20/11/2014 13:43 GMT+7

Xác rạp hát, hồn... không liên quan!

HOÀNG OANH - Q.NGUYỄN
HOÀNG OANH - Q.NGUYỄN

TT - Rất nhiều rạp hát còn lại của Sài Gòn ngày xưa nay đã xuống cấp trầm trọng, rệu rã, được dùng để... giữ xe hay bán cà phê.

Rạp Đại Quang tại 63 Châu Văn Liêm, Q.5 nay bị bỏ hoang, phía trước là nơi bán nước, tầng trệt dùng để giữ xe - Ảnh: Q.Định

Trong khi đó, nhiều đơn vị sân khấu sống dở chết dở vì không có được những rạp hát cố định để diễn.

Người Sài Gòn từng rất tự hào về những rạp hát lừng lẫy một thời như Thăng Long, Khải Hoàn, Minh Châu, Cao Đồng Hưng, Lê Ngọc, Lê Thanh, Hào Huê, Văn Hoa... được dùng để chiếu phim, diễn cải lương, diễn kịch và nườm nượp người ra kẻ vào.

Ngày nay phần lớn “tên tuổi” vẫn còn đó, vẫn mang xác rạp hát nhưng hồn thì... không liên quan.

“Có một thời đi đâu cũng gặp rạp xinê”

Đó là lời tâm sự đầy hoài niệm của NSƯT Thành Lộc về một thời hoa lệ của Sài Gòn khi mà rõ ràng không thể đếm xuể có bao nhiêu rạp chiếu phim trong thành phố.

Nhiều tài liệu và hình ảnh lịch sử cũng khẳng định rằng Sài Gòn - hòn ngọc Viễn Đông từng là nơi có hệ thống nhà hát và rạp chiếu dày đặc và hiện đại nhất Đông Nam Á bấy giờ.

Gần như những con đường chính đều có rạp, có khi hai, ba rạp cùng tọa lạc trên một trục đường hoặc nằm đối diện nhau. Sang trọng nhất phải kể đến rạp Rex (nay là khách sạn Rex) với một chiếc thang cuốn đầu tiên của cả Đông Nam Á bấy giờ, nằm vắt ngang mặt tiền rạp.

Gần đó là rạp Eden (nay là khu mua sắm Vincom) nằm sâu trong thương xá Eden có kiến trúc kiểu Pháp với hai tầng lầu có bancông riêng tư. Rạp Đại Nam (nằm trên đường Trần Hưng Đạo ngày nay) trước sảnh có sàn đá granite láng bóng nên trẻ con rất khoái vào đây chơi... trượt patin.

Hay như rạp Thanh Bình nằm trên đường Phạm Ngũ Lão, sau này đổi tên thành rạp Quốc Tế là nơi đầu tiên trang bị màn hình chiếu cong 72 li hiện đại nhất bấy giờ, chiếu những bộ phim hành động có đại cảnh vô cùng đẹp mắt.

Ngoài ra còn có một loạt rạp khác ở khắp các quận trong thành phố, mỗi rạp có một kiểu chiếu khác nhau, gu chọn phim khác nhau và dành cho những đối tượng khán giả khác nhau, từ bình dân đến giới trung lưu, nhà giàu.

Rạp Lệ Thanh, Q.5 từ lâu đã không sử dụng cho việc biểu diễn hay chiếu phim - Ảnh: Q.Định

Chuyển công năng để... “chống lãng phí”?

Rạp Kim Châu (đường Nguyễn Thái Bình, Q.1) từng có thời gian thuộc quản lý của bà bầu Hồng Vân nhưng sau này do không kham nổi nên thường xuyên đóng cửa và trở thành nơi tập của Nhà hát ca múa nhạc Bông Sen.

Rạp Lệ Thanh (đường Phan Phú Tiên, Q.5) hiện được dùng làm nơi tập luyện và biểu diễn định kỳ của nhóm múa Arabesque.

Rạp Hào Huê (sau đổi tên là rạp Nhân Dân, đường Trần Phú, Q.5) khi xưa từng là nơi chiếu phim, diễn cải lương nhưng giờ chủ yếu đóng cửa, phía trước bán đồ ăn sáng, cà phê.

Rạp Khải Hoàn (góc Cống Quỳnh và Phạm Ngũ Lão, Q.1) từng có thời gian thuộc Nhà hát Giao hưởng vũ kịch, giờ thành trung tâm điện máy.

Rạp Thanh Vân (đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.3) hiện là nơi tập dợt của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch. Rạp Quốc Thanh (đường Nguyễn Trãi, Q.1) đang cho thuê làm trung tâm tiệc cưới...

Tính ra, TP.HCM “có sẵn” rất nhiều rạp hát như vậy nhưng hầu hết đều xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn cũng như tiêu chuẩn của một nhà hát, sân khấu hay rạp chiếu hiện đại, phục vụ đời sống tinh thần của người dân thành phố.

Việc chuyển đổi công năng của các rạp hát đó được xem như một hình thức “chống lãng phí” cơ sở vật chất của thành phố nhưng thực chất lại tạo nên một kiểu lãng phí khác.

Luyến tiếc không gian kỷ niệm xưa nhưng hẳn ai cũng muốn không gian đó sẽ được sống một “kiếp sống mới” trong một hình hài đẹp đẽ, tiện dụng hơn là cứ giữ mãi “vẻ đẹp xưa” nhưng cũ kỹ, mục nát, tồi tàn đến trở thành hoang phế hoặc biến thành nơi... đánh bida như rạp Cầu Bông hay nơi giữ xe, bán cà phê vỉa hè như rạp Hào Huê, Lệ Thanh.

Với NSƯT Thành Lộc cũng như bao “người Sài Gòn xưa”, rạp chiếu phim, nhà hát là nơi của những cuộc hò hẹn đẹp đẽ một thời.

“Tôi nhớ trong bộ phim Ý Thiên đường điện ảnh (Cinema Paradiso) có cảnh rạp chiếu phim cũ kỹ bị đập bỏ để xây cái khác, tuy nhiên vì cái rạp đó đã là một phần đời của thành phố nên người dân đã xếp hàng khóc như mưa. Còn tôi thì cứ mỗi lần đi ngang những nơi khi xưa từng là rạp chiếu phim, nay đóng cửa tối tăm đầy rác, tôi có cảm giác cứ như nhìn thấy... một người đã chết mà chưa được đem chôn!”.

69 cụm rạp của Nhà nước

Theo số liệu thống kê từ năm 2013 của Cục Điện ảnh, hiện nay cả nước có 69 cụm rạp với 104 phòng chiếu trong sự quản lý của Nhà nước. Trong đó, Hà Nội là nơi tập trung nhiều cụm rạp nhất, trên 10 cụm.

Trừ các tỉnh An Giang, Bắc Kạn, Bình Dương, Bình Phước, Đắk Nông, Cà Mau, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Sơn La, Hậu Giang, Ninh Thuận, Yên Bái, Vĩnh Long, Phú Thọ, Lào Cai, Bắc Ninh không có rạp, còn các tỉnh thành khác trong cả nước đều có 1-3 cụm rạp.

Riêng tỉnh Hải Dương có rạp nhưng đã ngừng hoạt động và tỉnh Tuyên Quang có rạp đang xây dựng từ mấy năm trước nhưng đến giờ vẫn chưa xong. Các rạp chiếu phim ở các tỉnh thành đều do sở VH-TT&DL của tỉnh quản lý.Đức Triết

“Bảng phong thần” rạp hát

Hiện nay rất nhiều rạp hát đã được chuyển công năng và “biến mất”: hai rạp Tân Định (đường Hai Bà Trưng, Q.1) và Cao Đồng Hưng (Q.Bình Thạnh) đã được chuyển hẳn thành nhà sách, thuộc hệ thống Fahasa.

Rạp Quốc Thanh đang được một đơn vị khác thương lượng mua lại để xây cao ốc.

Rạp Lê Lợi (đường Lê Thánh Tôn, Q.1) nay thành phòng trà Không Tên.

Rạp Vĩnh Lợi (đường Lê Lợi, Q.1) thành sàn giao dịch chứng khoán.

Rạp Long Thuận (đường Trương Định, Q.1) thành trụ sở công ty thiết bị điện.

Rạp Olympic (đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1) thành Trung tâm văn hóa TP.HCM.

Rạp Đại Đồng (đường Cao Thắng, Q.3) chuyển thành nơi diễn kịch của sân khấu kịch Sài Gòn.

Rạp Long Phụng (đường Lý Tự Trọng, Q.1) được chuyển thành điểm diễn của Nhà hát nghệ thuật hát bội TP.HCM nhưng luôn đóng cửa, tắt đèn.

Ba rạp: Minh Châu (đường Lê Văn Sỹ, Q.3), Văn Hoa (đường Trần Quang Khải, Q.1), Kim Đô (đường Ký Con, Q.1) đều đã được giải tỏa để xây mới thành một khu phức hợp, trong đó có rạp chiếu phim nhưng chưa có kinh phí xây dựng.

Riêng các rạp Thăng Long (đường Cao Thắng, Q.3), Vinh Quang (đường Pasteur) đã được đập và xây thành những khu phức hợp có rạp chiếu phim, dự kiến khánh thành năm 2015.

Rạp Đống Đa (Q.5) đã được nâng cấp và đang hoạt động như một rạp chiếu tiên tiến.

Ngoài ra, những rạp còn lại như Hào Huê (đường Trần Phú, Q.5), Đại Quang (đường Châu Văn Liêm, Q.5), Toàn Thắng (đường Châu Văn Liêm, Q.5), Tân Việt (đường Trần Hưng Đạo, Q.5), Lido (đường Trần Hưng Đạo, Q.5)... thì đang “hấp hối”.

H.O. - Q.N.

_______________

Kỳ cuối: Một quá khứ cần được khép lại

HOÀNG OANH - Q.NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên