23/11/2017 17:35 GMT+7

Vụ tai nạn tàu ngầm bí ẩn của Trung Quốc

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Vụ tai nạn tàu ngầm Argentina lại một lần nữa nhắc người ta nhớ về thảm kịch tương tự tại Trung Quốc vào năm 2003. Đã 14 năm trôi qua, bí ẩn vẫn còn là bí ẩn.

Vụ tai nạn tàu ngầm bí ẩn của Trung Quốc - Ảnh 1.

Tàu ngầm lớp Minh số hiệu 361 trước neo đậu tại cảng nhà - Ảnh: Global Security

Vịnh Bột Hải, một ngày sóng yên gió lặng tháng 4-2003, khi các ngư dân Trung Quốc đang chuẩn bị ra khơi, họ phát hiện một thứ gì đó to lớn màu đen bên dưới mặt nước. Nó to lớn hơn tất cả những con cá mà họ đã từng thấy.

Nhưng rồi họ nhanh chóng nhận ra đó không phải là cá khi nhìn thấy kính tiềm vọng. Nó là một tàu ngầm quân sự của Trung Quốc. 

Cái thông tin chấn động ấy đủ để lan ra khắp các cảng cá trong vịnh Bột Hải nhỏ bé, len lỏi vào từng câu chuyện mỗi sáng, nhưng tuyệt nhiên không ai biết tới điều này cho tới khi quân đội Trung Quốc lên tiếng thừa nhận. Đó cũng là điều dễ hiểu.

Bưng bít

Tối 2-5-2003, Tân Hoa xã chính thức lên tiếng xác nhận Hải quân Trung Quốc đã mất một tàu ngầm lớp Minh trong lúc đang làm nhiệm vụ huấn luyện trên Hoàng Hải. Con tàu mang số hiệu 361, là 1 trong 6 tàu ngầm cùng lớp được biên chế cho Hạm đội Đông Hải (có thông tin nói thuộc Hạm đội Nam Hải).

Nhưng theo một sĩ quan hải quân Trung Quốc giấu tên, con tàu đã chìm từ ngày 16-4-2003, thời điểm các ngư dân phát hiện là 25-4-2003. Nói một cách khác, thông tin đã bị ém ít nhất 2 tuần!

Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận họ không hề biết tới vụ tai nạn cho tới khi Bắc Kinh lên tiếng. Giới chuyên gia quân sự trong ngoài Trung Quốc đều bất ngờ trước vụ tai nạn. Mọi hình ảnh trục vớt con tàu đều là con số 0, danh tính những ngư dân đã phát hiện xác tàu bị giấu kín.

Tất cả những gì người ta được biết tiếp theo đó là hình ảnh Chủ tịch Quân ủy trung ương Giang Trạch Dân và Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào động viên gia đình của các nạn nhân.

Tôi đau đớn và không thể ngủ được khi nhận được tin dữ về tàu ngầm 361 cùng số phận của 70 người trên đó. Họ là những đứa con, những người bảo vệ trung thành của đất mẹ. Chủ nghĩa anh hùng và những cống hiến của họ sẽ mãi mãi được ghi nhớ,

Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Giang Trạch Dân

Việc Bắc Kinh ém thông tin tai nạn đã làm dấy lên nhiều suy đoán, phần lớn dựa trên tiết lộ của một sĩ quan Trung Quốc giấu tên.

Theo đó, thời điểm xảy ra tai nạn trên tàu đang có tổng cộng 70 người, bao gồm 9 sĩ quan và 13 học viên. Việc phải mất tới 10 ngày mới phát hiện ra sự cố là bởi con tàu đang trong một bài huấn luyện cách ly, không liên lạc trên biển.

Nhưng đó có thật sự là một bài huấn luyện bình thường, một lỗi kỹ thuật như tuyên bố và 15 người không phải biên chế của tàu 361 có phải đơn giản chỉ là học viên hải quân? Hàng đống câu hỏi đã được đặt ra, nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng của Bắc Kinh.

Vụ tai nạn tàu ngầm bí ẩn của Trung Quốc - Ảnh 3.

Các tàu ngầm lớp Minh, bao gồm tàu 361, trong một đợt kỷ niệm của Hải quân Trung Quốc - Ảnh: Global Security

1001 giả thuyết

Báo chí phương tây đã theo rất kỹ vụ này nhưng tất cả những gì họ có được từ Trung Quốc đại lục là cùng một nguồn. Không có dấu vết bị tấn công từ bên ngoài hay dấu hiệu của sự hoảng loạn bên trong tàu.

Tàu 361 thuộc lớp Minh, là thế hệ tàu ngầm điện-diesel thứ hai do Trung Quốc tự đóng dựa trên nguyên mẫu là các tàu ngầm lớp Romeo được Liên Xô chuyển giao từ những năm 1960. Còn khoảng 15 tàu ngầm thuộc lớp Minh trong biên chế của Hải quân Trung Quốc.

Nguyên tắc vận hành căn bản của tàu ngầm điện-diesel là "nổi diesel-lặn điện", tức là khi tàu nổi sẽ sử dụng động cơ diesel, khi tàu lặn sẽ sử dụng động cơ điện. Các tàu ngầm chạy bằng động cơ điện-diesel vẫn là lực lượng chủ lực của nhiều nước.

Lý giải không chính thức của một sĩ quan giấu tên cho thấy chuyện gì đã xảy ra vào ngày tàu 361 gặp nạn.

Theo đó, bằng một lý do nào đó, động cơ diesel trên tàu 361 đã không được tắt khi tàu bắt đầu lặn. Chính động cơ này đã đốt hết khí oxy trên tàu, khiến toàn bộ người trên đó chết ngạt. Nhưng giả thuyết này không thuyết phục, bởi trên các tàu ngầm lớp Romeo đều có bộ cảm biến cắt nguồn cung dầu cho động cơ diesel nếu áp suất bên trong giảm xuống dưới mức cho phép. Trừ khi Trung Quốc không lắp đặt bộ cảm biến này hoặc bộ cảm biến trên tàu 361 không hoạt động mới dẫn tới thảm kịch.

Một giả thuyết khác cũng được dư luận quan tâm, đó là việc phải chăng nước biển đã rò rỉ vào hệ thống ắc-quy cung cấp năng lượng cho tàu và đã làm phát sinh khí độc chlorine?

Những thuyết âm mưu khác được đưa ra bao gồm con tàu đang tiến hành một thí nghiệm bí mật, 15 người "dư" thực chất là các nhà khoa học quân sự. Thí nghiệm thất bại và dẫn tới thảm kịch.

Vụ tai nạn tàu ngầm bí ẩn của Trung Quốc - Ảnh 5.

Tàu ngầm 361 - Ảnh chụp màn hình

Một cuộc điều tra đã được mở ngay sau thảm kịch, do Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Quách Bá Hùng đứng đầu. Kết quả dẫn tới sự ra đi của một loạt các quan chức cấp cao như Tư lệnh hải quân Trung Quốc Đô đốc Thạch Vân Sinh, Chính ủy Dương Hoài Thanh, Tư lệnh Hạm đội Bắc Hải Đinh Nhất Bình, Chính ủy Hạm đội Bắc Hải Trần Tiên Phong.

Đây được xem là vụ kỷ luật lớn nhất trong lịch sử hiện đại của Hải quân Trung Quốc nhưng tuyệt nhiên không hề có lời giải chính thức.

Sau thảm kịch, Hải quân Trung Quốc đã quyết định thành lập một hải đoàn cứu hộ tàu ngầm trực thuộc Hạm đội Bắc Hải. Nhưng câu trả lời thật sự của thảm kịch tàu 361 đã chìm xuống biển cùng nó cách đây 14 năm.

Các tai nạn tàu ngầm thảm khốc trong lịch sử nhân loại

Không tính các tàu ngầm bị mất trong chiến tranh, thế giới đã chứng kiến cả chục vụ tai nạn tàu ngầm nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người. Thống kê sau cho thấy đa số là các tàu ngầm của Liên Xô (sau này là Nga) và Mỹ.

Tàu ngầm USS Thresher (Mỹ, 1963): 129 người chết;

Tàu ngầm Kursk (Nga, 2000): 118 người chết;

Tàu ngầm USS Scorpion (Mỹ, 1969): 99 người chết;

Tàu ngầm K-129 (Liên Xô, 1968): 98 người chết;

Tàu ngầm K-8 (Liên Xô, 1970): 52 người chết.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên