16/09/2006 06:04 GMT+7

Xa lộ còn xa

ĐẶNG TƯƠI
ĐẶNG TƯƠI

TT - Tiếp cận thông tin, chat, tìm bạn, game online... đã thu hút nhiều thanh niên ngoại thành ở một số thành phố lớn đến với Internet. Còn ở rất nhiều vùng ngoại thành khác trên cả nước, con đường phát triển tin học cho nông dân hiện đang còn gập ghềnh.

i6yrGeAY.jpgPhóng to
Những tiệm Internet như thế này chỉ mới có ở những vùng ngoại thành một số thành phố lớn - Ảnh: N.Bay
TT - Tiếp cận thông tin, chat, tìm bạn, game online... đã thu hút nhiều thanh niên ngoại thành ở một số thành phố lớn đến với Internet. Còn ở rất nhiều vùng ngoại thành khác trên cả nước, con đường phát triển tin học cho nông dân hiện đang còn gập ghềnh.

Kỳ 2: “Nông dân a còng” Kỳ 1: Từ ruộng lên “nét”

Chỉ là tự tìm tòi

Anh Nguyễn Hùng Dân (Nhà Bè, TP.HCM) tâm sự: “Xem tivi, nhìn nông dân các nước phát triển mà thèm. Họ được trang bị quá nhiều điều hữu ích cho việc phát triển sản phẩm của họ ngay từ khi mới có ý tưởng. Bản thân chúng tôi khi có ý định làm việc gì đó thì chưa đủ thông tin. Lên mạng, giữa một biển trời tri thức, chúng tôi không có cái nền để chọn lọc cho mình những điều cần thiết”.

Đây cũng là điều anh Võ Văn Trạc (Lý Nhơn, Cần Giờ) băn khoăn: “Cứ nhìn thì thấy: Cần Giờ đường sá còn kém, môi trường thì bị biến động, đường điện thoại hữu tuyến chưa nhiều, bản thân cuộc gọi điện thoại còn bị gián đoạn thì nói chi đến xa lộ thông tin”.

Tại một tiệm Internet ở Long Thới (Nhà Bè), Quỳnh Loan - một người trong nhóm bạn trẻ vừa tan ca từ Khu công nghiệp Hiệp Phước rủ nhau vào “nét” - cho biết: “Internet về làng như mở ra một không khí mới cho tụi này, nhưng quả thật ngoài chat, game, tìm bạn, tụi mình chưa biết phải làm gì thêm”.

Một bạn khác - Đoan Trang - nói: “Bữa trước mình coi tivi thấy có cô gì ở miền Tây thông qua Internet đã giới thiệu bưởi năm roi cho mọi người, làm ăn rất tốt. Tụi mình cũng muốn điều đó lắm chứ, nhưng làm như thế nào thì mù tịt”.

Hữu Trí ngồi cạnh nói thêm: “Vừa rồi, tôi có hỏi Đoàn thanh niên cơ quan về những lớp huấn luyện cách lên mạng cho tốt, được trả lời có nhu cầu thì tự học đi. Đến trung tâm học chứng chỉ A, B, C tin học toàn thấy lý thuyết, không biết đâu mà lần. Chúng tôi tự lên “nét” mày mò. Nếu các bạn ở thành phố có nhiều thuận tiện trong việc tiếp cận xa lộ thông tin thì với thanh niên ngoại thành như chúng tôi, việc mày mò như thế là con đường dài”.

Đa số bạn trẻ ở những vùng ngoại thành chúng tôi tiếp xúc đều rất háo hức với Internet, nhất là khi đường truyền tốc độ cao đã về tới ngõ. Một cán bộ xã nói: “Internet đã về làng lâu rồi, nhưng việc giúp sử dụng Internet để trao cho người dân ở đây “cái cần” để “câu cá” nhằm cải thiện cuộc sống thì vẫn còn xa lắm. Chỉ mới có một số nông dân sáng tạo, tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình mà thôi”.

4yN0cXzw.jpgPhóng to
Chị Cao Thị Hòa (bìa phải, HTX Ngã Ba Giồng, Hóc Môn, TP.HCM) đang làm thủ tục vay vốn của Liên minh HTX TP cho các hộ xã viên. Chị Hòa là một nông dân đã biết tận dụng Internet để đổi đời - Ảnh: N.Bay
Thì tương lai

Từ trước đến nay, nhiều chương trình ứng dụng công nghệ thông tin vào nông thôn đã được triển khai, song kết quả còn khá khiêm tốn. “Phổ cập tin học” là một chương trình được Đoàn TNCS ở nhiều tỉnh, thành cả nước thực hiện nhưng chủ yếu chỉ mới dừng lại ở mức giới thiệu cho thanh niên nông thôn về máy tính và Internet. Một cán bộ ở Nhà Bè thú thật: “Chính bản thân chúng tôi cũng chưa xem hoặc chưa biết lợi dụng thế mạnh của Internet như thế nào chứ nói chi...”.

Chương trình “Nông dân điện tử” cũng đã được tổ chức ở nhiều nơi từ lâu đặt mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện cho nông dân khai thác thông tin, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, song hiện vẫn chỉ là phong trào... thí điểm!

Rất nhiều quận, huyện trên cả nước đã lập hẳn trang web riêng đều có phần hỗ trợ nông dân về nuôi trồng, nhưng có nông dân gửi câu hỏi thì hoặc không có hồi âm hoặc phải đợi cả tháng!

Anh Lê Long Hòa (Cần Giờ) kể câu chuyện mày mò làm ăn của mình: “Thời gian đầu, khi tôi thất bát việc nuôi tôm, đi tìm anh cán bộ khuyến nông thì được trả lời khá sơ sài, về nhà lên mạng thì chưa thấy nhiều website tiếng Việt hữu ích. Lên web nước ngoài thì tiếng Anh không có, nhờ được người dịch rồi thì thấy kiến thức, kinh nghiệm lẫn thực tế của họ thật khác với mình”.

Chị Trần Mai Phương, quản lý website www.vietlinh.com.vn (trang web chuyên về nông nghiệp - nông thôn, hỗ trợ thông tin sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân), nhận xét: Hiện tại đa số lao động nông nghiệp trình độ văn hóa chưa cao, thu nhập thấp, chưa tiếp cận được tin học, thông tin về nông nghiệp trên các trang Internet bằng tiếng Việt quá ít, do đó Internet chưa phổ biến đến nông dân.

Theo khảo sát của chúng tôi, tại các điểm bưu điện văn hóa xã (điều mong đợi của người dân ngoại thành trong việc tiếp cận thông tin nhờ có nối mạng Internet) đã có mặt trên cả nước, chủ yếu người dân đến chỉ gọi điện thoại, gửi thư, Internet còn hoạt động hạn chế. Một trong những nguyên nhân là các điểm này diện tích hẹp, ít máy tính, đường truyền còn chậm, nông dân ngại đến…

Hiện cả nước có khoảng 9.000 điểm bưu điện văn hóa xã, trong số đó có khoảng 2.000 điểm có Internet, nhưng chất lượng còn ở… thì tương lai! Đó là chưa nói đến cách quản lý bất cập các điểm kinh doanh dịch vụ Internet cũng làm hạn chế sự phát triển Internet đến với người dân.

Một cán bộ ngành văn hóa thông tin một huyện ngoại thành TP.HCM cho biết: “Với vô số quyết định, thông tư các ngành liên quan đến quản lý Internet mà thậm chí người đi kiểm tra cũng chưa nắm hết thì huống gì các chủ tiệm Internet. Một tiệm Internet mới mở ra, khách chưa thấy nhưng đã thấy ngành liên quan đến đề cập chuyện thông tư, qui định...”.

Rất nhiều chủ dịch vụ Internet ở nông thôn cũng “kêu trời” với các qui định như: trẻ em dưới 16 tuổi đến Internet phải có người giám hộ; người đến thuê máy nối mạng ở các dịch vụ phải khai báo tên tuổi, số chứng minh nhân dân; lưu lại thông tin của khách hàng truy cập trên máy tính trong vòng 30 ngày…

Nhiều chiến lược qui hoạch phát triển Internet, hỗ trợ nông dân, thanh niên ở các quận huyện ngoại thành các thành phố lớn cũng đang nằm ở khâu… viết đề án. Theo đó, từ nay đến năm 2020, nhiều chương trình sẽ được triển khai: xây dựng cổng thông tin điện tử cung cấp thông tin khoa học công nghệ phục vụ phát triển sản xuất; phổ cập tin học cho vùng nông thôn; huấn luyện trực tuyến hướng dẫn nông dân nuôi trồng...

Còn hiện nay, khi hầu hết các vùng nông thôn đang là những “vùng trắng” Internet và xa lộ thông tin chỉ mới đến được với thanh niên nông thôn ở một số vùng ngoại thành của các thành phố lớn, việc người dân ở các vùng ngoại thành và nông thôn muốn tiếp cận xa lộ thông tin còn phải đi một con đường xa tít tắp.

ĐẶNG TƯƠI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên