06/11/2018 16:48 GMT+7

Xóa tư duy 'thăm nom hiếu hỉ' của tổ chức công đoàn

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Quyết tâm mạnh mẽ sẽ tự thay đổi chính mình, chấp nhận nhiều thử thách để gia nhập vào CPTPP được Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định trước Quốc hội.

Xóa tư duy thăm nom hiếu hỉ của tổ chức công đoàn - Ảnh 1.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu trả lời báo chí bên hàng lang Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online bên hành lang Quốc hội, ông Ngọ Duy Hiểu - phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - khẳng định đang có những chuyển biến rất mạnh mẽ: Công đoàn sẽ không còn mang tính chất "thăm nom hiểu hỉ" nữa mà sẽ trở thành chỗ dựa thật sự cho người lao động khi gặp khó khăn.

"Công đoàn xác định tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cũng như yêu cầu đổi mới đất nước, là cơ hội thực sự để đổi mới mình. Trước hết chúng tôi tập trung vào đổi mới trong nhận thức của cán bộ công đoàn các cấp về yêu cầu, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn trong giai đoạn hiện nay", ông Ngọ Duy Hiểu nói.

* Là người lãnh đạo tổ chức đại diện cho quyền lợi người lao động, ông đánh giá thế nào về hoạt động của công đoàn từ trước tới nay?

Hoạt động công đoàn trên thực tế ở một số nơi vẫn còn nặng tư duy bao cấp, hành chính. Ở nhiều nơi thì còn nặng tính "thăm nom hiếu hỉ". Tuy nhiên, trong 3-4 năm trở lại đây công đoàn Việt Nam đã đổi mới, đặc biệt là ở doanh nghiệp.

* Hiện nay bối cảnh xã hội, đời sống người lao động cũng như những thách thức đã rất khác giai đoạn trước. Công đoàn Việt Nam cần phải linh hoạt, uyển chuyển hơn?

Đây là công đoàn của thời kỳ hội nhập, thời kỳ phát triển kinh tế thị trường. Công đoàn phải thực sự là tổ chức của người lao động, do người lao động và vì người lao động.

Do vậy, các hoạt động của công đoàn phải hướng tới đại diện, chăm lo, bảo vệ người lao động, phải bỏ dần, khắc phục dần những hoạt động nặng tính hành chính, thuần tuý hiếu hỉ, thăm nom mà hướng tới nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức công đoàn.

Người lao động đến với công đoàn không phải là để làm thủ tục hành chính, mà đến để được hỗ trợ, chia sẻ kịp thời những khó khăn, trăn trở.

Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu

* Công đoàn Việt Nam sẽ đổi mới cụ thể như thế nào?

Chúng tôi đã và đang tích cực đổi mới chính mình, theo hướng công đoàn cấp trên phục vụ công đoàn cấp dưới, công đoàn cơ sở phục vụ người lao động. 

Đổi mới thứ hai là nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp, đặc biệt là chủ tịch công đoàn cơ sở, doanh nghiệp. Đây là lực lượng hết sức quan trọng, gần gũi với công nhân, người lao động.

Cần phải nâng cao chất lượng, cả về kiến thức, kỹ năng, phương pháp công tác, đặc biệt là sự năng nổ, sâu sát, gần gũi để hiểu được tâm tư của người lao động. Cán bộ công đoàn phải phấn đấu để không chỉ làm công tác vận động, mà phải là những chuyên gia về đối thoại, thương lượng, tư vấn, chia sẻ với người lao động.

Thứ ba là đổi mới các mô hình của tổ chức công đoàn để đảm bảo thực sự linh hoạt, năng động, bộ máy tinh gọn nhưng hoạt động hiệu quả. Mô hình đó phải thực sự thân thiện với người lao động, cơ quan công đoàn không còn thuần tuý là cơ quan hành chính, đoàn thể mà còn là cơ quan dịch vụ, hỗ trợ người lao động.

Hiện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang hoàn thành Đề án đổi mới tổ chức công đoàn để trình Bộ Chính trị xem xét, phê duyệt, sau đó nghiên cứu để triển khai trong thực tế, hướng công đoàn Việt Nam tới hiệu quả thực chất, thực sự là tổ chức bên cạnh người lao động, đồng hành cùng người lao động trong cuộc sống, công việc.

Vì quyền lợi quốc gia dân tộc là trên hết, công đoàn Việt Nam sẽ chấp nhận cạnh tranh, thay đổi.

Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu

* Đổi mới, thay đổi cách làm trì trệ, hình thức như lâu nay không hề đơn giản nhưng sẽ là điều phải làm. Công đoàn Việt Nam đã nhìn thấy những khó khăn phía trước chưa?

Công đoàn Việt Nam đã hướng tới việc đối thoại, thương lượng tập thể để bảo vệ người lao động thông qua các thoả ước.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn thấy có những khó khăn, đặc biệt là áp lực việc làm của người lao động, của chính chủ tịch công đoàn cơ sở. Nhiều khi chủ tịch công đoàn cơ sở rất mong muốn bảo vệ người lao động, nhưng trên thực tế phải đối mặt với áp lực việc làm, thu nhập, vị trí công tác. Thực tế rất khó khăn.

Nhưng xu thế vẫn là một công đoàn bao cấp, hành chính phải chuyển mình để hội nhập kinh tế thị trường. Đây sẽ là một giai đoạn dài, nhưng những động thái, chuyển biến thời gian qua đã cho thấy một xu hướng rất tốt của công đoàn chúng ta.

* Xin cám ơn ông!

Tham gia CPTPP: Công đoàn VN chấp nhận thách thức chưa có tiền lệ Tham gia CPTPP: Công đoàn VN chấp nhận thách thức chưa có tiền lệ

TTO - Đại biểu Ngọ Duy Hiểu - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN chia sẻ như vậy tại phiên bàn luận về Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ngày 5-11 của Quốc hội.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên