15/07/2014 22:17 GMT+7

Xúc động trước những kỷ vật từ Hoàng Sa

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - Những kỷ vật đặc biệt, đồng thời cũng là những minh chứng rõ ràng nhất về chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vừa được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam sáng 15-7. 

Một cậu bé háo hức với mô hình tàu cảnh sát biển Việt Nam - Ảnh: Việt Dũng
Một cậu bé háo hức với mô hình tàu cảnh sát biển Việt Nam - Ảnh: Việt Dũng

Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa - chủ quyền Việt Nam” trưng bày hơn 300 hình ảnh, tư liệu hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật mới phát hiện và rất có giá trị.

Rất nhiều người xem ngạc nhiên khi thấy giấy khai sinh cho một bé gái sinh ra tại Hoàng Sa, do cơ quan hành chính Pháp đặt tại Hoàng Sa cấp năm 1940.

Đó là giấy khai sinh của bà Mai Kim Quy, sinh ngày 7-12-1939 tại đảo Pattle (Hoàng Sa), là con gái của ông Mai Xuân Tập, nhân viên khí tượng và bà Nguyễn Thị Thắng, nội trợ. Người làm chứng là ông Nguyễn Tăng Chuẩn (bác sĩ) và ông Đỗ Đức Mùi (giám đốc đài phát thanh).

Nhưng bà Mai Kim Quy không phải là đứa trẻ duy nhất sống trên các đảo tại Hoàng Sa. Thời điểm trước năm 1945, người Pháp đã xây trạm khí tượng, đèn biển ở Hoàng Sa.

Đi cùng với những người làm công tác kỹ thuật trên các đảo này là vợ con của họ. Có mặt tại triển lãm, ông Trần Quân Bảo cho biết ông đã sống ở đây suốt hai năm, kể từ năm 1938. “Bố tôi là trưởng trạm vô tuyến điện tại Hoàng Sa lúc đó.

Ông phát các thông tin đo đạc từ trạm khí tượng về đất liền. Gia đình tôi đã sống trên đảo hai năm trong những ngôi nhà xây mái bằng, phía dưới là bể chứa nước mưa ngầm. Thi thoảng những ngư dân Việt Nam có ghé qua đảo để đổi cá lấy nước ngọt” - ông Bảo kể lại.

Thu hút không kém là những hình ảnh, hiện vật minh chứng việc tàu Trung Quốc đâm tàu ngư dân bị chìm, đâm tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư.

Đặc biệt là các mảnh thành tàu, boong tàu, mạn tàu của tàu CSB 2012 và 2016 bị tàu Trung Quốc đâm hỏng cũng được trưng bày tại triển lãm.

Bên cạnh đó là các phương tiện làm việc của lực lượng cảnh sát biển nhằm tìm kiếm cứu nạn, thăm dò dầu khí, xua đuổi và cản phá các tàu nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam như ống nhòm, súng bắn điện, súng cao su, súng điện...

Với nhiều hiện vật, tư liệu, triển lãm cũng giới thiệu toàn bộ quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Hoàng Sa, Trường Sa.

Những hình ảnh ngày giải phóng Trường Sa năm 1975 hay ống nhòm của đô đốc Giáp Văn Cương sử dụng quan sát chỉ huy bộ đội xây dựng và bảo vệ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988, cáng thương chuyển cán bộ chiến sĩ hi sinh bảo vệ quần đảo Trường Sa năm 1988... đã khiến người xem xúc động.

Ngoài ra, các châu bản triều Nguyễn, văn bản hành chính của triều đình từ thế kỷ 17-18 chỉ đạo giám sát các hoạt động thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa, hệ thống bản đồ của các nhà nước phong kiến Việt Nam, của phương Tây và Trung Quốc đều thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này như: Đại Nam nhất thống toàn đồ do vua Minh Mạng cho vẽ năm 1883, An Nam đại quốc họa đồ vẽ năm 1838, Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ năm 1904 cũng được trưng bày lần này.

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên