Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng (bìa trái) kiểm tra công tác thi tại Hà Giang - Ảnh: TTXVN
Tối 18-7, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ - trưởng Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 - đã ký quyết định thành lập hai tổ công tác xác minh dấu hiệu bất thường tại hai tỉnh này.
Hai tổ công tác nói trên có nhiệm vụ giúp bộ trưởng chỉ đạo việc kiểm tra, xác minh dấu hiệu bất thường về kết quả thi tại tỉnh Sơn La và Lạng Sơn. Kinh phí thực hiện lấy từ nguồn phí dự thi, dự tuyển năm 2018. Quyết định này có hiệu lực ngay từ ngày 18-7.
Như vậy, trong vòng 7 ngày, đã có 3 tổ công tác được thành lập để rà soát những bất thường của kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Trước đó, sau những sai phạm liên quan đến điểm thi THPT quốc gia tại tỉnh Hà Giang, những thông tin nghi vấn có hiện tượng tiêu cực tiếp tục dấy lên tại Sơn La, Lạng Sơn.
Theo nhiều chuyên gia, Bộ GD-ĐT cần phải "vào cuộc" với hai địa phương này theo quy trình tương tự đã làm ở Hà Giang. Nếu không, ngành giáo dục sẽ không thể lấy lại niềm tin của xã hội… Cũng theo các chuyên gia, với hai địa phương này phải làm theo đúng quy trình tương tự đã làm ở Hà Giang.
Tại tỉnh Sơn La được "điểm danh" vì phổ điểm một số môn - đặc biệt là môn toán, môn vật lý - được cho là bất thường. Bởi lẽ, theo quy tắc bình thường phổ điểm sẽ cao ở phần giữa, thoải dần sang hai bên, nhưng những phổ điểm này ở Sơn La lại bất ngờ được "vun cao" lên ở phía điểm từ 9 trở lên.
Thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội - cho rằng với phổ điểm của Sơn La đã được một số chuyên gia chỉ ra, thì "Sơn La cũng có bất thường".
"Phổ điểm đó bị lệch so với thông số tính toán bình thường. Số điểm cao gấp cả chục lần so với tính toán. Đó là điểm bất thường đầu tiên. Ngoài ra, có một số cá nhân điểm thi bất thường khi mức vênh thi thử - thi thật rất khó tin" - ông Tùng nói.
Ông Tùng dẫn chứng trường hợp một thí sinh đạt điểm thi thật toán 9,6 - văn 9 - tiếng Anh 10 - lịch sử 10, trong khi đó điểm thi thử trước đó ở trường cách xa với điểm thi thật: toán 6,4 - văn 6,5 - tiếng Anh 5,8 - lịch sử 5,5.
Không chỉ Sơn La, tại Lạng Sơn một số học sinh bày tỏ sự bức xúc khi có bạn học lực bình thường ở lớp, nhưng khi thi quốc gia với đề khó lại nhảy vọt lên bằng điểm thi cao ngất ngưởng.
Ngoài ra, một danh sách điểm thi có tên 35 thí sinh là công an nghĩa vụ dự thi tại Lạng Sơn có số điểm đồng loạt cao, với tổng điểm ba môn toán, ngữ văn, lịch sử từ mức 21,35 điểm đến 25,15 điểm, nếu tính cả điểm ưu tiên thì số thí sinh này đạt từ 24,1 điểm đến 27,9 điểm.
Tuy nhiên, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, danh sách 35 thí sinh này chỉ là một phần trong danh sách hơn 100 thí sinh thuộc đối tượng công an nghĩa vụ thi tại Lạng Sơn được xếp thứ tự từ điểm cao xuống điểm thấp.
Với danh sách đầy đủ hơn 100 thí sinh, số thí sinh đạt được trên 20 điểm trở lên chiếm khoảng 1/3. Nếu cộng cả điểm ưu tiên, số thí sinh đạt trên 20 điểm là 77/112. Còn lại, thí sinh thấp điểm nhất có tổng điểm ba môn 7,3 và có khoảng 20 thí sinh có tổng điểm ba môn từ 15 điểm trở xuống.
Chiều 18-7, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Quốc Tuấn - giám đốc Sở GD-ĐT Lạng Sơn - xác nhận Sở GD-ĐT Lạng Sơn đang tiến hành rà soát theo chỉ đạo của UBND tỉnh để "xem điểm thi của tỉnh thế nào".
Đến thời điểm này chưa có kết quả rà soát, nhưng ông Tuấn khẳng định sở sẽ làm thật khẩn trương để sớm báo cáo UBND tỉnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận