21/03/2018 21:24 GMT+7

Người Thủ tướng yêu nước, yêu dân không bằng lời nói suông

LÊ THANH (ghi)
LÊ THANH (ghi)

TTO - Ông Trần Xuân Giá, nguyên bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư, nguyên trưởng Ban nghiên cứu của Thủ tướng, chia sẻ với Tuổi Trẻ Online như vậy về sự kính trọng của ông với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.

Người Thủ tướng yêu nước, yêu dân không bằng lời nói suông - Ảnh 1.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và ông Trần Xuân Giá (phải) - Ảnh tư liệu

Tôi và nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, người mà chúng tôi gọi là anh Sáu Khải, có mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp trong suốt 57 năm.

Chúng tôi quen nhau từ năm 1961, khi học cùng Trường đại học Kinh tế Quốc dân Plekhanov ở Liên Xô (cũ).

Khi về nước làm việc, đặc biệt giai đoạn từ 1990-2006, chúng tôi luôn bên nhau trong công việc, hiểu và rất tin tưởng nhau.

Tháo bỏ những rào cản hành chính

Là người lãnh đạo, anh Sáu Khải đã giao việc cho ai thì luôn đặt niềm tin vào người đó, sẵn lòng lắng nghe và tháo gỡ những rào cản hành chính để hoàn thành công việc một cách hiệu quả nhất vì lợi ích của đất nước.

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong công việc của tôi với anh Sáu Khải là việc đàm phán với công ty nước ngoài trong việc thu gom khí đồng hành và khai thác mỏ khí mới (lô 06-1) đưa vào bờ nhằm thực hiện dự án khí, điện, đạm Phú Mỹ.

Đây là 1 trong 5 dự án đầu tiên phải được Quốc hội thông qua với quy mô lớn và phức tạp, không chỉ phức tạp về công nghệ mà còn phức tạp về các mối quan hệ kinh tế.

Thực hiện dự án này có những lợi ích rất lớn mà ai cũng biết. Một là chúng ta cho ra đời một ngành công nghiệp sạch đầu tiên là công nghiệp khí. Hai là tận dụng khí đồng hành trong quá trình khai thác dầu thô - thứ rất quý mà trước đó nhiều năm chúng ta phải đốt bỏ.

Việc thực hiện như thế nào thì chúng ta lại không làm được. Chính phủ giao cho Tổng công ty dầu khí Việt Nam đàm phán hợp đồng khai thác và thu gom khí đồng hành với với đối tác nước ngoài là Công ty BP của Anh.

Tuy nhiên, hợp đồng thu gom khí đồng hành, khai thác mỏ khí mới, vận chuyển và cung cấp khí để sản xuất điện, đạm… có nguy cơ đổ vỡ, trong khi đó việc xây dựng các công trình trên bờ diễn ra theo đúng tiến độ, một số nhà máy điện đã hoàn thành việc xây dựng, sẵn sàng tiếp nhận khí để sản xuất điện…

Trước tình hình này, anh Sáu Khải gọi tôi tới và nói: "Gay go quá, mày phải giúp tao, trực tiếp đàm phán với đối tác nước ngoài".

Đứng về mặt hành chính, người đàm phán không phải là tôi (lúc đó tôi là bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư) mà là doanh nghiệp trực tiếp là Tổng công ty Dầu khí, hoặc nếu không là Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương).

Như vậy, về quy trình, chức năng, nhiệm vụ mà anh giao cho tôi là không đúng, nhưng để được việc, anh đã tìm cách làm sao có lợi cho đất nước nhất.

Để không tổn hại cho lợi ích quốc gia và giữ được niềm tin của người đã giao trọng trách cho mình, tôi đã cố gắng hết sức để thực hiện nhiệm vụ một cách tốt nhất.

Và như mọi người đều biết, dự án khí, điện, đạm Phú Mỹ đã thành công tốt đẹp. Có thời điểm lượng điện được sản xuất ở đây đã bằng 40% tổng lượng điện cả nước lúc bấy giờ.

Thành công này có vai trò hết sức to lớn của anh Sáu Khải. Không có những quyết định đúng đắn của anh trong việc dùng người, đặc biệt là tin người; không câu nệ trình, quy thủ tục hành chính, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

Không có sự quan tâm đặc biệt của anh trong xử lý nhanh các khó khăn, mắc mứu, rắc rối thuộc trách nhiệm của Thủ tướng trong quá trình thực hiện dự án… tôi không tin là dự án khí, điện đạm Phú Mỹ thành công như đã có.

"Cha đẻ" của Luật doanh nghiệp

Cũng là sự quyết liệt, ngay từ đầu nhiệm kỳ Thủ tướng, anh Sáu Khải đã đề ra mục tiêu đến năm 2010 chúng ta phải có một triệu doanh nghiệp. Muốn phát triển doanh nghiệp thì phải có luật với nhiều nội dung mang tính đột phá.

Anh Sáu Khải nhận thức sâu sắc rằng vấn đề cốt lõi nhất nhất, quan trọng nhất, nhưng cũng là vấn đề gay go, phức tạp nhất của đổi mới kinh tế ở nước ta là chuyển nền kinh tế từ đơn thành thành phần sở hữu, mà chủ yếu là sở hữu nhà nước sang đa thành phần sở hữu, trong đó sở hữu tư nhân phải có vị trí xứng đáng.

Vì vậy, trọng tâm ở đây là vấn đề tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được hình thành và phát triển.

Từ nhận thức đó, có thể khẳng định anh Sáu Khải là nhà lãnh đạo thực hiện nhất quán, mạnh mẽ, quyết liệt trong chỉ đạo việc hình thành và phát triển hệ thống doanh nghiệp tư nhân của nước ta với cột mốc quan trọng nhất là việc ra đời Luật doanh nghiệp năm 1999 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2000 với nhiều nội dung mang tính đột phá rất lớn về thể chế, làm thay đổi cung cách điều hành phát triển đất nước.

Ngay sau khi Luật doanh nghiệp 1999 được thông qua, anh Sáu Khải là người trực tiếp chỉ đạo việc triển khai thi hành luật này.

Chỉ trong một tháng 28 ngày sau khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành đủ các văn bản hướng dẫn. Đây thực sự là một kỷ lục mà cho đến nay chưa có trường hợp nào vượt qua.

Trên cơ sở có đủ văn bản hướng dẫn theo luật định, anh Sáu Khải ký quyết định thành lập Tổ thi hành luật. Thông qua hoạt động của tổ này, chúng tôi phát hiện ra quá nhiều điều kỳ quặc, hành hạ dân là chính trong quản lý hành chính.

Chẳng hạn, muốn hành nghề bán báo lẻ, đánh máy chữ phải có giấy phép, rồi nhặt kim loại, giấy vụn, vẽ tranh truyền thần cũng phải xin phép…

Nhờ hoạt động năng nổ, quyết liệt của của tổ này và sự vào cuộc rất tận tâm, tận lực của Thủ tướng Phan Văn Khải, trong thời gian rất ngắn khoảng ½ số giấy phép con lúc bấy giờ đã được xóa bỏ….

Với tinh thần vì đất nước phát triển, anh Sáu Khải tự nêu hoặc ủng hộ nhiệt tình các tư tưởng mới của luật này, chẳng hạn "người dân có thể làm bất kể việc gì mà pháp luật không cấm" thay cho "người dân chỉ có thể làm những gì nhà nước cho phép" đã tồn tại một thời gian rất dài trước đó; "Nhà nước chỉ làm những gì người dân không làm được hoặc không muốn làm"…

Yêu nước, yêu dân phải bằng sự hi sinh!

Qua việc giúp anh Sáu Khải hình thành Luật doanh nghiệp, tổ chức đưa nó vào vào cuộc sống, tôi thấm thía một điều rằng yêu nước, yêu dân không được bằng lời nói suông, mà phải bằng hành động cụ thể, bằng sự hi sinh cụ thể, phải vượt qua chính mình trong những hoàn cảnh cụ thể.

Nói lý thuyết là vậy nhưng số không nhỏ trong những người có trọng trách các cấp trong hệ thống chính trị không phải bao giờ, không phải ai cũng làm được như vậy.

Anh Sáu Khải là người thực hiện trọn vẹn điều tôi vừa nêu trên đây. Đó là Người Thủ tướng trọn đời yêu dân!

TRẦN XUÂN GIÁ 
(nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư) 
LÊ THANH (ghi)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên