28/07/2023 09:55 GMT+7

Vụ 'chuyến bay giải cứu': Bị cáo Kiên và Hưng sẽ đối diện mức án nào?

Trong vụ án "chuyến bay giải cứu", cựu thư ký thứ trưởng Phạm Trung Kiên là người duy nhất trong nhóm tội nhận hối lộ bị đề nghị án tử hình.

Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng và cựu thư ký Phạm Trung Kiên tại phiên tòa - Ảnh: NAM ANH

Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng và cựu thư ký Phạm Trung Kiên tại phiên tòa - Ảnh: NAM ANH

Còn cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng là người duy nhất phản bác các cáo buộc từ cơ quan truy tố, một mực kêu oan.

Sau 12 ngày thẩm vấn và tranh luận, 6 ngày nghị án, dự kiến chiều nay (28-7) hội đồng xét xử (HĐXX) phiên tòa "chuyến bay giải cứu" sẽ phán quyết mức hình phạt đối với cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, cựu thư ký của thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên, cựu trưởng phòng an ninh Hoàng Văn Hưng cùng 51 bị cáo. 

Trong một tuần tòa nghỉ nghị án, diễn biến vụ án xuất hiện một số tình tiết mới và những tình tiết này có được HĐXX xem xét khi lượng hình?

Khắc phục hơn 42 tỉ có thoát án tử?

Một trong những diễn biến mới phát sinh khi tòa nghỉ nghị án là ngày 24-7, chị gái của cựu thư ký Phạm Trung Kiên đã nộp thêm 7 tỉ đồng để khắc phục hậu quả hành vi nhận hối lộ trong vụ án "chuyến bay giải cứu". 

Như vậy, trong số hơn 42,6 tỉ đồng nhận hối lộ, Phạm Trung Kiên và người thân đã trả lại và nộp khắc phục hậu quả hơn 42,2 tỉ.

Trong thời gian nghị án, một bức tâm thư có chữ ký của 71 cán bộ, giáo viên thuộc Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội) được gửi đến HĐXX bày tỏ mong muốn cấp sơ thẩm xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho ông Chử Xuân Dũng - cựu phó chủ tịch UBND TP Hà Nội. Ông Dũng bị đề nghị 3-4 năm tù với cáo buộc nhận hối lộ 2 tỉ đồng.

Trao đổi về vấn đề trên, luật sư Nguyễn Minh Long (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng theo điều 5 nghị quyết 03 năm 2020 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao có quy định ba nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ. 

Trong số này, trường hợp người phạm tội tham ô tài sản hoặc nhận hối lộ chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt. 

Do đó, trước khi tuyên án, nếu Phạm Trung Kiên nộp lại 3/4 số tài sản đã nhận hối lộ và được tòa ghi nhận một trong hai tình tiết là "hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm" hoặc "lập công lớn" thì về nguyên tắc bị cáo này có thể thoát án tử hình.

Thế nhưng, một số chuyên gia pháp lý cũng phân tích: trong trường hợp bị cáo Kiên không hội đủ các điều kiện nêu tại nghị quyết số 03, dù bị cáo đã nộp lại số tiền nhận hối lộ nhưng không được tòa ghi nhận tình tiết "hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm" và "lập công lớn" thì "cũng không chắc chắn" thoát mức án cao nhất.

Còn về đơn xin giảm nhẹ cho ông Dũng, luật sư Long cho biết việc 71 cán bộ, giáo viên gửi đơn xin giảm nhẹ cho bị cáo không nằm trong các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Bộ luật 

Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, luật cũng quy định tòa án có thể xem xét các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án. Do đó những lá đơn của các cán bộ, giáo viên về việc xin giảm nhẹ hình phạt này "có thể được xem là tình tiết giảm nhẹ nếu tòa án chấp thuận".

Vẫn một mực kêu oan

Quá trình xét xử vụ án "chuyến bay giải cứu", hầu hết các bị cáo đều thừa nhận tội danh bị truy tố, nhưng có hai bị cáo không thừa nhận là cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng và Ngô Quang Tuấn (cựu chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Giao thông vận tải). 

Tuy nhiên, trong phần đối đáp, ông Tuấn "quay xe" thừa nhận có nhận tiền của đại diện các doanh nghiệp xin cấp phép chuyến bay. Ông Tuấn bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 1,8 tỉ đồng để giúp doanh nghiệp sớm có văn bản gửi Bộ Ngoại giao và bị đề nghị 5-6 năm tù.

Còn Hoàng Văn Hưng vẫn một mực kêu oan, khi nói lời sau cùng còn cho rằng "đánh đổi cả mạng sống để tìm lại sự trong sạch cho bản thân". Thế nhưng theo VKS, quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Anh Tuấn đều khai đã đưa cho Hưng hơn 2,2 triệu USD. 

Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định chỉ đủ căn cứ kết luận Hưng nhận 800.000 USD, còn lại hơn 1,4 triệu USD chưa đủ kết luận Hưng nhận số tiền này. Kiểm sát viên đưa ra nhiều phân tích và khẳng định đã thận trọng, khách quan, áp dụng tối đa nguyên tắc suy đoán vô tội với số tiền hơn 1,4 triệu USD, còn số tiền 800.000 USD Hưng bị cáo buộc chiếm đoạt thì "không có căn cứ để áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội".

Các bị cáo đã nộp hơn 130 tỉ đồng và 1,85 triệu USD khắc phục hậu quả

Cơ quan tố tụng cáo buộc 21 cựu quan chức trong vụ "chuyến bay giải cứu" đã nhận hối lộ 515 lần với 165 tỉ đồng. Và theo thống kê, đến trước khi tuyên án, tổng số tiền 54 bị cáo đã nộp khắc phục hậu quả là hơn 130 tỉ và 1,85 triệu USD. Trong đó nhóm bị cáo nhận hối lộ đã nộp lại hơn 90 tỉ.

Ngoài Phạm Trung Kiên, người nộp lại số tiền nhiều nhất trong nhóm tội này là bị cáo Vũ Anh Tuấn (phó phòng tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an), đã khắc phục 20 tỉ. Cựu thứ trưởng Tô Anh Dũng đã nộp lại 16 tỉ.

Một số bị cáo đã nộp lại toàn bộ số tiền hưởng lợi để khắc phục hậu quả gồm: Nguyễn Quang Linh (cựu trợ lý phó thủ tướng Chính phủ) nộp hơn 4,4 tỉ; Trần Văn Dự (cựu cục phó Cục Xuất nhập cảnh) nộp hơn 3,1 tỉ; Chử Xuân Dũng nộp hơn 2 tỉ... Riêng bị cáo Hoàng Văn Hưng đến nay chưa nộp khoản tiền nào.

Chiều nay tuyên án 54 bị cáo vụ chuyến bay giải cứuChiều nay tuyên án 54 bị cáo vụ chuyến bay giải cứu

Dự kiến 14h chiều nay, tòa án sẽ tuyên án đối với 54 bị cáo vụ chuyến bay giải cứu. Mời bạn đọc xem lại mức án mà đại diện viện kiểm sát đề nghị đối với các bị cáo.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên