Động năng và chân thắng

TRUNG TRẦN 23/04/2023 11:13 GMT+7

TTCT - Nhiều dấu hiệu bất ổn đang xuất hiện với kinh tế vĩ mô, đòi hỏi sự sáng suốt trong điều hành hơn bao giờ hết.

"Sửng sốt", "sốc", "không ngờ"… trước con số tăng trưởng thấp kỷ lục của quý 1-2023 - 3,2% - thấp nhất trong vòng 13 năm qua, trừ quý 1 năm 2020 khi đại dịch COVID-19 càn quét, dường như là những câu cảm thán đầy vẻ "huề vốn".

Động năng và chân thắng - Ảnh 1.

Trên thực tế, con số này đã có thể được nhìn thấy từ cuối năm 2022 mà không cần phải dựa vào những công cụ dự đoán phức tạp của các tổ chức tài chính quốc tế hay cơ quan thống kê quốc gia.

Nhìn đơn giản bằng con mắt của những người không cần phải có quá nhiều kiến thức kinh tế, tăng trưởng dựa vào ba trụ cột: xuất khẩu, cầu tiêu dùng trong nước, và đầu tư công. 

Ai có một chút ít thực tế liên quan đến những ngành chế tạo - chế biến xuất khẩu đều có thể thấy con số tăng trưởng của xuất khẩu năm 2023, với những ngành như điện, điện tử, linh kiện lắp ráp máy văn phòng, xe hơi…, lạc quan nhất là không quá 5%.

Điều quan trọng hơn, tăng trưởng nửa cuối năm 2022 chủ yếu là nhờ quán tính chứ không phải là tạo động lực tăng trưởng cho năm mới. 

Đơn hàng tăng cuối năm 2022 là để bù thiếu hụt giao hàng đầu năm do tình trạng khan hiếm linh kiện, nhất là semiconductor, các doanh nghiệp cũng cắn răng tăng đơn hàng để đạt được mục tiêu năm 2022. 

Kết quả là tồn kho cuối năm 2022 sẽ ở mức cao và do đó, sang quý 1 và đương nhiên cả quý 2 năm 2023, không có lý do gì để họ phải tăng đặt hàng, trong khi nhu cầu tiêu dùng của hầu hết các quốc gia đều sụt giảm vì các lý do ai cũng đã biết.

Cả ba thủ phủ công nghiệp của ba miền là Bình Dương, Quảng Nam, Bắc Ninh đều có con số tăng trưởng âm hoặc chỉ xấp xỉ 1%, trong đó Bắc Ninh và Quảng Nam đội sổ với mức giảm hai con số, nên không thể nói sụt giảm của xuất khẩu là bất ngờ ngoài dự kiến. Nó chỉ thể hiện sự lạc quan thái quá cuối năm ngoái và phần nào chất lượng dự báo.

Với trụ cột thứ hai, cầu tiêu dùng trong nước, nên dùng đến một chỉ số mang tính trực quan hơn. Chẳng hạn đi ra đường phố Sài Gòn để tính đếm số cửa hiệu trả mặt bằng trên các con phố trung tâm thành phố, kể cả đấy là những khu kinh doanh đắc địa xưa nay như Lê Lợi hay Hai Bà Trưng. 

Còn nếu đấy chưa đủ là minh chứng thì có thể nhìn vào tình trạng kẹt xe ở đại đô thị này từ Tết Nguyên đán đến giờ. Trong những than phiền thường nhật của người dân thành phố này, kẹt xe hình như ít được nhắc đến nhất. Người đi trên đường ít hơn, người vào cửa tiệm ít đi, quán nhậu cũng vắng khách hơn. 

Khó có chỉ số nào thuyết phục hơn để chỉ ra rằng đầu tàu kinh tế của đất nước đang ì ạch. Còn nếu cần một con số định lượng thì quý 1-2023, khi các chỉ số thống kê được công bố, cho thấy số lượng doanh nghiệp đóng cửa nhiều hơn số lượng thành lập mới (60.200 trên 57.000).

Trụ cột cuối cùng, quan trọng và nhiều hy vọng nhất bởi nó ít bị chi phối bởi các yếu tố khách quan, đem lại tiếng thở dài vũ như cẩn: đầu tư công. 

Thật ngao ngán khi khối công lập có tiền đầu tư, có công trình cầu đường chuẩn bị khởi công và đang làm dang dở, đang cần tạo công ăn việc làm, và những hạ tầng thiết yếu, nhưng tình hình vẫn rất trễ nải. 

Được mệnh danh là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP.HCM lại là nơi được "chẩn bệnh" rằng vấn đề nghiêm trọng nhất là cán bộ "không muốn, không dám, không chịu làm". 

Cùng lúc tồn tại một tâm lý sợ trách nhiệm đến độ có nhiều thứ thuộc thẩm quyền quyết định của chính thành phố nhưng vẫn gửi ra trung ương xin ý kiến. Thiếu đi động năng, TP.HCM không còn năng động!

Con số 49/52 bộ giải ngân dưới 15%, trong đó có 30 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn… quả thực là điều khó hiểu. Cho nên người đứng đầu chính phủ mới phải đi đốc thúc từng dự án cao tốc, đôn đốc đến cả việc lấy đất cát ở đâu để thi công.

Trong báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB), có một biểu đồ có thể chỉ ra nguyên nhân của sự ì ạch này: chỉ số cải cách tổng thể. Trong 8 quốc gia Đông Nam Á có tên trong bảng xếp hạng, Việt Nam đứng thứ 8. 

Dù được truyền thông rất tích cực, lạc quan về các nỗ lực cải cách, các chỉ số thống kê của tổ chức tài chính có đủ thẩm quyền và kỹ năng lại chỉ ra thực tế ngược lại. Nói theo khái niệm quản trị chất lượng, những nỗ lực của các cơ quan công quyền mang tính sửa chữa hơn là phòng ngừa (corrective but not preventive). 

Tỉ như để hạn chế tai nạn hỏa hoạn, cơ quan phòng cháy chữa cháy siết chặt quy định làm tê liệt cả hàng chục nghìn doanh nghiệp và cơ sở dịch vụ bởi những quy chuẩn được coi là ngặt nghèo nhất, khiến doanh nghiệp phải tốn chi phí rất lớn, thậm chí không thể tuân thủ được. 

Trong khi đó, tồn tại một thực tế ai cũng biết là doanh nghiệp phục vụ ngành phòng cháy chữa cháy khó có ai ở ngoài ngành có thể nhúng chân vào được. 

Hay như khi ngành giao thông cần khối lượng lớn đất cát để san lấp thi công thì công an môi trường cũng tăng cường kiểm soát các hoạt động khai thác tài nguyên đất cát, những doanh nghiệp cung cấp loại vật liệu này đã đồng loạt tăng giá bởi các chi phí ẩn, lại phải cần đến người đứng đầu Chính phủ đốc thúc gỡ rối….

Chân thắng và chân ga của cỗ máy kinh tế công dường như đang cùng đạp một lúc và triệt tiêu lẫn nhau. Không giải quyết được tình trạng này, không thể nói tới điều gì khác về tăng trưởng lành mạnh cả. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận