22/11/2020 09:24 GMT+7

Ý chí độc lập, tự do bất diệt

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Nhà số 629, nay là cửa hàng thời trang, hòa lẫn trên "con đường thời trang" Nguyễn Trãi (quận 5, TP.HCM) đủ sắc màu.

Ý chí độc lập, tự do bất diệt - Ảnh 1.

Biểu tình chống thực dân Pháp trước chợ Bến Thành, Sài Gòn - Ảnh tư liệu - TỰ TRUNG chụp lại

Ấy vậy nhưng trong cuộc hội thảo khoa học "Nam Bộ kháng chiến - Ý chí bảo vệ độc lập, tự do và bài học lịch sử", từ các nhân chứng đến các lãnh đạo TP.HCM và nhà sử học, ai ai cũng nhắc đến địa chỉ này.

Chưa tới 10 giờ sáng 23-9, hàng chục xe hơi, hàng trăm xe đạp, hàng nghìn đồng bào đã cùng nhau, đua nhau đi phát lời kêu gọi kháng chiến. "Độc lập hay là chết!" - khẩu hiệu nổi tiếng của Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu. Tôi thật hạnh phúc khi tuổi thanh xuân của mình đã được chứng kiến những ngày tháng kỳ diệu ấy của Nam Bộ, của dân tộc.

Ông Võ Anh Tuấn (cựu đại sứ VN tại Liên Hiệp Quốc)

Nhà số 629 đường Cây Mai (nay là Nguyễn Trãi - PV) - Hội nghị đường Cây Mai - nơi đã diễn ra cuộc họp của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ sáng 23-9-1945, đánh dấu ngày 23-9-1945 vào lịch sử.

Khí chất người Nam Bộ

Cao giọng làm nóng cả hội trường, GS.TS Võ Văn Sen phân tích khí chất người Nam Bộ: ba thế kỷ mang cày đi mở cõi, mang lá gan lớn của những con người dám "phá sơn lâm, đâm hà bá" để sống sót, bám trụ và làm trù phú cho vùng đất "xuống sông sấu bắt, lên rừng cọp tha". Tính cách người Nam Bộ từ đó hình thành, không chỉ có lòng can đảm, dám xông pha, dám nghĩ, dám làm mà còn hết sức tự tin, kiên trì, bền bỉ lao động, linh hoạt sáng tạo, cởi mở tiếp thu cái mới, hào hiệp, vị tha, vì nghĩa lớn, xung kích đi trước và lại luôn giữ gìn truyền thống tinh thần đoàn kết, bất khuất, tự hào dân tộc...

Chính tính cách đó, khí chất đó mà người Nam Bộ đã đứng lên khởi nghĩa Tháng Tám cùng đồng bào cả nước, đã giơ cao nắm tay hô vang lời thề độc lập, và dù chỉ được hưởng không khí độc lập - tự do có 29 ngày ngắn ngủi nhưng giá trị của độc lập, của tự do đã đủ để thấm sâu vào lòng người, đã bật lên thành sự dấn thân tiên phong.

PGS.TS Hà Minh Hồng đồng lòng đặt tên sự kiện đêm 22 sáng 23-9-1945 mà những người Nam Bộ đã tạo ra ấy là "phản ứng tự nhiên của nền độc lập". Ông nhắc lại lời minh định của Bí thư Xứ ủy Nam Bộ Trần Văn Giàu lúc ấy: "Việt Nam yêu quý của chúng ta đương gặp một tình cảnh nguy nan, không khéo lo, nước ta - dân ta có thể bị tròng lại ách nô lệ".

GS Trần Văn Giàu sau này đã kể lại tường tận: "10 giờ đêm 22-9, tôi được Huỳnh Văn Tiểng báo tin chiến sự đã bắt đầu ở dinh Xã Tây. Tôi cho triệu tập gấp một hội nghị liên tịch vào sáng sớm mai giữa Tổng bộ Việt Minh - Xứ ủy - Ủy ban nhân dân - Ủy ban kháng chiến Nam Bộ. Hội nghị của chúng tôi mở ở nhà số 629 đường Cây Mai, địa điểm cách nhà tôi đang ở chỉ 50m, nằm ở biên giới hai tỉnh Sài Gòn - Chợ Lớn. Tôi với Tiểng đi bộ từ nhà sang nơi họp, vừa đi vừa bàn cách in ấn, phát hành lời kêu gọi kháng chiến sau khi được hội nghị thông qua...".

Tuy vậy, không có gì là dễ dàng. Vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn về sự non trẻ của chính quyền cách mạng, sự mỏng yếu của tổ chức quân sự. Cuộc bàn thảo tranh luận gay gắt đã kéo dài tới hơn ba giờ đồng hồ trong không khí sôi sục như nồi áp suất của quần chúng và các lực lượng bên ngoài đang chờ đợi. 

Hôm nay, TS Hà Minh Hồng vẫn hưng phấn khi tái hiện trong hội trường: "Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Trần Văn Giàu đưa ra ý kiến cuối cùng với nắm tay nắm chặt dằn xuống bàn: Tướng biên cương phải biết tự quyết định theo đường lối bảo vệ đất nước mình. Tôi quyết định đánh. Đánh lại ngay. Tôi xin trình với hội nghị lời kêu gọi kháng chiến sau đây của Ủy ban kháng chiến".

Cuộc kháng chiến đã bắt đầu như thế.

"Tiếng kêu sơn hà nguy biến..."

Đứng lên đi đầu để sẵn sàng làm những người đầu tiên hi sinh bảo vệ nền độc lập non trẻ, tấc lòng của người miền Nam ngay lập tức gặp được sự thấu cảm, đồng lòng của toàn dân tộc, của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa ra đời. 

Hôm nay, lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến đồng bào Nam Bộ ngày 26-9-1945 được đọc lại: "Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ. Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và đồng bào toàn quốc sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hi sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập nước nhà. Tôi chắc và tất cả đồng bào đều chắc rằng những người và những dân tộc yêu chuộng bình đẳng, tự do trên thế giới đều đồng lòng với chúng ta".

Sài Gòn ngắt điện, ngưng mọi hoạt động để bước vào cuộc kháng chiến. Thành phố tối đen nhưng lòng người thì bừng sáng. Những cửa ngõ biến thành mặt trận, trong đánh ngoài vây. Máu đã phải đổ xuống. Và từ miền Bắc, những đoàn quân Nam tiến lên đường. "Đơn vị Nam tiến đầu tiên đã lên tàu từ ga Hà Nội đêm 26-9-1945, và từ đó không tuần nào không có những đoàn quân Nam tiến, đi theo tiếng gọi miền Nam, mùa thu rồi ngày hăm ba...", thượng tá - TS Phan Sỹ Phúc tổng hợp trong tham luận của mình.

Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang xúc động phát biểu: "Từ cuộc hội thảo này, chúng tôi và nhân dân TP.HCM sẽ càng thấm thía khát vọng độc lập tự do của miền Nam đi trước về sau, nâng cao nhận thức về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sự ủng hộ của cả nước luôn hướng về miền Nam. Và càng thấu hiểu lời của tuyên ngôn độc lập: Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững nền tự do, độc lập".

Tinh thần 23-9, đã 75 năm, đến hôm nay vẫn còn sống mãi.

90 tham luận giá trị

Sáng 21-11, hội thảo khoa học "Nam Bộ kháng chiến - Ý chí bảo vệ độc lập, tự do và bài học lịch sử" được Bộ Quốc phòng và Thành ủy TP.HCM tổ chức trang trọng tại Hội trường thành phố. Hội thảo đã nhận được trên 90 tham luận từ những nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử trong - ngoài quân đội, các vị lãnh đạo...

Thiếu tướng - TS Nguyễn Hoàng Nhiên, viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, nhận xét: "Mỗi tham luận là một nghiên cứu độc lập, đi sâu phân tích, luận giải từng nội dung cụ thể, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề trong hơn một năm đầu kháng chiến ở Nam Bộ (23-9-1945 - 19-12-1946).

Trung tướng Nguyễn Tân Cương - ủy viên Quân ủy trung ương, thứ trưởng Bộ Quốc phòng - nhận định: "15 tháng kháng chiến là khoảng thời gian không dài, nhưng cuộc chiến đấu ở Nam Bộ đã tạo ra tiền đề cho việc xác định đường lối kháng chiến sau này, đồng thời khẳng định những quy luật của chiến tranh cách mạng trong điều kiện và bối cảnh mới của lịch sử".

Khí phách Nam Bộ kháng chiến phải được kế tục, tiếp nối xứng đáng Khí phách Nam Bộ kháng chiến phải được kế tục, tiếp nối xứng đáng

TTO - 'Đêm 22, rạng sáng 23-9-1945, quân Pháp bắt đầu chiếm lại các cơ sở trọng yếu tại Sài Gòn. Mặc dù lúc đầu có ý kiến cần chờ chỉ thị trung ương nhưng chống giặc như chống lửa. Không thể chờ đợi, cuộc kháng chiến đã bắt đầu'.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên