Gác cổng thật chặt

PGS.TS PHAN MINH TÂN 24/10/2011 17:10 GMT+7

TTCT - “Trước mắt là gác cổng cho chặt để không nhập khẩu tiếp, còn xử lý như thế nào thì phải tính tiếp” - PGS.TS Phan Minh Tân, giám đốc Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM, trao đổi với TTCT về câu chuyện trách nhiệm của địa phương trong việc ngăn chặn nhập khẩu, chuyển giao thiết bị, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm vào địa bàn.

Phóng to
Nhà máy ximăng Long Thọ ngày càng gây ô nhiễm TP Huế - Ảnh: Nguyên Linh

Công văn 2035/BKHCN-KHTC của Bộ Khoa học và công nghệ gửi các bộ, ngành, địa phương gần đây đã đề nghị “tìm hiểu và tránh” nhập khẩu thiết bị, công nghệ từ danh mục 2.255 doanh nghiệp (DN) lạc hậu, hiệu quả sản xuất thấp mà Chính phủ Trung Quốc vừa công bố loại bỏ (*).

* Theo ông, có cần đặt yêu cầu rà soát xem TP.HCM hiện có bao nhiêu cơ sở sản xuất đang dùng thiết bị, công nghệ lạc hậu cần loại bỏ?

- Làm được sẽ rất tốt nhưng đòi hỏi phải có quá trình và các điều kiện thực tế. Phần lớn DN của ta nhỏ, ít vốn, nếu đặt yêu cầu nâng cao công nghệ, nhiều DN sẽ không kham nổi. Giải bài toán này như thế nào cần có lộ trình, có chính sách cải thiện. Tuy nhiên, chắc là phải làm thôi. Vấn đề ở đây liên quan đến câu chuyện lớn hơn là chuyển đổi mô hình phát triển, cơ cấu kinh tế. UBND TP đã đồng ý chủ trương, trước mắt chọn vài chục DN lớn để “hỗ trợ trọn gói”, giúp họ chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đổi mới thiết bị, xây dựng thương hiệu... Chúng tôi cho rằng số DN lớn, đầu tàu mà chuyển dịch được sẽ có tác dụng lôi kéo.

TP.HCM từng không chấp nhận đầu tư một dự án do công nghệ lạc hậu, tiêu hao quá nhiều năng lượng (gấp ba lần DN bình thường). Nhưng một thời gian sau, chúng tôi thấy dự án đó xuất hiện ở địa phương khác, được chấp nhận. Việc này rõ ràng cần điều phối chung của Chính phủ.

* Ông có cho rằng cần đề xuất ngay UBND TP.HCM hoặc Bộ Khoa học và công nghệ có đối sách cho những công nghệ, thiết bị lạc hậu?

- Bây giờ rà soát lại, về lý thuyết có thể làm được. Nhưng để ra lệnh ngưng sản xuất, loại bỏ các thiết bị, công nghệ lạc hậu thì về mặt lý, kể cả quy định của luật, là chưa thể làm vì người ta có giấy phép đăng ký kinh doanh, không vi phạm... Mặt khác, chúng ta cũng chưa có quy định những công nghệ, máy móc nào cần loại bỏ, thay thế. Nhưng có lẽ trong tiến trình phát triển, đến lúc nào đó phải có một danh mục công nghệ, máy móc lạc hậu cần loại bỏ.

Đối chiếu với các cơ sở dệt nhuộm nhỏ của mình, thấy có công nghệ thiết bị trong danh mục phía Trung Quốc công bố. Nhưng như tôi đã nói, chưa có cơ sở ra lệnh loại bỏ các thiết bị, công nghệ lạc hậu. TP.HCM đã có quy định 14 ngành sản xuất không nằm trong khu dân cư, nhưng khi di dời cơ sở sản xuất có đi đôi với việc chuyển đổi công nghệ hay không lại là vấn đề khác. Còn khi thực hiện di dời các cơ sở gây ô nhiễm, chủ trương là không di dời ô nhiễm từ nơi này đến nơi khác, đồng thời phải kết hợp đổi mới thiết bị, công nghệ.

* Nhận rõ điều đó mà vẫn cứ để tồn tại công nghệ, thiết bị lạc hậu, nghĩa là chấp nhận rủi ro? Liệu TP.HCM có thể đi tiên phong giải quyết vấn đề này?

- Đúng là như thế. Nếu đặt vấn đề dưới góc độ đó, đây quả là vấn đề đáng phải suy nghĩ. Tuy nhiên, như tôi nói, để giải quyết vấn đề này phải trên tổng thể và cần có khung pháp lý chặt chẽ, đồng thời phải phù hợp thực tế. Chẳng hạn, chúng ta đều biết rõ ta vẫn là một nền kinh tế gia công, đơn thuần là lắp ráp như ngành dệt may và điện tử, phải trực tiếp sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nhưng nhiều năm qua vẫn chưa thay đổi được.

Vấn đề nằm ở chỗ chính sách như thế nào.

* Luật chuyển giao công nghệ đã phân cấp trách nhiệm thẩm định công nghệ cho địa phương. Vậy sở có thể làm ngay những gì để thiết bị, công nghệ lạc hậu không thể tiếp tục thâm nhập?

- Chúng tôi đề xuất một việc cần làm được ngay: gác cổng thật chặt vấn đề chuyển giao, tiếp nhận công nghệ, trang thiết bị của các dự án đầu tư. Điều này sẽ mang lại kết quả tốt hơn nếu có giải pháp phối hợp với hải quan, các cơ quan chức năng... Trước mắt làm tốt việc kiểm soát nhập khẩu thiết bị công nghệ, nhất là các loại đã bị “trảm”, đã thải ra ở các nước, không chỉ ở Trung Quốc. Nhưng vấn đề thứ hai là đối với những công nghệ, thiết bị đã vào lâu nay, việc xử lý như thế nào phải tính toán tiếp.

Hành lang pháp lý về tổng thể đã tương đối đầy đủ, có Luật sở hữu trí tuệ, Luật chuyển giao công nghệ, Luật công nghệ cao... Theo quy định, một số dự án đầu tư bắt buộc phải thẩm định công nghệ, mà Sở Khoa học và công nghệ là cơ quan chủ trì, ví dụ những dự án đầu tư trong lĩnh vực môi trường, xử lý rác, chất thải nguy hại, liên quan đến sức khỏe, có nguy cơ gây sự cố... Một số dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao phải thông qua một hội đồng khoa học để xác định có phải công nghệ cao hay không.

Tuy nhiên, có một thực tế là nếu các dự án không thuộc những lĩnh vực “nhạy cảm” thì không bắt buộc thẩm định công nghệ. Chính vì vậy, thời gian qua trong cấp phép đầu tư và phần lớn dự án không qua khâu thẩm định công nghệ. Điều này dẫn đến một thực tế khác, có thể thấy rõ qua đánh giá hơn 500 DN trong khu công nghiệp, khu chế xuất, cho thấy trình độ công nghệ hiện nay phần lớn ở mức độ trung bình, thậm chí yếu.

Công nghệ được đánh giá khá và tốt chiếm tỉ lệ rất nhỏ, kể cả ở khối có vốn đầu tư nước ngoài. Và chính do trình độ công nghệ thấp, tiêu hao năng lượng nhiều, nên năng lực cạnh tranh hiện nay rất kém, rất nhiều DN gây ô nhiễm, thải nhiều chất thải nhưng xử lý không đạt yêu cầu... Người ta vẫn đầu tư, duy trì các loại thiết bị, công nghệ đó do giá năng lượng của ta hiện nay còn thấp.

Trước bối cảnh như vậy, chúng tôi đã đề xuất UBND TP tăng cường gác cổng về mặt công nghệ, cụ thể đối với các dự án đầu tư với vốn từ bao nhiêu trở lên, quy mô nào... thì nên xem xét thẩm định công nghệ, tập trung vào xuất xứ công nghệ thiết bị, tuổi thọ, suất tiêu hao năng lượng, tỉ lệ phụ phẩm và chất thải... Trên cơ sở đó sẽ tư vấn cho đơn vị có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư.

* Người ta luôn cảnh báo VN sẽ trở thành “bãi thải công nghiệp”. Theo ông, đó là viễn cảnh hay nguy cơ cận kề?

- Nguy cơ đó luôn luôn tiềm ẩn. Một số DN đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết, chấp nhận dùng công nghệ lạc hậu nếu vẫn có lãi, công nghệ đã bỏ mà bán được, họ vẫn tìm cách bán, tương tự chuyện nhập rác thải ở TP.HCM vừa qua.

Nhà nước cần có quy định cụ thể hơn nữa và nên rà soát để cập nhật danh mục công nghệ, thiết bị cấm nhập trên cơ sở tham khảo thêm một số công nghệ hiện được đánh giá cần loại bỏ, với các tiêu chí khá rõ như tiêu hao nhiều năng lượng, phế phẩm và chất thải nhiều... Các lĩnh vực mang tính gia công cao, trong đó có ngành dệt nhuộm, giấy, thuộc da, chế biến thực phẩm... phải luôn được đặt ở chế độ “cảnh giác” cao, cẩn trọng hơn trong xem xét và thẩm định công nghệ, thiết bị.

Trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ, cần nâng cao trình độ am hiểu công nghệ và nhận thức của các DN. Không thể như từ xưa đến nay cứ chọn công nghệ rẻ, chóng thu hồi vốn mà không tính đến lợi ích chung của quốc gia trong phát triển bền vững. Năng lực kiểm soát, thẩm định công nghệ, máy móc nhập khẩu cũng còn kém nên sai sót ở lĩnh vực này là khó tránh khỏi.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói phải chống hai việc “tư tưởng nhiệm kỳ và lợi ích nhóm”. Trong lĩnh vực công nghệ, hai yếu tố này ảnh hưởng rất nhiều. Trong đầu tư bằng ngân sách có tình trạng người trực tiếp làm thì không được đi ra nước ngoài để trực tiếp tìm hiểu các loại công nghệ, máy móc cần nhập, ngược lại người không làm trực tiếp lại thường được đi, cuối cùng đưa về những công nghệ, máy móc không hiệu quả.

Về việc “thổi còi” các công nghệ, máy móc lạc hậu, tôi nghĩ không nên quá coi trọng quản lý nhà nước, vì có khi trở thành xin - cho. Đã có người đặt vấn đề thẩm định tất cả các loại công nghệ, máy móc, nhưng làm như vậy sẽ rất trì trệ. Do vậy, nên áp dụng thống nhất cơ chế hậu kiểm.

__________

(*) Danh mục 2.255 DN bị loại bỏ do sử dụng công nghệ, máy móc lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường được Bộ Công nghiệp và công nghệ thông tin Trung Quốc công bố ngày 11-7-2011. Các DN này thuộc 18 ngành nghề, trong đó có 154 DN sản xuất sắt, thép, 87 DN than luyện, 171 DN sản xuất hợp kim, 782 DN sản xuất ximăng, 599 DN sản xuất giấy, 4 DN sản xuất bột ngọt, 144 DN nhuộm và in... Danh sách này được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng Trung Quốc.

(Nguồn: Công văn 2035/BKHCN-KHTC, Bộ KH&CN Việt Nam)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận