10/01/2024 08:48 GMT+7

Xét xử các đại án: Hồ sơ hàng tấn, phải chở bằng máy bay

Tại Hội nghị tổng kết ngành tòa án năm 2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá năm qua tòa án các cấp đã xét xử thành công nhiều đại án tham nhũng lớn.

Từ trái qua: bị cáo Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long và Phan Quốc Việt tại phiên tòa xét xử vụ Việt Á - Ảnh: GIANG LONG - PHƯƠNG NAM

Từ trái qua: bị cáo Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long và Phan Quốc Việt tại phiên tòa xét xử vụ Việt Á - Ảnh: GIANG LONG - PHƯƠNG NAM

Vậy với các đại án được dư luận đặc biệt quan tâm, việc xét xử sẽ diễn ra thế nào? Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN TRÍ TUỆ, phó chánh án thường trực Tòa án nhân dân tối cao, về nhiều vấn đề liên quan.

Ông Tuệ nói: Không chỉ năm 2023 mà từ các năm trước, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, hệ thống tòa án đã đưa ra xét xử nhiều đại án, chưa từng có tiền lệ. 

Các vụ án này đều có quy mô lớn, vi phạm kéo dài, số lượng bị cáo lớn, nhiều bị cáo giữ các chức vụ cao và quan trọng, liên quan nhiều ngành và nhiều địa phương. 

Các bản án tuyên ra được thi hành, xử lý triệt để, số lượng tài sản thu hồi rất lớn. 

Phó chánh án thường trực TAND tối cao nói gì về phân hóa bị cáo, khoan hồng trong các đại án?

Thành công lớn hơn nữa chính là tăng niềm tin của người dân vào công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực và niềm tin vào tòa án. 

Trong đó có những vụ án theo quy định của Ban Chỉ đạo Trung ương là rõ đến đâu làm đến đấy nên có thể chia nhiều giai đoạn, để khi kết thúc, tất cả các đối tượng đều bị xử lý bình đẳng trước pháp luật.

Ông Nguyễn Trí Tuệ, phó chánh án thường trực Tòa án nhân dân tối cao - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Ông Nguyễn Trí Tuệ, phó chánh án thường trực Tòa án nhân dân tối cao - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đang giao cho Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xây dựng nghị quyết hướng dẫn áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ quy định tại điều 51, 52 của Bộ luật Hình sự. Theo đó, với các tình huống như nhau, thẩm phán sẽ xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để áp dụng thống nhất pháp luật. Dự kiến trong quý 1-2024 sẽ trình dự thảo để xem xét.

Ông NGUYỄN TRÍ TUỆ

Một số đại án phải chia giai đoạn điều tra, xét xử, vì sao?

* Từ kết quả xét xử, ông đánh giá thế nào về các bị cáo, họ đã tâm phục, khẩu phục?

- Ở đây cần hiểu các bị cáo tâm phục khẩu phục là khi bị đưa ra xét xử họ chấp nhận, đồng thuận với phán quyết của tòa án. Việc này được thể hiện khi ra tòa các bị cáo đều xin lỗi Đảng, Nhà nước, tự nguyện khắc phục hậu quả xảy ra.

Có bị cáo ở giai đoạn điều tra, truy tố vẫn ngoan cố, cãi đến cùng nhưng khi ra tòa đã nhận tội. Chẳng hạn như vụ án Việt Á đang xét xử, cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; cựu bộ trưởng, cựu chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh; cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng... đều nhận rõ hành vi sai phạm của mình và xin nhận tội.

Trước đó, trong vụ AVG, cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son hay vụ Nguyễn Duy Linh (cựu phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo - Bộ Công an)... khi ra tòa cũng nhận tội.

Ở giai đoạn điều tra, truy tố, các cơ quan cũng lo lắng có thể nảy sinh tình huống các bị cáo ra tòa sẽ phản cung, chối tội, khó khăn cho việc kết tội.

Mới đây, ở vụ chuyến bay giải cứu, phiên sơ thẩm thì bị cáo Hoàng Văn Hưng tìm mọi cách chối cãi nhưng đến trước phiên phúc thẩm đã nhận tội.

Bản án do tòa tuyên khuất phục được tội phạm, thuyết phục được các bên đương sự đồng thuận, tin tưởng vào phán quyết của tòa án.

* Ông có nói đến quan điểm xử lý rõ đến đâu làm đến đấy, do đó có những vụ khó khăn, không thể "bóc" hết sai phạm ngay một lúc nên phải chia giai đoạn?

- Thực tế, việc chia giai đoạn là do yêu cầu của công tác điều tra, truy tố, xét xử chứ không phải do khó khăn mà phải tách vụ án. Bởi tất cả trình tự tố tụng đều có thời hiệu, thời hạn nhất định.

Nếu làm một lúc đồng bộ thì ở một số vụ án rất lớn, nhiều góc cạnh, mối quan hệ liên quan sẽ không đảm bảo. Vì vậy, rõ đến đâu làm đến đó hay phần nào đã rõ ràng, chuẩn xác thì xử lý như vụ chuyến bay giải cứu, vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi... Việc này thực hiện đúng các quy định và không gây ảnh hưởng gì đến việc xử lý chung vụ án.

* Vậy còn chủ trương phân hóa để xử lý các bị cáo trong các vụ án lớn đã được tòa án áp dụng như thế nào, thưa ông?

- Đây là chủ trương lớn của Ban Chỉ đạo Trung ương và tòa án, thậm chí đã thực hiện từ khi chưa có văn bản hướng dẫn, định hướng.

Cụ thể, trong vụ OceanBank, có những bị cáo bị truy tố ở khoản nặng hơn nhưng hội đồng xét xử đã xem xét, phân hóa xử lý ở khoản khác nhẹ hơn và có cả bị cáo được tuyên án treo.

Quan điểm của tòa thấy rằng những người chủ mưu, cầm đầu, thu lợi bất chính lớn thì việc xử lý nghiêm minh là đúng. Còn những người làm công ăn lương, được sai khiến hôm nay mang tiền đi chuyển chỗ này, mai chỗ kia là đồng phạm giúp sức song không được hưởng gì thì cần phải khoan hồng.

Vì vậy, sau này khi Ban Chỉ đạo giao xây dựng nghị quyết hướng dẫn đã nêu rõ trừng trị kẻ chủ mưu, cầm đầu, hưởng lợi lớn, còn khoan hồng với người làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo, không được hưởng lợi ích vật chất gì.

Việc phân hóa là cần thiết vì nếu cứ cứng nhắc, đưa họ vào đồng phạm ở khung, khoản nào đó là không phù hợp, chưa đảm bảo tính nhân văn, khoan hồng của pháp luật.

Thẩm phán - chủ tọa phiên tòa Mai Anh Tài điều hành phiên xét xử phúc thẩm 21 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” - Ảnh: TTXVN

Thẩm phán - chủ tọa phiên tòa Mai Anh Tài điều hành phiên xét xử phúc thẩm 21 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” - Ảnh: TTXVN

Sắp có thêm hướng dẫn tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ theo Bộ luật Hình sự

* Nhiều người quan tâm đến việc lựa chọn thẩm phán để xét xử các vụ đại án, tiêu chuẩn lựa chọn có gì khác so với các vụ án bình thường?

- Các đại án như Việt Á, FLC, Vạn Thịnh Phát... đều có những điểm khó khăn, phức tạp, liên quan từ khu vực công đến khu vực tư.

Để xử lý các vụ này là cả quá trình mà từ cơ quan điều tra đã phải có các điều tra viên giỏi để phát hiện các sai phạm, lợi dụng chính sách, quy định của pháp luật thao túng và các sai sót trong quản lý lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...

Các thẩm phán được chọn ngoài việc có kinh nghiệm xét xử các vụ án lớn, còn phải am hiểu rất sâu mới có thể nhìn ra vấn đề.

Đồng thời, qua việc xét xử còn giúp phát hiện những lỗ hổng của cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để đề nghị phải bổ sung, hoàn thiện, lấp lại.

Chẳng hạn như có ông chủ bà chủ vừa sở hữu ngân hàng, vừa có loạt doanh nghiệp sân sau, lại làm luôn công chứng thì quá dễ dàng để thực hiện hành vi vi phạm.

Thực tế các bị cáo ở đây đều là người có trình độ chuyên môn sâu trong lĩnh vực họ quản lý. Vì vậy họ mới lợi dụng được kẽ hở, sơ hở trong quản lý nhà nước để lấy tiền, tài sản của Nhà nước, nhân dân.

Do vậy, thẩm phán phải hiểu được các hành vi, thủ đoạn của họ chiếm đoạt tài sản như thế nào, nắm chắc hồ sơ để khi xét xử làm chủ được diễn biến toàn bộ phiên tòa, đồng thời điều hành tốt phần tranh tụng. Từ đó mới đưa ra được phán quyết chính xác.

Phải nghiên cứu kỹ thì đến phiên tòa luật sư hay bị cáo nói tại bút lục này, bút lục kia phản ánh nội dung nào, thẩm phán biết ngay ở đâu để lấy ra đối chứng. Việc được phân công xét xử các vụ đại án là vinh dự, tự hào nhưng thực sự rất vất vả.

* Một số vụ án lớn xảy ra cùng lúc ở nhiều địa phương, tòa án các cấp cùng vào cuộc, như vụ Việt Á, một số tòa cấp tỉnh đã xử và nay xử ở cấp cao hơn. Làm thế nào để yên tâm việc xét xử được đều tay, không để xảy ra việc có cấp cân nhắc thấu đáo, nhưng có nơi vội vàng, chưa hợp lý?

- Ở bên ngoài có thể có lo lắng nhưng trong đội ngũ xét xử có chuẩn riêng. Ví dụ đều ở một khung, khoản cụ thể, mức 7 - 15 năm chẳng hạn, nếu có hay không có tình tiết giảm nhẹ thì ở mức nào và khi xét xử, thẩm phán sẽ đối chiếu, so sánh với các vụ án khác đã xử để tạo mặt bằng chung.

Các bản án hiện đều đã được công khai lên mạng, do đó có thể tìm kiếm để xem tình tiết, hành vi phạm tội, số tiền vi phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được áp dụng, mức án tuyên...

Việc này giúp các thẩm phán có thể tham khảo, áp dụng khi xử các vụ sau có tình huống, số lượng tài sản chiếm đoạt, hành vi tham nhũng tương tự. Với các vụ án quy mô như Việt Á, Tòa án nhân dân tối cao đều có chỉ đạo cần nghiên cứu, áp dụng thống nhất.

Hay tới đây xét xử vụ đăng kiểm sẽ có sự chỉ đạo phân hóa thống nhất ở địa phương chứ không phải thích áp dụng thế nào cũng được.

Hiện nay chúng ta có cơ chế hai cấp xét xử là sơ thẩm và phúc thẩm, nên nếu ở cấp sơ thẩm xét xử chưa đảm bảo, chưa đầy đủ hay nặng quá thì đến cấp phúc thẩm sẽ xem xét, cân đối lại.

Trong đó, cấp phúc thẩm có thể căn cứ vào các tình tiết, chứng cứ mới, có lợi để giảm án cho các bị cáo, kể cả trong trường hợp bị cáo không có kháng cáo.

Như vụ chuyến bay giải cứu, nhiều bị cáo, kể cả bị cáo không kháng cáo, đã được giảm án. Ngoài ra, Tòa án nhân dân tối cao cũng sẽ rà soát trong các trường hợp thấy cần thiết để có hướng dẫn áp dụng các quy định pháp luật đảm bảo thống nhất và bình đẳng.

Các bị cáo trong phiên tòa vụ án mà cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng ba người khác đang bỏ trốn - Ảnh: T.THẮNG

Các bị cáo trong phiên tòa vụ án mà cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng ba người khác đang bỏ trốn - Ảnh: T.THẮNG

Xử vắng mặt là cơ sở để dẫn độ tội phạm

* Năm 2023, lần đầu tiên tòa đã xét xử, tuyên án vắng mặt với các bị cáo trong vụ AIC, trong đó có bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Điều này liên quan gì đến việc thúc đẩy hợp tác quốc tế dẫn độ tội phạm, thưa ông?

- Thực tế đây là mạnh dạn áp dụng các quy định của pháp luật. Trước đây chúng ta đã xét xử, tuyên án tử hình vắng mặt đối với bị cáo phản bội Tổ quốc, trốn ra nước ngoài.

Về sau chúng ta cẩn trọng quá khi cho rằng chưa bắt được bị cáo thì chưa có lời khai để chứng minh được hành vi phạm tội nên chưa xử lý.

Tuy nhiên với sự quyết liệt của Ban chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan tố tụng cần vận dụng quy định của pháp luật để xử lý nghiêm, trừng trị nghiêm khắc dù có bỏ trốn ra nước ngoài.

Ở đây xác định rõ hành vi phạm tội đã có, dù đối tượng trốn tránh nhưng hành vi đó được củng cố bằng những lời khai, chứng cứ mà cơ quan điều tra thu thập được.

Khi xét xử, tuyên án vắng mặt xong dư luận đều đồng tình, bởi bản chất đây là hành vi phạm tội và dù bị cáo trốn tránh chưa bị trừng trị nhưng các bị cáo đang ở trong nước bị bắt giữ đã bị trừng trị nghiêm minh.

Tới đây, các cơ quan tố tụng sẽ xem xét phục hồi điều tra, xử lý đối với các vụ án đã tách ra do bị cáo bỏ trốn như vụ án liên quan bà Hồ Thị Kim Thoa hay vụ Bùi Quang Huy (ông chủ Nhật Cường)… Hay vụ khủng bố ở Đắk Lắk với sáu bị cáo trốn ở nước ngoài cũng đã bị điều tra, truy tố để xét xử vắng mặt.

Đặc biệt, khi đã có bản án sẽ có tác dụng trong việc hợp tác quốc tế dẫn độ tội phạm. Hiện nay với nhiều nước chỉ dẫn độ với những người đã bị kết án, có tội.

Vì thế, khi đã có bản án thì việc đề nghị các quốc gia truy nã quốc tế, dẫn độ để thực thi bản án sẽ đúng quy định. Việc xét xử vắng mặt này cũng được coi là một trong bảy điểm sáng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Tất cả đều bình đẳng, "nhúng chàm" thì phải chịu trách nhiệm

* Trong vụ Việt Á, lần đầu tiên có ba cựu ủy viên trung ương bị xét xử trong cùng một vụ án. Ông đánh giá thế nào về việc này? Khi xét xử quan chức cấp cao thì có gì khó khăn?

- Việc xét xử ba cựu ủy viên Trung ương Đảng và các bị cáo khác trong cùng vụ Việt Á thể hiện mọi công dân bình đẳng trước pháp luật và quyết tâm của Đảng là phòng chống tham nhũng thì không có vùng cấm và không có ngoại lệ.

Chúng ta đã từng xét xử những vụ án lớn mà bị cáo nguyên là ủy viên Bộ Chính trị và nhiều vụ án khác có các bị cáo là nguyên cựu ủy viên Trung ương Đảng.

Điều này thể hiện quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng ta và cũng chính điều này đã tạo dựng uy tín của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế và lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Về nguyên tắc, ra trước tòa các bị cáo đều bình đẳng và được đối xử như nhau. Thực tế các bị cáo từng giữ chức vụ cao thường nhận thức rất nhanh về hoàn cảnh và về hành vi sai phạm của mình, vì vậy ra tòa thường thành khẩn khai báo, xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhận trách nhiệm về mình. Theo tôi cũng là điều dễ hiểu bởi họ là những người có trình độ cao, đã được đào tạo cơ bản nhưng lỡ trót "nhúng chàm" thì phải chịu trách nhiệm.

Hồ sơ hàng tấn, phải chở bằng máy bay

* Với các đại án, các yếu tố liên quan đều rất lớn, rất nhiều, như vậy có đảm bảo việc nghiên cứu, xem xét hồ sơ vụ án được tòa soi đọc kỹ lưỡng, chi tiết, thưa ông?

- Trong quá trình xét xử, khó khăn lớn nhất chính là việc thẩm phán phải tiếp cận hồ sơ một cách nhanh chóng và đầy đủ để nghiên cứu. Với các đại án, số lượng bị cáo lớn, tài liệu cũng vô cùng nhiều.

Có vụ như OceanBank trước đây hay vụ đánh bạc ở Phú Thọ, rồi tới đây là vụ Vạn Thịnh Phát, FLC, Tân Hoàng Minh... thì hồ sơ lên đến hàng tấn, phải chở bằng máy bay từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc nên thẩm phán không tập trung nghiên cứu sẽ không đảm bảo các thời hạn quy định.

Về nguyên tắc, tất cả các chứng cứ, tài liệu đều phải được xem xét, đánh giá công khai tại phiên tòa. Vì vậy, thẩm phán phải nghiên cứu đầy đủ, toàn diện và sâu sắc toàn bộ hồ sơ vụ án.

Có những vụ phải soi kỹ từng hợp đồng để xem họ đã lợi dụng, vi phạm thế nào. Do vậy, sự phối hợp với các cơ quan rất chặt chẽ, tòa án tiếp cận hồ sơ ngay từ giai đoạn đầu truy tố.

Với các tội về tham nhũng, kinh tế thường khó nên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, việc nhận thức làm sao đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong các cơ quan tố tụng nhằm áp dụng đúng các quy định pháp luật. Nói cách khác, các phán quyết của tòa cần đúng theo quy định pháp luật, không thể vì bị cáo phạm tội tham nhũng mà mình xử thế nào cũng được.

Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo thường có sự phối hợp chặt chẽ nên cũng tương đối thuận lợi.

Đặc biệt, với vụ án lớn thường có kế hoạch xét xử chi tiết, có sự phân công trong hội đồng xét xử. Các thành viên phải chịu trách nhiệm ở từng mảng để đảm bảo tất cả các bị cáo đều được xét hỏi, tất cả các hành vi đều được thẩm vấn công khai tại phiên tòa.

Vì vậy xét xử các đại án rất vất vả. Có những vụ án lớn xử đến hàng tháng, phải thuê hội trường, dựng rạp để xét xử.

(còn tiếp)

Bắt tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Sông Hồng vì liên quan đại án AICBắt tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Sông Hồng vì liên quan đại án AIC

Ông Lã Tuấn Hưng, tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Sông Hồng, bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để làm rõ những sai phạm về đấu thầu mua sắm thiết bị y tế tại tỉnh Bắc Ninh liên quan Công ty AIC.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên