Israel: Tại sao, Patriot?

HỮU NGHỊ 13/05/2024 09:41 GMT+7

TTCT - Tờ Times of Israel (Times) 30-4 loan tin không quân nước này sẽ ngưng sử dụng tên lửa phòng không Patriot, thay vào đó là các hệ thống tên lửa nội địa tiên tiến, và có thể Ukraine sẽ nhận số tên lửa này.

Tên lửa Vòm sắt (bên phải) và tên lửa Patriot của Israel. Ảnh: Defense News

Tên lửa Vòm sắt (bên phải) và tên lửa Patriot của Israel. Ảnh: Defense News

"Cũ người, nhưng mới ta", trang Web quân sự chính thức Militarnyi của Ukraine hôm 2-5 bình luận, và cho biết lực lượng vũ trang nước này đang ngắm nghía ít nhất 4 khẩu đội Pariot đã ngưng hoạt động của Israel để cung cấp yểm trợ trên không cho lực lượng mặt đất, đặc biệt trước mối đe dọa từ các cuộc oanh tạc quy mô lớn của Nga. 

Phía Ukraine cũng hoan hỉ cho biết họ đã và đang sử dụng rất tốt hai khẩu đội tên lửa cùng loại do Đức cung cấp, sản xuất theo nguyên mẫu tên lửa Patriot.

Tại sao Israel vội vàng loại Patriot?

"Chúng tôi hiện đang trong quá trình giảm số lượng các khẩu đội cho tới khi toàn bộ hệ thống được ngưng", chỉ huy tiểu đoàn 138 phòng không, đơn vị vận hành Patriot của Israel, cho biết. 

Sĩ quan này giải thích rằng phòng không Israel cần cải tiến phương pháp phòng thủ, theo tờ Times 30-4. Không phải ngẫu nhiên mà thông báo được đưa ra chỉ hai tuần sau khi hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái từ Iran được phóng vào Israel.

Hôm 13-4, Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC), phối hợp với Lực lượng Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq, nhóm Hezbollah ở Lebanon và Houthi ở Yemen, đã phát động một loạt cuộc tấn công vào Israel bằng máy bay không người lái, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, trả đũa việc Israel không kích sứ quán Iran tại Damascus hôm 1-4.

Trong cuộc tấn công đường không vào lúc nửa đêm đó, Iran đã phóng đi khoảng 170 máy bay không người lái, hơn 30 tên lửa hành trình và hơn 120 tên lửa đạn đạo về phía Israel và Cao nguyên Golan (do Israel chiếm đóng). 

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã sử dụng các hệ thống phòng không Arrow 3 và David's Sling để bắn hạ tên lửa và UAV đối phương. Không quân Mỹ, Anh, Pháp và Jordan cũng giúp sức bắn rơi một số chiếc. Pháp, can thiệp theo yêu cầu của Jordan, đã triển khai tàu chiến để phủ sóng radar, giúp Jordan chặn các vật thể bay vào không phận của họ.

Israel cho biết liên minh phòng không trên, mật danh Vòm sắt, đã phá hủy 99% số tên lửa và UAV của Iran, hầu hết trước khi chúng tới không phận Israel. Tuy nhiên, theo lời một quan chức Mỹ, ít nhất 9 tên lửa Iran đã đánh trúng hai căn cứ không quân của Israel, gây thiệt hại nhẹ, trong đó có căn cứ không quân Nevatim ở miền nam (Đài ABC 22-4).

Ảnh: Mint

Ảnh: Mint

Sau vụ tấn công của Iran, Israel đương nhiên phải đặt ra một số câu hỏi tối thiểu: 

(1) Nếu không có sự chia lửa của các đồng minh, liệu một thân, một mình họ có thể tự vệ thành công, và nếu có thì tỉ lệ thành công là bao nhiêu? 

(2) Israel đã bắn hạ trong không gian một số tên lửa đạn đạo của Iran bằng tên lửa phòng không Arrow. Thế còn tên lửa Patriot thì sao? 

(3) Đây mới chỉ là cuộc tấn công đầu tiên của Iran và các đồng minh của mình mà đã quy tụ tới trên 350 tên lửa và UAV các loại. Vậy trong tương lai, nếu Israel phải hứng chịu các cuộc tấn công với quy mô lớn hơn, đặc biệt bằng tên lửa đạn đạo, họ sẽ phải làm gì, và với vũ khí gì?

Phòng không Israel làm gì?

Dò lại trên bản đồ, khoảng cách từ Baghdad (Iraq) tới Tel-Aviv (Israel) là 913km đường chim bay, song từ Isfahan (Iran) tới Tel Aviv là 1.598km (Isfahan là địa điểm không quân Israel tấn công hôm 19-4). 

Trước những khoảng cách cả ngàn km đó, tất nhiên phải sử dụng tên lửa đạn đạo, thứ vũ khí mà Iran không thiếu. Báo cáo của trang Iran Watch đề ngày 22-2 mới đây cho biết kho vũ khí tên lửa của Iran là lớn và đa dạng nhất ở Trung Đông.

"Vào năm 2022, tướng Kenneth McKenzie của Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ tuyên bố rằng Iran sở hữu "hơn 3.000" tên lửa đạn đạo. Trong một thập niên qua, Iran đã có những cải tiến đáng kể về độ chính xác của tên lửa trong giới hạn tầm bắn tự áp đặt là 2.000km, lần đầu tiên được thừa nhận công khai vào năm 2015", báo cáo viết. 

Vụ tấn công Israel ngày 13-4 cho thấy Iran đã và đang tập trung cho mục tiêu chủ yếu nào: Israel nằm gọn trong tầm bắn dưới 2.000km nói trên. Cũng theo Iran Watch: "Kho vũ khí tên lửa đạn đạo của Iran chủ yếu bao gồm tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM, từ 300 đến 1.000km) và tầm trung (MRBM, từ 1.000 đến 3.000km)".

Trong vụ tấn công Israel hôm 13-4, Iran đã sử dụng các loại tên lửa Dezful (tầm bắn 1.000km), Emad (1.500km), Kheibar-Shekan (1.450km), và Qadr (1.950km), theo Hãng tin Amwaj. 

Đánh giá của giới chuyên gia quốc phòng, trong khi UAV cần nhiều giờ mới bay tới được Israel, tên lửa hành trình mất hơn một giờ để tiếp cận mục tiêu, thì tên lửa đạn đạo có thời gian bay ngắn hơn nhiều, chỉ khoảng 10 phút, và cũng khó đánh chặn hơn. 

Thực tế là một số tên lửa này đã tránh được hệ thống phòng không của Israel trong cuộc tấn công đêm đó, theo Times 14-4.

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Cũng báo này cho biết "IDF loan báo hệ thống phòng không tầm xa Arrow đã hạ gục "đại đa số" trong 120 tên lửa đạn đạo", nhưng mấu chốt của vấn đề là: "Hệ thống Arrow 3 được thiết kế để tiêu diệt tên lửa đạn đạo khi chúng vẫn còn ở ngoài bầu khí quyển". 

Điều này được dân chúng Israel cảm nhận qua những tiếng nổ nghe thấy khắp đất nước Israel do Arrow đánh chặn gây ra. 

Người theo dõi truyền hình trên thế giới cũng có thể cảm nhận qua những video chiếu lại cảnh ánh sáng nhấp nháy nhìn thấy trên bầu trời và các mảnh đạn rơi xuống. Chỉ một vài tên lửa đạn đạo vượt qua được lưới phòng thủ của Israel và bay đến căn cứ không quân Nevatim, song chỉ gây thiệt hại nhẹ.

Hệ thống phòng không của Israel vốn gồm ba lớp. Lớp thấp nhất là Vòm sắt (Iron Dome) hay được báo chí nhắc, ở tầm ngắn. Hệ thống này đã bắn hạ hàng chục nghìn rocket, đạn súng cối và UAV tấn công Israel từ bốn phương tám hướng kể từ năm 2011. 

Tầng trung là hệ thống David's Sling. Còn hệ thống có tầm bắn xa nhất là Arrow, được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo cỡ lớn, theo Times 30-4.

Vòm sắt và Patriot

Thiệt ra, Vòm sắt ban đầu là tên một sản phẩm của tập đoàn Rafael Israel, hãng vũ khí và công nghệ quốc phòng có lịch sử 70 năm với nhiều giải pháp tân tiến nhất thế giới. 

Là một trong ba công ty quốc phòng lớn nhất Israel, Rafael có 8.000 nhân viên, nhiều nhà thầu phụ và nhà cung cấp dịch vụ, gồm hơn 300 người có học vị tiến sĩ, theo trang web của tập đoàn này tự giới thiệu. Điểm nhấn then chốt của họ là slogan: "Đã được chứng minh trong thực chiến".

Chiến tích đầu tiên của hệ thống Vòm sắt là vào năm 2011: "Kể từ lần đánh chặn chiến đấu đầu tiên do không quân Israel thực hiện vào tháng 4-2011, Vòm sắt đã chứng tỏ là một hệ thống phòng không đột phá, giúp bảo đảm sự kiên cường và an ninh của Nhà nước Israel". 

Hôm 7-4-2011 đó, chỉ vài ngày sau khi được triển khai "ở dạng thử nghiệm", Vòm sắt ở khu vực Ashkelon đã đánh chặn thành công một tên lửa Grad bắn vào thành phố này, lần đầu tiên một tên lửa tầm ngắn bắn từ Gaza bị đánh chặn thành công, kèm theo hiệu ứng tâm lý mạnh: Có thể nhìn thấy vụ đánh chặn bằng mắt thường. Qua hôm sau 8-4, Vòm sắt lại đánh chặn thành công 4 tên lửa khác.

Hệ thống Arrow 3 của Israel. Ảnh: JNS

Hệ thống Arrow 3 của Israel. Ảnh: JNS

Từ đó, theo Tập đoàn Rafael, Vòm sắt đã trở thành hệ thống đa nhiệm duy nhất trên thế giới cung cấp giải pháp đã được chứng minh trong chiến đấu để đánh bại các nguy cơ trong tầm rất ngắn (VSHORAD), bao gồm cả tên lửa, pháo binh lẫn súng cối (C-RAM), máy bay, trực thăng, UAV, PGM (đạn chính xác) và tên lửa hành trình. 

Trang bị được cho lực lượng phòng không cả trên bộ (phiên bản I-Dome) và trên biển (C-Dome), Vòm sắt được quảng cáo là có khả năng hoạt động 24/7 trong mọi điều kiện thời tiết. 

Tháng 8-2019, Bộ Quốc phòng Israel và Bộ Quốc phòng Mỹ đã ký thỏa thuận bán hai khẩu đội Vòm sắt cho lục quân Mỹ, bàn giao ngay trong năm 2020. 

Nhân dịp này, trang tin quốc phòng Defense News nhắc lại rằng Vòm sắt, trong khoảng 10 năm vận hành, đã đánh chặn thành công hơn 2.400 bận, chủ yếu là các vụ pháo kích từ Dải Gaza.

Vậy từ khi cuộc chiến Gaza bùng nổ hôm 7-10-2023, Vòm sắt đã có tác dụng tới đâu trước các cơn mưa pháo kích và tên lửa của Hamas? 

Gọi là "mưa" do lẽ chỉ trong một tháng tính từ 7-10-2023, đã có khoảng 9.500 tên lửa và đạn súng cối bắn đi từ Dải Gaza, trong đó chỉ trong giờ đầu đếm được 3.000 vụ (Times 9-11-2023). Theo Breaking Defense 1-5, trong cuộc chiến kéo dài 6 tháng qua, các hệ thống Arrow-2 và Arrow-3 (hợp tác với Mỹ) cũng đạt được thành công cùng với Vòm sắt.

Tất cả những điều đó giải thích tại sao Israel quyết định "buông" hệ thống Patriot vốn hoàn toàn là của Mỹ.

Thiệt ra ngay từ tháng 2 vừa rồi, không quân Israel đã úp mở về việc giảm sử dụng các khẩu đội Patriot: "Trong kế hoạch nâng cao hiệu quả hoạt động của không quân, một số khẩu đội "Yahlom" (Patriot) sẽ được ngừng sử dụng và nhân sự vận hành sẽ trải qua quá trình chuyển đổi trong để chuyển sang hệ thống Vòm sắt".

Patriot lần đầu tiên đến Israel trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 để chống lại mối đe dọa Scud từ Iraq của Saddam Hussein. Đến năm 2012, hệ thống Patriot của Israel được nâng cấp lần đầu tiên. 

Hai năm sau, tức năm 2014, Patriot bắn hạ một máy bay không người lái từ Gaza. Kể từ đó, hệ thống này chỉ thực hiện thêm 19 lần đánh chặn, gồm 9 lần trong cuộc xung đột gần đây, một hiệu suất kém xa nếu so với Vòm sắt. Vì thế, việc Israel nay từ bỏ hệ thống này là hoàn toàn dễ hiểu.■

UAV và chống UAV

Những xung đột gần đây như chiến tranh ở Ukraine và cuộc chiến năm 2020 ở Nagorno-Karabakh cũng cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của UAV - mối đe dọa thường trực trên chiến trường hiện đại.

Shahed 131. Ảnh: Tehran Times

Shahed 131. Ảnh: Tehran Times

Các nền tảng này có năng lực trinh sát, tấn công mục tiêu mặt đất và cả như một loại vũ khí treo để đe dọa. Hơn nữa, chúng có thể là các thiết bị thương mại bán đại trà, giá rẻ, và sẵn có, như Shahed-131 của Iran.

Theo một số ước tính, UAV hiện phát triển mạnh đến mức chỉ riêng quân đội Ukraine hiện đang mất hơn 10.000 chiếc mỗi tháng. Ở chiều ngược lại, một số đơn vị Ukraine báo cáo tần suất họ gặp trên 20 chuyến UAV thù địch mỗi ngày đã là thường tình.

Đã có những nỗ lực nhằm đánh bại mối đe dọa mới này. Một số sử dụng các hệ thống phòng không truyền thống, chẳng hạn như súng phòng không ZU-23-2 (Việt Nam đang sử dụng), vũ khí nhỏ hoặc tên lửa đất đối không.

Những cách tiếp cận này đôi khi có hiệu quả nhưng không lý tưởng. Việc bắn trúng mục tiêu rất nhỏ và nhanh bằng đạn có cỡ nòng tương đối lớn hơn là thách thức với các chuyên gia quân sự hiện nay.

Đó là chưa kể vấn đề chi phí. Chấp nhận mất hàng chục ngàn, đôi khi hàng trăm ngàn, và thậm chí là cả triệu đô la, để loại bỏ một chiếc UAV rẻ tiền sẽ là thất bại hơn là chiến thắng.

Một cách tiếp cận mới hơn là vũ khí điện từ, từ các hệ thống gây nhiễu (ngăn cản khả năng định vị GPS của UAV, gây nhiễu hoặc làm gián đoạn liên lạc giữa UAV với trung tâm điều khiển) đến vũ khí năng lượng định hướng như tia laser và vi sóng.

Dù đôi khi hiệu quả, các thiết bị này cũng có nhược điểm, như gây nhiễu cho các hệ thống phe nhà và vô ý thông báo vị trí của quân ta cho pháo binh đối phương.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận