22/02/2019 15:28 GMT+7

Xuất khẩu gỗ trên dưới 10 tỉ USD đã thỏa mãn là 'thỏa mãn non'

CHÍ TUỆ
CHÍ TUỆ

TTO - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng kế hoạch xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2019 đạt 11 tỉ USD vẫn còn thấp. Thủ tướng yêu cầu đến năm 2030, chúng ta sẽ đạt được 30 - 50% thị phần thế giới.

Xuất khẩu gỗ trên dưới 10 tỉ USD đã thỏa mãn là thỏa mãn non - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn "Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 - Thành công, bài học kinh nghiệm; giải pháp bứt phá năm 2019" diễn ra sáng 22-2 - Ảnh: CHÍ TUỆ

Tại diễn đàn "Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 - Thành công, bài học kinh nghiệm; giải pháp bứt phá năm 2019" diễn ra sáng 22-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá mức tăng trưởng trên 800% trong hơn 10 năm qua là một kết quả đáng biểu dương.

"Chúng ta đang đứng trên đôi chân của mình, điều đáng mừng là các sản phẩm gỗ tiêu dùng Việt Nam phần lớn có nguyên liệu từ gỗ rừng trồng, hạn chế gỗ nhập khẩu, nghiêm cấm khai thác gỗ rừng trồng tự nhiên. So với năm 2005, ngành gỗ của chúng ta đã tăng lên 800 lần" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng ngành chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam mới chiếm 6% thị phần của thế giới, sự đa dạng hấp dẫn sản phẩm gỗ còn khiêm tốn. Quy mô phát triển, tầm cỡ doanh nghiệp, số lượng có nhưng chất lượng còn nhiều vấn đề.

Thủ tướng đã đặt ra một số câu hỏi lớn để ngành tìm câu trả lời cho chính mình và đất nước:

Thứ nhất, Việt Nam hoàn toàn có thể nhập khẩu nguyên liệu, nhưng mục tiêu cần hướng đến là rừng trồng trong nước. Cái cốt lõi là phát triển nghề trồng rừng. 

"Bộ NN&PTNT thảo luận với Bộ Tài chính tìm ra phương thức hỗ trợ cho các tỉnh có đất trồng rừng để trồng. Mỗi công dân trồng một cây mới, phương thức nào để có đủ giống, đủ đất. Để tỉ lệ phủ xanh đất đồi trọc không chỉ 42% mà còn cao hơn" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ hai, Thủ tướng đặt hàng với ngành nông nghiệp trong 10 năm tới Việt Nam phải vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, là trung tâm về chế biến, xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới. 

Hiện thị phần xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm 6%, trong khi thị phần toàn thế giới đồ gỗ là 430 tỉ USD nội thất, 150 tỉ USD ngoại thất. Vậy đến năm 2030, chúng ta sẽ đạt được 30% hay 50% thị phần và làm thế nào để đạt được mục tiêu này?

Vấn đề nữa được Thủ tướng đưa ra là xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia chưa được quan tâm đúng mức. Có nhiều doanh nghiệp nhưng việc xuất khẩu còn thông qua đối tác nước ngoài nên hiệu quả, giá trị được nhận còn thấp.

Một số lâm sản như quế, hồi, sâm Ngọc Linh... chưa phát huy, mới xuất khẩu được ít, chưa xây dựng được thương hiệu, uy tín của nước ngoài, chế biến chưa tốt. Sâm Ngọc Linh là thương hiệu quốc gia, bảo vật nhưng chưa trở thành quốc kế dân sinh.

"Làm thế nào biến Việt Nam trở thành công xưởng xuất khẩu đồ gỗ thế giới. Một câu hỏi lớn, chứ không phải kim ngạch xuất khẩu trên dưới 10 tỉ USD mà chúng ta đã thoả mãn rồi. Đó là thỏa mãn non", Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng cam kết tiếp tục lắng nghe những ý kiến góp ý, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, hiệp hội ngành hàng…

"Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt hành động, đổi mới tư duy, nhận thức để đồng hành với doanh nghiệp đạt được mục tiêu, khát vọng phát triển ngành chế biến gỗ và lâm sản nhanh, bền vững" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên