Trước đó, sau khi có điểm thi THPT quốc gia, trên mạng xã hội lan truyền thông tin điểm thi THPT quốc gia năm 2018 của Hà Giang có nhiều bất thường, như cả nước chỉ có 76 thí sinh có điểm thi khối A1 đạt từ 27 điểm trở lên thì Hà Giang có đến 36 thí sinh đạt mức điểm này, chiếm 47,37%...
Cần "lôi ra ánh sáng" mọi góc khuất
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, với kết quả giáo dục đào tạo nhiều năm qua thì thấy rõ Hà Giang không thể đủ số học sinh giỏi ngang với Hà Nội và TP.HCM.
Hà Nội có 78.000 thí sinh dự thi, Hà Giang chỉ có hơn 5.000 thí sinh nhưng số thí sinh đạt điểm 9,10 của Hà Giang vượt trội hơn hẳn, đây là điều rất bất thường.
"Tôi đã đi tư vấn tuyển sinh, quảng bá thông tin về trường ở các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Hà Giang. Tôi nhận thấy nếu mọi khâu của công tác tổ chức thi đều nghiêm túc thì không thể có kết quả cho số đông học sinh áp đảo so với học sinh Hà Nội, TP.HCM.
Nếu chỉ có một vài thí sinh điểm xuất sắc nổi bật thì còn có thể tin được, chứ số đông đều có kết quả thi quá cao so với mặt bằng thì cần phải thanh tra, kiểm tra kỹ lưỡng.
Với số liệu vừa qua, nếu xảy ra sai sót thì không chỉ là tiêu cực, gian lận cá nhân".
Trong khi đó, theo một số chuyên gia, trường hợp này, công an phải vào cuộc thì mọi 'góc khuất' mới được đưa ra ánh sáng.
"Còn về phía trường đại học, các trường vẫn tuyển từ điểm cao xuống điểm thấp theo chỉ tiêu đã đăng ký. Song việc đỗ vào đại học mới chỉ là bước đầu, các trường còn tiếp tục thực hiện "thanh lọc" trong quá trình đào tạo.
Nếu sức học thật của thí sinh không đúng với điểm số đã đạt thì dù có vào đại học, các em cũng khó 'trụ' được lâu. Vì vậy, điểm thi THPT quốc gia cao cũng không phải là 'chìa khóa vạn năng' để mở cánh cửa đến tương lai", ông Điền nói.
Phải mở rộng giám sát xã hội
Cùng quan điểm, TS Lê Viết Khuyến - nguyên phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT, cho rằng trong bối cảnh mức điểm cao 9,10 giảm hẳn so với năm ngoái mà đột nhiên Hà Giang lại có số lượng thí sinh đạt điểm cao nổi bật thì rõ ràng đây là chuyện bất thường.
"Trong công văn Bộ GD-ĐT gửi Hà Giang yêu cầu rà soát, kiểm tra cũng đã gọi tên sự việc được phản ánh trên báo chí về 'kết quả điểm thi có dấu hiệu bất thường tại Hội đồng thi Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang'.
Đối với sự việc này, đã có ý kiến lo ngại nếu để Hà Giang tự rà soát thì rất có thể kết quả sẽ là 'đúng quy trình'. Theo tôi, việc tổ chức thi đã phân cấp cho địa phương thì trước hết cứ để địa phương báo cáo.
Tuy nhiên nếu báo cáo của địa phương kết luận 'không có gì bất thường xảy ra' thì không thể chấp nhận kết quả đó. Khi ấy, thanh tra Bộ hay thanh tra Chính phủ hoặc công an cần vào cuộc để làm sáng tỏ mọi chuyện", ông nói.
Cũng theo TS Lê Viết Khuyến: từ câu chuyện "không biết điều gì đã diễn ra tại kỳ thi THPT quốc gia ở Hà Giang", chúng ta thấy rõ rằng nếu tiếp tục phân cấp kỳ thi quốc gia cho địa phương tổ chức quan trọng là phải gắn trách nhiệm tổ chức ấy cho người đứng đầu tỉnh.
Nếu xảy ra sai sót, chúng ta không thể chỉ xuê xoa xử lý ông phó trưởng phòng khảo thí hay ông phó giám đốc sở, mà chính chủ tịch UBND tỉnh cũng phải chịu trách nhiệm trước chính phủ. Ngoài ra, phải có giám sát chặt với kỳ thi do địa phương tổ chức.
Lâu nay, việc giám sát chỉ là "nội bộ", giám sát trong ngành giáo dục với nhau. Quan trọng là phải mở rộng giám sát xã hội, trong đó đặc biệt là vai trò giám sát của báo chí. Nhất định không thể để các hội đồng thi lấy cớ "bảo mật", "an toàn" để che chắn không ai biết trong phòng thi, trong phòng chấm thi có điều gì đang diễn ra được.
Cần kiểm tra kỹ lại khâu chấm thi trắc nghiệm
ThS Phùng Quán - trưởng phòng thông tin - truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết: "Qua tham gia công tác thanh tra "cắm chốt" kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, tôi nhận thấy ở khâu coi thi khó có thể có sai phạm vì trong phòng thi vừa có giảng viên đại học vừa có giáo viên THPT, ngoài phòng thi có hai thanh tra cắm chốt đi kiểm tra thường xuyên. Sai phạm chỉ xảy ra khi giảng viên đại học cùng các giáo viên THPT "bắt tay" canh chừng thanh tra.
Nếu mọi chuyện đều đúng theo quy trình coi thi, thì khâu tiếp theo là chấm thi. Vì chấm thi trắc nghiệm, không biết có sai sót gì trong việc quét chấm bài thi hay không? Cần kiểm tra kỹ lại khâu chấm thi trắc nghiệm ở địa phương này".
Trong khi đó ThS Phạm Thái Sơn - giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, có ý kiến khác. Ông cho rằng các khâu coi thi, chấm thi... năm nay đều rất chặt chẽ và có sự giám sát chéo của các đơn vị với nhau. Đặc biệt trong tất cả công đoạn nhạy cảm như in sao đề, làm phách, bảo quản bài thi và chấm thi trắc nghiệm đều có sự giám sát của cơ quan an ninh. Do đó sự việc ở Hà Giang, nếu có gian lận thì phải là gian lận có hệ thống, do tất cả các thành viên tham gia trong quy trình đó thông đồng với nhau.
Tuy nhiên khả năng này dường như là không thể. Do vậy, trước những ý kiến về điểm thi bất thường ở Hà Giang, cần kiểm tra thật kỹ để đảm bảo công bằng cho tất cả các bên. "Theo tôi nếu xảy ra tiêu cực thì chỉ có thể ở khâu coi thi tại một số điểm thi, song điều này cũng khó xảy ra, nếu có thì do những cá nhân thực thi chứ về quy trình tổ chức có sự giám sát chéo rất chặt chẽ của các bên tham gia", ông nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận