09/11/2023 06:16 GMT+7

Vụ nhà toán học 'bán' bài báo khoa học: Đã góp phần tạo ra giá trị ảo

Hai đại học mua bài báo khoa học của PGS.TS Đinh Công Hướng có mục đích rất rõ, trong đó có việc tạo ra một ảo giác về sức mạnh nghiên cứu của mình. Như vậy PGS.TS Hướng có vi phạm liêm chính học thuật. Đó là ý kiến của GS.TS Lương Văn Hy.

PGS.TS Đinh Công Hướng - Ảnh: THƯƠNG NGUYỄN

PGS.TS Đinh Công Hướng - Ảnh: THƯƠNG NGUYỄN

Gần đây, trên truyền thông chính thức cũng như phi chính thức, đã có nhiều tranh luận trái chiều về chuyện mua bán sản phẩm học thuật, cụ thể là trường hợp PGS.TS Đinh Công Hướng "bán" 21 trong 69 công trình công bố quốc tế trên các tạp chí ISI/Scopus của PGS cho hai trường đại học.

Trong 21 bài báo này, PGS Hướng vẫn là tác giả, nhưng tên đại học thì ghi là hai trường đại học này thay vì Trường đại học Quy Nhơn - cơ quan chủ quản của PGS Hướng cho đến tháng 3-2023.

Tranh luận trái chiều

Những người ngoài cộng đồng học thuật thì cho rằng vụ việc không có vấn đề gì, vì PGS Hướng đã hoàn thành nghĩa vụ giảng dạy và nghiên cứu với Trường đại học Quy Nhơn.

21 bài được bán cho hai trường đại học có thể được xem là công việc làm thêm, không sử dụng cơ sở của trường chủ quản, để tăng thu nhập và để lo cho gia đình trong bối cảnh thu nhập khiêm tốn của các giảng viên ở các đại học công lập.

Hơn nữa, Trường đại học Quy Nhơn cũng như các đại học công lập không cấm hay không thể cấm việc làm thêm của cán bộ của mình, như việc dạy thêm hay cộng tác nghiên cứu ở các đại học hay cơ sở nghiên cứu khác.

Trong cộng đồng học thuật, đại đa số ý kiến cũng cho là ông Hướng không vi phạm liêm chính học thuật khi Trường đại học Quy Nhơn không cấm giảng viên làm thêm, cộng tác nghiên cứu tại nơi khác, và ông Hướng cũng không sử dụng cơ sở của trường chủ quản để nghiên cứu, viết 21 bài ghi tên hai đại học khác thay vì Trường đại học Quy Nhơn.

Một vài người thậm chí còn phản biện một số ý kiến không thuận chiều cho PGS Hướng, rằng những ý kiến này "đang áp đặt chuẩn mực của phương Tây hay nước ngoài vào môi trường học thuật Việt Nam".

Quan điểm của tôi là có những quy tắc đạo đức phổ quát trong cộng đồng học thuật mà thành viên phải tuân thủ, ngay cả khi đây là quy tắc bất thành văn.

Cụ thể hơn, hai đại học mua bài báo khoa học quốc tế của PGS Hướng, cũng như của nhiều người khác, có mục đích rất rõ: đấy là để thổi phồng khả năng nghiên cứu của đội ngũ cán bộ, để tăng hạng trong các bảng xếp hạng đại học, để tạo cho công chúng một ảo giác về sức mạnh nghiên cứu của mình và để thuận lợi hơn trong công việc tuyển sinh.

Như thế có vi phạm liêm chính học thuật hay không? Rõ ràng là có!

Vi phạm

Tại những đại học ở Bắc Mỹ, một trưởng khoa hay một hiệu trưởng mua một hay vài bài như thế, đứng tên khoa hay trường mình, hay làm những việc không trung thực tương tự dù không phải để tư lợi cá nhân cũng sẽ mất chức ngay, không cần biết đại học có văn bản cấm những việc như thế hay không.

Nếu hai trường đại học có ký hợp đồng để PGS.TS Đinh Công Hướng làm việc một phần thời gian tại đại học của mình và ông Hướng có thực sự đóng góp cho cộng đồng nghiên cứu ở hai trường đại học này, đồng thời ông cũng báo cáo đầy đủ với trường chủ quản, thì đây đúng là việc làm thêm, minh bạch và công khai, không vi phạm hợp đồng với trường chủ quản và không vi phạm liêm chính học thuật.

Nhưng theo như những thông tin hiện nay, không có hợp đồng như thế và không có việc thực hiện hợp đồng như thế.

Nếu chỉ là mua danh thuần túy của hai đại học và người bán bài không thực sự tham gia cộng đồng học thuật tại hai đại học mua bài và không có mặt tại hai đại học này một số ngày trong năm, trừ bối cảnh đại dịch COVID-19, thì trường đại học mua bài vi phạm liêm chính học thuật.

Còn người bán bài biết như thế mà vẫn bán là tiếp tay cho sự vi phạm này.

Tóm lại, thủ phạm chính là lãnh đạo hai trường đại học mua bài. Tuy nhiên, người bán bài biết rõ như thế mà vẫn bán thì không phải là vô can. Quỹ Nafosted và lãnh đạo cộng đồng học thuật cần có những thông điệp rõ ràng để xác định những nguyên tắc về liêm chính khoa học cho cộng đồng học thuật Việt Nam.

Đánh giá cao việc "tự xử"

Dựa vào thông tin hiện có, tôi thấy PGS.TS Đinh Công Hướng là một nhà khoa học rất nghiêm túc, có những thành quả khoa học được trân trọng. Khi có những lời ra tiếng vào, ông Hướng đã ngay lập tức nộp đơn xin rút khỏi hội đồng ngành ở Quỹ Nafosted.

Đây là điều cần được đánh giá cao.

Chấp thuận để PGS.TS Đinh Công Hướng rút khỏi hội đồng ngành toán

Chiều 8-11, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted) có thông cáo chính thức về việc PGS.TS Đinh Công Hướng xin rút khỏi hội đồng khoa học ngành toán học.

Theo đề nghị của giám đốc cơ quan điều hành quỹ, ngày 7-11 hội đồng khoa học đã tổ chức họp để xem xét đề nghị của PGS.TS Đinh Công Hướng.

Sau khi thảo luận các khía cạnh liên quan đề nghị của ông Đinh Công Hướng, đối chiếu với quy định về liêm chính nghiên cứu đối với việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Quỹ Nafosted tài trợ, hỗ trợ, các thành viên hội đồng khoa học thống nhất kiến nghị quỹ để PGS.TS Đinh Công Hướng thôi không tham gia hội đồng.

Căn cứ kiến nghị của hội đồng khoa học, quỹ sẽ tiến hành các thủ tục để PGS.TS Đinh Công Hướng thôi không tham gia hội đồng khoa học ngành toán học nhiệm kỳ 2022 - 2024.

Trước đó, ngày 31-10 giám đốc Cơ quan điều hành Quỹ Nafosted và hội đồng khoa học ngành toán học nhiệm kỳ 2022 - 2024 của quỹ nhận được đề nghị của ông Hướng xin được rút khỏi hội đồng với lý do có hợp tác nghiên cứu khoa học vì kinh tế với Trường đại học Tôn Đức Thắng và Trường đại học Thủ Dầu Một, gây ảnh hưởng đến uy tín của hội đồng.

Quỹ Nafosted khẳng định ủng hộ mạnh mẽ việc đảm bảo liêm chính trong hoạt động khoa học công nghệ, góp phần tạo dựng môi trường nghiên cứu chuẩn mực, hội nhập quốc tế tại Việt Nam.

Lãnh đạo Quỹ Nafosted: Sẽ xử lý rất cẩn trọng vụ nhà toán học bị tố bán bài nghiên cứuLãnh đạo Quỹ Nafosted: Sẽ xử lý rất cẩn trọng vụ nhà toán học bị tố bán bài nghiên cứu

Lãnh đạo Quỹ Nafosted (Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia) cho biết đã nhận đơn xin rút khỏi hội đồng ngành toán của PGS.TS Đinh Công Hướng và trân trọng đề nghị của nhà toán học này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên