Đại hội thể thao và sự khác biệt Đông - Tây

HUY ĐĂNG 30/09/2023 02:17 GMT+7

TTCT - Tối 23-9, ngọn đuốc Asiad 19 sẽ được thắp lên tại sân vận động Olympic Hàng Châu, và một lần nữa thể thao được kỳ vọng trở thành hình ảnh tiêu biểu cho giấc mơ xưng hùng của Trung Quốc đại lục.

Dù chỉ là một sân chơi châu Á, Hàng Châu 2022 vẫn hứa hẹn sẽ trở thành một đại tiệc mang đầy đủ tiêu chuẩn Olympic về công nghệ, tiện nghi và mức độ đầu tư.

Trung Quốc giới thiệu một Hàng Châu lộng lẫy qua Asiad 19. Ảnh: Media Hangzhou

Trung Quốc giới thiệu một Hàng Châu lộng lẫy qua Asiad 19. Ảnh: Media Hangzhou

Chỉ còn châu Á mặn mà với đại hội thể thao?

Người Trung Quốc không xa lạ với việc đăng cai những sự kiện thể thao hàng đầu. Chỉ trong 15 năm qua, họ đã đăng cai ít nhất bốn kỳ đại hội thể thao lớn: Olympic Bắc Kinh 2008, Asiad Quảng Châu 2010, Olympic mùa đông Bắc Kinh 2022 và giờ là Asiad Hàng Châu.

15 năm trước, Trung Quốc từng rất thành công khi thực hiện "combo Olympic + Asiad". Hai sự kiện lớn liên tiếp đã giúp thể thao Trung Quốc nhanh chóng vươn lên sánh ngang với Mỹ trong nhiều năm trời. Khi họ dần sa sút về thành tích ở Olympic Rio De Janeiro 2016, truyền thông Trung Quốc đã cho rằng nước này cần một cú hích tương tự giai đoạn 2008-2010, mà Hàng Châu 2022 được hy vọng sẽ là khởi đầu.

Hơn thế, kỳ Asiad lần thứ 19 còn là cơ hội để Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng. Đó cũng là xu hướng của hai cường quốc Đông Á khác, Nhật Bản và Hàn Quốc, những năm gần đây.

Ba kỳ Olympic gần nhất, bao gồm Olympic mùa đông Pyeongchang 2018, Tokyo 2020 và mùa đông Bắc Kinh 2022, đều diễn ra ở Đông Á. Rộng hơn nữa, trong hai thập niên qua, ba cường quốc kinh tế châu Á đã đăng cai hàng chục sự kiện thể thao quốc tế, khởi đi từ World Cup 2002. Trong một bối cảnh mới, có cảm giác khu vực đang nổi lên này cũng đang là nơi mặn mà với việc đăng cai các đại hội thể thao nhất.

Năm 2014, thành phố Boston của Mỹ nổ ra một cuộc biểu tình rộng lớn nhằm phản đối việc nơi đây chạy đua đăng cai Olympic 2024. Dưới sự dẫn dắt của các tổ chức hoạt động xã hội, người dân Boston bày tỏ thái độ hoài nghi với những hứa hẹn về khả năng phát triển kinh tế, du lịch của thành phố nhờ đăng cai Olympic. 

"Đây chỉ là một thành phố bình dị, cần sự yên bình và không còn tiềm năng hơn nữa để khai thác" là khẩu hiệu của phong trào "No Boston 2024". Sau nửa năm bị phản đối dữ dội, chính quyền thành phố và Ủy ban Olympic Mỹ quyết định rút lui.

Gần đây nhất, người dân Đức cũng phản đối kế hoạch đăng cai vòng chung kết Euro 2024. Làn sóng biểu tình thậm chí lan đến các hội nhóm CĐV ở Bundesliga. 

Dù mong muốn đội tuyển quốc gia có thêm cơ hội vô địch, nhiều CĐV đồng tình với quan điểm "đất nước có nhiều việc phải giải quyết hơn là mua một sự kiện bóng đá" (ám chỉ xì căng đan hối lộ để giành quyền đăng cai World Cup 2006). Dù vậy, sau cùng những cuộc biểu tình này cũng lắng xuống vì tổ chức một kỳ Euro không phải chuyện quá to tát với nước Đức.

Trong khi đó, đăng cai các kỳ đại hội thể thao tầm cỡ với quy mô hàng chục ngàn VĐV, HLV và cánh truyền thông lại là chuyện khác hẳn. Nhiều năm trở lại đây đã có nhiều kỳ Olympic bị chỉ trích nặng nề vì lãng phí. 

Việc xây dựng tràn lan các nhà thi đấu thể thao và hạ tầng liên quan trước những kỳ đại hội lớn rồi sau đó bỏ phế khiến nhiều nước lãng phí hàng tỉ USD. Tiêu biểu là Hy Lạp (Athens 2004), Brazil (Rio de Janeiro 2016) và Nga (mùa đông Sochi 2014).

Nơi để phô diễn

Trong khi các nước phương Tây có xu hướng kém mặn mà với các sự kiện thể thao hoành tráng, châu Á có vẻ vẫn còn háo hức. Sau Asiad 19, Trung Quốc còn chạy đua đăng cai World Cup 2034 và Olympic 2036, Nhật Bản đã xác định sẽ đăng cai Asiad 20 và lên kế hoạch đăng cai Olympic mùa đông 2030.

Không phải là các nước Đông Á không phải đối mặt với vấn đề lãng phí khi đăng cai sự kiện thể thao. Asiad Busan 2002 chỉ mang về doanh thu trực tiếp trên dưới 300 triệu USD, trong khi số tiền Chính phủ Hàn Quốc chi ra gấp 10 như vậy. Sau Olympic Bắc Kinh 2008, nhiều nhà thi đấu bề thế ở Trung Quốc cũng rơi vào tình cảnh bỏ hoang.

Nhưng mặt khác, việc đăng cai Asiad, Olympic hay các giải bóng đá tầm thế giới cũng mang đến cơ hội quảng bá du lịch, thúc đẩy kinh tế và thể thao. Sau mỗi lần đăng cai, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật đều chọn thành phố mới cho các địa điểm tiếp theo.

Cụ thể, Trung Quốc đã từ Bắc Kinh 2008 sang Quảng Châu 2010, và giờ là Hàng Châu 2022. Hàn Quốc cũng luân phiên tổ chức ba kỳ Asiad ở ba thành phố lớn - Seoul 1986, Busan 2002 và Incheon 2014 (chưa kể Olympic mùa đông 2018 tại Pyeongchang - khu du lịch trượt tuyết nổi tiếng). 

Nhật Bản cũng từng mang các kỳ Thế vận hội mùa hè và mùa đông qua nhiều tỉnh thành gồm Tokyo, Sapporo và Nagano trước khi đăng cai Asiad 2026 ở Aichi và Nagoya. Những kỳ đại hội thể thao đi đến đâu, du lịch và kinh tế của các thành phố này cũng tăng trưởng theo đến đó.

Olympic hay Asiad còn là cuộc chơi để ba cường quốc Đông Á tạo động lực phát triển công nghệ. Gần đây nhất, người Nhật bước vào Olympic Tokyo 2020 với tâm thế "phục thù Hàn Quốc" khi bị đối thủ láng giềng vượt mặt trong lĩnh vực này.

"Một sự sỉ nhục khi đối thủ cạnh tranh Hàn Quốc với Tập đoàn Samsung đang qua mặt Nhật Bản ngày càng xa trong lĩnh vực sản xuất điện thoại và chip thẻ nhớ" - Bloomberg bình luận trước thềm Tokyo 2020. Không phải vô cớ mà câu khẩu hiệu của người Nhật trong quá trình chuẩn bị Olympic 2020 là "tái hiện thành công của Olympic Tokyo 1964", cụ thể là lĩnh vực công nghệ.

Robot phục vụ, máy bay không người lái, công nghệ nhận diện khuôn mặt… là những điểm đặc sắc mà ngành công nghệ tự động hóa của Nhật trình làng ở Olympic Tokyo. Nếu không vì ảnh hưởng của đại dịch, Nhật Bản thậm chí đã triển khai dự án xe hơi bay đưa đón khán giả rời sân trong lễ khai mạc.

Các kỳ đại hội thể thao có thể bị hắt hủi ở phương Tây. Nhưng ở ba cường quốc Đông Á, đó lại là biểu tượng của sức mạnh.■

Trung Quốc chuẩn bị thế nào cho Asiad 19?

Hàng Châu 2022 bị lùi một năm vì ảnh hưởng của đại dịch nhưng không phải vì vậy mà chủ nhà Trung Quốc thờ ơ với thái độ tổ chức "cho xong". Ngân sách để đăng cai kỳ Á vận hội này không được công khai nhưng ít nhất thành phố Hàng Châu đã xây thêm một tuyến tàu điện ngầm trị giá hơn 2 tỉ USD phục vụ riêng cho Asiad. Tất cả khách tham gia Asiad - bao gồm VĐV, HLV và báo chí - sẽ được tận hưởng nhiều tiện nghi về giao thông, ăn ở, hỗ trợ công nghệ… Riêng tại trung tâm truyền thông và nhiều địa điểm thi đấu lớn, Trung Quốc còn "phá lệ" cho phép WiFi vào được Facebook, Google để tiện cho du khách nước ngoài.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận