Cuộc "bỏ việc toàn cầu": Covid chỉ là xúc tác!

XÊ NHO 28/10/2021 21:00 GMT+7

TTCT - Nguyên nhân cho cuộc bỏ việc toàn cầu này có thể sâu xa hơn những hiện tượng bề mặt về điều kiện việc làm, tiền lương, và đại dịch COVID-19 chỉ là chất xúc tác để quá trình này diễn ra nhanh hơn, đột ngột hơn.


 
 Ảnh: The Week

Đầu tiên là cách định giá các khâu trong chuỗi lao động. Ngày xưa đã thấy nhiều phi lý như lương của các “lao động thiết yếu” thấp hơn nhiều lần so với lao động của loại công việc “đặt ra cho có”. 

Đây là cách dịch lịch sự cho khái niệm “bullshit jobs” của David Graeber, người cho rằng đến một nửa công việc hiện nay là tào lao, vô nghĩa như luật sư doanh nghiệp, các chuyên gia quan hệ công chúng, quản lý cấp trung, tiếp thị từ xa...

Dù đồng ý hay không với lập luận của ông này, phải thừa nhận thu nhập của những người đang làm các loại “bullshit jobs” cao gấp nhiều lần thu nhập của những người mà nhờ COVID-19 người ta mới nhận ra họ là “lao động thiết yếu”. Cứ nhìn một người bán hàng trong siêu thị, một công nhân lắp ráp máy móc, một điều dưỡng trong phòng hồi sức phải làm việc luôn tay suốt ngày chúng ta sẽ thấy đồng lương họ nhận được không tương xứng với sức lực họ bỏ ra.

Đó là ngày trước. Nay với các đột phá công nghệ, sự phi lý trong thu nhập như thế càng kinh khủng hơn, càng vô lý hơn. Thử tưởng tượng cảnh một nhân viên kho hàng Amazon hằng ngày phải đi lại hàng chục cây số, lương 15 đôla/giờ tối lại về đọc tin lại một startup nữa vừa gọi vốn thành công, nâng trị giá công ty lên 100 tỉ đôla, còn người sáng lập nay giàu thêm 10 tỉ đôla nữa! 

Các startup thành công như thế thì ít nhưng tiền dư thừa rót vào cho họ là có thật và báo chí tung hô thêm nữa nên cái tâm lý muốn làm giàu nhanh chóng, muốn trở thành triệu phú qua đêm lan rộng hơn bao giờ hết.

Dĩ nhiên, “công nhân thiết yếu” làm sao tham gia startup nhưng công nghệ (lại là công nghệ) bày ra cho họ nhiều con đường làm giàu khác, từ mua bán chứng khoán qua ứng dụng online đến làm các kênh YouTube, từ mua bán tiền ảo đến đầu tư vào các loại tài sản ảo, từ bán hàng đa cấp đến bán hàng qua mạng... 

Dù thật hay ảo, nhiều người sẵn lòng từ bỏ công việc cực nhọc, nhàm chán, lương còm cõi hằng ngày của họ để theo đuổi giấc mơ đổi đời nhanh chóng.

Nói cách khác, trước đây cách định giá các khâu trong chuỗi lao động buộc công nhân làm đôi giày Nike, may bộ đồ Hugo Boss chỉ nhận về 1 đôla; người làm tiếp thị, lo chuyện quảng cáo hưởng 10 đôla thì nay chênh lệch đó càng lớn gấp nhiều lần trong nền kinh tế số. Tài sản của Mark Zuckerberg lên đến 116 tỉ đôla còn nhân viên kiểm duyệt nội dung để tránh tai tiếng cho Mark, cho Facebook lương cũng chỉ 15 đôla/giờ.

Nguyên nhân thứ hai đằng sau hiện tượng công nhân bỏ việc là đại dịch buộc nhiều người xác định lại các ưu tiên của cuộc sống. Với nguyên nhân đầu, chúng ta chưa thấy tác động rõ nét lên người lao động ở Việt Nam tuy cũng có bán hàng đa cấp, cũng có mua bán tiền ảo nhưng với nguyên nhân thứ hai này, rõ ràng 4 tháng buộc phải ở yên trong nhà trọ chật hẹp, đông đúc, người lao động nhập cư ắt phải so sánh cuộc sống làm việc liên tục tăng ca vất vả nhưng lương chỉ đủ sống trong môi trường bí bách, tù túng so với không gian thoáng đãng ở quê nhà. 

Họ phải so sánh chi phí giữ trẻ cao, tiền thuê nhà ngốn thêm một mớ và đủ loại chi phí không tên, kể cả Internet để duy trì liên lạc với gia đình và tìm chút giải trí qua mạng sau những giờ quần quật. Họ thà về quê cơm rau với cha mẹ còn hơn tiếp tục cuộc sống đầy rủi ro ở thành thị.

Có lẽ những cái chết vì COVID-19 họ từng chứng kiến quanh họ buộc họ phải bằng mọi cách về với gia đình để phục hồi về mặt tâm lý. Như thế tiền bạc không có nhiều ý nghĩa nên dù có được trợ cấp, dù có khả năng sẽ sớm đi làm hưởng lương trở lại cũng không thể ngăn họ tìm đường về quê.

Trong bối cảnh đó chủ doanh nghiệp đã làm được gì để hỗ trợ công nhân? Hầu như không có gì cả. Thử tưởng tượng cảnh “3 tại chỗ” với cá nhân từng người trong chúng ta: làm sao có thể yên tâm lắp ráp máy móc, khâu giày, may quần áo khi phải nằm bó gối trong căn lều bé tí, điều kiện vệ sinh tối thiểu cũng không đủ, ăn uống theo bữa cơm công nghiệp và cứ hết căn lều đến chạy máy... ai mà chịu đựng được trong thời gian dài. Làm sao họ không so sánh với những người lương cao gấp bội nhưng được “làm từ nhà”, không bị phơi nhiễm rủi ro mắc bệnh.

***

Nhìn ra thế giới thấy hầu như các nhà kinh tế không thể đưa ra bất kỳ giải pháp nào khả thi cho vấn nạn “The Great Resignation” này. Thậm chí có ông đòi chính phủ các nước cắt giảm trợ cấp nhanh nhanh lên để buộc công nhân phải đi làm. Có ông tìm giải pháp ở tự động hóa sản xuất bằng robot và có ông dọa đầu tư nước ngoài sẽ chảy đi nơi khác!

Có chăng là một cuộc “cách mạng” thay đổi cách định giá các khâu lao động để các ông chủ hãng xe công nghệ như Uber không thể trở thành tỉ phú sau vài ba năm, còn tài xế của họ vẫn chật vật trả tiền lãi ngân hàng vay để mua xe chưa xong. 

Ở đây không những có sự phi lý trong chênh lệch thu nhập mà còn một phi lý cực kỳ lớn hơn: giá trị lao động ngày càng bị teo tóp trong khi giá trị của đồng vốn tài chính ngày càng phình to; người giàu dựa vào tài sản sẵn có sẽ ngày càng giàu thêm trong khi thu nhập của “công nhân thiết yếu” đã nhiều năm không đổi.

Chiếu theo lập luận của tác giả khái niệm “bullshit jobs” thế giới này chỉ cần một lượng lao động thật sự nhỏ hơn thực tế nhiều lần để duy trì cuộc sống, kể cả lương thực, thực phẩm, dịch vụ, hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Nay làm sao để hủy bỏ các loại công việc “làm cho có”, rồi nhà nước tiến hành các chương trình “thu nhập cơ bản phổ quát” (Universal Basic Income) từng bàn mấy năm nay. 

Đây là chuyện khó ở mức “đội đá vá trời” vì chỉ một sắc thuế toàn cầu đánh lên các doanh nghiệp đa quốc gia để ngăn họ chuyển giá mà bàn tới bàn lui vẫn chưa kết thúc, thử hỏi đến bao giờ mới đánh thuế được lên tài sản (wealth) chứ không phải lên thu nhập (income) để xóa bớt hố sâu giàu nghèo hiện nay?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận