28/12/2018 15:20 GMT+7

Xuất khẩu thủy sản giảm sâu vì “thẻ vàng” và nguyên liệu đầu vào

ĐÔNG HÀ
ĐÔNG HÀ

TTO - Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã “nếm mùi” vì bị Ủy ban châu Âu (EU) cảnh cáo thẻ vàng. Đó là kim ngạch xuất khẩu giảm, nguyên liệu đầu vào khó khăn, phải nhập khẩu.

Xuất khẩu thủy sản giảm sâu vì “thẻ vàng” và nguyên liệu đầu vào - Ảnh 1.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại một DN ở Bà Rịa- Vũng Tàu- Ảnh: ĐÔNG HÀ.

Ngày 28-12, ông Trần Văn Dũng, tổng giám đốc Công ty cổ phần chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu (Baseafood), cho biết năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hải sản của DN này sang châu Âu giảm khoảng quá một nữa so với 2017. 

Cụ thể năm 2017, Baseafood xuất khẩu được hơn 10 triệu USD thì năm nay chỉ còn chưa đầy 5 triệu USD. Để bù lại sự sụt giả của thị trường EU, DN phải tìm các thị trường mới nhưng tính tổng chung, kim ngạch xuất khẩu cũng giảm 10% so với năm trước - đạt khoảng 35 triệu USD.

Sở Công thương Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả tỉnh này trong năm 2018 đạt gần 300 triệu USD, bằng 75% so với năm 2017.

Còn ông Lê Văn Kháng - tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản và xuất nhập khẩu Côn Đảo (Coimex) - cho biết năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của công ty sang EU giảm đến 50%, dẫn đến cả năm nay chỉ 15 triệu USD, trong khi năm 2017 đạt 25 triệu USD.

Xuất khẩu thủy sản giảm sâu vì “thẻ vàng” và nguyên liệu đầu vào - Ảnh 3.

Ngư dân vẫn chưa có thói quen ghi nhật ký đánh bắt là một trong những nguyên nhân khiến nguyên liệu đàu vào trong nước gặp khó khăn- Trong ảnh là ghe cá của ngư dân Bà Rịa- Vũng Tàu neo đậu tại kênh Bến Đình, TP Vũng Tàu- Ảnh: ĐÔNG HÀ.

Theo những DN chế biến xuất khẩu thủy sản, ngoài khó khăn do EU "phạt" thẻ vàng, còn có khó khăn do nguyên liệu đầu vào trong nước, phải nhập khẩu từ các nước khác. Năm 2018, Baseafood đã phải nhập khẩu hết 7 triệu USD nguyên liệu từ nước ngoài. 

Một trong những khó khăn, vướng mắc lớn nhất dẫn đến việc thiếu nguyên liệu đầu vào ở trong nước chính là thói quen hải trình không có giám sát, không ghi nhật ký cụ thể của bà con ngư dân. Mà thủ tục xuất sang châu Âu rất khắt khe, phức tạp nên dù bà con có đánh bắt hợp lệ nhưng giấy tờ chứng minh hợp chuẩn rất khó. 

"Do ngư dân đánh bắt theo kiểu truyền thống, chưa có thói quen ghi nhật ký đánh bắt, vùng đánh bắt nên việc được các cơ quan chức năng xác nhận gặp nhiều khó khăn", ông Kháng cho biết. 

Theo ông Kháng, cần phải có thời gian mới có thể thay đổi thói quen, tạo thói quen mới. Và để ngư dân cải thiện điều kiện đánh bắt đạt quy chuẩn chung của quốc tế vẫn còn nhiều việc phải làm, trong đó quan trọng nhất là sự hỗ trợ, tuyên truyền và ý thức của chính ngư dân.

ĐÔNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên