marika đang tham gia vào một dự án tư nhân cực mật, đó là chọn những đứa trẻ xuất sắc để gửi ra nước ngoài với tư cách sứ giả và gần đây, bà được chọn làm một thành viên chủ chốt của ủy ban sàng lọc. Trong viện có nhiều trẻ như thế, ấy vậy mà bà vẫn chưa tìm được đứa trẻ nào phù hợp để làm sứ giả. Đứa trẻ đầu óc thông minh nhanh nhẹn nhưng nếu chỉ khôn lanh cho chính bản thân mình thôi thì không đủ tư cách. Đứa trẻ có tinh thần trách nhiệm cao nhưng năng lực ngôn ngữ không xuất sắc cũng không đủ tư cách. Cho dù có tài ăn nói nhưng chỉ say sưa với câu chuyện của chính mình cũng không được. Đứa trẻ cảm nhận được nỗi đau của bạn bè bằng chính da thịt mình nhưng lại quá thương cảm ngay cũng không hay. Ý chí mạnh mẽ nhưng sớm thích chia bè phái, chủ tớ, cũng không đủ tư cách. Hoặc đứa trẻ không thể chịu nổi khi ở cùng người khác lại càng không được. Nhưng đứa trẻ không chịu nổi sự cô độc cũng không xong. Đứa trẻ không có dũng khí và tài năng lật ngược giá trị quan từ xưa cũng không đủ tư cách. Đối nghịch với bất kỳ điều gì cũng không được. Trẻ theo chủ nghĩa cơ hội thì cũng đương nhiên, không đủ tư cách. Trẻ dễ dao động thái quá cũng không đủ tư cách. Cứ xét như vậy thì không có đứa trẻ nào phù hợp để làm sứ giả, nhưng có một ứng viên hoàn hảo cho vị trí này...".

Những truyện ngắn khác trong tập truyện này giúp ta kết nối, hiểu được khao khát có được một thế hệ người Nhật khỏe mạnh, cống hiến cho nghiên cứu thế giới, gánh vác sứ mệnh (sứ), và hiến thân (hiến), tỏa sáng như ngọn đèn (đăng). 

Một bài báo năm 2020 trên trang nippon.com đã kể tác giả dường như không quan tâm đến giải Nobel văn học khi đi tìm kiếm chất liệu sáng tác tận Brazil ngay trong mùa công bố giải, nhưng bà đã nhắc đến Nobel văn học ngay chính trong Hiến đăng sứ với giọng văn trào lộng bất ngờ. 

Rất có thể, khi mô tả cậu bé Mumei được chọn làm "hiến đăng sứ", bà hẳn từng nghĩ về những giải Nobel trong các lĩnh vực khoa học mà nước Nhật đã đạt không ít thành tựu.

Nước nhật buồn và đẹp của tawada yoko - Ảnh 6.

Nước nhật buồn và đẹp của tawada yoko - Ảnh 8.

Tại sao hình ảnh Kawabata phảng phất trong tác phẩm của Tawada Yoko? Bà chơi chữ như Kawabata từng chơi chữ với tên của các nhân vật trong tác phẩm. 

Kawabata có một tác phẩm tên Bồ công anh (Huy Hoàng Books 2023), Tawada cũng nói về hoa bồ công anh, dùng hình ảnh của bồ công anh lẫn hoa cúc để nói đến sự phân biệt đẳng cấp.

Tawada Yoko còn khiến ta nhớ đến Miyazawa Kenji, nhà văn đồng thoại nổi tiếng của Nhật, với thứ hạnh phúc cho mình cho người mà ông tha thiết kiếm tìm. Kawabata dành hẳn một đoạn dài cho hai mẹ con Inako trong tiểu thuyết dang dở Bồ công anh để trò chuyện về nỗi buồn nhân thế, nỗi buồn mà Miyazawa Kenji và cả Tawada Yoko đều miêu tả theo cách riêng. Miyazawa Kenji chắc chắn đã yêu nước Nhật biết dường nào khi để lại những áng văn đẹp nao lòng, những câu chữ thắm đượm tình yêu thương con người, thiên nhiên, những tâm tư đau đáu về hạnh phúc mà cả trăm năm sau vẫn không hề lạc hậu. 

Tawada Yoko nhói lòng khi nhìn cuốn hộ chiếu Nhật bị hải quan sân bay không dám đụng đến vì sợ... phóng xạ hạt nhân sau thảm họa 11-3-2011 - một chi tiết cực kỳ đáng giá trong "Đảo bất tử". Một nước Nhật hoang phế, lụi tàn, bị xa lánh, cô lập, buồn bã trong tập truyện.

"Bàn tay đưa ra định cầm lấy cuốn hộ chiếu bỗng khựng lại, khuôn mặt của người kiểm tra hộ chiếu trẻ tuổi, tóc vàng, căng lên, không biết có phải đang tìm từ để nói hay không mà đôi môi của anh ta khẽ run. Và tôi là người đã mở miệng ra trước. "Đấy đúng là hộ chiếu của Nhật, nhưng tôi đã sống ở Đức từ ba mươi năm trước. Tôi vừa đi du lịch Mỹ về. Từ đó đến nay, tôi chưa từng đi Nhật". Nói đến đây thì tôi ngưng, rồi từ đó trở đi, tôi đã không nói ra thêm những gì mình đang suy nghĩ trong đầu. "Làm gì có chuyện cuốn hộ chiếu này dính chất phóng xạ được. Làm ơn đừng đối xử với nó như thể là bị cùi hủi vậy chứ". Tôi lấy cuốn hộ chiếu không được đón nhận lại, lần này tôi lật ra trang có dán dấu tư cách lưu trú là vĩnh trú rồi chìa ra cho anh ta xem. Anh ta nhận nó bằng những đầu ngón tay run run.

Tôi cảm thấy thương xót cho bản thân vì đã chứng minh sự trong sạch của mình bằng câu nói: "Từ đó đến nay tôi chưa từng đi Nhật". Vào năm 2011, khi nghe từ "Nhật Bản", người ta còn có sự đồng cảm, nhưng từ sau năm 2017, đã bắt đầu có sự kỳ thị. Nếu có được hộ chiếu của các nước khối cộng đồng chung châu Âu, khi đi lại các nước có thể sẽ không cần phải bận tâm đến việc là người Nhật hay không. Nhưng không hiểu sao tôi lại không có hứng thú muốn xin hộ chiếu đấy. Tôi cảm thấy việc bản thân mình để cho mọi việc đến cớ sự này, rồi lại càng bám víu vào cuốn hộ chiếu này quả là kỳ lạ.

Tôi liếc nhìn hoa cúc nở trên trang bìa màu đỏ của cuốn hộ chiếu. Ngay giây phút đó, tôi cảm thấy như hoa cúc trên tấm hộ chiếu có đến mười bảy cánh, nhiều hơn bình thường một cánh, tôi hơi giật thót mình, nhưng làm gì có chuyện cánh hoa trên cuốn hộ chiếu bị đột biến gene được...".

Nhưng cũng trên những dòng văn này, người ta thấy được ánh sáng của hi vọng, thấy chất samurai trong khí chất của ông Yoshiro và người vợ, qua hình ảnh những người lớn âm thầm đều đặn thắp nến vào mỗi sáng thức dậy. 

Tất cả họ đều là thành viên của một "giáo phái" (có thể gọi là vậy) nhẫn nại sống, hoặc lang bạt kỳ hồ như ông bán dao, hoặc làm việc bao đồng chăm con cháu người ta như bà Marika, hoặc ông Yoshiro viết báo, viết truyện để nói lên suy nghĩ của mình… họ âm thầm liên kết để cứu lấy nước Nhật.

Hành trình của bà Marika, từ cái bóng lặng lẽ của bà mỗi sáng thắp đèn cầy, hay khi lặn lội đi gặp chồng và cháu cố sau bao chặng đường đổi xe, đổi tàu... lại gợi nhớ niềm hãnh diện tàu cao tốc shinkansen với những cái tên uy dũng Tsubasa (Đôi cánh), Thunder (Sấm động), Hayabusa (Chim ưng), Hikari (Ánh sáng). 

Ở đó hiện lên một Tokyo có thể thiếu rau củ, trái cây sạch, chẳng có lấy một món đặc sản để cạnh tranh với các địa phương khác nhưng không thể thiếu những buổi hòa nhạc nuôi dưỡng tinh thần. 

Có thể những chuyến tàu ấy, nước Nhật hùng mạnh, xa xỉ ấy đã biến mất, hoặc đã ở đâu đó xa xăm diệu vợi bên kia bờ hạnh phúc, nhưng vẻ đẹp tinh thần vẫn ở đấy, vẫn là một nước Nhật buồn và đẹp sâu thẳm.

Nhà văn Tawada Yoko

Nhà văn Tawada Yoko

Dẫu vẫn có những dòng châm biếm một xã hội không chỉ ở Nhật mà còn ở nhiều quốc gia khác, quay cuồng với bao thông tin ngoài tầm kiểm soát của từng cá nhân, nay chạy theo trào lưu này, mai đã quên sạch để điên cuồng đổ xô theo hiện tượng kia, nhưng tấm lòng đau đáu hướng về quê hương Nhật Bản trong tác phẩm của Tawada Yoko thì không đổi. 

Nhất là nếu ta theo hành trình viết của bà từ Mắt trần (bản tiếng Việt do NXB Phụ Nữ phát hành năm 2011), Hiến đăng sứ, hay Hakkaku Ryoshi (Hạc trắng xòe cánh) vừa mới ra mắt tháng 5-2023 sau khi đã được đăng tải nhiều kỳ trên báo Asahi, tất cả đều là cái nhìn yêu thương từ một nơi xa về nước Nhật cố hương, với những chi tiết chắt lọc về cuốn hộ chiếu quyền lực nhất nhì thế giới hiện nay, với nhiều tầng ý nghĩa. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận