22/05/2014 07:49 GMT+7

Vụ án oan được bồi thường nhiều nhất

Ông NGÔ ANH DŨNG (phó chánh tòa dân sự, TAND tối cao)
Ông NGÔ ANH DŨNG (phó chánh tòa dân sự, TAND tối cao)

TT - Đi tù oan 3 năm, ra tù đã được 13 năm, ông Lương Ngọc Phi (66 tuổi, ngụ tại phường Quang Trung, TP Thái Bình) vẫn chưa nhận được tiền bồi thường oan sai dù bản án tuyên ông được bồi thường 21,4 tỉ đồng đã có hiệu lực chín tháng nay.

Một ngày tù oan bồi thường 115.000 đồng?Tòa Hà Nội xin lỗi một người dân sau 14 năm bị oanBồi thường oan sai: con đường nhọc nhằn

3Saz0VyC.jpgPhóng to
Ông Lương Ngọc Phi trình bày mong muốn nhanh chóng được bồi thường tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình chiều 16-5 - Ảnh: T.Lụa

Ông Lương Ngọc Phi nguyên là giám đốc Công ty khai thác chế biến nông hải sản xuất nhập khẩu Hòa Bình. Ngày 1-5-1998, ông Phi bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình khởi tố, bắt tạm giam về hai tội trốn thuế và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa. Toàn bộ tài sản của ông gồm nhà xưởng, ôtô, hàng trăm ký hàng hóa nông sản... đều bị phát mại.

Tháng 9-1999, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Thái Bình đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt ông Phi 17 năm tù về cả hai tội nêu trên. Hội đồng xét xử nhận định ông Lương Ngọc Phi đã vay của Ngân hàng Công thương hơn 8,5 tỉ đồng. Số tiền này ông Phi dùng để kinh doanh, đầu tư, trả ngân hàng, một phần bị người khác chiếm đoạt. Còn lại hơn 985 triệu đồng ông Phi không chứng minh được đã dùng vào việc kinh doanh hoặc bị chiếm dụng, không có nguồn nào đảm bảo khả năng trả nợ và cũng không có khả năng trả nợ, vì vậy tòa tuyên buộc ông Phi phải chịu trách nhiệm về số tiền 985 triệu đồng nêu trên.

16 năm mòn mỏi với các cơ quan tố tụng

" Hồ sơ vụ việc của ông Lương Ngọc Phi đang được tòa dân sự xem xét và báo cáo với lãnh đạo TAND tối cao"

Ông Phi kháng cáo. Tại bản án phúc thẩm ngày 25-4-2000, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội nhận định ông Lương Ngọc Phi vay tiền của ngân hàng để kinh doanh trong nhiều năm. Việc ông Phi chưa trả tiền là có nguyên nhân khách quan và chính đáng như làm ăn thua lỗ, bị chiếm đoạt, đầu tư xuống các hợp tác xã... do đó hành vi của ông Phi không cấu thành tội. Số tiền ông Phi còn nợ ngân hàng phải thanh toán chỉ là trách nhiệm dân sự. Việc tòa án cấp sơ thẩm kết án đối với ông Lương Ngọc Phi là có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ dân sự. Tòa tối cao đã tuyên ông Phi không phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa và hủy phần tội trốn thuế để điều tra lại.

Tháng 3-2001 ông Phi được ra tù. Tháng 12-2003, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Lương Ngọc Phi vì hành vi trốn thuế không cấu thành tội phạm. Năm 2006, TAND tỉnh Thái Bình đã tổ chức xin lỗi công khai ông Phi tại UBND xã Hòa Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Từ năm 2004, ông Lương Ngọc Phi đã có đơn gửi TAND tỉnh Thái Bình yêu cầu tòa bồi thường các thiệt hại về tổn thất tinh thần, thiệt hại thực tế thu nhập bị mất, thiệt hại do bị giam giữ, tài sản bị tịch thu, kê biên. Hai bên đã thương lượng nhưng không đi đến thống nhất. Năm 2007, ông Lương Ngọc Phi khởi kiện TAND tỉnh Thái Bình. Nhận thấy vụ việc phức tạp, TAND TP Thái Bình khi thụ lý vụ án đã tách vụ kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản riêng, yêu cầu bồi thường do bị ngồi tù oan riêng. Năm 2010, TAND tỉnh Thái Bình đã bồi thường cho ông Phi 600 triệu đồng, đây là số tiền bồi thường do ông Phi bị bắt giam oan và thu nhập bị mất.

Riêng vụ kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản, sáu năm kể từ ngày khởi kiện mới được đưa ra xét xử. Ngày 26-8-2013, TAND TP Thái Bình đã tuyên TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Lương Ngọc Phi số tiền hơn 21,4 tỉ đồng.

Sau khi có bản án, ông Lương Ngọc Phi đã liên tục làm đơn gửi TAND tỉnh Thái Bình đề nghị chi trả tiền bồi thường. Tháng 12-2013, TAND tỉnh Thái Bình gửi công văn trả lời ông Lương Ngọc Phi hồ sơ của ông đã được gửi đến TAND tối cao từ tháng 10-2013, hiện đang chờ TAND tối cao thẩm định và bổ sung kinh phí nên chưa có tiền chi trả cho ông được.

Ông Phi gửi đơn đến TAND tối cao. Tháng 12-2013, cơ quan này trả lời ông Phi nội dung yêu cầu bồi thường thuộc thẩm quyền của TAND tỉnh Thái Bình và đề nghị TAND tỉnh Thái Bình xem xét giải quyết.

“Vẫn đang xem xét”

Trả lời đơn của ông Lương Ngọc Phi, Trung tâm hỗ trợ thực hiện quyền yêu cầu bồi thường Cục Bồi thường nhà nước cho biết TAND tỉnh Thái Bình là cơ quan hoạt động từ nguồn ngân sách nhà nước trung ương, theo quy định tại điều 3, thông tư liên tịch số 71 của liên bộ Tài chính - Tư pháp thì nguồn kinh phí bảo đảm chi trả tiền bồi thường cho ông Phi là từ ngân sách trung ương do Bộ Tài chính quản lý. Trường hợp TAND tỉnh Thái Bình không ứng dự toán để trả tiền bồi thường thiệt hại cho ông Phi thì thủ tục cấp kinh phí bồi thường được thực hiện theo quy định tại khoản 1, điều 54 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và khoản 2, điều 6 thông tư liên tịch số 71. Theo đó, trong năm ngày làm việc kể từ ngày bản án giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật, TAND tỉnh Thái Bình phải chuyển hồ sơ đến TAND tối cao để TAND tối cao kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, sau đó TAND tối cao có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị cấp kinh phí bồi thường. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì TAND tối cao hướng dẫn TAND tỉnh Thái Bình bổ sung hồ sơ, thời hạn bổ sung không quá 15 ngày.

Luật quy định rõ ràng về thời hiệu như vậy nhưng cho đến nay bản án có hiệu lực đã chín tháng, ông Phi vẫn chưa nhận được tiền bồi thường. Ngày 16-5, trả lời PV Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Sen (chánh án TAND tỉnh Thái Bình) cho biết hồ sơ vụ việc ông Lương Ngọc Phi đã được chuyển đến TAND tối cao để thẩm định. “Theo nguyên tắc của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, bản án phải được TAND tối cao xem xét xem có phải kháng nghị giám đốc thẩm hay không. Nếu không có kháng nghị thì sẽ tiến hành chi trả tiền cho ông Phi. Chúng tôi cũng đã làm hết trách nhiệm rồi, hiện chúng tôi đang chờ ý kiến của TAND tối cao”.

“Đến nay bản án đã có hiệu lực chín tháng mà các cơ quan chưa trả tiền bồi thường cho tôi. Người dân không thực hiện nghĩa vụ thì bị Nhà nước cưỡng chế, còn Nhà nước chậm trễ thì chẳng có chế tài nào, chẳng ai bị xử lý cả. Tôi bị bắt giam oan, tài sản bị phát mại với giá rẻ mạt, ra tù cuộc sống của tôi rất khó khăn. Hàng chục năm qua tôi chỉ biết đi kiện. Tôi thật sự rất mệt mỏi, rất ngao ngán vì chờ đợi các cơ quan tố tụng từ năm này qua năm khác. Không biết khi nào tôi mới nhận được số tiền bồi thường?” - ông Phi nói.

Ông NGÔ ANH DŨNG (phó chánh tòa dân sự, TAND tối cao)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên