Hình ảnh thường thấy ở nhiều trường mầm non hiện nay: cô giáo phải đút cho trẻ ăn chứ trẻ không tự múc ăn - Ảnh: H.HG.
Rất nhiều bà mẹ Việt khi gặp nhau đều hỏi một câu giống nhau: “Con của bạn/chị/em được bao nhiêu ký?”, thay vì hỏi: “Bé đã biết nói chưa?” hoặc “Bé nhận biết được con số nào?”, “Bé cao bao nhiêu centimet rồi?”...
Theo một số hiệu trưởng trường mầm non ở TP.HCM, không ít phụ huynh có quan niệm trẻ phải béo, phải mập mới tốt. Thậm chí, có bé đã thừa cân nhưng gia đình vẫn ép ăn nhiều hơn nhu cầu.
Xã hội đã phát triển, điều kiện sống khấm khá hơn, nhiều phụ huynh cho rằng mình có tiền thì mua thật nhiều thức ăn bổ dưỡng cho con mau lớn, to, khỏe...
Không tăng cân thì chuyển trường
Chủ đầu tư một trường mầm non tư thục ở Q.Bình Tân (TP.HCM) kể: "Hầu hết phụ huynh khi đến tìm hiểu về trường chúng tôi đều đặt câu hỏi: "Mỗi tháng bé sẽ tăng cân được bao nhiêu?".
Tôi biết đó là nhu cầu chính đáng, ai nuôi con cũng muốn con mình phát triển tốt. Nhưng phụ huynh đưa yêu cầu tăng cân lên hàng đầu - thay vì chiều cao và những kỹ năng quan trọng khác như biết chào hỏi người lớn, biết tự thay đồ, tự xúc ăn, tích cực tham gia các hoạt động trong lớp... thì ít người đặt vấn đề.
Thế nên, dù không muốn nhưng chúng tôi vẫn phải đặt ra tiêu chí đối với giáo viên và bảo mẫu: phải ép trẻ ăn hết suất để tất cả các cháu tăng cân đều đều".
Áp lực trên vai người trông trẻ càng nặng nề hơn vì trường tư thục sống nhờ nguồn thu từ phụ huynh. Hiệu trưởng một trường mầm non tư thục ở quận vùng ven TP.HCM đã bộc bạch: "Lúc đầu tôi nói với các giáo viên không nên ép trẻ ăn quá nhiều khiến các cháu sợ bữa ăn.
Nếu bữa trưa cháu ăn ít thì đến bữa xế cháu sẽ ăn nhiều hơn vì trẻ con không thể nhịn đói được. Đồng thời tôi cũng yêu cầu giáo viên phải rèn cho trẻ thói quen tự xúc ăn, không trông chờ vào người lớn, nhất là những lớp từ 3 tuổi trở lên.
Nhưng sau 4 tháng, một số học sinh không tăng cân hoặc tăng cân chậm, phụ huynh bắt đầu có lời ra tiếng vào, rồi 2, 3 người xin chuyển con sang trường khác.
Chủ đầu tư yêu cầu họp gấp, tức tốc thay đổi chiến lược: đồng ý để các cô đút cho trẻ ăn và ép các cháu phải ăn hết suất - mặc dù có cháu cứ ngậm trong miệng chứ không chịu nuốt, giờ ăn có khi kéo dài hơn 60 phút".
Gánh nặng và áp lực trên không chỉ có ở trường, nhóm, lớp mầm non tư thục. "Không phải tất cả nhưng có rất nhiều phụ huynh coi trọng việc lên cân của trẻ. Mỗi trẻ có sự phát triển khác nhau và tùy theo mỗi thời điểm.
Ví dụ tháng này bé bị ốm, sốt, đau họng... thì rất khó tăng cân nhưng phụ huynh xem sổ liên lạc thấy con mình không tăng cân là buồn phiền, chất vấn giáo viên, thậm chí là cả câu hỏi: Bé có được uống sữa ở trường không?" - cô D., giáo viên một trường mầm non công lập ở Q.Bình Thạnh, cho biết.
Những bữa ăn kinh hoàng với cả... giáo viên
"Điều bất ngờ nhất và làm cho tôi ngạc nhiên nhất là cách cho trẻ ăn ở các trường mầm non Việt Nam" - Peter Drejer, sinh viên Trường University Nordjylland (Đan Mạch), đã nói như thế khi sang Việt Nam thực tập 6 tháng tại một trường mầm non trên địa bàn TP.HCM.
Peter dẫn chứng: "Sáng sớm, trẻ mới ngủ dậy, nhiều bé còn ngái ngủ khi đến trường nhưng đã phải ngồi vào bàn ăn sáng rồi. Ăn xong thì học và chơi được khoảng hơn một tiếng, các cô lại giặm thêm nước chanh hoặc yaourt, 10h30 các bé đã ăn trưa. Đến khi ngủ trưa vừa mới dậy thì lại ăn xế...".
Nikolaj Svendsen, bạn cùng khóa với Peter, kể: "Ở Đan Mạch, trẻ sẽ ăn bất cứ khi nào bé muốn. Các bé sẽ mang phần ăn của mình (đã được ba mẹ chuẩn bị sẵn ở nhà) đến trường chứ nhà trường không nấu ăn cho hàng loạt học sinh. Khi nào bao tử réo gọi thì các bé lấy đồ ăn ra và tự ăn.
Sau khi ăn xong, trẻ tự dọn dẹp mọi thứ, cho vào balô, khi nào đói lại lấy ra ăn tiếp. Các bé sẽ ngồi tự do và được ăn bất cứ khi nào cảm thấy đói chứ không ngồi vào bàn ăn ngay ngắn như ở Việt Nam".
Nikolaj cũng đặt câu hỏi: "Tại sao cô giáo cứ phải đút cho học sinh ăn trong khi các bé có thể tự ăn?".
Cô D. chia sẻ: "Nhiều năm liền phụ trách giảng dạy ở lớp chồi (học sinh từ 4-5 tuổi) nhưng tôi vẫn phải đút cho nhiều bé ăn. Đã từ lâu, nhiều người có suy nghĩ rằng: việc không cho học sinh ăn hết suất là giáo viên chưa hoàn thành nhiệm vụ".
Tuy vậy, sự kinh hoàng nhất đối với các giáo viên mầm non chính là ở nhà phụ huynh thường xuyên ép trẻ ăn nhiều món bổ dưỡng, khó tiêu hóa khiến bé sợ ăn và trở thành trẻ biếng ăn.
"Có học sinh cứ đến bữa ăn là... đau bụng, có bé đến bữa ăn là trốn... trong nhà vệ sinh, có bé không muốn ăn còn nói dối là: Cô cho con nhịn ăn một bữa để chiều con đi khám bác sĩ...", cô L., giáo viên một trường mầm non tư thục ở Q.2, tâm sự.
"Để tập cho những bé biếng ăn đi vào nề nếp là rất vất vả. Vì có bé sợ bữa ăn đến mức cương quyết không ngồi vào bàn ăn, có bé chịu ngồi nhưng cương quyết không chịu há miệng cho cô đút cơm, có bé cứ ăn vài miếng là cố tình ói để cô không đút cho ăn nữa.
Trao đổi với phụ huynh thì được biết ở nhà bé cũng cố tình ói để không phải ăn. Phụ huynh nói rất thật thà: Mẹ đã bó tay nên cho con đi học để cô rèn!", cô L. kể.
Béo phì vẫn đi khám vì... chậm tăng cân (?!)
Theo BS chuyên khoa 2 Hoàng Thị Tín - trưởng khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, đối với trẻ từ 0-5 tuổi, nếu người tròn trịa thì nhìn bụ bẫm, đáng yêu. Thế nên, nhiều phụ huynh cứ thích trẻ bụ bẫm mặc dù có bé thừa cân hoặc béo phì. Chưa kể, với những trẻ béo phì nhưng ba mẹ bé lại được ông bà nội, ngoại, người quen, hàng xóm khen là "nuôi con tốt".
Lời khen hay lời chê trách của những người xung quanh gây áp lực rất lớn đối với các bậc phụ huynh trong quá trình nuôi con.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp trẻ bị béo phì nhưng gia đình đưa đến khám với lý do bé biếng ăn và chậm tăng cân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận