16/06/2018 07:13 GMT+7

Yêu nước, đừng gây rối!

NHÓM PHÓNG VIÊN
NHÓM PHÓNG VIÊN

TTO - Gần một tuần đã trôi qua kể từ khi hàng ngàn người tụ tập gây tắc nghẽn giao thông nhiều khu vực ở TP.HCM, nhiều người khi ngồi lại với nhau vẫn còn kể câu chuyện hôm đó. Câu chuyện sau một tuần đã rõ ràng, sáng tỏ hơn.

Yêu nước, đừng gây rối! - Ảnh 1.

Ngày 15-6, công nhân Công ty TNHH Pouyuen đã đi làm việc bình thường. Sau giờ làm việc, các công nhân mua sắm, chăm lo cho gia đình - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Những ngày gần đây, gia đình anh Đức Nghĩa (34 tuổi) ở Q.Thủ Đức nhận được tờ bướm do cán bộ khu phố phát, gồm bốn trang giấy về một số điều liên quan đến dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và hai trang về Luật an ninh mạng vừa được thông qua.

Yêu nước sao làm việc phạm pháp?

Anh Nghĩa kể mình đã đứng lẫn vào đám đông tụ tập ở khu vực Lăng Cha Cả trưa chủ nhật 10-6. 

"Những người tụ tập nói Nhà nước đã quyết định cho Trung Quốc thuê đất 99 năm. Trong khi Thủ tướng nói đã bỏ điều khoản 99 năm, rồi sau đó có tin lùi lại thời gian thông qua. Song mọi người vẫn phản đối với dự luật này" - anh Nghĩa nói.

Ở góc đường Phan Thúc Duyện - Thăng Long (Tân Bình), ông Trần Anh Tuấn (62 tuổi) làm bảo vệ cho một công ty nói làm ở đây một năm rồi, lần đầu tiên ông thấy cảnh tượng như vậy. 

Xe cộ tắc nghẽn trên đường Thăng Long vài tiếng đồng hồ, nhiều người phải vác, kéo vali chạy vào sân bay cho kịp giờ. 

Giao thông quanh công viên Hoàng Văn Thụ, cầu vượt Lăng Cha Cả tắc nghẽn. Xem lại những hình ảnh quá khích ấy giờ ông vẫn thấy lo lắng.

Ở một góc khác, một quán cà phê nhỏ ở đường Thăng Long (P.4, Q.Tân Bình), ngay gần nơi ông Tuấn làm bảo vệ, nhóm khách quen đang bàn chuyện bán buôn làm ăn, chuyện đá banh World Cup. 

Một ông khách đứng tuổi nhà ở gần đó lấy trong túi ra hai tờ bướm về dự luật đặc khu và an ninh mạng do cán bộ khu phố đến nhà phát để xem.

Cũng như anh Nghĩa, ông Tuấn, câu chuyện mà những người ở quán cà phê này tiếp nhận từ hai tài liệu này đã làm sáng tỏ nhiều thông tin mà họ chưa rõ cả tuần nay. 

Nhiều người nói chỉ mong yên ổn cùng gia đình làm ăn, học tập; họ không muốn bị đẩy ra khỏi cuộc sống yên bình hằng ngày. Yêu nước, với họ, là làm việc và cống hiến cho xã hội; chứ gây rối phạm pháp không phải là yêu nước.

Yêu nước, đừng gây rối! - Ảnh 2.

Buổi tan ca tại công ty TNHH Pouyuen (quận Bình Tân, TP.HCM) - Ảnh: Q.ĐỊNH

Hiểu ra chuyện đâu phải vậy!

Anh Vũ Quốc Thành (Q.Phú Nhuận) cho hay vào ngày 13-6, người phụ trách khu phố có đến nhà anh phát hai tài liệu in trên khổ giấy A4, gồm 4 trang, nội dung liên quan dự thảo Luật đặc khu và Luật an ninh mạng.

Theo anh Thành, nội dung chính của tài liệu giải thích rõ những điểm chính yếu về dự luật đặc khu như: cơ hội phát triển tạo ra từ đặc khu kinh tế; việc ưu tiên các thể chế đặc biệt cho đặc khu; những nhà đầu tư nào được tham gia đầu tư ở đặc khu; người lao động nào được ưu tiên lao động... 

Nội dung tài liệu cũng khẳng định tinh thần cầu thị của Quốc hội trước các ý kiến băn khoăn của người dân qua việc lùi thời hạn thông qua dự luật. Tuy vậy, những ngày qua vẫn có một bộ phận người dân tụ tập đông người và có hành động quá khích.

Anh Thành kể trước đó anh đã nghe rất nhiều lần về nội dung này, nhưng cũng chỉ "biết sơ sơ", nhất là nhiều bài viết trên Facebook phản đối gay gắt việc cho thuê đất 99 năm. Anh nói vì quá bận bịu công việc nên anh cũng nghe vậy biết vậy. 

Từ nội dung tài liệu, anh Thành cho rằng việc tổ chức đặc khu thì đất nước ta có thêm cơ hội phát triển.

Nhận được những tài liệu thông tin về hai dự luật, nhiều người dân nhẹ lòng, nhưng họ cũng cho rằng lẽ ra tài liệu đó nên có sớm hơn. Anh Đức Nghĩa nói trên mạng xã hội trước ngày 10-6 đã có nhiều tài khoản kêu gọi người dân đi biểu tình, thông tin trái chiều đưa rất nhiều. 

"Nếu có nhận thức đúng ngay từ đầu, tôi nghĩ tình hình đã khác đi, người dân cũng vững lòng" - anh Nghĩa nói.

Hôm đó, tôi mang hàng đến cửa hàng bán, nhưng vì đường quá đông và bị chặn xe từ sớm nên không thể đẩy hàng vào bán được đành mang về. Dọc tuyến đường đa số các hộ kinh doanh cũng đều không bán được phải đóng cửa. Tụ tập thế này hoài làm sao mà buôn bán!

Anh Tý (buôn bán ở đường Trường Sơn, Q.Tân Bình)

Gây rối chính là phá hoại tài sản nhân dân

Yêu nước, đừng gây rối! - Ảnh 4.

Ông Bùi Sỹ Lợi - phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội

Tôi nghĩ rằng tất cả những việc gây rối, đập phá ở một số địa phương vừa qua không phải xuất phát từ nguyện vọng của nhân dân mà đây là do tác động của một số đối tượng quá khích. 

Tại sao lại phá, đập? Việc đi phá như thế chính là đang phá tài sản của nhân dân. Tất cả tài sản của Nhà nước là của nhân dân.

Để xảy ra những sự việc như vừa qua tôi thấy rằng rất đáng tiếc. Đảng, Quốc hội và Nhà nước không ai nghĩ rằng xây dựng một bộ luật mà lại để ảnh hưởng tới người dân. Điều đó đại biểu Quốc hội cũng hoàn toàn không mong muốn.

Ông BÙI SỸ LỢI - phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội

Không ai ủng hộ bạo lực

Yêu nước, đừng gây rối! - Ảnh 5.

Ông Dương Trung Quốc

Bây giờ cơ quan chức năng các địa phương phải ngồi lại tuyên truyền giải thích cho người dân hiểu. Bố mẹ phải nói với con cái, cơ quan bạn bè thì nói với nhau. Sau đó phải tìm ra cho được các đối tượng đã xúi giục. Không ai ủng hộ các hành vi bạo lực cả.

Lòng yêu nước của người dân cũng phải hướng tới sự đồng thuận chứ không phải là làm cho mọi thứ xấu hơn. Mọi hành động quá khích thì không ai có thể bảo vệ được. 

Cho nên tôi muốn nói với bà con rằng hãy tỉnh táo. Khi chúng ta đang phải đối diện với những thử thách - mà những thử thách đó thậm chí đến từ bên ngoài - thì chúng ta lại càng phải đoàn kết lại, tìm sự đồng thuận.

Đại biểu DƯƠNG TRUNG QUỐC (Đồng Nai)

Thông tin đã bị bóp méo

Yêu nước, đừng gây rối! - Ảnh 6.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn

Một trong những lý do mà nhiều người dân tin những thông tin bị bóp méo về Luật đặc khu và Luật an ninh mạng để rồi có những phản ứng tiêu cực vừa qua là việc thông tin chính thống chưa được hiện diện mạnh mẽ trên mạng xã hội.

Tôi có cảm nhận rằng chúng ta vẫn còn chưa coi trọng việc tuyên truyền trên không gian mạng. Trong khi đó hiện nay số tài khoản Facebook ở VN đã lên tới hàng chục triệu. 

Mặt khác, số lượng người tìm đến dòng thông tin chính thống vẫn ít hơn rất nhiều lượng người tiếp cận thông tin không chính thống. Đây là vấn đề đặt ra để chúng ta có cách tiếp cận, nghiên cứu.

Đại biểu NGUYỄN BÁ SƠN (Đà Nẵng)

Có an ninh mới thu hút được đầu tư

Tôi đã ở Việt Nam khoảng 7 năm và từng chứng kiến những cuộc tụ tập quy mô lớn tại đây. Vào tháng 5-2014, ở Việt Nam xảy ra những cuộc tụ tập và đình công rất lớn phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào vùng biển Việt Nam.

Lúc đó nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc cũng bị thiệt hại vì bị nhầm là doanh nghiệp Trung Quốc. Tuy nhiên từ năm 2014 đến nay, Việt Nam khá ổn định và an toàn.

Tôi muốn khẳng định rằng một trong những yếu tố vô cùng quan trọng để thu hút nhà đầu tư nước ngoài chính là bảo đảm môi trường an ninh, an toàn.

Việt Nam thực hiện khá tốt việc này. Tôi biết Chính phủ Việt Nam sẽ thực thi các biện pháp phù hợp để kiểm soát tốt tình hình an ninh, trật tự sau các vụ tụ tập, đặc biệt là ở tỉnh Bình Thuận.

Ông KIM YONG CHUL (tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam - KOCHAM)


Cảnh giác với lời kích động, lôi kéo

Các doanh nghiệp hội viên của Agtek hiện đang chạy nước rút để kịp thời hạn giao hàng cho mùa hàng thu đông với đối tác nước ngoài, nên gần như doanh nghiệp nào cũng tất bật vào guồng sản xuất từ rất sớm.

Việc ổn định an ninh trật tự, an toàn sản xuất lao động cho nhà máy, xí nghiệp, người lao động luôn được Agtek thường xuyên trao đổi với giới chủ doanh nghiệp.

Do đặc thù ngành hàng nên phần lớn người lao động trong ngành sản xuất dệt may đều ý thức rất rõ tiến độ sản xuất giao hàng, và hầu hết các giám đốc của nhà máy, xí nghiệp đều túc trực thường xuyên tại nhà xưởng để sát cánh cùng người lao động.

Có không ít doanh nghiệp thường xuyên cập nhật thông tin, liên tục phát loa thông báo động viên, kêu gọi người lao động chuyên tâm vào sản xuất, tránh việc nghe lời kích động, hoặc lôi kéo từ bên ngoài mỗi khi tan ca.

Tôi nghĩ chính sự ý thức cảnh giác này của các doanh nghiệp mà ngành dệt may hiện vẫn ổn định được tình hình ở mức rất cao.

Ông PHẠM XUÂN HỒNG - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM - Agtek

Nhà báo Thu Uyên: ‘Đừng đẩy người dân khỏi cuộc sống yên bình!’ Nhà báo Thu Uyên: ‘Đừng đẩy người dân khỏi cuộc sống yên bình!’

TTO - “Ai đó muốn kích động hãy dừng lại, đừng đẩy người dân lên phía trước để thỏa mãn điều đó. Và đừng đánh đồng những kẻ gây rối với những người dân hiền lành”.

NHÓM PHÓNG VIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên