"Mẹ cu Trường mua cá dìa về nấu canh thơm à? Cu Trường xạ trị xong ăn lại được rồi à? Rứa mừng quá, để em phụ chị một tay làm cá cho nhanh" - chị Trần Thị Thủy, mẹ của bệnh nhi Trương Bảo Phúc, vừa nói vừa xách túi nilông từ tay một người mẹ bệnh nhi khác mới đi chợ về.
Ở đây, chúng tôi tìm được niềm vui và chia sẻ với nhau nỗi lo lắng sau mỗi giờ căng thẳng thấy con mình vật vã bởi hóa trị, xạ trị; giúp chúng tôi có thêm động lực và đem lại hi vọng cùng con thắng bệnh ung thư."
Anh LÊ ĐÌNH NGHĨA (bố một bệnh nhi ung thư)
Chị Thủy là một trong số hàng chục người mẹ, người bố của các bệnh nhi ung thư đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế, đang nấu ăn trưa tại "ngôi nhà hi vọng" nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở đường Hai Bà Trưng, TP Huế.
Mô hình Nhật Bản
Cứ mỗi ngày, sau những buổi chăm con tại bệnh viện, họ lại tập trung về đây để nấu nướng, trò chuyện, san sẻ với nhau về bệnh tình của con. "Kể từ khi được giới thiệu vào đây đầu năm 2017, tôi cùng hai cháu nhỏ cảm thấy rất vui và thoải mái, các mẹ, các bố đều coi mấy đứa nhỏ như con" - chị Thủy nói.
Anh Lê Minh Nhật - hội trưởng hội phụ huynh bệnh nhi ung thư ở Trung tâm nhi khoa Bệnh viện Trung ương Huế, người quản lý căn nhà - cho biết ngôi nhà này hiện có 6 phòng nghỉ, mỗi phòng rộng chừng 10m2 có máy điều hòa, một khu bếp. Hiện căn nhà đón hơn 10 phụ huynh đến nghỉ mỗi đêm và hàng chục lượt phụ huynh đến nấu bữa trưa, bữa tối cho các cháu.
Anh Nhật cho biết ngôi nhà này là mô hình mà anh cùng các thành viên học tập từ Nhật Bản. "Ở Nhật, các bệnh nhi ung thư được chăm sóc tốt, người nhà bệnh nhân được bố trí khu ăn ở, nấu nướng và vệ sinh riêng. Ở Việt Nam, hầu như người nhà bệnh nhân đều phải mua cơm, cháo ở bên ngoài, không đảm bảo vệ sinh, đó là chưa kể người nuôi bệnh luôn vật vờ tại các hành lang bệnh viện" - anh Nhật chia sẻ.
Nơi nối dài hi vọng
Ban đầu, anh Nhật cùng hội quyết định thuê một phòng trọ nhỏ để làm nơi nấu nướng, tắm giặt… cho tất cả người thân đang chăm con cháu bị ung thư điều trị tại khoa nhi. Thế nhưng căn phòng quá hẹp mà nhu cầu lại đông khiến anh Nhật rất đau đầu. May thay, câu chuyện trên đến tai cô Kazuyo Watanabe - chủ tịch Liên đoàn chăm sóc trẻ em châu Á (ACCL).
Vào đầu năm 2017, cô Watanabe đã thuê giúp hội một căn nhà 4 tầng khang trang nằm ở đường Hai Bà Trưng, cách bệnh viện khoảng 300m và đặt tên là "Ngôi nhà hi vọng". Số tiền 8 triệu đồng thuê nhà hằng tháng cũng được ACCL tài trợ. Ngoài ra, cô Watanabe còn giới thiệu các mạnh thường quân để họ "tiếp sức" cho ngôi nhà bằng gạo, mắm muối, tiền bạc…
Theo anh Lê Minh Nhật, một số hội, tổ chức liên quan đến chăm sóc bệnh nhân ung thư ở Hà Nội, TP.HCM cũng đã tìm về Huế để học tập mô hình "ngôi nhà hi vọng". Thế nhưng, điều anh Nhật cùng các phụ huynh khác lo lắng đó là kinh phí để duy trì ngôi nhà cũng như các hoạt động hỗ trợ phụ huynh khác.
Chia sẻ niềm trăn trở với chương trình "Ước mơ của Thúy", anh Nhật nói rằng hầu hết các phụ huynh bệnh nhi ở đây đều đến từ các vùng quê nghèo và chủ yếu sống nhờ bằng ruộng lúa. "Nhiều phụ huynh phải nhịn cả ăn sáng để có tiền mua thuốc cho con. Hình ảnh đó khiến tôi rất đau lòng" - anh Nhật nói.
"Bố Nhật ơi!"
Đó là danh xưng được các bệnh nhi ung thư đang điều trị tại khoa nhi Bệnh viện Trung ương Huế gọi anh Lê Minh Nhật. Anh Nhật là cha của bé Lê Minh Tuệ Như, là bệnh nhi ung thư máu vừa mất cách đây 2 năm.
"Sau khi bé mất, tôi không muốn làm hội trưởng nữa vì không muốn quay trở lại bệnh viện, nơi con mình từng trải qua những cơn đau trong 5 năm trời. Thế nhưng thấy các bé tội quá, như con mình ngày xưa nên tôi thương, không nỡ bỏ" - anh Nhật nói.
Hiện mỗi năm anh cùng với hội phụ huynh các bệnh nhi đi tìm các quỹ học bổng, nhận từng tấm chăn, hộp sữa từ mạnh thường quân đưa về phát đều cho các bạn nhỏ ở đây. Gia cảnh, bệnh tình của các bệnh nhi, anh Nhật đều nắm rõ như lòng bàn tay mình.
"Tôi dự định sẽ mở thêm một lớp học dạy chữ cho các cháu sau khi "ngôi nhà hi vọng" chuyển về địa chỉ mới. Các bạn sinh viên thiện nguyện của nhóm Blue xanh ở Trường ĐH Y dược Huế đã đồng ý làm "thầy cô" miễn phí cho các em và đến cuối năm sẽ mở lớp" - anh Nhật cười vui nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận