Cao Đức Thái (áo đen) và bạn trên hành trình chạy bộ xuyên Việt cổ vũ văn hóa đọc năm 2014 - Ảnh: NVCC
Đầu năm 2014, chàng trai Cao Đức Thái cùng một số người bạn tổ chức chạy bộ xuyên Việt nhằm cổ vũ văn hóa đọc và xây dựng các câu lạc bộ Sách và hành động.
Quãng đường từ Hà Nội vào TP.HCM dài 1750km được Thái chinh phục trong 30 ngày (60km/ngày).
Đến nay, Thái đã xây dựng được 250 câu lạc bộ Sách và hành động. Năm 2016, Cao Đức Thái được Forbes Việt Nam vinh danh là một trong 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật tại Việt Nam với dự án Sách và hành động cùng các hoạt động bảo vệ môi trường.
Mới đây, đạo diễn Hồ Chí Cường thuộc Trung tâm phim tài liệu và phóng sự - VTV thực hiện bộ phim tài liệu Hành trình truyền lửa để ghi nhận những đóng góp của Cao Đức Thái từ hành trình chạy bộ xuyên Việt đến lan tỏa văn hóa đọc.
Phim dự kiến phát sóng trên sóng truyền hình VTV vào 24-3 nhưng phải tạm hoãn bởi cộng đồng mạng đặt nhiều nghi vấn về tính trung thực của hành trình chạy bộ xuyên Việt trong 30 ngày.
Chiều 23-3, Cao Đức Thái đồng ý trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ Online - lần đầu tiên lên tiếng giải đáp băn khoăn của cộng đồng mạng.
* Hiện đang có nhiều ý kiến đặt nghi vấn về tính trung thực hành trình chạy xuyên Việt cổ vũ đọc sách của anh năm 2014. Quan điểm của anh ra sao?
- Tôi có được biết các ý kiến khác nhau về hành trình chạy bộ xuyên Việt cổ vũ đọc sách của tôi.
Trên trang Facebook cá nhân của tôi cũng có một số ý kiến bình luận khác nhau về chuyện này. Người nghi ngờ, người tin tưởng.
Tôi dự định sau bộ phim được phát sóng, tôi sẽ lên tiếng giải thích về các thắc mắc của mọi người. Tôi có giải thích phương pháp chạy trong bộ phim nên mong rằng khi xem xong, mọi người sẽ hiểu rõ ràng hơn.
Mọi người đặt câu hỏi nghi ngờ về việc tôi chạy trung bình 60km/ngày là hoàn toàn dễ hiểu vì đúng là việc này hơi khó tưởng. Trông dáng tôi thì thư sinh, dáng chạy thì như người mới tập, vậy thì sao có thể chạy được?
Lúc lên kế hoạch, tôi cũng nhiều lần hoang mang không biết làm cách nào có thể thực hiện được hành trình này.
Cao Đức Thái (áo xanh) cùng bạn nghỉ dọc đường chạy bộ xuyên Việt - Ảnh: NVCC
* Cộng đồng những người chạy bộ đường dài cho rằng việc chạy trung bình 60km/ngày là không thực tế. Anh phản hồi lại các ý kiến này ra sao?
- Thực ra, lúc đầu tôi đặt mục tiêu chạy xuyên Việt 1.750km trong 30 ngày. Sau đó tôi mới tìm hiểu phương pháp chạy thế nào để đạt được mục tiêu đó. Tôi bắt đầu nghỉ việc và tập luyện từ đầu tháng 7-2013, chính thức chạy vào 29-12-2013. Vậy là mất 6 tháng luyện tập.
Đầu tiên khi tập luyện, tôi thử chạy khoảng 15-20km liên tục nhưng được khoảng một vài tuần thấy oải quá nên không chạy được. Lúc này tôi thấy hoang mang lắm. Làm sao chạy được 60km liên tục đây?
Sau đó tôi tìm hiểu trên thế giới đã ai từng chạy như vậy hay chưa. Tôi tìm được ông Stu Mittleman, người đã lập kỷ lục khi chạy 1.609km trong 11 ngày 20 giờ 36 phút.
Anthony Robbins đã mô tả phương pháp chạy của ông qua cuốn sách Awaken the giant within (Đánh thức con người phi thường trong bạn).
Đa số mọi người luyện tập theo phương pháp kỵ khí, tức chạy một loạt vài chục kilômet, phát huy sức mạnh một lúc.
Tôi chọn luyện tập theo phương pháp thân khí mà Stu Mittleman đề xuất, tức chạy mỗi đợt ngắn 5-10km, sau đó nghỉ để lấy lại sức và lại chạy tiếp 5km.
Sau này, tôi hỏi kinh nghiệm của Mai Nguyễn Đình Huy, người đã từng cùng Pat Farmer thực hiện chuyến chạy bộ xuyên Việt năm 2012. Huy cũng chia sẻ kinh nghiệm tương tự "Thái nên chạy 10km đầu, sau đó nghỉ ngơi, ăn uống lấy sức, rồi lại chạy từng nhịp 5km".
Tôi biết ơn Huy vì phương pháp này lắm. Và từ đó tôi bắt đầu luyện tập ở công viên Thống Nhất. Sáng chạy vài tiếng, chiều tối chạy vài tiếng.
Đến cuối năm 2013, tôi đã có thể chạy 50km/ngày (sáng 25km và chiều tối 25km).
Trước đợt chạy chính thức khoảng 2 tuần, tôi cùng 3 bạn khác thực hiện chạy bộ từ Hà Nội về Vinh gồm 300km trong 5 ngày, tức 60km/ngày. Lúc đó tôi mới có chút yên tâm mình có hi vọng làm được việc này.
Khi chạy bộ xuyên Việt, tôi đưa ra một cách chạy là buổi sáng chạy khoảng 10km đầu tiên, hết khoảng 1 tiếng, sau đó tôi dừng lại ăn sáng và rồi lại chạy tiếp. Cứ chạy 5km tôi nghỉ một lần, để bổ sung năng lượng, uống bột protein, bổ sung muối và các thức ăn khác.
Tổng thời gian vừa chạy, vừa nghỉ trong ngày của tôi khoảng 10 tiếng và sẽ đạt khoảng 60km/ngày.
Thái cho biết trên hành trình anh phải nhiều lần truyền nước để có thể tiếp tục - Ảnh: NVCC
* Không ít người chạy bộ đường dài đặt câu hỏi vì sao anh không đưa ra dữ liệu định vị (tracklog) chứng minh tính trung thực của hành trình?
- Trước khi tôi chạy bộ xuyên Việt, có người nói nên cài phần mềm để chứng minh cho mọi người nhưng khi đó tôi đã không cài. Vì tôi nghĩ đơn giản rằng nếu muốn lừa dối thì có nhiều cách lắm. Ví dụ chúng tôi phân chia nhau từng người trong đoàn mang điện thoại có cài phần mềm và chạy mỗi người 10km luân phiên nhau, người còn lại sẽ lên xe máy đi.
Có vài lần, khi thấy tôi chạy quá mệt, có thành viên trong đoàn đã khuyên tôi lên xe máy đi vì chỉ còn vài trăm mét nữa. Nhưng tôi quát rằng tôi chạy vì điều gì mà phải làm vậy.
Tôi thấy chính những người trong đoàn vừa hỗ trợ nhưng cũng vừa giám sát, là minh chứng rõ ràng nhất trong hành trình này.
* Còn ngày cuối cùng của hành trình, anh nói chạy được 105km. Điều này lại càng khó tin hơn?
- Lúc đầu, mọi người mới nghe thông tin này có thể sẽ thấy phi lý. Có lẽ mọi người nghĩ tôi chạy trong thời gian ngắn. Nhưng thực ra tôi chạy từ 6h sáng hôm trước đến khoảng 10h sáng hôm sau.
Như vậy tôi chạy 30 giờ mới hết 105km.
Đài truyền hình Việt Nam cũng đã quyết định tạm lùi thời gian công chiếu bộ phim này vì có nhiều ý kiến nghi ngờ quá. Sau đó tôi và đoàn chạy xuyên Việt sẽ có cuộc đối thoại với cộng đồng những người chạy bộ đường dài và mọi người quan tâm khác. Chúng tôi sẽ giải đáp hết thắc mắc của mọi người về hành trình này.
Tháng 4-2018 tới đây, tôi dự định sẽ tổ chức cuộc chạy Hà Nội - Thanh Hóa, quãng đường dài 200km trong 3 ngày để những người cùng tham gia có thể trải nghiệm phương pháp chạy chúng tôi đã từng áp dụng trước đây.
Tôi sẽ mời những bạn trong các cộng đồng chạy bộ đường dài tham gia cùng nữa.
Trên Facebook cá nhân của Cao Đức Thái và Hội những người thích chạy đường dài cũng bàn luận sôi nổi về hành trình chạy bộ xuyên Việt khó tin của Cao Đức Thái.
Anh Tạ Mạnh Hưng phân tích tỉ mỉ ba nghi vấn: "Ai đã từng chạy marathon đều biết rõ sự khắc nghiệt của chặng đường 42,195km đối với hệ thống xương khớp, gân cơ, nhịp tim, sức khỏe và công việc bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể. Nhìn thần thái, dáng chạy và đồ nghề của Thái, tôi không tin rằng anh ấy đã chạy xuyên Việt trong 30 ngày. Hiện Thái chưa đưa ra được tracklog để ghi nhận hành trình ấy".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận