19/03/2018 10:00 GMT+7

Xây dựng lối sống đẹp: đừng vội quy chụp cho người trẻ

QUỐC LINH thực hiện
QUỐC LINH thực hiện

TTO - Đâu phải ai xăm mình cũng xấu, nhưng chúng ta lại mặc định "người xấu mới xăm mình" - đó là chia sẻ của TS Nguyễn Hữu Long (phó giám đốc Phân viện miền Nam, Học viện Thanh thiếu niên VN).

Xây dựng lối sống đẹp: đừng vội quy chụp cho người trẻ - Ảnh 1.

Sinh viên tình nguyện đưa lớp học vui đến với bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo tại TP.HCM - Ảnh: Q.L.

Bày tỏ góc nhìn trước câu hỏi "Người trẻ có đang sống... xấu đi?", TS Nguyễn Hữu Long (phó giám đốc Phân viện miền Nam, Học viện Thanh thiếu niên VN) cho rằng không phải bạn trẻ nào cũng như vậy.

Ông Long nói: "Người trẻ không sống xấu đi, chỉ là chưa hiểu đúng về sống đẹp, một phần cũng do dư luận xã hội ảnh hưởng đến họ. Trách nhiệm này không hoàn toàn chỉ ở họ, đó còn là nhà trường, đoàn thể, của cả cơ quan truyền thông và cần lan tỏa những câu chuyện sống đẹp nhiều hơn nữa".

Xây dựng lối sống đẹp: đừng vội quy chụp cho người trẻ - Ảnh 2.

TS NGUYỄN HỮU LONG - Ảnh: Q.NG.

“Đọc được câu chuyện hay hãy chia sẻ cho bạn bè, biết tin tốt hãy cùng nhau bàn luận chứ không phải chỉ theo dõi và quá chăm chú kể những chuyện xấu, tiêu cực trong cuộc sống

TS NGUYỄN HỮU LONG

* Nếu phải định hình về tiêu chuẩn "sống đẹp" của giới trẻ hiện nay, có thể hình dung những giá trị ấy là gì, thưa ông?

- Đẹp có thể hiểu là mỗi ngày phải tự làm đẹp mình rồi làm đẹp cho đời, làm đẹp bản thân trước khi làm đẹp cho người khác. Đẹp về thể chất, tâm hồn, có sức khỏe, gu thẩm mỹ bắt kịp nhịp sống thời đại nhưng đừng có dị hợm quá, giữ được giá trị văn hóa.

Làm đẹp tri thức, tiếp cận tri thức "sạch", biết chọn lọc thông tin, chọn sách báo phù hợp để đọc, nâng tầm tri thức của mình lên.

Ngoài ra, bạn biết làm giàu vốn kiến thức của mình, chịu khó học và sử dụng cái đã học vào cuộc sống; có suy nghĩ tích cực ngay khi đối diện với sự việc tiêu cực. Rồi làm đẹp các mối quan hệ và gia đình mình, gìn giữ, tôn trọng và biết chấp nhận người khác.

* Nguyên nhân của những biểu hiện chưa đẹp trong giới trẻ, theo ông, là gì?

- Tôi thấy có nhiều nhận định quy về chuyện ý thức, trong khi trước hết đó là nhận thức của mỗi người. Chẳng hạn sinh viên vô lớp ngủ gục hay bị quy chụp là thiếu ý thức, nhưng sao không phải là một câu nói vui, kiểu "ăn chơi không biết tính toán nên giờ vô lớp ngủ, đứng dậy ra ngoài vươn vai cái tái tạo năng lượng đi em", vì hành vi ngủ gục đôi lúc đến từ nhiều nguyên nhân khác chứ đâu chỉ là ý thức!

Không phủ nhận có những bạn rất ý thức nhưng vẫn cố tình làm ngược lại, như đến nơi thờ tự mà cứ mặc váy quá ngắn dù đã được nhắc.

Song nếu cho rằng giới trẻ đang sống xấu thì có vẻ hơi quy chụp về ý thức của họ. Đâu phải ai xăm mình cũng xấu, nhưng chúng ta lại mặc định "người xấu mới xăm mình". Nhận thức chưa tới khác với ý thức của mỗi người, phải đẹp từ trong nhận thức mà ra.

* Có thể xây dựng lối sống đẹp cho người trẻ không và bằng cách nào?

- Phải tác động vào nhận thức, thay đổi nhận thức sẽ giúp các bạn nhận ra và tự ý thức. Lan tỏa các giá trị đẹp, nhân rộng gương điển hình là biện pháp giúp giới trẻ tiếp nhận và tự nhận thức.

Tôi thấy xây dựng hình ảnh người trẻ "tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn" là điều rất hay dành cho giới trẻ trên con đường hoàn thiện bản thân. Khi bạn có nhận thức tốt (trí sáng), tâm hồn đẹp (tâm trong) và ước mơ chính đáng (hoài bão lớn), bạn sẽ làm được nhiều điều có lợi cho bản thân, đất nước.

Những người đi trước cần định hướng, điều chỉnh những điều chưa phù hợp của giới trẻ sao cho chuẩn mực, chớ vội quy chụp giới trẻ. Phải củng cố niềm tin cho họ.

Vì sao có những tiêu cực trong giới trẻ? Vì họ thiếu niềm tin, mất động lực phấn đấu, mất đi cả nghĩa cử đẹp.

TS Nguyễn Hữu Long

Chú ý nhiều hơn để phát hiện và lan tỏa những người làm việc tốt một cách âm thầm, không quá nổi bật, làm việc bình thường nhưng hữu ích cho đời.

Và cần truyền thông, xây dựng tốt hình ảnh của những người trẻ truyền cảm hứng trong cộng đồng. Khi đó người trẻ có nhiều cơ hội thể hiện bản thân một cách phù hợp vì nhận thức đúng, ý thức cao hơn.

Hãy làm cho "tiếng lành đồn xa"

"Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa", đúng như ông bà ta từ xa xưa đã nói. Trong xã hội hiện nay, tiếng dữ càng lan truyền nhanh hơn, rộng hơn gấp vạn lần bởi các trang mạng xã hội.

Những cái "like" vô tình, "share" theo phong trào và "comment" cố ý để gây ấn tượng đã góp phần rất lớn cho cái xấu lan xa hơn.

"Tiếng dữ đồn xa" dường như đã làm mất đi lối sống đẹp của giới trẻ ngày nay. Vậy tại sao chúng ta không làm cho "tiếng lành đồn xa"?

Theo tôi, chúng ta có thể bắt đầu ngay chính từ những trang mạng xã hội.

Hãy phát động từ trường học, cơ quan, xí nghiệp đến ban ngành, đoàn thể nhân rộng các câu chuyện đẹp, hành động tử tế trên mạng xã hội, nghĩa là mọi người chỉ "like, share, comment" những tin tức, hình ảnh về việc tốt, người tốt và tuyệt đối không làm những điều này với những tin tức về cái xấu, cái ác.

Lối sống đẹp, điều thiện chỉ có thể bắt đầu khi "tai nghe, mắt thấy" thường xuyên từ những chuyện tốt đẹp.

LÊ PHƯƠNG TRÍ

Báo Tuổi Trẻ Online tổ chức diễn đàn "Xây dựng lối sống đẹp cho giới trẻ, cách nào?". Mọi chia sẻ, ý kiến, giải pháp sống tử tế theo góc nhìn của chính bạn xin vui lòng gửi về email: tto@tuoitre.com.vn.

QUỐC LINH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên